Wednesday, September 17, 2008

TÔN GIÁO LÀM CHÍNH TRỊ HAY KHÔNG LÀM CHÍNH TRỊ?


Nhân “Sự Cố Hồng Y Phạm Minh Mẫn,” thử đặt lại vấn đề:
TÔN GIÁO LÀM CHÍNH TRỊ HAY KHÔNG LÀM CHÍNH TRỊ?

Thạch Nguyên

Ai đã từng học ngành chính trị học, dù chuyên khoa hay phụ khoa, đều phải lấy lớp “Politics 101,” tức lớp chính trị học nhập môn. Ngay từ giờ đầu của lớp này, sinh viên đã làm quen với ý tưởng của Aristote về định nghĩa con người: “Theo bản tính, con người là con vật chính trị!”

CON NGƯỜI: CON VẬT CHÍNH TRỊ?

Vì theo bản tính tự nhiên này nên từ những năm 1962 -1975 dưới chính thể tự do Việt Nam Cộng Hòa, đủ mọi hạng người xuống đường làm chính trị: sư ông, sư bà, cha cố, giáo dân, sinh viên học sinh, chính trị gia phe tả, phe hữu, phe giữa ... Không ai đặt vấn đề tôn giáo có nên làm chính trị hay không. Có lẽ vì được sự hiệp thông nhất trí của Bắc Bộ Phủ?

Nhưng sau khi cộng sản chiếm được miền Nam, tháng 5 năm 1975, cả giáo sĩ và giáo dân, cả thầy và trò, cả chính trị gia chuyên nghiệp lẫn thành phần đón gió trở cờ, cơ hội chủ nghĩa ... đều ngoan ngoãn chấp hành chủ trương mới của đảng và nhà nước cộng sản “tôn giáo không làm chính trị.”

Chỉ có đảng cộng sản mới được quyền và độc quyền làm chính trị. Đảng CSVG đã thật sự thay đổi bản tính tự nhiên của con người bằng súng đạn, gông cùm rồi chăng? Hay “bản tính” không phải là cái gì tự nhiên mà được quy định bằng chế độ chính trị theo cơ chế XIN-CHO, ban phát của kẻ cầm quyền?

Nghiên cứu về cách sống của các loài động vật, người ta thấy chúng cũng có đời sống tập thể, tổ chức đoàn ngũ, nhưng 10.000 năm trước và bây giờ không có gì thay đổi, vẫn thô sơ và theo bản năng. Con người thì khác. Nhìn lại lịch sử tiến hóa của nhân loại, tổ chức xã hội của loài người đã trải qua nhiều hình thức khác nhau, từ đơn sơ đến phức tạp, từ bộ lạc đến quốc gia và liên hiệp quốc gia, từ chế độ phong kiến vua quan, độc tài chuyên chế đến dân chủ tự do.

Có chế độ chỉ xuất hiện một thời gian ngắn trên dòng lịch sử nhân loại rồi biến mất vì không đáp ứng được khát vọng của con người thời đại, vì đi ngược với trào lưu tiến hóa, vi phạm nhân quyền, nhân phẩm, đưa con người trở về thời đồ đá, sống trong sợ sệt lo âu, hay xem con người đơn thuần là phương tiện sản xuất để khai thác, bóc lột.

Khác với các loài động vật khác, con người không bao giờ chấp nhận cái hiện tại là toàn hảo, viên mãn, nhưng luôn luôn mong muốn cái tốt đẹp hơn. Đây chính là động lực giúp xã hội con người tiến bộ. Điều này thật dễ hiểu vì con người không hoàn toàn là con vật chỉ biết ăn, ngủ và làm tình. Con người là con vật, nhưng là con vật có lý trí, biết suy nghĩ, con vật chính trị, con vật luôn muốn vượt thoát những ràng buộc của hiện tại để tiến gần lý tưởng Chân-Thiện-Mỹ. Hầu hết hành động con người không do bản năng mà là hệ quả của kinh nghiệm và quá trình suy nghĩ.

Nếu là con vật chính trị, con người không thể thoát khỏi những sinh hoạt, hành vi chính trị. Điều này có đúng không?

THẾ NÀO LÀ LÀM CHÍNH TRỊ HAY KHÔNG LÀM CHÍNH TRỊ?

Nhiều người khôn ngoan tạo cho mình cái mộc che, hoặc tự giăng bẫy cho mình, hoặc bị kẻ khác gài bẫy bằng chủ trương “tôn giáo không làm chính trị!”

Không làm chính trị thì được lòng kẻ cầm quyền, vì CSVG muốn độc quyền làm chính trị qua điều IV hiến pháp. Không làm chính trị thì thảnh thơi, phè phỡn, nhởn nhơ đi làm “mục vụ hải ngoại” như đi chợ. Không làm chính trị thì được CSVG khuyến khích, cho phép, tha hồ xây cất, sửa sang nhà thờ hoành tráng(!), lễ lạc linh đình, kiệu trống rình rang, đẹp đạo (bề ngoài, hình thức) và tốt đời (bản thân mình). Không làm chính trị thì được bạo quyền khen tặng, ban cho huân chương khi còn sống cũng như lúc chết, thụ hưởng quyền lợi vật chất ... Có hàng trăm lý do khác để ... không làm chính trị. Vậy tội gì làm chính trị cho cực thân, nguy hiểm đến tính mạng ... Thật khôn ngoan!

Nhưng những người hô hào không làm chính trị có thật sự không làm chình trị?

Theo từ nguyên, chính trị là dùng đường lối ngay thẳng, chính trực để cai trị. Mục đích chính trị là đem lại an thịnh, hạnh phúc cho toàn dận hay ít ra là quảng đại quần chúng. Vậy có gì xấu xa? Nếu xấu xa thì làm sao giải thích được hành động vượt biên trốn dưới tàu Pháp của cậu ba Nguyễn Tất Thành, làm sao giải thích được VGCS dành độc quyền làm chính trị? Dành tất cả những xấu xa nhơ nhớp cho mình sao?

Hẳn nhiên, ngày nay không ít những kẻ làm chính trị bằng trí trá để thu lợi cho mình và bè phái, đón gió trở cờ, thay đổi lập trường như chong chóng, hứa điều tốt đẹp khi còn trú ẩn ở bưng biền, rừng rú, nhưng khi cướp được quyền thì dùng bạo lực đàn áp, xem dân như con vật lao động để bóc lột và khai thác.

Nhưng những sự kiện đó có làm cho chính trị nên xấu xa khiến người ngay lành, có lý tưởng phục vụ phải xa lánh? Con dao có thể làm đứt tay, chảy máu vì người sử dụng vô ý, nhưng chúng ta vẫn dùng nó hằng ngày vì mục đích của dao không phải là để giết người mà cốt là giúp cho đời sống con người được tiện ích hơn.

Nếu chính trị là dơ bẩn, tại sao chúng ta vẫn gọi những người làm chính trị, khi họ nắm quyền trong tay, là NGÀi (!) hay ÔNG này BÀ nọ, rồi TRỌNG KÍNH, rồi KÍNH THƯA, DẠ BẨM ...? Hay bản tính con người là con vật sống hai mặt vì biết suy nghĩ, có lý trí, kính sợ trước mặt mà bầm chặt, chưởi rủa sau lưng?

Làm chính trị cũng có nhiều cách. Đâu phải chỉ tranh cử, cướp quyền, giữ chức vụ trong guồng máy cai trị, lập/gia nhập đảng phái, bè phái, tham nhũng, lạm quyền cho lợi ích bản thân, biểu tình ủng hộ hay chống đối, phản kháng kẻ có quyền ... mới là làm chính trị? Hẳn nhiên đó là những hoạt động chính trị người tu hành cần phải tránh vì trái với lý tưởng phục vụ chân-thiện-mỹ và đời sống đơn sơ ngay lành khi chọn con đường tu.

Nhưng người tu hành cũng là công dân, có bổn phận và quyền lợi đối với đất nước như mọi công dân khác. Hơn ai hết, người tu hành còn có bổn phận sống đời gương mẫu trong việc làm tròn bổn phận đối với quốc gia, xã hội để khuyên dạy những người theo mình!

Không có tôn giáo nào cấm đoán người tu làm tròn nhiệm vụ một công dân. Nước mất, nhà tan thì tôn giáo có thể bình an truyền đạo, giữ đạo, hoằng dương đạo pháp chăng? Trừ phi cộng tác với quân thù! Kẻ thù ngoài chiếm đất, chiếm đảo, kẻ thù trong toa rập dâng hiến để củng cố quyền hành, người lãnh đạo tinh thần có thể an nhiên tự tại đọc kinh, hành lễ, dửng dưng đi “làm mục vụ hải ngoại” được sao? Nhiệm vụ công dân không làm tròn, làm sao xứng đáng làm “bậc thầy giảng dạy?” Chuyện dưới đất không xong, ù ù cạc cạc thì chuyện trên trời làm sao biết? Giảng thuyết còn ai tin?

Ứng cử vào các cơ quan công quyền hay bầu cử chọn người đại diện cho mình – dù theo định hương xã hội chũ nghĩa “đảng chọn ta bầu” --, nhận xét, tuyên bố về chính sách tôn giáo của nhà nước, dù ca tụng hay chỉ trích (nếu có can đảm), xuất hiện trong các buổi lễ lạc của kẻ cầm quyền, trao đổi, chúc mừng trong các dịp lễ, học tập chủ thuyết Mác-Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, rước đuốc thế vận hội (linh mục Việt Nam ở Thái Nguyên), giám mục Trung Hoa Fang ở Bắc Kinh, tháng 6-2008) tham gia các tổ chức ngoại vi của cộng sản như Mặt Trận Tổ Quốc, Ủy Ban Đoàn kết Tôn Giáo, viết vài đăng trên “báo đạo” (hay “báo đời?”) Công Giáo và Dân Tộc... hay chỉ cần có một câu hỏi như “tại sao vật giá cứ gia tăng?” hay “tại sao anh cán bộ đảng viên hàng xóm sống thừa thãi còn gia đình tôi làm suốt ngày mà không đủ ăn?” và hẳn nhiên tranh đấu cho nhân quyền, nhân phẩm, tự do dân chủ... đều là những hành vi chính trị (political acts).

Vâng, ít hay nhiều, vô tình hay cố ý, người ít học hay ông thầy, có học vị hay không, giáo sĩ, tu sĩ hay người dân thường ... mỗi thái độ, lời nói và hành động đều hàm chứa một ý nghĩa chính trị nào đó. Không thể thoát được.

Cho nên dù không tích cực hoạt động chính trị, dù không giữ một chức vụ nào trong guồng máy cầm quyền, dù không là thành viên một đảng phái chính trị, mọi công dân đều có thái độ hay hành vi chính trị đối với các vấn đề xã hội, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, chính trị... của quốc gia.

Người lãnh đạo tôn giáo, hơn ai hết, càng không thể thờ ơ, nhắm mắt trước những bất công, áp bức chồng chất mà quần chúng đang gánh chịu, không thể khuyên họ ráng chịu khổ nạn đời này để được hưởng phước đời sau. Tôn giáo không phải là, và không thể trở thành thuốc mê, thuốc tê khiến con người không còn cảm giác, không còn ý thức về thực tại ở thế gian.

Người lãnh đạo tôn giáo phải biết đồng cảm, sống hòa mình với quảng đại quần chúng, vui với niềm vui của họ, lo với nỗi đắng cay, nhọc nhằn của họ, nói lên tiếng nói, nguyện vọng của họ. Nói khác, người lãnh đạo tinh thần hay tôn giáo cần có một quả tim, quãng đại nhưng dũng cảm, dám nói lên sự thật, và một trí óc minh mẩn để đối phó với sự dữ.

BÀI HỌC “SỰ CỐ HỒNG Y PHẠM MINH MẪN”

Biến cố Thái Hà trong tháng qua -- VGCS cướp đất nhà thờ DCCT bán cho đại gia đỏ và khủng bố, đàn áp giáo dân cầu nguyện – có vẻ như đã làm cho dư luận tạm quên sự cố “cờ đỏ, cờ vàng” của HYPMM. Nhiều người ước mong, hẳn nhiên trong số những người này có HYPMM, với thời gian và những biến cố cướp đoạt dồn dập khác của CSVG sẽ làm cho... cứt trâu hóa bùn, không ai còn nhắc tới sự cố này nữa.

Thực tế lại khác hẳn. Trong thời gian qua, kể từ khi HYPMM công bố “lá thư mục vụ” về “cờ đỏ, cờ vàng” ngày 04-06-2008, các giáo sĩ, tu sĩ VN ra hải ngoại thường được giáo dân và người ngoài đạo hỏi han về “sự cố” thật tận tình. Trong tương lai, nếu còn tiếp tục “mục vụ hải ngoại,” HYPMM cũng không thể nào tránh khỏi những câu hỏi liên hệ, trừ phi các “nhà đạo diễn” thu xếp để HYPMM tiếp xúc với các con chiên ngoan đạo chọn sẵn và chỉ trả lời những câu hỏi định trước như đã xảy ra ở Washington D.C. trong tháng 6 năm nay.

“Sự cố Hồng Y Phạm Minh Mẫn” là bài học cho những ai chủ trương và hãnh diện tuyên bố “tôn giáo không làm chính trị!”

Nếu cái áo không làm nên thầy tu thì tuyên bố “tôi không làm chính trị” không giải trừ, miễn nhiễm người lãnh đạo tôn giáo khỏi những hệ lụy về thái độ, lời nói, hành động của mình. Dù muốn dù không, người lãnh đạo tôn giáo hay tinh thần cũng là “Public Figure,” gương mặt công cộng, chịu sự phán xét của dư luận quần chúng.

Lời phát biểu, hành động của người lãnh đạo tôn giáo ít hay nhiều, vô tình hay cố ý hàm chứa một ý nghĩa và hệ quả chính trị nào đó. Trong khi thành phần lãnh đạo đời, từ kẻ cầm quyền đến người lãnh đạo các đoàn thể quần chúng bị dư luận xem là băng hoại, tham nhũng, tay sai, thời cơ trục lợi ... thì giới lãnh đạo tôn giáo là hy vọng cuối cùng của quần chúng đang tuyệt vọng. Đó là niềm hy vọng cuối cùng, và quần chúng không muốn nó tắt ngủm.

Cho nên chủ trương “tôn giáo không làm chính trị” cũng là một đường lối làm chính trị, nhưng là một đường lối tiêu cực nhất, nguy hại nhất cho cả đời lẫn đạo. Đây là phương cách làm chính trị của kẻ nhát (hèn) đóng vai khách bàng quan trên sân khấu đời, một đường lối lãnh đạo vô trách nhiệm, phủi tay để người khác làm mình hưởng!

Lời thư của Hồng Y Phạm Minh Mẫn rõ ràng là xác định một thái độ, một lập trường chính trị vì nó liên quan đến lá cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của một thể chế chính trị mà hàng triệu người đã hy sinh bảo vệ và đang mơ ước phục hồi. Hồng Y Phạm Minh Mẫn lại tuyên bố ở cương vị một “bậc thầy giảng dạy” qua thư mục vụ với lời lẽ thật tiêu cực về lá cờ vàng, “biểu trưng một thói đòi mang tính đối kháng!”

Hồng Y Pham Minh Mẫn còn đem lá cờ máu đỏ cộng sản mặc cho Bà Mẹ Việt Nam như một sự thay đổi cần thiết của thời tiết nắng mưa: “Người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân VN, vẫn là người mẹ đã để lại cho dân tộc VN một di sản vô giá!”

Phản ứng rất mạnh của dư luận người Việt ở hải ngoại trong hơn ba tháng qua về lời tuyên bố của Hồng Y Phạm Minh Mẫn là điều tự nhiên và dễ hiểu, dù có nặng lời. Tầm ảnh hưởng tiêu cực của dư luận đối với Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và sự tai hại thật khó đo lường, nhưng ai cũng biết không phải là nhỏ.

Để làm lắng dịu dư luận trong lúc này, theo thiển ý, Hồng Y Phạm Minh Mẫn cần có lời xin lỗi công khai, ít ra đối với cộng đồng người Việt hải ngoại đã nhiều lần ... “rộng tay” đối với Hồng Y trong các chuyến đi “mục vụ hải ngoại”, và gia đình thân nhân các chiến sĩ đã hy sinh tính mạng bảo vệ lá cờ chính nghĩa để cá nhân Phạm Minh Mẫn được như ngày nay. Đây là hành động tối thiểu cần phải có, trừ phi HYPMM muốn được sử sách “ghi danh” sánh vai cùng với Nguyễn Cao Kỳ.

Nhận lỗi, xin lỗi khi làm lỗi là đức tính cần thiết của người lãnh đạo biết trách nhiệm. Nó đòi hỏi một trí tuệ sáng suốt và một quả tim dũng cảm.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II và Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã xin lỗi về những việc làm sai trái của con cái Giáo Hội. Đây là những gương sáng soi đường, giúp Giáo Hội vượt qua khó khăn, thử thách.

Như người Mỹ thường nói, nếu không chịu được sức nóng thì dừng chui lăn vào bếp. Nếu chỉ có quả tim chuột thì đừng đảm nhận vai trò lãnh đạo. Khả năng của người lãnh đạo không được đo lường bằng thành quả khi biển lặng sóng yên, mưa thuận gió hòa mà bằng tài năng lèo lái bình an vượt qua bão tố. Lãnh đạo tinh thần là để phục vụ, không phải được phục vụ, không thể hành xử theo thói đời vinh quang tìm đến, hiểm nguy rút lui. Hơn ai hết, người lãnh đạo phải có quả tim dũng cảm để dõng dạc tuyên bố: “Hãy theo tôi!”

“Hãy theo tôi” vì tôi là người lãnh đạo. Tôi luôn luôn đi đầu, dẫn đầu, dám nhận trách nhiệm, không hèn nhát, sợ sệt, cầu an. Tôi chia sẻ, đồng cảm và đồng hành với đa số thành viên trong tổ chức, với quảng đại quần chúng. Tôi chăm sóc đàn chiên mà không chăm sóc bản thân mình. Tôi không ra lệnh cho mọi người “tiến lên” còn tôi chạy lùi, đào thoát.

Trước khi là tín đồ một tôn giáo, tôi là một công dân. Tôi có bổn phận, trách nhiệm đối với đất nước như bất cứ một công dân nào khác. Cái áo tu hành của tôi không phải là bức tường cao kín che mắt, che tai khiến tôi trở nên vô tri, vô cảm trước những khổ đau của người dân vô tội; nó cũng không phải là cái khóa miệng buộc tôi phải câm nín trước những bất công xã hội và áp bức của kẻ quyền thế. Tôi không phải là cái loa tuyên truyền của bộ máy cầm quyền, nhưng là tiếng nói trung thực của quảng đại quần chúng cô thế bị áp bức.

Là người lãnh đạo tinh thần, tôi phải thật sự sống xứng đáng trong lời nói và hành động. Tôi không ứng cử, tranh giành lợi lộc, quyền hành thế gian; tôi không nắm giữ chức vụ trong guồng máy cầm quyền. Tôi không hùa theo thói đời khôn ngoan biết sống để được bổng lộc, nhưng nói lên sự thật, sống theo sự thật không bị trí trá làm hoen ố, dù phải trả giá đắc, thiệt thân.

Thà làm cánh chim đại bàng tung bay trên trời cao, vượt mây ngàn gió bão, đói no do mình, hơn làm gà công nghiệp được chủ nuôi chờ ngày giết thịt đem bán. Thà làm cánh bướm bay lượn nhởn nhơ trong vũ trụ bao la hơn làm kiếp sâu bọ được nuôi trong lồng kiếng cho du khách ngắm nhìn...

Thạch Nguyên




No comments:

Post a Comment