Wednesday, June 18, 2008

Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn Mẹ Việt Nam, Áo Vàng Áo Đỏ!

Thụy Ái
Tâm Thức Việt Nam

Hồng Y
Phạm Minh Mẫn

Trong bức thư gởi cho ban tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day 2008, viết tắt WYD) dự định tổ chức tại Sydney vào tháng 7-2008, [tin Việt Báo, ngày Thứ Bảy, 6/7/2008,] Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã tỏ ý lo ngại vấn đề cờ vàng sẽ làm “tắt nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ VN.” Ngài nhấn mạnh, các bạn trẻ VN là “con một Cha, là anh em một nhà...” và “người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục ...” Để kết luận Đức Hồng Y Mẫn kêu gọi sự trở về với “Bản chất của Giáo Hội Công Giáo là hiệp thông với Chúa ...”

Bản văn đề cập đến lá cờ vàng của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn nghe thoáng thì xuôi nhưng tuy nhiên khó thuyết phục người đọc có suy nghĩ.

Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã mâu thuẫn, qua ba đoạn chỉ cách nhau trên dưới 100 chữ! Đoạn trên ông viết “người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục...” Nhưng khi đề cập đến Ngày Giới Trẻ Thế Giới tổ chức tại Sydney là vùng trời tự do, là giang sơn của người Việt tự do hải ngoại, biết rằng mẹ Việt Nam của người Việt tự do sẽ mặc áo vàng (cờ vàng) thì Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn lại đưa ra sự e ngại, rằng vấn đề cờ vàng sẽ làm “tắt nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ VN,” để rồi đưa ra đề nghị kêu gọi sự trở về với “Bản chất của Giáo Hội Công Giáo là hiệp thông với Chúa...” (?!)

Mỗi dân tộc đều có biểu tượng tinh thần quốc gia riêng biệt. Biểu tượng tinh thần quốc gia của người Việt tự do hải ngoại là lá cờ vàng 3 sọc đỏ. Mục tiêu của tôn giáo là phục vụ xã hội, phục vụ dân tộc qua chức năng hướng dẫn tâm linh con người, hướng con người làm lành lánh dữ trên căn bản đạo lý dân tộc. Tôn giáo tại Việt Nam vì thế luôn luôn gắn bó với quyền lợi đất nước và đứng dưới quyền lợi dân tộc. Trong giòng lịch sử, tôn giáo Việt Nam luôn đóng vai trò hướng dẫn niềm tin cho con người, đưa con người đến đạo đức, và vì yêu thương dân tộc mà tranh đấu cho hạnh phúc giống nòi. Chính vì thế tôn giáo đã bị cộng sản Việt Nam theo chủ nghĩa quốc tế vô sản đại đồng xem là kẻ đại thù cần phải tiêu diệt. Trên căn bản này Cộng Sản Việt Nam đã ra tay sát hại, trấn áp các vị lãnh đạo tinh thần đức cao phẩm trọng, những vị mà cộng sản Việt Nam xem là nguy hiểm cho chủ trương toàn trị ngu dân của chúng. Trường hợp đức Huỳnh Phú Sổ của Phật Giáo Hòa Hảo, đức tổng giám mục Nguyễn Kim Điền trước đây, và đức Tăng thống Thích Huyền Quang, đại lão hoà thượng Thích Quảng Độ hiện nay, vân vân, là những thí dụ điển hình cho sự tàn bạo này của cộng sản Việt Nam.

Tóm gọn, nếu bản chất của tôn giáo là hướng thượng, đưa con người đến lẽ phải tránh xa sự trái, phục vụ cho lợi ích tinh thần cho xã hội, cho dân tộc, thì sự kêu gọi trở về với “Bản chất của Giáo Hội Công Giáo là hiệp thông với Chúa...” của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn trong cố gắng vận động loại bỏ lá cờ vàng, biểu trưng của người Việt tự do tại hải ngoại, trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới của cộng đồng Việt Nam tại Sydney, rõ ràng đã không giải thích được, vì không có tính khách quan, mà ngược lại chỉ để phục vụ một thâm ý chính trị qua chiêu bài tôn giáo.

Thực thế, nếu Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn thật sự nghĩ rằng “người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục ...” thì khi Ngài và các bạn trẻ Việt Nam trong nước đi sang Úc Châu tham dự ngày đại hội của giới trẻ công giáo, thì việc Mẹ Việt Nam của người Việt tự do, trên vùng đất tự do, Mẹ mặc áo vàng là đúng lý tình chứ cớ sao mà Ngài lại phải yêu cầu lấy đi biểu tượng của người Mẹ Việt Nam hải ngoại ? Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn có nghĩ rằng Ngài có thể nào đề nghị với Đức Hồng Y G. Pell, giáo dân Mỹ xin đừng treo cờ Mỹ trong lúc Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và các bạn trẻ Việt Nam trong nước đến thăm nhà thờ Mỹ hay không?

Tóm lại người nước ngoài đến Việt Nam thì cần tôn trọng các luật lệ tập tục của Việt Nam. Khi đi ra hải ngoại người Việt trong nước cũng phải biết tôn trọng những biểu tượng và quan điểm chính trị xã hội của người Việt hải ngoại cũng như của người ngoại quốc nói chung. Vì thế dù tôn kính chức vụ hồng y đến mấy trong giáo quyền Vatican, người đọc lá thư của đức Hồng y Mẫn cũng không thể không có câu hỏi rằng có thực đây là quan điểm của một nhà lãnh đạo tôn giáo cấp cao hay chỉ là thông điệp chính trị khéo léo của một cán bộ tôn giáo vận vào hạng có bản lãnh?

Thụy Ái
Ngày 14 tháng 6 năm 2008

No comments:

Post a Comment