Friday, June 6, 2008

Chữ Với Nghĩa


30 tháng 4 rục rịch đến thêm lần thứ 32 với người Việt hải ngọai. Ba mươi hai năm khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. Ba mươi hai năm của ly tán bên này bên kia đại dương. Ba mươi hai năm của tiếng Việt biến thiên nhọc nhằn. Ba mươi hai năm tôi góp ít dòng về tiếng Việt bên ni, bên nớ.

Giải phóng mặt bằng: cái này tôi chỉ mường tượng được ý nghĩa thôi, không chắc là đúng. Có thể là san bằng chăng? Mặt bằng là thế nào, mà mặt không bằng nó ra làm sao ? Trong toán học ta có mặt phẳng. Thế thì mặt bằng có khác với mặt phẳng không. Mà nhóm chữ “giải phóng mặt bằng” thường hay xuất hiện trên báo chí bên VN liên quan đến đất đai, nhà cửa. Cho nên tôi đoán chừng là họ nói về căn nhà, một đơn vị diện tích nào đó. Sở dĩ đóan như thế vì cũng có nhóm chữ “thuê mặt bằng” trên báo chí bên ấy.

Nhưng sao lại phải “giải phóng” nhỉ ? Hóa ra là cái nhà, cái lô đất ấy nó bị áp bức, bị đô hộ à ? Mà ai bóc lột nó, ai bóp hầu bóp cổ nó cơ chứ ? Rồi nó có kêu cứu, có làm đơn thưa kiện gì không để được “giải phóng” ? Một mớ câu hỏi như thế chẳng tìm ra câu trả lời thỏa đáng nào cả.

Nếu phải nói theo cái lối tiếng Việt miền Nam trước 1975 thì phải nói thế nào ? San bằng khu nhà, lô đất thay cho “giải phóng mặt bằng” được không thưa quý cụ ?

Nếu “giải phóng mặt bằng” mà dịch sang tiếng Anh theo cái kiểu word by word thì nó thành ra “liberation of platform” hay “platform liberation”. Dịch lối nào nó cũng ngô nghê. Có lẽ tôi dốt thật quý cụ ạ. “Demolish the property” có cụ bảo là cũng tàm tạm. Chả biết nghe ai bây giờ.

Phi vụ: báo chí bên ấy bây giờ tường thuật những vụ làm ăn phi pháp thường dùng chữ 2 chữ “phi vụ”. Chữ “phi” trong trường hợp này không thể bảo rằng là dùng thay cho “phi pháp” được. Nhảm lắm ! “Phi” là “không có” (như “phi thương bất phú” – không buôn bán không giàu được”) hoặc là “bay” (như phi cơ – máy bay). Ngày xưa trước 75, ta dùng “phi vụ” để chỉ chuyến bay như thường thấy trong các bản tin chiến sự. Người Việt hải ngoại vẫn dùng như vậy. Nhưng đã có một số nhỏ báo chí bên này thỉnh thoảng cũng dùng “phi vụ” theo nghĩa là ăn phi pháp như báo chí bên nhà. Một vài con sâu đã và đang bò vào tô canh hải ngọai rồi đấy.

Sự cố kỹ thuật: cái này ngày xưa đài truyền hình VN gọi là “trục trặc kỹ thuật” mỗi khi đang “anh tiền tuyến, em hậu phương” tự dưng lại xuất hiện một cái hình cánh quạt với đầu ông mọi da đỏ. Và cái tiếng è è cà chớn. “Trục trặc” nghe nó có phải VN không. “Sự cố” nghe nó ra “nàm thao” ấy ! Tôi đóan nó là tiếng Tàu. Nhưng lại dốt tiếng Tàu nên không hiểu rõ.

Ở Mẽo này nó gọi là “tếch ních cồ đíb phi quyn ti”. Phải không thưa quý cụ ?

Xịn: ngày xưa phe ta gọi là “số dzách”, “thượng hạng”. Nguyên ngữ chợ trời Hùynh Thúc Kháng nó là “ô ri din”.

Mẽo trắng, mẽo đen, mẽo vàng, mẽo nâu có một lô tiếng. Nào là “hot”, “top of the line”, “the best”. Gì nữa nhỉ ?

Chảnh: Cái này thường xuyên xuất hiện trên các blog của đám choi choi. Bà bán tạp hóa, anh đạp xích-lô trong ngõ trước 75 vẫn phang khách hàng khó tính bằng câu: “Xí, nghèo mà làm phách, làm tàng !” Thú thật, chữ “Chảnh” này tôi không biết đã từ đâu ra nhưng coi mòi cũng đã bắt đầu len lỏi vào cái cộng đồng VN ta bên này rồi.

Con dế, con Dylan: Hỏi ra mới biết các ông thợ viết VN bên nhà đang nói tới cái điện thọai di động và cái xe gắn máy Dylan. Có tay còn gọi cell phone là “con a-lô” nữa mới là tức cừơi. Nếu cứ cái kiểu này thì một ngày u ám nào đó ta sẽ có hàng lọat “con nhà”, “con xe”, “con gọi là …”, vân vân và vân vân

Máy vi tính: phe ta ngày xưa gọi là “điện tóan”. Cái này nằm vào trong mục thuật ngữ khoa học nên khó phán xét. Trước năm 75, chỉ có hai chữ tương đối thông dụng cho dân trong ngành ở VN là “computer” hoặc “computing”. Ta quen gọi “computer” là máy điện toán. Ngày nay hai chữ “micro computer” dù đã xuất hiện từ cả hơn 20 năm rồi nhưng người Mỹ chỉ gọi tắt là “computer”. Nếu là máy cá nhân thì gọi là “PC”, “desktop”, “laptop”.

Phần mềm: thằng bạn thân VN ra trường giữa thập niên 80 bên California đã tự diễu mình bắng cách tự gọi là “kỹ sư phần mềm”. Đầu óc đương nhiên là méo mó rồi. “Software” bên này ta gọi là “nhu liệu điện tóan”. Các ông bên VN nghĩ rằng phải có mùi nước mắm cho nó “độc lập” nên gọi là “phần mềm”. Vậy thì hardware các ông bên ấy gọi rằng chi ? “Phần cứng” chăng ? Điệu này thằng bạn Cali chắc phải vào trường học tiếp rồi. “Liền ông” đi với “kỹ sư phần cứng” nó mới hách xì xằng chứ phải không các cụ ? “Kỹ sư phần mềm” nghe chán mớ đời.

Triển khai và Giản đơn: chỉ ngược lại với cách dùng chữ của miền Nam trước 75. Ấy, cái gì các ông ấy không đẻ ra được thì các ông ấy cho lộn đầu chơi hay trộn thập cẩm cho nó khác người. Nhất định là không thể giống cái “bọn Ngụy”. Nhờ thế mới có các thứ như “lính thủy đánh bộ”, “tên lửa”, “máy bay lên thẳng”, “nhà đẻ Từ Dũ”.

Nhưng ngoạn mục nhất vẫn là 4 chữ “Học Tập Cải Tạo”. Nghe hiền khô à. Bởi vậy hệ thống giáo dục này đã đào tạo ra không biết bao nhiêu cao học và tiến sĩ. 7 năm đến 18 năm thì không cao học mí lị tiến sĩ thì là cái gì ? Dốt lắm thì cái anh thiếu úy rằn ri nhà ta cũng chớp được cái cán sự của trường đại học Suối Máu, Hà Nam Ninh, Bù Gia Mập, Chí Hòa … Ông Phan Nhật Nam phe ta chắc phải có đến 2, 3 cái “Ph.D”. Ông ấy mới có đại úy thôi nghe quý cụ ! Mà ông ấy cặm cụi đèn sách dưới mái trường cải tạo những 14 năm, trong đó có ít năm kiên giam vì cái tội bướng. Có một điều ngộ nghĩnh là chẳng có ông nào tốt nghiệp từ các trường cải tạo mà đầu óc lại bị gột rửa được. Trái lại nhiều ông còn trở nên khéo tay hơn lúc còn làm quan to súng ngắn ngày trước. Các ông mang về cho mẹ, cho vợ, cho con nào lược chải đầu, kẹp tóc, trâm cài đầu, chuỗi tràng hạt bằng các thứ vật liệu quẩn quanh trong tù. Và y như rằng 10 ông thì 9 ông lo dọt ngay hoặc ra đi trong các chương trình HO. Chả thèm nhớ đến nền giáo dục XHCN cùng sự khoan hồng của “Bác” mí lỵ “Đảng”. Uổng công “Bác” thiệt !

Chữ với Nghĩa. Chán thật !
(tinparis)

No comments:

Post a Comment