Sunday, June 15, 2008

Cái Chết Thảm Khốc Của Hòa Thượng Thích Thiện Minh

Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh (1921 - 1978)
Tổng vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên GHPGVNTN
Và CÁI CHẾT THẢM KHỐC DƯỚI BÀN TAY HUNG BẠO CỦA BỌN VC

Di ảnh cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh
chú nguyện trước khi phóng sinh

- Hòa Thượng Thích Thiện Minh, tên thật là Ðỗ Xuân Hàn, sinh ngày 21 tháng 04 năm 1921 tại làng Bích Khê, quận Triều Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất gia năm 12 tuổi, đệ tử của Ðại Lão Hòa Thượng Thuyền Tôn Thích Giác Nhiên, Ðệ Nhị Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

- Năm 1936, Người bắt đầu theo học lớp Sơ Ðẳng Phật Học tại chùa Tuy Ba, cùng lớp với Thầy Võ Tường (tức Thích Thiện Siêu), Nguyễn Bình (tức Thích Trí Tịnh), Phạm Quang (tức Thích Trí Quang), Trần Trọng Thuyên (tức Thích Trí Thuyền).

- Ðến Năm 1943, tốt nghiệp Trung Ðẳng Phật Học, nhưng chưa thọ đại giới đàn Bảo Quốc để theo đuổi chương trình Ðại Học Phật Giáo.

- Năm 1948, sau khi thọ Sa Di Giới, Người lấy Pháp Danh là Thích Trí Nghiễm, lên nhận công tác Phật sự tại vùng Cao Nguyên, làm Chánh Hội Trưởng Hội Phật Học Ðà Lạt và là giảng sư của Hội tại cao nguyên Lâm Viên. Suốt 4 năm tại đây, Thầy Trí Nghiễm đã ra công xây dựng những chi Hội khắp 3 tỉnh, lập nhiều cơ sở Gia Ðình Phật Tử, xuất bản tờ Hương Thiền, rồi tờ Liên Hoa và Sen Hồng.

- Ðến Năm 1952, Tổng Hội cử Thầy về làm giảng sư những tỉnh miền Nam Trung Việt. Lúc đó, đổi Pháp Danh là Thích Thiện Minh. Cũng như vùng cao nguyên, tại đây, nhờ phương pháp tổ chức, nhờ đức kiên nhẫn, Phật Giáo tại miền thùy dương vươn cao chưa từng thấy.

- Ðến năm 1956, Thượng Tọa Thiện Minh cùng các cao Tăng ở Bắc ra Trung Phần, nhất là có sự tiếp tay của Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đã đứng ra tổ chức Ðại Hội Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam kỳ II. Sau Ðại Hội, Thượng Tọa trở về công tác tại Nha Trang một thời gian rồi lại trở về Huế, điều hành Tổng Hội Phật Giáo Trung Phần.

- Năm 1962, Chính sách kỳ thị tôn giáo của nhà cầm quyền trấn áp mãnh liệt. Bằng những hồ sơ chính xác, Thượng Tọa gởi lên chính quyền, yêu cầu đưa ra ánh sáng những vụ bắt bớ, thủ tiêu Phật Giáo đồ.

- Năm 1963, sau vụ triệt hạ cờ Phật Giáo, vụ thảm sát tín đồ và đồng bào tại Ðài Phát Thanh Huế, nhân đại lễ Phật Ðản, Thượng Tọa được công cử vào Ban Liên Phái Phật Giáo, đòi chính quyền đương thời hủy bỏ đạo dụ số 10, thỏa mãn 5 nguyện vọng chân chính của Phật Giáo. Ngày 20 tháng 08 cùng với toàn thể Tăng Ni khắp toàn quốc, Thượng Tọa bị bắt giam và chỉ được thả sau ngày 01 tháng 11 năm 1963.

- Năm 1964, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Thượng Tọa Thiện Minh được cử làm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên. Chính Thượng Tọa đã đứng ra điều động tổ chức Ðại Hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử lịch sử tại trường Gia Long, Sài Gòn. Nhưng sau đó, chính quyền trở lại chế độ quân nhân trị, bè phái, đàn áp Phật Giáo một lần nữa. Những nhà lãnh đạo Phật Giáo trong số đó có Thượng Tọa Thiện Minh lại đứng ra bảo vệ tự do tín ngưỡng và tự do dân chủ. Ngày 01 tháng 06 năm 1966, Thượng Tọa bị mưu sát trước Trung Tâm Quảng Ðức, bị trọng thương và phải nằm điều trị tại bệnh viện nhiều ngày. Cuộc vận động cho hòa bình xứ sở bắt đầu từ đó.

- Ngày 17 tháng 03 năm 1969, Thượng Tọa bị toà án Quân Sự Mặt Trận kết án 15 năm tù khổ sai và cấm cố. Khắp trong và ngoài nước vô cùng công phẩn. Tại sài Gòn, một Ủy Ban Vận Ðộng đòi hủy bỏ bản án Thích Thiện Minh ra đời, trong đó có đủ thành phần tôn giáo, nghị sĩ, dân biểu, chính trị gia. Dưới áp lực mạnh mẽ, chính quyền ra quyết định phóng thích Thượng Tọa ngày 01 tháng 11 năm 1969.

- Năm 1970, Thượng Tọa lên đường tham dự Hội Nghị Tôn Giáo và Hòa Bình Thế Giới tại Tokyo (Nhật Bản). Tại đây, Thượng Tọa đã đọc bài tham luận nổi tiếng với nhan đề "Quan điểm của Phật Giáo về bất bạo động".

- Năm 1973, khi Hòa Thượng Thích Thiện Hoa viên tịch, Thượng Tọa Thiện Minh quyền Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo ra Thông bạch gởi toàn thể Tăng Ni khắp toàn quốc phải nổ lực xây dựng vết thương chiến tranh khi hòa bình vãn hồi. Nhưng thỏa hiệp ngưng bắn và tái lập hòa bình tại Việt Nam ký kết ở Paris đã không được thi hành.

Sau ngày Cộng sản chiếm miền Nam, Phật Giáo cũng như mọi tôn giáo khác trên đất nước đứng trước nguy cơ bị bạo quyền tiêu diệt.

- Ngày 02 tháng 11 năm 1975, 12 vị Tăng Ni tại Thiền Viện Dược Sư, Rạch Sỏi, Cần Thơ tự thiêu, phản đối đàn áp tự do tín ngưỡng của Cộng Sản, thì lần lượt những nhà lãnh đạo Phật Giáo bị khủng bố, truy tố, giam cầm. Ðiển hình là vụ bắt giam Thượng Tọa Thích Quảng Ðộ và Thích Huyền Quang.

- Ngày 09 tháng 06 năm 1977, Giáo Hội ra Thông Ðiệp kêu gọi Bảo vệ Nhân Quyền ở Việt Nam. Thông Ðiệp lưu hành vô cùng khó khăn, ai bắt gặp có Thông Ðiệp, thì lập tức bị giam.

- Ngày 15 tháng 06 năm 1977, Thượng Tọa Thích Mãn Giác rời nước ra đi bằng đường biển, mang theo Thông Ðiệp đó cùng nhiều tài liệu về đàn áp Phật Giáo. Cộng Sản cho rằng: chính Thượng Tọa Thiện Minh đã tổ chức, xếp đặt những biến cố trên, nên ngày 28 tháng 03 năm 1978, Thượng Tọa bị đuổi ra khỏi Trung Tâm Quảng Ðức, không cho phép chùa chiền nào chấp chứa; ngày 13 tháng 04 năm 1978, sau nhiều tuần lang thang, Thượng Tọa bị bắt giam tại Hàng Sanh. Cán bộ Cộng Sản bắt Thượng Tọa phải cởi áo tu, Thượng Tọa đã khẳng khái trả lời rằng: "Minh xuất gia từ năm 12 tuổi, đã quen mặc nâu sòng rồi, khó bận thứ khác".

Chúng lột hết quần áo, phạt 7 ngày đêm không áo quần. Sức khoẻ của Thượng Tọa suy giảm dần trong lúc cô thế, bệnh hoạn. Chúng dùng hình phạt để tra tấn; cuối cùng chúng áp giải về Hàm Tân. Không biết chúng hành hạ thế nào, ngày 17 tháng 10 năm 1978, Thượng Tọa tắt thở. Giáo Hội nghe tin cử một phái đoàn ra Hàm Tân nhận diện, thi thể bị bọc kín, khuôn mặt tím bầm, mắt sâu hóm, râu và tóc ra dài che phủ cả mặt. Giáo Hội xin được đưa về mai táng; chúng không chấp nhận; đến nơi xin đọc một hồi kinh cầu siêu, chúng cũng chối từ.

Cuối cùng, xin mượn lời trích dẫn từ tài liệu "Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh" do Trung Tâm Phật Giáo Việt Nam xuất bản năm 1983 để thay cho lời kết của bài viết này:

    Lấy lẽ Ðạo mà nói, có cái chết nặng hơn non Thái mà cũng có cái chết nhẹ hơn lông Hồng. Nặng hơn non Thái đó là cái chết không đáng chết, cái chết chưa phải lúc, phải thời, cái chết khi chưa làm hết những công việc đáng làm cho mình, cho đời. Nhẹ hơn lông Hồng, đó là cái chết đáng chết vì đại nghĩa, cái chết phải lúc, phải thời, cái chết để làm thành tựu những ý nghĩa cao quý của cuộc sống.

    Lấy lẽ Ðạo mà nói, sống chết chẳng phải là điều đáng quan tâm. Bởi sống chẳng phải là từ một khởi đầu duy nhất và chết chẳng phải là tới một chấm dứt cuối cùng. Bởi sống là như cánh chim xuất hiện và chết lại là như cánh chim bay đi trong khi giòng sông vẫn lững lờ xuôi chảy.

    Cho nên, sống dù có cưu mang bao gánh nặng của trần gian mà vẫn cứ nhẹ nhàng cất bước, chết dù trong một góc đời tối tăm nào đó vẫn cứ như là đi trong thênh thang rộng mở. Cũng vậy cho nên, cái nghĩa của sống chết chẳng phải là ở tự thân chính nó mà là ở cái thái độ của con người khi đối diện với nó.

    Chết mà trọn được cả nghĩa Ðời, nghĩa Ðạo như thế chẳng phải là điều dễ dàng. Ðiều chẳng dễ dàng đó, ta có thể chiêm nghiệm để thấy được ở một con người ngày nay: Hòa Thượng Thích Thiện Minh. Người đã đến với tấm lòng cưu mang bao nỗi hệ lụy của đời và đã đi thản nhiên trong ngục tù tăm tối của bạo quyền. Người đã sống trọn vẹn với hoài bão không thành của mình và đã chết với sự thành tựu cái nghĩa sống cao cả nhất. Chết để làm chất liệu ươm mầu cho sự sống hồi sinh là vậy !

trích từ: http://www.baovechanhphap.110mb.com/index.htm

No comments:

Post a Comment