Friday, September 12, 2008

Ngoại Giao Lại Quả

Ðỗ Thái Nhiên

Năm 1949, Mao Trạch Ðông thống lãnh toàn bộ Hoa Lục. Kể từ đó, bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bị cắt đứt vô thời hạn. Hai thập niên sau, với chủ tâm tạo ly gián giữa Trung Quốc và Liên Xô, Hoa Kỳ, lúc bấy giờ là tổng thống Richard Nixon, tìm cơ hội để lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh. Cơ hội kia chính là ngày 12/04/1971.

Vào ngày này, hai toán bóng bàn Mỹ - Hoa gặp nhau trên sân đấu Bắc Kinh, theo lời mời của Trung Quốc. Chỉ một thời gian ngắn sau kịch bản bóng bàn, Hoa Kỳ và Trung Quốc chính thức thiết lập bang giao. Liên lạc ngoại giao lấy bóng bàn làm thủ tục mở đầu gọi là “ngoại giao bóng bàn”. Từ xa xưa, người Việt Nam đã có tập tục: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Ngoại giao bóng bàn đã lấy bóng bàn thay thế miếng trầu. Với tâm lý của những kẻ chỉ biết chạy theo chủ nghĩa đồng tiền, chế độ Hà Nội không thích miếng trầu, chẳng ưa bóng bàn. Vì vậy, gần đây CSVN đã sáng chế ra một thể thức ngoại giao mới có danh xưng là “ngoại giao lại quả”. Câu chuyện ngoại giao lại quả xin được trình bày như sau:

Tại Saigon, ngày 11/01/2005, đại diện CSVN và đại diện Nhật Bản ký hợp đồng xây dựng đại lộ Ðông Tây. Công trình xây dựng này trị giá 21 triệu Mỹ Kim. Số tiền vừa kể được chánh phủ Nhật chuyển giao cho CSVN thông qua chương trình viện trợ trực tiếp gọi tắt là ODA. Mặt khác, công ty Tư Vấn Quốc Tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International), tức là công ty PCI của Nhật Bản được nhà cầm quyền CSVN giao trách nhiệm thực hiện dự án Ðông Tây.

Ngày 26/06/2008, đài BBC Luân Ðôn cho biết, một cựu thành viên cao cấp của công ty PCI tiết lộ rằng: năm 2006 PCI đã hối lộ cho quan chức CSVN 200 nghìn Mỹ Kim. Hãng thông tấn Kyodo Nhật Bản gọi số tiền kia là tiền “bôi trơn”, tức là tiền giúp cho PCI được quyền thực hiện công tác xây dựng đại lộ Ðông Tây không cần thông qua thủ tục đấu thầu công khai. Thông thường giới tư bản đỏ tại Hà Nội gọi tiền “bôi trơn” là tiền “lại quả”.

Tháng 06/2008, tài liệu điều tra của viện công tố Tokyo Nhật Bản cho biết: Bốn thành viên trong ban giám đốc của công ty PCI đã khai rằng sở dĩ họ được CSVN giao cho nhiệm vụ xây cất đại lộ Ðông Tây Saigon là vì họ đã đút hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, phó giám đốc sở Giao Thông - Công Chánh kiêm giám đốc ban quản lý PMU của dự án Ðại Lộ Ðông Tây. Tiền hối lộ được chuyển đi nhiều lần khác nhau. Riêng ông Sakashita Haruo (Một trong bốn can phạm) còn khai thêm chi tiết: “Tiền hối lộ mà chúng tôi đưa cho ông giám đốc Huỳnh Ngọc Sĩ tổng cộng là từ hai đến ba triệu Mỹ Kim”. Số tiền kia tương ứng với tỷ lệ từ 10 đến 15% của 21 triệu Mỹ Kim, trị giá của công trình đại lộ Ðông Tây Saigon. Ðính kèm tài liệu điều tra của cơ quan công tố Tokyo là thư kêu gọi phía CSVN hãy hợp tác với chánh phủ Nhật trong việc điều tra hiện vụ.

Ngày 04/08/2008 công tố Tokyo loan báo đã tống giam bốn bị can trong vụ đút hối lộ cho quan chức Việt Nam. Bốn bị can kia đều là thành viên của ban giám đốc điều hành PCI.

Ngày 05/08/2008 hảng tin AP loan báo số tiền PCI đút hối lộ cho quan chức CSVN có thể lên đến 2 triệu tám trăm ngàn Mỹ kim.

Ngày 08/08/2008 nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản loan tin: ông cựu quản lý công ty PCI cho biết quan chức CSVN đòi tiền hoa hồng lên tới 15% của tổng số tiền trị giá dự án Ðông Tây Saigon. Về sau do sự thương lượng của ông Haruo Sakashita, giám đốc điều hành PCI, số tiền hoa hồng kia hạ xuống con số 10%. Kể từ năm 2001, PCI bắt đầu trả tiền cho CSVN.

Ngày 25/08/2008 tin từ Tokyo cho biết bốn thành viên hàng đầu của ban giám đốc PCI đã bị truy tố ra trước tòa án hình sự Nhật Bản về tội đã vi phạm “Luật Chống Cạnh Tranh Không Lành Mạnh”. Bốn can phạm trong hiện vụ gồm có: Kunio Takasu, Haruo Sakashita, Tsuneo Sakano, và Masayoshi Taga cựu chủ tịch công ty PCI.

Ðương đầu với hàng loạt tin tức về vụ PCI đút hối lộ cho quan chức Việt Nam, đảng CSVN đã đưa ra các phản ứng sau đây:

Mặc dầu từ tháng 06/2008 cơ quan công tố Tokyo đã nhờ bộ ngoại giao Nhật Bản chuyển hồ sơ PCI cho Hà Nội để yêu cầu CSVN “hợp tác điều tra”, ngày 10/07/2008 phó thủ tướng CSVN Phạm Gia Khiêm vẫn trả lời với báo chí là: “Việt Nam chưa nhận được tin tức gì về vụ án PCI”. Mãi tới ngày 29/08/2008 trong một cuộc họp báo thường kỳ, ông Lê Dũng phát ngôn viên bộ ngoại giao CSVN mới cho biết là Việt Nam đã nhận được đề nghị hợp tác điều tra của Nhật Bản ngày 21/08/2008.

Ngày 04/08/2008 báo Người Lao Ðộng của CSVN có loan tin Cơ quan công tố Tokyo đã ra lệnh truy tố bốn can phạm PCI. Nhưng, ngay sau đó Người Lao Ðộng đã vội vàng gỡ bỏ bản tin kia. Họ không muốn bị đi tù như hai ký giả của Tuổi Trẻ và Thanh niên trước đây trong vụ Nguyễn Việt Tiến.

Ngày 16/08/2008, nhân trả lời phỏng vấn của TTXVN, ông Hồ Xuân Sơn, thứ trưởng bộ ngoại giao CSVN đã lên án truyền thông Nhật “có một số bài viết không khách quan và không đúng sự thật” đối với vụ PCI. Sau đó ông Sơn đề nghị truyền thông Nhật cũng như truyền thông Việt Nam không nên đưa tin PCI vào lúc này. Lời lẽ của thứ trưởng ngoại giao CSVN không làm cho truyền thông thế giới và truyền thông Nhật nổi giận mà nó làm cho moi người vô cùng kinh ngạc. Kinh ngạc bởi lẽ tại sao một ông thứ trưởng ngoại giao lại có thể không hề được giáo dục về quyền tự do báo chí ở các xã hội văn minh.

Năm 2003, CSVN gia nhập Công Ước Chống Tham Nhũng của Liên Hiệp Quốc. Năm 2004, CSVN gia nhập Công Ước Chống Tham Nhũng của Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương và Ngân Hàng Phát Triển Châu Á. Thế nhưng mãi cho đến năm 2008 hai công ước kia vẫn không được quốc hội CSVN phê chuẩn. Sự thể này cho thấy CSVN ký công ước chống tham nhũng chỉ để dối gạt dư luận thế giới chứ Hà Nội không bao giờ có thực tâm chống tham nhũng. Hơn thế nữa, luật chống cạnh tranh bất chính số 27/2004/QH11 của CSVN lại không đề cập đến tội đút hối lộ và nhận hối lộ. Từ đó quan chức CSVN cho rằng Việt Nam không có pháp chế thích nghi để xét xử vụ PCI và Huỳnh Ngọc Sĩ. Luận cứ vừa kể của CSVN chỉ là kiểu lý luận chạy làng. Tại sao CSVN có vô số luật để xử phạt tội “phản động”, nhưng khi cần xét xử tội tham nhũng thì lại than phiền là “thiếu cơ sở luật pháp thích nghi”? Tại sao CSVN không áp dụng các điều luật 277,278,279,280 chương 21 nói về quan chức ăn hối lộ của Bộ Luật Hình Sự hiện hành tại Việt Nam để xét xử Huỳnh Ngọc Sĩ và đồng bọn trong vụ PCI?

Huỳnh Ngọc Sĩ là giám đốc quản lý PMU của dự án đại lộ Ðông Tây Saigon. Cấp chỉ huy của Huỳnh Ngọc Sĩ chính là Nguyễn Việt Tiến cựu tổng giám đốc PMU18. Bây giờ chúng ta hãy theo dõi những tin tức về Nguyễn Việt Tiến.

04/2006 Nguyễn Việt Tiến bị tống giam vì vụ tham ô PMU18. Ðầu tháng 10/2007 Nguyễn Việt Tiến được tại ngoại hầu tra.

Ngày 28/03/2008 Nguyễn Việt Tiến được viện kiểm sát nhân dân tối cao tuyên bố “trắng án”.

Ðầu tháng 05/2008, ủy ban kiểm tra của ban chấp hành trung ương đảng ban hành quyết định cho phép Nguyễn Việt Tiến khôi phục sinh hoạt đảng.

Ngày 12/05/2008, hai nhà báo kỳ cựu Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) bị tống giam vì trước kia đã viết bài kể tội PMU18. Từ đó có tin đồn là Nguyễn Việt Tiến đang mạnh lên và đang trả thù.

Thế rồi bỗng nhiên một loạt tin tức ngược chiều lại bao vây lấy Nguyễn Việt Tiến:

Ngày 18/07/2008, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi khẩn trương (xin nhấn mạnh hai chữ khẩn trương) áp dụng những biện pháp kỷ luật đối với Nguyễn Việt Tiến.

Ngày 12/08/2008, ban bí thư trung ương đảng họp xét xử kỷ luật Nguyễn Việt Tiến đã đi đến kết luận: cách tất cả chức vụ trong đảng của Nguyễn Việt Tiến, đồng thời, “Yêu cầu thủ tướng chính phủ cách chức thứ trưởng giao thông vận tải” của ông Tiến.

Ngày 28/08/2008 thủ tướng CSVN ký quyết định cách chức thứ trưởng của Nguyễn Việt Tiến.

Tại sao lại có tin tức ngược chiều, dồn dập và khẩn trương như thế kia? Thưa rằng những tin tức ngược chiều đó chỉ xảy ra sau ngày 26/06/2008. Ðây là ngày tin tức về vụ PCI Nhật Bản đút hối lộ cho PMU Việt Nam, đại diện bởi Huỳnh Ngọc Sĩ bắt đầu bị phát tán đi khắp thế giới. Vụ án này nếu nổ lớn không thể không liên hệ đến Nguyễn Việt Tiến và hàng loạt cán bộ cao cấp ẩn nấp đàng sau Nguyễn Việt Tiến. Vì vậy, muốn bảo vệ lãnh đạo đảng, chế độ Hà Nội quyết định phải vội vàng “cắt dây” Nguyễn Việt Tiến. Sau nầy Nguyễn Việt Tiến bị đẩy vào thế phải khai ra nhiều việc “động Trời”, CSVN sẽ lập tức biện bạch rằng Nguyễn Việt Tiến là đảng viên bị khai trừ và rằng vì mối hận bị khai trừ Nguyễn Việt Tiến đã bịa đặt những điều bất lợi cho đảng. Chặt dây Nguyễn Việt Tiến tức là CSVN quyết định “chùi miệng” cho đảng, sau vụ đảng ăn hối lộ của công ty PCI Nhật Bản. Nhớ rằng vụ này là vụ tiêu biểu trong vô số vụ tương tự.

Yêu cầu báo chí Nhật đừng viết về vụ án PCI, than phiền Việt Nam không có pháp chế thích nghi để thanh lý vụ PCI, chặt dây bị can kiêm nhân chứng Nguyễn Việt Tiến, chừng ấy công việc vẫn chưa làm CSVN yên tâm. CSVN muốn thuyết phục người Nhật thực sự tin là CSVN không bao giờ ăn hối lộ. Muốn vậy, CSVN gieo vào dư luận ý nghĩ rằng sự việc PCI giao cho quan chức CSVN khoảng 3 triệu Mỹ Kim không phải là hành động hối lộ. Nó là một trường hợp “lại quả”.

Thế nào là “lại quả”? Quả là một cái hộp hình tròn, đường kính khoảng 50cm, cao khoảng 20cm, có nắp đậy, bên trên có phủ khăn đỏ. Theo phong tục cưới hỏi của Việt Nam, đàng trai dùng quả để mang quà cưới đến cho nhà gái. Ngay sau khi nhận quà, nhà gái biếu lại cho nhà trai một số quà, lấy từ trong quả ra. Như vậy gọi là lại quả. Ðể được gọi là lại quả thì quà phải là tài sản của nhà trai. Sau đó nhà trai mới được lai quả. Trong vụ PCI quả là công trình xây dựng trị giá 21 triệu Mỹ Kim. Số tiền này không phải là tài sản của CSVN mà là tiền đóng thuế của dân chúng Nhật. CSVN đã ăn cắp 21 triệu Mỹ Kim, bỏ vào quả mang tặng cho PCI để được lại quả 3 triệu!

Nói lấy được. Nói không cần biết người nghe có đồng ý hay không. Ðó là thói quen tuyên truyền thô thiển của CSVN. Nghèo đói, không thể có cơ hội ăn thịt bò. Thỉnh thoảng ăn được miếng thịt trâu. CS gọi thịt trâu là thịt bò đen! Không có gạo để nuôi dân, dân phải ăn bo bo, một loại thực phẩm để nuôi ngựa. CS gọi bo bo là cao lương! Bây giờ vụ nhận hối lộ 3 triệu Mỹ Kim của PCI Nhật Bản đã rõ như ban ngày, CSVN vẫn “vô tư” gọi vụ hối lộ kia là một trường hợp “lại quả”. CSVN tin tưởng rằng lấy hai chữ “lại quả” làm giấy hoa gói kín vụ PCI đút hối lộ sẽ giúp cho chương trình viện trợ trực tiếp ODA mà hoạt động ngoại giao Nhật dành cho CSVN vẫn tiếp tục tốt đẹp. Ðó là kiểu suy nghĩ của những người chủ trương chính sách “ngoại giao lại quả” vậy.

Ðỗ Thái Nhiên


No comments:

Post a Comment