Wednesday, June 18, 2008

Nhân vật Võ Văn Kiệt

Huệ Vũ

Trong hai ngày cuối tuần, 14 và 15 tháng 6, vừa qua đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã tổ chức lễ quốc táng cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người được báo chí ngoại quốc coi là kiến trúc sư chính sách “Đổi Mới”, người có tinh thần “hoà giải dân tộc” và là một trong những lãnh tụ CSVN có tinh thần “chống tham nhũng”. Cây bút Jean-Claude Pomonti của tờ Le Monde đã ca tụng: “Võ Văn Kiệt là người có cá tính mạnh, luôn luôn quan tâm tới tư tưởng đổi mới, kể cả khi về hưu, ông cởi mở với cả những người bất đồng chính kiến, bênh vực dân, báo chí, chống bảo thủ, tham nhũng.”

Có thể nói, ông Kiệt, hay Sáu Dân là một nhân vật xuất sắc, từ một thanh niên chỉ đọc được chữ quốc ngữ ở xã Trung hiệp, quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long có tên là Phan Văn Hoà, ông ta đã thênh thang đi từ cấp đảng viên, lên chi bộ trưởng, trèo lên tới chức Thủ tướng chính phủ và trở thành một trong những nhà lãnh đạo kinh tế của đảng CSVN. Con đường hoạn lộ của ông cũng giống như Đỗ Mười, người đã từ một anh thợ thiến heo, trở thành Tổng bí thư đảng trong thời gian ông Kiệt làm thủ tướng.

Tuy nhiên, Võ Văn Kiệt có phải là người thực sự hoà giải dân tộc, đổi mới, chống tham nhũng hay không là điều cần phải xét lại.

Người xưa có nói anh hùng tạo thời thế, thời thế tạo anh hùng. Đặng Tiểu Bình đề xướng chủ nghiã Cải Cách Khai Phóng, tứ hiện đại hoá để cứu nguy đảng Cộng Sản Tàu, Gorbachev xướng xuất Perestroika và Glasnost để cứu nguy cho đảng Cộng sản Nga, kẻ thành công người thất bại, nhưng họ có thể coi là những người tạo thời thế, còn thành phần lãnh đạo đảng CSVN, nhìn chung, những điều mà báo chí Tây Phương diễn dịch theo cái nhìn đơn giản bảo thủ giáo điều, đổi mới, cấp tiến ... đều là những kẻ thời thế đưa đẩy.

Chiêu bài hoà giải dân tộc, xoá bỏ hận thù lại là âm mưu nhằm đập tan tinh thần đấu tranh của người Việt Nam hải ngoại, chính sách nhằm gom thu ngoại tệ, trong giai đoạn đầu cứu nguy nền kinh tế sắp phá sản, Hiện nay, nhằm tiếp tục làm giàu cho chế độ.

Sau khi chiếm miền nam, thống nhất đất nước, “Cả nước đã quay về một mối. Một mối hận thù, một mối đau thương” như thơ Nguyễn Chí Thiện. Người dân thành phố Sài Gòn do Kiệt làm đảng ủy đặc trách ủy ban quân quản trong năm 1975 và phó bí thư thành ủy, kiêm chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân thành phố từ năm 1976 đã được nếm đủ mùi vị của chủ nghiã CS, từ đánh tư sản mại bản, cho tới buộc phải đi kinh tế mới. Người dân Sài Gòn đã sống nhờ vào công cuộc “giải phóng” đồ đạc, bàn ghế, giường tủ, tài sản chính trong nhà mình cho khách hàng miền Bắc, cho cán binh Việt cộng.

Mười năm cưỡng bách nông dân vô hợp tác xã nông nghiệp, đã biến Việt Nam từ nam chí bắc trở thành nhà tù vĩ đại, người nông dân sống ngay trên vựa luá đồng bằng sông Cửu Long cũng không đủ cơm ăn. Đó là mười năm cả thế giới chứng kiến những chiếc thuyền mong manh trên biển Đông mang theo những con người bỏ nước ra đi, thà chết trong lòng đại dương còn hơn sống trong thiên đàng xã hội chủ nghiã.

Từ đầu thập niên 1980, ở Trung Cộng, Đặng Tiểu Bình phát động chiến dịch hiện đại hoá, nhưng CSVN lúc bấy giờ là đàn em trung thành của Liên Xô, coi Trung Cộng là kẻ thù. Trong tháng 3 năm 1985, ông Mikhail Gorbachev được bầu làm Tổng bí thư đảng CS Nga, thay thế Konstantin Chernenko vừa từ trần, trong hoàn cảnh kinh tế trì trệ, sản lượng mọi ngành kinh tế đều xuống thấp, nạn tham nhũng phát triển mạnh trong hàng ngũ cán bộ, nghiện rượu trở thành hiện tượng phổ thông khắp nước. Để cứu nguy cho đảng CS Nga, Gorbachev đề xuất chủ trương Perestroika, tức cải đổi cơ cấu kinh tế, cho phép các cơ sơ kinh tế có nhiều quyền tự quyết định hơn. Gorbachev cũng nghĩ rằng nếu cho dân chúng có thể phản ảnh những bất mãn của họ, có thể chỉ trích cán bộ CS, các cơ quan chính quyền, sẽ giúp cải đổi tình trạng trì trệ của cán bộ nên đưa thêm chính sách cởi mở dư luận gọi là Glasnost.

Là đàn em trung thành của Liên Xô, nên Đại Hội 6 CSVN năm 1986 quyết định theo chân quan thầy, thực hiện chính sách “Đổi Mới”. Nguyễn Văn Linh được đưa lên thay thế Trường Chinh già yếu tạm thay thế cho Lê Duẫn đã chết.

Nguyễn Văn Linh cũng phỏng theo Glasnost của Gorbachev cho phép người dân có thể làm kinh tế cá thể và một số văn nghệ sĩ được cho phép có thể lên tiếng chỉ trích những tệ nạn của cán bộ. Chính cá nhân Nguyên Văn Linh với bút hiệu NVL (Nói và Làm) cũng đã viết nhiều bài nói lên tệ nạn của chế độ.

Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, phong trào đấu tranh cho Dân Chủ và Tự Do ở Đông Âu, các nước trong Liên Bang Xô Viết nhân cơ hội thất bại của Perestroika vùng lên đấu tranh cho độc lập và tự do. Chế độ CS cáo chung từ Ba Lan, Hung Gia Lợi lần lượt lan đi khắp nơi. Trong tình thế biến chuyển nhanh chóng đó, lực lượng đấu tranh cho dân chủ VN lại chưa hội đủ sức mạnh để có thể bắt kịp thời cơ. CSVN lại nhanh chóng nhận ra tình thế mới, một mặt tiếp tục chính sách “đổi mới” kinh tế, một mặt khai trừ những thành phần cấp tiến trong đảng, siết chặt bàn tay kềm kẹp đối với mọi sự chống đối. Đại Hội 7 CSVN, tháng 6 năm 1991, Mười Cúc Nguyễn Văn Linh bị loại trừ khỏi chức vụ Tổng Bí Thư.

Một đảng viên lâu năm, ít học là Đỗ Mười được đưa lên thay thế. Đại Hội 7 CSVN, lại mô phỏng theo chính sách của CS Trung Hoa, lấy cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh” làm lý thuyết chỉ đạo để xây dựng cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. CSVN cũng giương chiêu bài “ổn định để phát triển”, “đề phòng diễn biến hòa bình”, thẳng tay thanh trừng mọi đảng viên đã nhận ra sai lầm của chủ nghĩa CS, muốn cải cách thật sự, và siết chặt bàn tay đàn áp với mọi thành phần chống đối trong nước. Đây là giai đoạn Võ Văn Kiệt được đưa lên làm Thủ Tướng, Phó chủ tịch Hội Đồng an ninh và quốc phòng của CSVN. Đảng CSVN dưới sự lãnh đạo mới của bộ ba Mười-Anh-Kiệt lập tức tìm cách nối lại liên hệ “môi hở răng lạnh” với Trung Cộng.

Kiệt có phải là người hoà giải dân tộc hay không?

Chính sách của CSVN trong giai đoạn 1991-1997 có thể cho thấy rõ điều này. Dù trong nước CSVN siết chặt an ninh, đề phòng âm mưu diễn biến hoà bình, nhưng ở hải ngoại CSVN lại phát động phong trào hoà hợp hoà giải, kêu gọi xoá bỏ hận thù. Phong trào này được thành phần cơ hội, hay tay sai ở hải ngoại rầm rộ phát động. Thế nhưng những thành phần tai to mặt lớn ấu trĩ giúp truyền bá thông điệp này ở hải ngoại này bị cộng đồng Việt Nam tẩy chay, phản đối, bị cháy nhưng cũng không có ai nhận được ơn mưa móc nào của Hà Nội.

Điều đau buồn, trong số thành phần hy vọng bắt tay với Đỗ Mười, chia ghế trong chính phủ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng có cả một đoàn thể quốc gia có tầm vóc. Họ đã hăm hở, rầm rộ về nước định tổ chức hội thảo chính trị, mong chính thức dựng cờ hoạt động trong nước, cuối cùng đã bị Cộng Sản Việt Nam tóm cổ, cho cả đám vào tù. Phong trào hoà hợp hoà giải đầu thập niên 1990 của một số thành phần “tranh đấu” ở hải ngoại lại lần nữa làm cho người Quốc Gia phải đau xót thấy rằng những con người từng tốt nghiệp đại học, làm giáo sư đại học vẫn còn quá nhiều người âu trĩ và ngu ngơ trước những người CS xuất thân từ thành phần mà họ từng cho là ít học, ngu dốt!

Trong năm 2007, qua một bài phỏng vấn của đài BBC, ông Kiệt nói rất “chí tình” rằng” Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải của riêng của người cộng sản, hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả.” Lời nói này của Võ Văn Kiệt là lời “đáng xúc động”. Thế nhưng trong thời gian Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng vẫn là thời gian tôn giáo bị đàn áp rất dã man. Năm 1993 CS huy động quân đội, cả xe tăng đàn áp giải tán 40 ngàn tín đồ Phật Giáo tại Huế, bắt giam các Thượng Tọa Thích Hải Tạng, Thích Hải Chánh, Thích Hải Thịnh, Thích Trí Lực... Thầy Thích Giác Nguyên biểu tình ở Sài Gòn bị giải tán và bị bắt bỏ tù. CSVN huy động quân đội và xe tăng đàn áp cuộc biểu tình ở Vũng Tàu trong năm 1994, bắt Thượng Tọa Thích Hạnh Đức và hàng trăm Tăng Ni, Phật tử.

Sau 75, Đạo Cao Đài, cũng như đạo Hòa Hảo đã bị CS bách hại thậm tệ. Số người theo Đạo Cao Đài bị CS gia hại riêng tại Củ Chi và Trãng Bàng có thể lên tới 6000 người. Trên mười năm, Cao Đài gần như bị tê liệt. Năm 1993, Đỗ Mười thăm viếng Tòa Thánh Tây Ninh, hứa tôn trọng tín ngưỡng, nhưng mãi đến năm 1997, lúc bộ ba Mười-Anh–Kiệt sắp ra đi, CS mới nhìn nhận thực tế có đạo Cao Đài, và năm 1998 mới chấp thuận cho 800 đại biểu Cao Đài trên toàn quốc về Tây Ninh họp bầu ra một Hội Đồng Chưởng Quản.

Về mặt kinh tế, chính sách khoán công nông nghiệp, chấp nhận kinh doanh cá thể cũng đã làm cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, trong lúc cổ phần hoá hay bán lại các xí nghiệp quốc doanh thua lỗ, CSVN đã thành lập những tổng công ty để có thể tiếp tục nắm trong tay mọi nguồn lợi kinh tế quốc gia, quân đội, cảnh sát, công an CSVN đều có thể nhảy ra kinh doanh, đầu tư. Võ Văn Kiệt đã được Đỗ Mười ca tụng: “.. Anh Kiệt là con người năng động, luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và làm việc hết sức mình. Có thể nói: anh Kiệt là người dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm và tự phê bình. Điều này thể hiện ở chỗ: khi làm Thủ tướng anh đã chỉ đạo hình thành các Tổng công ty mạnh, thể hiện quan điểm kinh tế Nhà nước phải luôn giữ vai trò chủ đạo, hoặc cho các đơn vị quân đội làm kinh tế, kết hợp với quốc phòng….”

Xuyên qua chính sách kinh tế Việt Nam trong thời gian bộ ba Mười-Anh-Kiệt cho thấy Kiệt vẫn là người chỉ nghĩ tới đảng Cộng Sản, ưu tiên cho đảng CS, mà không phải cho dân tộc và đất nước Việt Nam.

Võ Văn Kiệt có thật sự là người chống tham nhũng như những lời khen tặng của một số nhà báo như Jean-Claude Pomonti?

Trong thời gian Kiệt làm phó thủ tướng và thủ tướng có nhiều tố cáo tham nhũng đối với ông ta. Những vụ tố cáo này gồm vụ ăn chận ngân sách thực hiện đường giây điện cao thế 500 KVA từ nhà máy thủy điện Hoà Bình vào nam hàng triệu mỹ kim. Công trình này do ông Kiệt đặc trách và cùng với Bộ trưởng năng lượng Vũ Ngọc Hải thực hiện. Vũ Ngọc Hải đã chịu làm con dê tế thần bị kêu án 3 năm tù, nhưng chỉ ở tù trong tình trạng ưu đãi đặc biệt chỉ trên một năm. Vụ án điện này có liên quan tới bà vợ lẻ Lương Thị Cầm của Võ Văn Kiệt nhưng bà ta không bị truy tố. Lương Thị Cầm cũng là người chuyên nhập lậu xe hơi vào Việt Nam. Vụ tai tiếng thứ hai là con trai của Võ Văn Kiệt đã bị bộ đội duyên phòng Vịnh Hạ Long bắt giữ vì nhập cảng lậu 200 chiếc xe hơi. Ông Kiệt đã mau chóng lo cho con trai, cho tiền và thăng cấp cho số quân nhân trong đơn vị duyên phòng này để ém nhẹm sự việc. Con trai của Kiệt hiện là chủ nhân hệ thống Plaza Hotel và Ty-Top Beach. Tài sản của Võ Văn Kiệt không rõ bao nhiêu, nhưng có nhiều nguồn tin cho rằng ông ta đã gởi ở các trương mục ngoại quốc ít nhất 300 triệu mỹ kim.

Tóm lại, qua quá trình làm việc của Võ Văn Kiệt từ lúc làm Chủ tịch Sài Gòn, cho tới khi làm Thủ tướng CSVN, không có điều nào chứng tỏ ông là một người thực sự vì dân tộc, là một người thanh liêm, trong sạch.

Hình như cho tới nay, những nhà báo, thành phần trí thức Tây Phương vẫn không hiểu gì về hệ thống tổ chức của CS. Khả năng khác biệt của một cá nhân có thể phát huy khác nhau khi đảm trách những công tác nào đó, nhưng dưới chế độ CS, chính sách của chính phủ chỉ là thi hành đường lối của Bộ chính trị đảng CS mà thôi. Võ Văn Kiệt lên làm thủ tướng trong lúc hệ thống CS Đông Âu tan rã, Liên bang Xô Viết cũng đang tự tan rã. Từ tháng 8 tới tháng 9 năm 1991, các Cộng hoà Tự trị trong Liên bang: Estonia, Latvia, Lithuania, Ukraine, Belarus, Moldova, Georgia, Armenia, Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikstan, và Turkmenistan lần lượt tuyên bố độc lập. Trước tình hình này CSVN không còn cách gì khác hơn là phải hướng qua Trung Cộng để có thể tìm cách sinh tồn.

Đại hội 7 của đảng CSVN diễn ra trong cơn hấp hối của đàn anh Liên Xô. Họ không còn cách gì chọn lựa phải hướng qua Trung Cộng. Tháng 11 năm 1991, Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt sang chầu Bắc Kinh nối lại tình anh em với “anh Hai” đã từng bị phản bội và dạy cho “bài học” trong năm 1979. Chính sách của CSVN từ đó tới nay chỉ là rập khuôn theo Bắc Kinh với vài chút thay đổi trong ngôn ngữ, danh xưng. Nói rằng Võ Văn Kiệt là kiến trúc sư của chính sách “Đổi Mới” ở Việt Nam chỉ sự là đề cao quá đáng!

Khi Kiệt rời chức, người phó của ông ta là Phan Văn Khải được đôn lên làm thủ tướng. Khải ra đi trao lại cho người phó là Nguyễn Tấn Dũng. Đây là sự kế tục để bảo đảm sự điều hành trôi chảy của bộ máy hành chánh CSVN theo hướng đi của đảng. Thế nhưng, nhiều nhà bình luận Tây Phương vẫn liên tiếp đặt nhiều hy vọng vào những người thủ tướng của CSVN. Đối với họ, bí thư đảng nhất định là thành phần giáo điều bảo thủ, thủ tướng là người canh tân cải cách. Họ hết đặt nhiều hy vọng của ông Kiệt, lại đặt nhiều hy vọng ở ông Khải. Và hiện nay lại đánh giá rất cao về người thủ tướng mới là ông Nguyễn Tấn Dũng. Không hiểu nguyên do nào đã đưa tới những cái nhìn này!

Những người Quốc Gia nếu vẫn ảnh hưởng của những cái nhìn “hy vọng cá nhân”, bảo thủ giáo điều, canh tân cải cách, thân Tàu, thân Mỹ trong thành phần lãnh đạo CSVN của những cây bút bình luận Tây Phương thì chính mình đang tranh đấu chống Cộng, nhưng không biết gì về CS và hệ thống tổ chức của đảng CS. Nhất là CS Tàu và CSVN.

Huệ Vũ

No comments:

Post a Comment