Trời cao đất dầy! Người nước ngoài điện về báo tin “anh Sáu đã vĩnh viễn ra đi”, nhưng, bực lắm thay, tin tức ở đây cứ cà giựt mãi. Các trang mạng cà tàng đăng bài rồi gỡ xuống mỗi ngày hai ba bận. Lại có trang, nhân lúc nhận được hung tin mà hồ hởi đăng lại bài mừng sinh nhật anh. Khóc cười nhập nhằng. Buồn vui lẫn lộn. Rõ là lệnh Trên chẳng thông, như thường lệ xưa nay: Lề bên phải chỗ nào chưa vạch, nên chẳng có tên ký giả nào dám giả ký tên mà đặt bút đề tin. Nay thì mọi sự ba bảy hăm mốt, giấy tiền vàng mã đang nghi ngút cháy, thông tấn xã Ba Đình trân trọng báo tin: anh Sáu đã chính thức đăng nhập vào danh sách friends của blog maidịch chấm com.
Nhớ linh xưa: Văn Hòa là tên, Phan là họ, thuộc dòng dõi tá điền trung nông, sau đổi tính thành Võ, đổi danh thành Văn Kiệt. Nửa võ nửa văn, cả hai vốn chẳng bao nhiêu, lại đồng khánh kiệt từ thời thoát ly gia đình ở Vũng Liêm, Vĩnh Long, căm hận cuộc tình mandolin không đoạn đầu đoạn kết với cô con gái cháu nội quan tri phủ ở vùng biển nhãn Bạc Liêu, mà quyết định đoạn trường cuốn mùng xách nóp vô bưng, quyết lòng đi theo tiếng gọi của đệ tam quốc tế, để “đánh Tây, chống Mỹ”, và quyết chí lập (nhiều) gia thất rửa hờn. Lòng hận càng cao khi được Trên báo tin người vợ đầu và đám con thơ đã vùi thây dưới làn bom giặc Mỹ. Bèn phải nhờ hai ông Nguyễn Hộ - Chín Cần coi sóc đỡ đầu cho mấy đứa con rơi còn lại đó đây từ thời chống càn đánh Pháp, và càng quyết chí dốc lòng đấu tranh làm cách mạng vô sản. Hoạn lộ bắt đầu khai thông từ đó.
Vẫn chưa quên: Lúc đất nước thống nhất, trở thành đầu tàu của đảng bộ Thành Phố, quyền uy nửa nước, anh rình rang áo gấm xe con trở về Sóc Trăng-Bạc Liêu tìm lại người thiếu nữ con vị điền chủ có ruộng vườn cò bay thẳng cánh từng lắc đầu ngày trước, gọi là “cho nó mở con mắt ra”, mới hay nàng đã đeo kính râm, bưng cơi trầu đựng hột xoàn lên máy bay sang Mỹ từ lâu. Bèn chỉ thị cho đảng bộ địa phương bắc loa rủa xả ba đời gia đình quan tri phủ. Và … đành phải một lần nữa chí thú chăm lo việc nước, nhưng nhất định không quên chú mục vào những bậc thềm Bắc Bộ Phủ.
Vẻ vang thay! Anh nắm lấy Quyền Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng năm 1988, khi Phạm Hùng đột xuất chuyển sang từ trần trên bụng một người đẹp có giấc mơ trải ga giường làm bộ trưởng. Rồi chẳng bao lâu sau, anh chính thức trở thành Thừa Tướng thực thụ từ năm 1991 đến năm 1997, dưới trướng hai anh Mười Cúc và Mười Hoạn. Lắm kẻ xấu dạ bảo thừa tướng là tướng không dùng. Thực chất không hẳn vậy, khi anh mất chức rồi mọi người mới vỡ lẽ rằng đó chỉ là thứ quyền rơm vạ đá, trong một cỗ máy chẳng đào đâu ra một ai dám lấy quyết định, bởi chẳng đứa nào dám nhận trách nhiệm về sau. Lại lắm kẻ xấu mồm bảo rằng anh có còn nguyên cả hai mắt cũng chẳng trông thấy gì rõ hơn lão lòa 40 năm làm đệ nhất Thừa Tướng từng ký công hàm dâng đảo Trường Sa cho Tàu khựa. Thực tiễn thì đúng vậy, nhưng nói thế cũng có đôi phần thiếu công bằng, nếu không rõ bản điều lệ đảng (rất đáng bịt mũi) đã từng bịt mắt, bịt tai, và bịt mồm toàn đảng.
Lại nhớ: Cuộc tranh luận bất phân thắng bại giữa nhiều trường phái khi bình bầu một tác phẩm để đời của anh. Có kẻ bảo rằng đó là đường dây 500KV Bắc-Nam chiếu rọi gia phong cực sáng, khiến quan viên hai họ cả gia tộc nội ngoại của anh đều phải mỏi tay mờ mắt đếm tiền đô, với không biết bao nhiêu gói thầu trúng mánh. Thời này, mọi dự án đều là … án làm sẵn. Ngay cả đứa tham nhũng cực to trong đợt 500KV này bị đi tù thì cũng là loại tù vua, và vẫn được anh khẳng khái tuyên dương công trạng hay quà cáp thăm nuôi những ngày lễ, Tết. Nghĩa là vẫn không khác: Trên chỉ cho đánh tham nhũng từ đầu gối trở xuống, còn lủng lẳng phía trên thì … vẫn có chỗ đứng.
Lại có kẻ chứng minh rằng tác phẩm để đời đó nhất định phải là Nghị Định 31-CP mà anh từng ký ngày 14/4/1997, vào lúc gần cuối quảng đời cực thịnh làm Thừa Tướng nước Nam. Quả thật đó là một công cụ cực độc, gọi là “quản chế hành chính”, gồm 4 chương 28 điều, dùng để bắt giam mọi đối tượng manh nha có ý tưởng đi ngược lại đường lối đảng, mà không cần lệnh bắt hay tạm giam, cũng không cần chứng cứ hay quy trình xét xử. Và chính thực đó mới là bộ phận ổn áp chính trị mà đảng ta cần có bằng mọi giá trên bình diện cả nước vốn đã gia tăng quá nhiều điểm nóng rập rình nối kết với nhau. Có thể xiển dương rằng đó mới chính là tuyệt tác của anh, và là công trạng lớn nhất mà anh đã cống hiến cho đảng.
Đáng hận thay! Mười Cúc và anh đã cật lực xoay sở trong một giai đoạn xuống cấp trầm trọng khủng khiếp của quốc tế cộng sản, đã phải dồn hết tâm hết sức vào việc “đảng hóa” các ý niệm đổi mới của nhân dân, từ chính sách khoán ruộng tới mở gút ngăn sông cấm chợ, tận diệt tem phiếu, đưa vị trí nước nhà lên hàng thứ ba xuất cảng gạo trên thế giới. Vậy mà bọn bảo thủ vẫn nhơn nhơn cho rằng đảng ta chưa đổ là nhờ những cuộc công du khấu tấu của chúng ở Nam Ninh với Bắc Kinh, và cứ thế, cứ mở miệng ra là lấy 16 chữ vàng làm sao bắc đẩu, không khác chi lời cụ nội nó trối trăn. Còn bao nhiêu tâm trí và công sức của anh thì cứ như đáy biển chìm kim. Đôi khi lại trở thành chứng cớ cho tòa án kết tội những người đọc và bàn về chúng. Trường hợp ông Hà Sĩ Phu vào tháng 12/1995, đi tù về tội đọc lá thư của anh gửi cho bộ chính trị, há chẳng phải là một điển hình tiêu biểu đó sao?
Đáng tiếc thay! Bọn cặp-rằng chột mắt đã cấu kết với đám hoạn lợn Bắc Bộ để loại anh ra khỏi vòng quyền lực, chính vì những công sức và tâm trí về xây dựng đảng nói trên. May nhờ những phản đòn kịp lúc của anh mà cả ba đều cấp tốc nắm tay nhau chuyển sang quy chế cố vấn đại ương (tức ở hạng ngạch trên trung ương). Rồi, cho tới đầu năm 2006, khi chuẩn bị tiếp đón tổng thống đế quốc Mỹ sang dự hội nghị APEC, quần thần của triều đại con rớt con rơi này đã đồng tâm hiệp lực tạm “vô hiệu hóa” tác phẩm để đời 31-CP của anh, ngay vào lúc tác giả còn hiện tiền, để lót đường cho bọn tư bản cho phép Việt Nam chường mặt vào WTO, và được Mỹ đặc phong cho quy chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn PNTR. Thôi, thế cũng tạm gọi là tốt, ít ra Nghị Định 31 Xê Bê cũng có một tí giá trị kinh tế biểu kiến, đàng sau hàng hà sa số những giá trị chà đạp nhân quyền cực thảm.
Chỉ tiếc nhất cho giấc mơ suốt đời của anh là một chuyến công du sang Mỹ đến nay vẫn chưa thực hiện được, mà hóa ra công lao hãn mã suốt đời của anh chỉ là những viên gạch tiểu, gạch tàu lót đường cho bọn đàn em có bề dày cách mạng mỏng tựa giá mùa đông ở Hà Nội, bở như giấy lau …tay ở Sài Gòn, tức là chỉ ngang bằng lương tâm và trí tuệ lãnh đạo của ta, lại lần lượt chen chân nhau qua Mỹ. Dù gì thì những cà chua trứng thối ở Mỹ vẫn sáng giá và bõ công hơn mớ sơn đặc mắm tôm mà anh từng đón nhận trong các chuyến công du Âu châu và Úc châu hồi cuối thế kỷ trước chăng?
Đáng mừng thay! Sau đợt phục viên, anh vẫn theo sát tình hình chính sự, và tiếp tục góp ý góp công xây dựng đảng, qua các bài viết, thư ngỏ hay trả lời phỏng vấn (của cả báo đài nước ngoài), với hai đặc điểm đáng ngẫm so với thời tại chức: Ý tưởng sắc hơn và Lời nói thẳng hơn.
Anh xác nhận “nguy cơ lớn nhất là đất nước tụt hậu”, cùng lúc lại đòi hỏi “lãnh đạo phải có bản lãnh”. Nhưng, có phải đất nước mình mới tụt hậu mấy năm gần đây; có phải đến thời này lãnh đạo mình mới thiếu bản lãnh? Hay cả hai đã phát huy theo gia tốc rơi tự do từ đận lãnh đạo ta đòi đốt rụi Trường Sơn đi cứu nước, anh nhỉ?
Anh bảo: "Đất nước VN không phải của riêng ai … Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”. Quá đúng đi chứ, không thể ngờ vực được chút nào về nhận định này. Chỉ có mỗi thắc mắc: Cả từ thời anh nắm quyền thủ tướng, qua cố vấn đại ương, cho tới thời phục viên, không ai nghe anh nói lời phản biện nào đối với chủ trương “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội!”? Cũng không ai thấy anh có ý kiến gì về sự áp đặt vô lý các chương trình học tập chính trị Mác-Lê rác rưởi ở các cấp trung học và đại học?
Anh nhật xét rằng: “hiện nay người nghèo, những hộ thu nhập thấp những người phải chạy ăn từng bữa, trên thực tế, chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng trong khi chính họ gần như phải lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra … Việt Nam cần có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo”. Anh chỉ không nhận rằng những chính sách cốt lõi đó cần phải bắt đầu từ thời … cải cách ruộng đất, hay chí ít là từ thời anh làm Thủ Tướng. Thời đó, anh không làm gì khi anh nắm quyền điều động cả một chính phủ, cũng không dám nói gì khi anh còn là UV/TW và bộ chính trị. Nay anh lớn tiếng nhận định về tình trạng “thiếu chính sách” khi trong tay của anh và gia tộc hai họ nội ngoại, cả bên chồng lẫn nhiều bên vợ, là những gia sản kếch xù, thì liệu có ai dám nghĩ là anh thực sự quan tâm đến dân nghèo dân oan không anh?
Anh hỏi: “Nhà nước đã làm gì cho dân nghèo khi việc chăm lo cho người nghèo là cam kết lịch sử của cách mạng?”. Anh có từng tự hỏi như vậy trong các năm tại chức? Và đến bây giờ anh vẫn một lòng tin rằng bọn tư bản đỏ vẫn tôn trọng một cam kết lịch sử với dân nghèo, dân oan?
Nhìn lại quốc hội, anh nhận định: “Cả động lực để đại diện, cả trình độ và năng lực để đại diện đều đang có vấn đề”. Vấn đề này không mới, và cũng không chỉ nằm ở quốc hội. Cốt lõi của nó là quan niệm điều hành quốc hội, và cả ngành tư pháp, từ đảng.
Đó là một vài nhận định của anh ở tầm tổng thể. Anh còn một số phát biểu “nức lòng” khác ở tầm thấp hơn, không đáng kể. Nhìn chung, cái cốt lõi của mọi nhận định rất sắc và khá thẳng bên trên mà anh không hề dám chạm tới, đau đớn thay, lại chính là điều 4 hiến pháp và tự do báo chí. Nói cách khác, về đặc điểm những phát biểu gần đây của anh, thì: Ý tưởng sắc hơn nhưng không nhất thiết là đúng hay đủ; và Lời nói thẳng hơn cũng chưa nhất thiết là thật hay thông. Tiếc thay! Tiếc thay!
Ai tai! Ý tưởng như nước trôi. Lời nói như gió thoảng. Giờ thì anh đã về đến nhà, bằng chuyên cơ Tô-Bia của Thái. Trắng tay vẫn hoàn tay trắng, ngoại trừ tấm vé cho chuyến khác, một đi không trở lại. Hy vọng là những cuộc tình dâu bộc trong bưng ngoài thành đã giúp anh quên hẳn người thiếu nữ làng Thạnh Quới, trước khi về cõi. Hy vọng là anh đã chuyển tên các trương mục Thụy Sĩ cho các chị và các cháu xong xuôi. Cũng mong là nhà nước đối xử lần cuối với anh đàng hoàng, có học, văn minh, tử tế hơn các bạn lão thành Bảy Trấn, Trần Độ và Hoàng Minh Chính trước đây. Càng mong hơn nữa là khi nhắc tới tên anh, đừng ai nghĩ ngay tới cái 31-CP là cái duy nhất anh để lại cho đời. Cũng đừng ai nghĩ rằng anh là tấm gương phản ánh cực sáng cho một trào lưu chỉ nói thẳng một khi đã mất hết quyền hành.
Có mấy câu điếu lượm được trên Net, xin chép lại để gửi theo anh:
Khá thương thay!
Giận cho lão Trời xanh;
Căm thay ông thầy thuốc.
Già tám sáu cật dai bụng dẻo, thú trần ai sao vội buông xuôi;
Non một tá vợ dại con thơ, mắt lợn luộc thôi đành trợn ngược.
Tôi nay:
Giận thì giận mà tha thì vẫn tha;
Cười chẳng cười mà khóc không ra khóc.
Bó hành đưa lợn xa chơi;
Nắm nhang tiễn anh thẳng bước.
Đừng tính thiệt ra hơn, bước chân đi cấm kỳ trở lại, nẻo âm dương quay lộn tới lui;
Chớ nghĩ khôn hóa dại, vụng nước cờ hạ thủ bất hườn, thế chiếu bí phản hồi sau trước.
Khổ cho tôi mà cũng nhục cho anh;
Tủi thằng dân mà cũng đau cho nước.
Thôi thì:
Chun rượu rưới xuống, khôn thì nên sám hối nghiệp ma vương bá đạo, kiếp sau khó được làm người; Hũ mắm xông lên, linh thì phải ăn năn kiếp nghiệt súc dã man, nghiệp lai dễ thành giống vượn!
Ai tai!
Thượng hưởng!
Đinh Tấn Lực
Chung cư Nguyễn Thiện Thuật - Q3 - Saigon.
12/06/08
No comments:
Post a Comment