Saturday, June 14, 2008

HAWAII NGHIÊNG MÌNH TRƯỚC CÁC CHIẾN SĨ VIỆT MỸ TRẬN VONG.



Lữ Anh Thư: "… Các cựu chiến binh Việt Nam: quý vị là những anh hùng!".

Honolulu (Mo SF).- Trong bầu không khí trang nghiêm và cảm động, một lần nữa Haiwaii đã nghiêng mình tưởng nhớ đến các chiến sĩ Việt Mỹ và đồng minh đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho Việt Nam vừa qua.

Buổi lễ đã được tổ chức vào chiều Chủ Nhật 25 tháng 5 vừa qua tại Nghĩa trang Quốc Gia Thái Bình Dương (National Memorial Cemetery of The Pacific) trên ngọn đồi Punchbowl thuộc thủ phủ Honolulu với khoảng 900 quan khách tham dự gồm đại diện các cấp chính quyền, các vị dân cử, các quân binh chủng từng tham chiến tại Việt Nam, đặc biệt có sự hiện diện của cựu Đại tướng Frederick Weyand, Tham mưu trưởng Quân lực Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam vào năm 1975 (?) cũng là vị ân nhân của cộng đồng Người Việt tại Hoa Kỳ vì chính ông là người đã trực tiếp thuyết phục Tổng thống Gerald Ford lúc đó hãy ra lệnh cho di tản rộng rãi để cứu giúp càng nhiều người Việt càng tốt, trước giờ phút Cộng quân sắp chiếm lãnh Saigon vào tháng 4 năm 1975.

Về phía những người Việt đến từ đất liền, người ta nhận thấy có phái đoàn do Giáo sư Nguyễn Văn Canh hướng dẫn, phái đoàn Phong trào Hưng Ca VN do Phong trào trưởng Huỳnh Lương Thiện hướng dẫn và một số đồng hương từ Hoa Thịnh Đốn, Florida và California đến tham dự.

Trước giờ khai mạc buổi lễ, một đoàn xe mô tô của các cựu chiến binh Hoa Kỳ nổ máy rền vang từ chân đồi kéo lên dự lễ với rừng cờ Vàng và cờ Mỹ được cắm trên xe tung bay trước gió rất đẹp mắt.

Trong lời phát biểu chào mừng quan khách. Giám đốc Nghĩa trang Quốc Gia Thái Bình Dương, cựu Đại tá Castagnetti đã ngỏ lời cám ơn mọi người đã đến tham dự buổi lễ này để tưởng nhớ đến các chiến sĩ Hoa Kỳ, Việt Nam và Đồng minh đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam vừa qua. Ông cho biết đó là cuộc chiến đấu giữa chính nghĩa tự do và độc tài cộng sản và dầu cộng sản có chiếm được Việt Nam thì cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam vẫn tiếp tục.

Tiếp đến là nghi thức chào cờ với quốc thiều Việt-Mỹ đã được cất lên. Quốc ca Việt Nam Cộng Hòa do Ban hợp ca Hội Trùng Dương, gia đình VNTV và các quan khách Việt Nam tham dự đồng hát vang trên ngọn đồi Punchbowl thơ mộng của Honolulu.

Tướng Irwin Cockett, một cư dân sinh trưởng tại Hawaii đã từng lãnh đạo một lữ đoàn Nhảy Dù tham chiến tại Đại Hàn năm 1950 để ngăn chặn cộng quân Bắc Hàn, ông cũng đã từng tham chiến tại Việt Nam và được lãnh nhiều huy chương Anh Dũng Bội Tinh bởi sự can đảm trong chiến đấu của mình đã ca ngợi tấm gương hy sinh của các chiến sĩ Hoa Kỳ và Đồng Minh trong cuộc chiến bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam và khen ngợi Ban tổ chức hôm nay đã chứng tỏ là "...chúng ta, những người may mắn còn sống không quên ơn họ". . .

Tuy nhiên, bài phát biểu đã gây ngạc nhiên và xúc động cho mọi người là bài phát biểu của ái nữ cựu Trung Tướng Lữ Lan, cô Lữ Anh Thư.

Sau phần giới thiệu của cô Ngọc Nhung, Giám đốc đài Truyền hình VNTV, trong chiếc áo dài màu xanh gợn sóng biển, bằng giọng Anh ngữ lưu loát, cô Anh Thư đã thuật lại quãng đời thơ ấu trong chiến tranh của mình, những ngày máu lửa do Cộng quân gieo rắc, những đánh trả kiên cường của chiến binh VNCH cùng với sự hổ trợ của các chiến sĩ đồng minh Hoa Kỳ, những kỷ niệm thích thú của bé Anh Thư khi được người lính Mỹ dạy cho đếm: "One, two, three…".

Lữ Anh Thư nói:
"…Nếu tôi và bạn bè tôi được yên vui cắp sách đến trường, có được một tương lai hứa hẹn, đó là nhờ ở sự hy sinh của quý vị, những chiến sĩ trong quân lực Hoa Kỳ".

Như đã nói ở trên, nhờ có cha phục vụ trong QLVNCH, tôi đã có dịp đến nhiều nơi, kể cả những nơi giao tranh nguy hiểm. Nơi đâu tôi đến, tôi cũng chỉ thấy bóng dáng hai lá cờ, cờ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và cờ của Việt Nam Cộng Hòa. Ai ai cũng hiểu rằng nơi nào có hai lá cờ này là nơi đó an toàn, nơi họ sẽ được bảo vệ. Tiếc thay, giới truyền thông đã không bao giờ nói đến đặc điểm này mặc dù phim ảnh họ phổ biến là bằng chứng cụ thể nhất, cho mọi người thấy rõ những khi người dân Miền Nam chạy giặc ngày đó, mọi người đều chạy trốn cộng sản và chạy về phía Cờ Vàng và Cờ Mỹ, hai lá cờ biểu tượng của tự do.

Qua những kinh nghiệm kể trên, đối với tôi và những người của thế hệ tôi, quý vị là những người anh hùng. Chính sự hy sinh của quý vị đã cho chúng tôi cơ hội để được sống tự do. Thế hệ tôi và những thế hệ được sống tự do sau tôi là những người thừa hưởng trực tiếp sự hy sinh và phục vụ của quý vị. Chiến tranh bao giờ cũng tàn khốc và tang thương. Cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến đẩm máu nhất của thế kỷ thứ 20. Nhưng cuộc chiến Việt Nam cũng là cuộc chiến đầy chính nghĩa và cao cả. Thì đối với những người đã đáp lời sông núi và làm tròn bổn phận người chiến binh, sự hy sinh của họ phải được ghi nhớ và đền đáp. Tôi đã kinh ngạc khi biết rằng đất nước Hoa Kỳ này đã không dành những sự đãi ngộ xứng đáng cho những người lính trở về từ chiến trận Việt Nam. Tôi rất tiếc rằng quý vị đã gặp phải những kinh nghiệm không vui như thế. Tôi muốn quý vị biết rằng, đối với người Mỹ gốc Việt, với tôi và thế hệ của tôi, chúng tôi tri ân quý vị.."

"…Tôi xin mượn những lời sau đây của Mục Sư Dennis Edward O'Brien để gởi đến quý vị :

Không phải những nhà báo mà chính là người lính chiến đã cho ta quyền tự do báo chí.
Không phải người thi sĩ mà chính là người chiến sĩ đã cho ta quyền tự do ngôn luận.
Không phải người điều hành khuôn viên đại học mà là chính người lính chiến đã cho ta quyền xuống đường phản đối.
Chính người chiến sĩ đã gìn giữ lá cờ, chào cờ, chiến đấu dưới lá cờ và thi hài của họ đã được phủ màu cờ
Và chính ngưòi chiến sĩ đó đã cho những người phản chiến cái quyền đốt cờ.

Và trước khi dứt lời, tôi cũng xin mượn những lời trong một bài hát tri ân người lính chiến Hoa Kỳ do một y sĩ Việt Nam sáng tác để gởi đến quý vị hôm nay :

Các anh là niềm tự hào, các anh là tấm gương anh dũng. Các anh là anh hùng của những anh hùng.

Vâng! Thưa các cựu chiến binh Việt Nam, quý vị là những anh hùng! Tôi xin được nghiêm chào quý vị…"

Bài phát biểu đã chấm dứt giữa tràng pháo tay như không muốn dứt cùng những giòng lệ xúc động của các cựu chiến binh và thân nhân tham dự.

Tiếp đến là nghi thức đặt vòng hoa tưởng niệm trên đài tử sĩ. Về phiá cộng đồng Việt Nam, một vòng hoa tươi kết thành hình cờ vàng ba sọc đỏ của "Người Việt tại hải ngoại" đã được Giáo sư Nguyễn Văn Canh và Phong trào trưởng PT Hưng Ca Huỳnh Lương Thiện trang trọng đặt trên đài tử sĩ để bày tỏ lòng tri ân của người Việt đến các chiến sĩ đã nằm xuống vì chính nghĩa tự do tại Việt Nam.
Cũng trong giây phút đó, đội nghi lễ của các chiến sĩ Hải Quân đã liên tục bắn 21 súng chỉ thiên để vinh danh những chiến sĩ đã hy sinh vì nghĩa vụ…

Bầu trời vừa sẩm tối, mọi người được chuyền tay nhau những ngọn nến lung linh , theo phần hướng dẫn của một vị linh mục tuyên úy để cùng cầu kinh tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh.

Sau phần biểu diễn của phi cơ trực thăng diễn tả lại các phi vụ "Missing man fly over" đang quay lại tìm cứu các đồng đội đang lâm nạn tại chiến trường năm xưa và tiễn đưa Quốc, Quân kỳ.
Buổi lễ đã bế mạc vào lúc 8giờ tối cùng ngày.
Huyền Thịnh, Mõ San Francisco.
~~~~~~~~~~~~ ~~~~~~~~~ ~~~~~~~~
Ghi chú: Nếu quý vị cần nguyên văn bài phát biểu bằng Anh và Việt ngữ của cô Lữ Anh Thư, xin liên lạc với tác giả qua email:
"lu anh thu" http://www.atlu59@yahoo.%20com

No comments:

Post a Comment