Monday, June 9, 2008

Vị Giám Mục Uy Dũng


Cố Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền
8/6/2003 - 8/6/2008

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II gọi Cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền là "Vị Giám mục Uy Dũng" khi Đức Giám Mục đến Rome tham dự cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1980.

Đức Giám mục Nguyễn Kim Điền được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám Quản Tổng Giáo Phận Huế từ năm 1964, và chính thức giữ chức Tổng Giám Mục năm 1968. Trong suốt thời gian giữ nhiệm vụ Chủ chăn tại Tổng Giáo Phận Huế, Ngài đã trải qua nhiều thời kỳ đầy sóng gió nơi đất Thần kinh như: biến cố Tết Mậu Thân năm 1968 với hàng ngàn giáo dân bị cộng sản sát hại, một số linh mục bị chôn sống gồm có Linh mục Bửu Đồng (Chánh xứ An Truyền), LM Hoàng Ngọc Bang, LM Guy và LM Urbain Dòng Biển Đức Thiên An, linh mục Thừa Sai là Cha Croissonier. Mùa hè Đỏ lửa năm 1972 với khu Thánh Địa Lavang trở nên bình địa, thị xã Quảng Trị đổ nát kéo theo nhiều Thánh Đường của các giáo xứ cũng tiêu tan, rồi đến mùa xuân 1975, đất Thần Kinh bỏ ngỏ để cộng quân vào chiếm thành phố Huế ngày 26-3-1975. Lúc bấy giờ Giáo phận Huế chỉ còn lại 6 linh mục. Vừa chiếm được thành phố Huế, Mặt trận Tổ Quốc Viêt Nam tại Huế có mời ngài tham dự cuộc Met-tinh chào mừng cái gọi là ngày "Huế Giải Phóng", ngài đã bày tỏ niềm vui trong an phận, khi một phần đất nước, trong đó có Huế đã được hòa bình, hết chiến tranh, hết cảnh nồi da xáo thịt, ít ra thì cũng tạm ổn. Ngài phổ biến tập sách "Tôi Vui Sống" để mọi Kitô hữu thuộc Giáo phận Huế, cùng lấy đó làm niềm vui cho cuộc sống Đức Tin, mà ngài biết chắc chắn là bao khó khăn sẽ bao trùm lên đời sống người Kitô hữu. Với tính vị tha, ngài luôn chủ trương sống ''Mình vì Mọi Người" và luôn tôn trọng mọi người trong tinh thần Đức Ái. Nhiều người còn nhớ, Ngài cũng đã từng bị các tạp chí thế giới gọi ngài là: "Giám mục Đỏ" trong dịp ngài đến Rome họp Hội Nghị Caritas Quốc Tế vào năm 1967, khi họ hỏi ngài nghĩ gì về cọng sản Việt Nam, ngài đã nói:

"Những người Cộng sản Việt Nam cũng là người anh em của tôi".

Ngài tuyệt đối trung thành với Giáo hội Hoàn Vũ dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha. Với chủ trương này, nên ngài luôn luôn bảo vệ nền Độc Lập và Tự Chủ của Giáo Hội. Muốn bảo vệ được điều này, dĩ nhiên phải dấn thân vào cuộc tranh đãu đòi Tự do Tôn giáo khi đang sống dưới chế độ cộng sản.

Tháng 9 năm 1975, ngài đi Hà nội để chào thăm Đức Hồng Y Trịnh Như Khuê, vị Hồng y tiên khởi của Giáo Hội Việt Nam. Trong chuyến đi Bắc lần này, ngài cảm nhận rằng, dưới chế độ cộng sản, Giáo Hội đã bị mất hết mọi quyền Tự do. Việc đòi Tự do Tôn giáo có thể bắt nguồn từ cảm nhận này.

Vào khoảng trung tuần tháng 3 năm 1975. hầu hết người dân Huế đã bỏ Huế ra đi, chạy trốn cộng sản, trong số đó, có nhiều linh mục cũng di tản khỏi Huế. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các linh mục này trở về, đã bị nhà cầm quyền tại Huế gây khó khăn không cho các ngài nhập hộ khẩu tại các nơi mà trước đây các vị đã từng là Chánh xứ các họ đạo đó, cho nên TGP Huế bị lâm vào cảnh thiếu linh mục trầm trọng.

Mặt khác, để khống chế việc đào tạo linh mục, cộng sản Huế đã dùng kế sách "mượn Giám mục để loại chủng sinh". Năm 1977, nhà cầm quyền Huế bày trò mời Đức Cha Điền và Đức Cha Thể (Giám mục phó) tham dự một buổi họp của Ủy Ban để cứu xét và thanh lọc các chủng sinh tại Đại Chủng Viện Huế. Đức Cha Điền đã từ chối (dĩ nhiên có luôn Đức Cha Thể) không tham dự buổi duyệt xét này, vì ngài quả quyết rằng, đây không phải là quyền và nhiệm vụ của nhà nước. Không tham dự buổi duyệt xét là một cách phản đối việc nhà nước xâm phạm quyền Tự chủ của Giáo Hội. Sau đó, qua nhiều đợt thanh lọc, nhà cầm quyền Huế đã tự ý loại hầu hết các thầy ra khỏi Đại Chủng Viện Huế, cuối cùng chỉ còn lại 12 thầy được ở lại trong tình trạng mỏi mòn lo âu. Rất may các thầy vẫn bền tâm vững chí quyết theo ơn gọi, cho đến năm 1994, các vị này mới lần lược được thụ phong linh mục.

Sau khi miền Nam sụp đỗ, tất cả các cơ sở giáo dục như các trường Trung Tiểu học Công giáo, các cơ quan từ thiện, các cơ sở sản xuất và nhiều tài sản của Giáo phận Huế, đều bị nhà nước chiếm đọat. Các Dòng tu bị kiểm soát gắt gao, công an thường xuyên vào các Dòng để kiểm tra hộ khẩu. Nhiều Thánh đường bị cấm cử hành Thánh lễ, hoặc bị nhà nước trưng thu để làm kho chứa hàng cho các hợp tác xã. Việc phân biệt đối xử người công giáo, đặc biệt là sinh viên, học sinh công giáo qua hình thức công an tra cứu lý lịch, hễ sinh viên, học sinh nào mang lý lịch công giáo thì được Ưu Tiên Loại trước, trong mỗi kỳ thi tuyểnvào Đại học, hoặc các ngành.

Trước hiện tượng phân biệt đối xử đầy bất công và trắng trợn này, nên Đức TGM Nguyễn Kim Điền đã có một lập trường dứt khoát, với ý chí sắt đá, không nhân nhượng, không đối thoại. Cuộc tranh đãu bắt đầu bằng Bài phát biểu vào ngày 22-4-1977 tại buổi Hội nghị của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tổ chức tại Huế , ngài được mời tham dự, có cả Thượng Tọa Thích Thanh Trí đại diện Phật Giáo tại Huế.

Nên nhớ rằng, trong những năm đầu, khi miền Nam mới lọt vào tay cộng sản, mọi người dân miền Nam đều khiếp sợ khi thấy bóng dáng người cán bộ cộng sản, kể cả các cán bộ xã ấp, công an hay quân đội. Chỉ có Vị Giám Mục Uy Dũng Nguyễn Kim Điền mới dám nói thẳng, nói thật và nói công khai trong một Hội Nghị đầy uy quyền của nhà cầm quyền độc tài đảng trị tại Huế. Hai điểm chính mà ngài đã nêu trong bài phát biểu là :

- Tự do tôn giáo không có.

- Bất bình đẳng quyền công dân. Người Công giáo là công dân hạng hai.

Tưởng nên nhắc lại, khi đất nước mới lọt vào tay cọng sản, Đức Cha đã cổ vũ Giáo dân của ngài qua tập sách "Tôi Vui Sống" nhưng qua hai năm sống với cộng sản, thi không còn Vui Sống được nữa, nên buộc lòng ngài phải lên tiếng đòi Tự do tôn giáo. Bởi vậy cuộc tranh đãu của ngài là chính đáng vì tôn giáo bị đàn áp chứ không phải tranh dấu vì quá khích .( Nghị Định Đóng Khung Tôn giáo một cách khắc khe đó là Nghị định 297/CP được ra đời vào năm này, năm 1977).

Sau phần mở đầu Đức Cha đã đi thẳng vào vấn đề, ngài nói trước Hội nghị:

"Chính phủ đã nhiều lần nói: "Nếu có những gì làm cho chúng ta không thỏa mãn, nên báo cáo với chính quyền chứ đừng có quảng bá giữa quần chúng". Do đó hôm nay tôi muốn với tất cả thành tâm thiện chí và hy vọng với thiện chí này, Mặt trận Tổ quốc sẽ không gán cho tôi nhãn hiệu "Phản Động". Tôi ghét và sợ danh từ này lắm và không bao giờ muốn gánh nó vào người."

Về Tự Do Tín ngưỡng, ngài nói:

Sau ngày “Giải phóng” tôi được nghe chính phủ tuyên bố về chính sách tự do tín ngưởng, tôi rất sung sướng và phấn khởi. Sự hăng say phấn khởi này được biểu lộ trong những lời phát biểu của tôi trước đây. Nhưng hai năm đã qua và tôi không còn cảm thấy sung sướng nữa, vì thực sự “Tự Do Tôn Giáo không có."

Về bất bình đẳng quyền công dân, ngài nói:

"Suốt hai năm qua, xin quý vị cho tôi được phát biểu ý kiến một cách ngay thẳng, người dân Công giáo không mấy thỏa mãn một tí nào. Họ làm gì, họ ở đâu, họ cũng cảm thấy bị chèn ép, bị lấn lướt." và ngài nói tiếp:

"Trong phiên họp Quốc Hội tại thành phố Hồ Chí Minh, một Ủy viên trong ban chấp hành Trung Ương Đảng đã đưa ra ý kiến là những người Công giáo chỉ được xem là Công Dân Hạng Hai !!! ???"

Bài phát biểu này đã được linh mục Hồ văn Quý và linh mục Nguyễn văn Lý đem tất cả công sức ngồi đánh máy hằng trăm bản, để vừa phổ biến tại Huế, vừa chuyển vào Sài Gòn và tìm cách chuyển ra nước ngoài.Việc đưa tin vào thời điểm này không phải là chuyện đơn giản như hôm nay chỉ cần bấm nút gởi đi trong tích tắc là cả thế giới cùng đọc được. Nghĩ đến điều này tôi thường có ước mơ : "Giá hôm nay còn Đức Cha Điền".

Sau buổi Hội Nghị này, tiếng vang của Đức Cha Điền bắt đầu có hiệu quả, nhà nước cộng sản bắt đầu tìm mọi cách để triệt hạ ngài. Người ta còn nhớ linh mục quốc doanh Huỳnh công Minh từ Sài Gòn, lập tức đến Huế để tổ chức một buổi nói chuyện cho các giáo viên công giáo và một số giáo dân tại Huế nghe về cái gọi là "Sai trái !!!" mà Đức Cha Điền đã dám nói Thẳng nói Thật trong bài phát biểu trước Hội nghị nêu trên. Lúc bấy giờ nhiều bài báo đã được đăng tải các lời phát biểu của các giáo gian và một số giáo dân quá khiếp sợ trước sự đe dọa hay dụ dổ của những tên công an cộng sản, nên họ cho rằng Đức Cha Điền đã làm sai !!!

Từ đó, bắt đầu cuộc chiến đấu đầy cam go và ngài luôn làm việc Mục Vụ trong tình trạng Đề Kháng cho đến khi ngài nói với Soeur Thủy, em gái của ngài tại Bệnh viện Chợ Rẩy trong giờ phút hấp hối vào ngày 8-6-1988: "Chén đắng Chúa trao anh đã uống xong".

Không ai có thể quên được lời tuyên bố đầy cảm động, khi Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện tại Huế bị nhà cầm quyền Tỉnh Bình Trị Thiên chiếm đoạt. Nhà cầm quyền Huế, điều động một lực lượng công an đông đảo, dùng bạo lực để đàp áp và giải tán, đuổi các chủng sinh cũng như linh mục ra khỏi Tiểu Chủng Viện vào gần ngày Lễ Giáng Sinh năm 1979, ngài nói :

"Tiểu Chủng Viện là con mắt của Giám Mục, nay họ đã móc mắt tôi rồi".

Thật vậy, lễ Giáng Sinh năm đó, ngài đã ra lệnh cho toàn Tổng Giáo Phận Huế để Tang, các Thánh đường cũng như tư gia không trang hoàng gì cả, đón Chúa Giáng Sinh trong thầm lặng.

Cuộc tranh đãu của ngài hòan toàn bất bạo động, nhưng rất cương quyết và dứt khoát, nhất là không bao giờ “Xin Phép” nhà cầm quyền địa phương bất cứ một điều gì thuộc về quyền của Giáo hội. Ngài luôn bảo vệ quyền Độc Lập và Tự Chủ của Giáo hội, dĩ nhiên ngài phải chấp nhận mọi khó khăn xẩy đến. Năm 1984, ngài đến ban Phép Thêm Sức cho các em ở giáo xứ Tiên Nộn, cách thành phố khoảng 4 cây số, khi ngài vừa đến cổng nhà thờ, hai tên công an đến hỏi giấy phép, ngài nói :

"Nếu mọi người đi từ chợ Đông Ba về đây đều phải có giấy phép, thì tôi sẽ làm như mọi người".

Liền đó các thanh niên và chức sắc trong giáo xứ chạy đến bao vây hai tên công an, thấy bất ổn nên hai tên này đã lặng lẻ rút lui.

Ngài cũng đã nhiều lần bị công an chận trên Quốc Lộ 1, trong các chuyến đi hành hương Lavang, có lúc gần đến nơi, bọn chúng vẫn nhất quyết không cho ngài vào Thánh địa Lavang.

Được biết, ngài đã "Treo Chén" một linh mục tại TGP Huế, khi vị linh mục này tự ý đi Hà Nội để tham dự buổi họp của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước do linh mục Nguyễn hữu Vịnh làm Chủ tịch. (linh mục Vịnh đã theo Việt Minh từ năm 1945). Ngài cũng từng tuyên bố: "Bất cứ linh mục, tu sĩ hay giáo dân nào tham gia Ủy ban phá đạo này đều bị phạt vạ."

Năm 1983, ngài gởi đến linh mục Nguyễn hữu Vịnh chủ tịch Ủy Ban "Phá Đạo" (Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước) một bức thư để phản đối về các hoạt động của Ủy Ban đã xâm phạm quyền của Hội Đồng Giám Mục. Vì trên thực tế, Ủy ban này đã khống chế HĐGM trong mọi hoạt động thuộc quyền của các Giám mục như tuyển chọn, phong chức và thuyên chuyển các linh mục thuộc phạm vi của từng Giáa phận.

Tháng 4 năm 1984, công an Bình Tri. Thiên bắt đầu tấn công ngài bằng 120 ngày gọi là làm việc "Thẩm Vấn" và sau đó ra lệnh quản chế cấm không cho ngài đi đâu cả.

Tháng 4 năm 1984, ngài đã gởi kháng thư cho ông Nguyễn hữu Thọ chủ tịch Quốc hội CSVN lúc bấy giờ, để phản đối việc công an đã đối xử với ngài và linh mục Nguyễn văn Lý một cách phi pháp.

Tình trạng càng ngày càng căng thẳng, nên tháng 10-1985, ngài đã gởi đến toàn thể giáo dân trong giáo phận Huế một bức thư trong đó có đoạn nói lên như một "Lời Trối" của ngài :

“Khi tôi bị bắt rồi , thì xin anh chị em đừng ai tin lời khai nào, dù có kèm theo chữ ký mà người ta kể của chính tôi".

Lời này đã được chính Đức Cha nhắc lại vào dịp Lễ Dầu, thứ năm Tuần Thánh năm 1986 tại nhà thờ Chánh Toà Phủ Cam. Khi nghe điều này, mọi tín hữu đều cảm động và nhiều giáo dân đã khóc.

Đối với các linh mục ngài thường khuyên phải tuyệt đối trung thành với Giáo Hội Hoàn vũ dưới sự lãnh đạo của Đức Thánh Cha.

Khi Nguyễn văn Linh lên làm Tổng bí Thư, với chính sách gọi là cởi trói và mở cửa vì chế độ đã đi đến ngưởng cửa hấp hối. Ngày 25-3-1988, ngài gởi cho Nguyễn văn Linh một bức thư đòi xoá bỏ Lệnh Quản chế, đòi phục hồi quyền công dân, đòi được tự do đi lại để thi hành nhiệm vụ chủ chăn trong toàn Tổng Giáo Phận mà ngài đã bị công an Bình Trị Thiên ngang nhiên cấm chỉ.

Hai mươi bốn năm sống tại đất Huế, hết 13 năm lận đận vì đòi quyền Tụ Do Tôn Giáo cho Giáo Hội Việt Nam, cũng như cho các Tôn giáo khác. Cuộc tranh đãu đứt ngang bởi cái chết đầy ẩn khuất mà mọi người đều thắc mắc nhất là giáo dân Huế.

Tôi có mặt tại Huế vào những ngày Tang Lễ của ngài, sức mạnh và lòng thương mến cũng như sự kính phục vị chủ chăn của mọi thành phần dân Chúa thuộc TGP Huế đã làm cho nhà cầm quyền tỉnh Bình Trị Thiên, tuy có ý định không muốn cho việc tổ chức Tang Lễ của ngài long trọng, nhưng không dám ngăn cản việc này.

Từ Toà Giám mục Thi hài của ngài được di chuyển về tại nhà thờ Chánh Toà Phủ Cam từ chiều 13 đến sáng 15-6. Trong suốt thời gian này, giáo dân và linh mục của các giáo xứ trong toàn Tổng giáo Phận đã về tại nhà thờ Chánh Toà Phủ Cam, để luân phiên cử hành Thánh Lễ liên tục cho đến giờ Thánh lễ An Táng lúc 9 giờ sáng 15 tháng 6 năm 1988.

Thánh Lễ An Táng do Đức TGM Nguyễn Văn Bình chủ tế. Đồng Tế Thánh Lễ gồm hầu hết các Đức Giám mục Việt Nam, toàn thể các linh mục Tổng giáo phận Huế và rất đông linh mục thuộc Giáo Tỉnh Huế.

Thi Hài của Ngài được mai táng bên trong cánh trái Cung Thánh của nhà thờ Chánh Toà Phủ Cam.

Cuộc tranh đãu của ngài chưa thành, "vì Giáo hội vẫn chưa được những tự do cần thiết", và Giáo hội vẫn còn bị bách hại ,vẫn còn bị đàn áp.

Tuyệt đối trung thành với Giáo Hội Hoàn Vũ, dưới quyền lãnh đạo của Đức Thánh Cha là Lời Trối của ngài nơi đất Huế, cho nên từ giáo xứ bé nhỏ Nguyệt Biều, linh mục Nguyễn văn Lý đã phát động cuộc tranh đãu đòi Tự do tôn giáo để được tiếp nối con đường của vi Chủ Chăn. Hưởng ứng cuộc tranh đãu này có các linh mục Nguyễn hữu Giải, Lm Phan văn Lơị và giáo dân An Truyền, Nguyệt Biều. Đây là việc chung của Tổng Giáo Phận Huế nói riêng và của toàn thể Giáo Hội Việt Nam nói chung chứ không phải chuyện của cá nhân ai.

Nhân ngày Giỗ của Đức Cố Tổng Giám Mục Nguyễn kim Điền, tôi xin ghi lại vài hàng về những năm tháng dài, đầy gian khổ trong cuộc đời tranh đãu cho Quê hương và Giáo Hội Việt Nam của ngài, để xin mọi người cùng tiếp sức tiến bước trên con đường yểm trợ cho công cuộc tranh đãu tại Quê nhà, cho đến khi nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện lời yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nêu trong Huấn Từ gởi HĐGMVN năm 2002:

"Giáo Hội mong đợi nơi chính quyền sự tôn trọng toàn diện nền Độc Lập và Tự chủ của Giáo Hội".

Nguyễn an Quý

No comments:

Post a Comment