Wednesday, June 18, 2008

Ai thương tiếc ông Võ Văn Kiệt?

• Ngô Nhân Dụng

Võ Văn Kiệt
Thương cho ông Võ Văn Kiệt. Lúc còn sống ông từng lên tiếng ủng hộ việc cởi trói thêm cho báo chí, muốn cho các nhà báo được dễ thở hơn một chút; nhiều nhà báo biết ơn coi ông như một “ô dù” bảo vệ họ mỗi khi lỡ nói “những sự thật không được phép nói.” Nhưng khi ông qua đời, hai ngày sau báo chí ở Sài Gòn mới được phép loan tin! Có báo lỡ đưa lên mạng rồi cũng được lệnh phải cắt bỏ. Và họ đành răm rắp vâng lệnh các ông chủ! Tự do báo chí, như có lần ông Võ Văn Kiệt đã đòi phải mở rộng hơn, bây giờ vẫn như thế đó!

Tại sao người ta sợ một bản tin đơn giản giống như bài “cáo phó” vậy? Chắc Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản ở Hà Nội đã mất hai ngày bàn cãi vì họ khó “nhất trí” với nhau. Họ chưa biết nên cho ông Kiệt được hưởng nghi lễ cấp bậc nào; cũng không biết nên tổ chức đám tang ở Sài Gòn, Vĩnh Long, hay Hà Nội! Tình trạng chậm trễ này cho thấy giới lãnh đạo đảng sợ. Họ sợ cả thi hài một người chết! Chắc họ còn nhớ vụ sinh viên và công nhân Bắc Kinh làm lễ tưởng niệm Hồ Diệu Bang, một tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc đã mất chức. Lễ tưởng niệm đó, vào Tháng Tư năm 1989, lớn lên dần dần, biến thành một cuộc biểu dương lực lượng đòi tự do, sau cùng dẫn tới vụ tàn sát ở Thiên An Môn vào đầu Tháng Sáu năm đó.

Có lẽ ban lãnh đạo đảng Cộng Sản không lo đám tang Võ Văn Kiệt sẽ trở thành một ngòi nổ như lễ tưởng niệm Hồ Diệu Bang 19 năm trước đây, vì Sài Gòn không phải là Bắc Kinh. Mấy tháng trước đây, guồng máy công an Cộng Sản đã đè bẹp những cuộc biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Trước ngày rước Ðuốc Thế Vận 2008 qua Sài Gòn, công an đã triệt hạ tất cả những nhóm muốn biểu tình chống đối. Ngược lại, đội ngũ công an Việt Cộng đã thành công mỹ mãn trong việc bảo vệ các đồng nghiệp công an Trung Cộng (đóng vai lực sĩ) tổ chức tuần hành phất cờ ngũ tinh diễu võ dương oai ngay trên đường phố Sài Gòn, trước những con mắt ngơ ngác của người dân Việt.

Và như vậy, đảng Cộng Sản sẽ tổ chức một “quốc táng có kiểm soát chặt chẽ” cho ông Võ Văn Kiệt. Không những họ sẽ kiểm soát từng người đi dự lễ, từng vòng hoa, từng lời phúng điếu, mà sẽ còn kiểm soát đến từng chữ viết, từng bức hình chụp khi loan tin về đám tang đó!

Trong tình cảnh như vậy thì linh hồn ông Võ Văn Kiệt cũng phải đau lòng! Vì nếu được chọn, chắc ông sẽ muốn người ta nhớ đến ông như một người tiêu biểu cho các đảng viên muốn thay đổi nhanh chóng, chứ không phải của một tổ chức khép kín gồm các lãnh tụ đảng đang lo chia phần sôi thịt! Mấy năm sau cùng khi còn tại thế, ông Võ Văn Kiệt tự biến mình thành điểm hội tụ của những đảng viên và người ngoài muốn thay đổi mạnh bạo hơn. Có lúc ông nói và viết như một người đối lập. Trước đại hội mười của đảng Cộng Sản, những người muốn thay đổi nhanh chóng hơn đã quy tụ quanh ông. Trong năm 2005 ông Kiệt đã đi khắp các tỉnh ở miền Nam vĩ tuyến 17, mỗi tỉnh đến thăm nhiều lần, để cổ động khuynh hướng thay đổi mạnh hơn.

Ðặc biệt, trong đám những người ở quanh ông Kiệt có những nhà báo trẻ, những người dám ngỏ ý đòi thêm quyền tự do ngôn luận. Khi có những mạng lưới loan tin đồng bào biểu tình phản đối bị chiếm ruộng đất, hoặc loan tin những hành động của thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, nhiều người dám làm những việc đó vì họ tin đã được ông Võ Văn Kiệt ngấm ngầm hỗ trợ. Ông Kiệt trở thành một thứ “ô dù” của những đảng viên Cộng Sản có tư tưởng tiến bộ ở miền Nam. Nếu được chọn, chắc ông Kiệt muốn được người ta nhớ đến như một “đầu tầu” của phe tiến bộ trong đảng, của những người sẽ thay đổi đảng; chắc ông không muốn được lãnh huy chương, được phong làm “anh hùng” của một đảng Cộng Sản đang thối nát đến tận xương tủy. Võ Văn Kiệt đã tìm cách thay đổi cái đảng thối nát đó, một đảng mà ông đã theo trong gần 70 năm; nhưng sau cùng ông vẫn không thành công. Ngay cái chết của ông cũng sẽ được đám lãnh tụ tham ô sử dụng để củng cố quyền hành và bảo vệ những lợi lộc của họ!

Một đảng viên Cộng Sản lâu năm như ông Võ Văn Kiệt phải nhuần nhiễn “kỹ thuật tồn tại” khi sống trong lòng chế độ, cho nên chúng ta không hy vọng khi còn sống ông Võ Văn Kiệt dám nói thẳng đến những sai lầm căn bản của Chủ Nghĩa Cộng Sản cũng như của chế độ toàn trị bất lực và thối nát của họ. Nhưng trong khuôn khổ hạn chế đó, ông đã dám nói lên rất nhiều điều để người đọc có thể suy ra ý kiến sâu kín của ông. Năm 1995, lá thư ông Võ Văn Kiệt gửi cho Bộ Chính Trị trong khi ông đang đóng vai thủ tướng đã được tiết lộ, cho thấy ông muốn dùng dư luận bên ngoài để tạo sức ép lên đám lãnh tụ thủ cựu chung quanh. Trong thư đó, ông Kiệt đã phản đối chủ trương dùng kinh tế quốc doanh làm chủ đạo, ông còn gợi ý không được để cho cơ chế đảng lấn áp guồng máy nhà nước. Ông viết thẳng sự thật là các đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng “chỉ hoạt động hình thức, hoặc tê liệt, thoái hóa.”

Nhưng phải đợi 10 năm sau, ông Kiệt mới dám nói thẳng hơn khi góp ý kiến công khai trước đại hội X. Ông dám viết một sự thật mà đảng Cộng Sản vẫn che lấp, là họ không còn dính gì đến giai cấp công nhân lao động nữa: “Chúng ta thường nói như một công thức rằng đảng Cộng Sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân... Thực tế là trong một thời gian khá dài, đảng dường như không phải là của giai cấp công nhân... Giai cấp công nhân trong thực tế không biết và không có quyền được biết đội tiên phong của mình đang làm gì.” Cả nước biết và muốn nói như vậy mà phải lặng câm, những lời nói của ông Kiệt tạo cơ hội cho nhiều người dám nói mạnh dạn hơn.

Ông Võ Văn Kiệt có dám đòi tự do dân chủ thật sự cho người Việt Nam hay không? Ông đã phê phán đảng Cộng Sản vì trong lòng đã nhìn thấy chế độ độc tài là một tai họa của dân tộc; hay là ông chỉ theo thời mà nói lên những điều cả nước Việt Nam ai cũng thấy? Chúng ta biết là trong guồng máy độc quyền của đảng Cộng Sản mà ông đã sống, một người như ông chỉ dám hô lên những khẩu hiệu chung chung, không dám nói những điều cụ thể. Trước đại hội X, ông viết, “Phải rèn tập cho xã hội Việt Nam một thói quen của đời sống dân chủ. Trong đó quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do nghiên cứu... cần được mở rộng hơn nữa.” Khi một lãnh tụ cấp cao như ông đã viết như vậy, các đảng viên tiến bộ thấy như đã được “bật đèn xanh” để mạnh dạn biến các khẩu hiệu đó thành hành động. Họ dám viết báo chống tham nhũng, dám làm những mạng lưới đòi tự do, dám chống Trung Quốc xâm lăng. Nhưng tiếc rằng họ chưa bao giờ đạt được kết quả nào cụ thể. Tức là chính ông Võ Văn Kiệt, cho đến trước lúc ông qua đời, cũng vẫn thất bại - nếu ông thực tâm muốn thay đổi!

Bây giờ ông Kiệt qua đời, những đảng viên tin theo ông và từng lên tiếng đòi quyền sống cho nông dân, chống cường hào ác bá sẽ bơ vơ. Những người đó, phần lớn đều trẻ tuổi, mới lâm vào cảnh “mồ côi.” Họ là những người sẽ thương tiếc ông nhất. Không những thương tiếc một con người mà thương cho những cơ hội đã mất không bao giờ tạo được nữa! Họ sẽ phải đi tìm “chỗ dựa” nếu muốn tiếp tục vận động đảng Cộng Sản bỏ chế độ độc tài và phục hồi danh dự đất nước. Hiện nay không thấy một ai đủ sức làm ô dù cho họ cả! Trong đám tang ông Võ Văn Kiệt, đó là những người sẽ khóc ông thành thật nhất. Chính khi còn sống ông Võ Văn Kiệt chưa bao giờ tổ chức được những người đang theo mình, chuẩn bị cho có người làm đầu tầu thay thế mình. Có lẽ vì lòng ông vẫn “tận trung” với đảng Cộng Sản; mà cũng có thể vì ông bất lực trước guồng máy kiểm soát chặt chẽ của đảng, họ không bao giờ để cho một ý đồ như vậy có thể thực hiện.

Bây giờ ông chết rồi, đảng Cộng Sản sẽ chiếm cái thi hài của ông. Ðám tang sẽ được tổ chức “đúng đường lối!” Từ nay ông sẽ thuộc về họ, họ bảo đảm guồng máy thông tin làm cho cả nước hiểu như vậy. Ðám lãnh tụ đảng sẽ đọc điếu văn, sẽ ban thêm huy chương cho ông, sẽ khen ngợi những thành tích phục vụ đảng của ông mà không bao giờ nhắc đến những ý kiến “chệch hướng.” Họ sẽ không dại dột lăng mạ ông như đã làm trong đám tang Tướng Trần Ðộ. Nhưng họ sẽ khuyên các đảng viên khác chỉ theo tấm gương tận tụy phục vụ đảng của ông, khi nào chết sẽ được phát thưởng huân chương y như vậy!

Trong bộ ba Mười, Anh, Kiệt mười năm trước, Ðỗ Mười và Lê Ðức Anh vẫn còn sống và vẫn kiểm soát giềng mối bộ máy đảng, quân đội và công an. Tay chân của hai ông này vẫn nắm quyền, tha hồ chia chác nhau các thứ lợi lộc. Ông Võ Văn Kiệt đã thua vì chết sớm hơn. Ông ra đi, không còn bảo vệ được những người tiến bộ đã theo ông nữa. Trong vòng hai tháng nữa trung ương đảng Cộng Sản sẽ họp để sắp xếp lại, và khẳng định “Võ Văn Kiệt đã chết thật!” Khuynh hướng thủ cựu sẽ thống ngự trong hai ba năm sắp tới, trong đảng cũng như ngoài xã hội. Chỉ trong vòng một năm tới, những người đàn em trẻ tuổi của ông Kiệt sẽ bị phân tán, nhiều người sẽ bị bắt, nếu mạng lưới của họ không bị tiêu diệt thì cũng bị làm cho tê liệt!

Cho nên đám tang ông Võ Văn Kiệt là cơ hội sau cùng để những người đã theo ông hành động. Không biết họ sẽ làm gì để chứng tỏ những ý kiến có khuynh hướng tiến bộ mà ông Kiệt đã nói trước đây là có thật, xuất phát từ tim óc, chứ không phải chỉ là những lời a dua giả dối, hô khẩu hiệu theo thời thế đổi thay. Họ sẽ phải đối đầu với lực lượng công an, mật vụ của chế độ, không biết họ có đủ sức và đủ dũng cảm để làm được gì hay không.

Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment