* NHỮNG CẬN THẦN “PHẬT GIÁO” CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
* GS TÔN THẤT THIỆN VÀ VIỆC CỰU HOÀNG BẢO ĐẠI MỜI ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM VỀ GIÚP NƯỚC
BS Thượng Quân Lê Văn Sắc
Nhân Lễ Giỗ Huý Nhật thứ 32 của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu (năm 1995), tôi đã bắt đầu nêu lên những sự kiện lịch sử còn bị bỏ sót: Một trong các sự kiện đó là Lệnh Cấm Treo Cờ Tôn Giáo Ngoài Đường của Tổng Thống Ngô Đình Diệm (có đăng trên Đặc San Huý Nhâät Thứ 32 và thứ 33 năm 1995, 1996). Lệnh cấm treo cờ tôn giáo ngoài đường này khởi từ vụ Lễ Kim Khánh Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục vào tháng 11 năm 1962, với cờ Giáo Hội Công Giáo treo la liệt khắp nơi. Ngày đó, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đáp phi cơ về Huế để dự Lễ Kim Khánh của anh mình, khi phi cơ đáp xuống phi trường Huế, nhìn thấy cờ Công Giáo treo la liệt như vậy, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã nổi giận “dậm batoong xuốn sàn máy bay và nói ‘đứa nào cho treo cờ Giáo Hội la liệt thế kia làm mất cả thể thống quốc gia’ rồi giận dữ ra lệnh cho phi công lái máy bay về Sàigòn, không tham dự lễ Kim Khánh nữa”. Với một người ái quốc, coi thể diện quốc gia là trọng, thấy cờ Công Giáo treo la liệt khắp nơi như vậy thì ông không chấp nhận được, bèn ra lệnh cấm treo cờ tôn giáo ngoài đường (cho đăng trên Công Báo Việt Nam Cộng Hòa). Vì ông Diệm đơn giản nghĩ rằng việc làm là chính đáng, với tấm lòng ngay thẳng, ông không nghĩ đến việc vận động rầm rộ để mọi người dân đều biết, cho rằng việc đăng trên Công Báo là đủ, nên đa số chúng ta chẳng ai hay biết, cho đến khi bùng nổ ra biến cố treo cờ Phật Giáo nhân Lễ Phật Đản năm sau, tháng 4 năm 1963, thì sự việc đơn giản ấy đã trở thành lớn chuyện, quan trọng đến độ làm thay đổi cả vận mệnh quôc gia, và tan nát giòng họ Ngô Đình.
Năm nay, Nhóm Tinh Thần Ngô Đình Diệm đã lên tiếng nhờ Cộng Đồng Việt Nam Bắc California đứng ra tổ chức Lễ Huý Nhật, Lễ Giỗ, thứ 41 của Tổng Thống, trong buổi họp Ban Đại Diện Cộng Đồng, có sự tham dự của ông Ngô Đình Chương (Phật Giáo, cháu của TT Diệm), tôi đã nhắc lại sự kiện này để một lần nữa làm sáng tỏ vấn đề và nhiều người đã khuyến khích tôi viết lại những sự kiện này, trong đó có nhiều người không phải Công Giáo, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Nhan, người đứng ra tổ chức một buổi lễ khác, với chủ đề Đại Lễ 50 Năm Thành Lập Nền Cộng Hòa Việt Nam (đúng ra chỉ mới có 49 năm, kể từ ngày Trưng Cầu Dân Ý 26-10-1955). Tôi rất phân vân, chưa quyết cho đến khi đọc được những dòng “tâm sự” của một người tự nhận là “cận thần” của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, giáo sư Tôn Thất Thiện. Giáo sư Tôn Thất Thiện là giòng giõi của Hoàng Tộc của vua Bảo Đại, là người Phật Giáo, cũng như nhà bác học Bửu Hội, chú của vua Bảo Đại, cũng là Phật Giáo, lại là những người lên tiếng bênh vực Tổng Thống Ngô Đình Diệm rất mạnh mẽ, nhưng đặc biệt nhất, chính vua Bảo Đại là người bị Tổng Thống Diệm “đảo chánh” trong cuộc Trưng Câầu Dân Ý ngày 23-10-1955, khi viết cuốn Con Rồng Việt Nam (Le Dragon d’Annam, 1980), đã không hề lên án hành động của ông Diệm, mà lại hàm ý thanh minh cho ông Diệm rất nhiều, xác nhận chính ông đã khẩn thiết mời ông Diệm ra chấp chánh trong tình hình “rất khó khăn” lúc đó (năm 1954), chứ không phải Mỹ hay Công Giáo áp lực (lúc đó vua Bảo Đại còn là Phật Giáo, chưa theo đạo Công Giáo, lúc cuối đời). Trong bài viết “Cụ Diệm ở Paris 1953-1954”, GS Tôn Thất Thiện đã viết lên những sự thật mà vô tình ông là nhân chứng và trở thành “cận thần” của ông Diệm và phục vụ Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi Tổng Thống Diệm bị lật đổ (1-11-1963). Vì vấn đề tế nhị, vì có liên quan đến tôn giáo, tôi xin nhấn mạnh đến những người Phật Giáo ủng hộ ông Diệm như GS Hà Như Chi, GS Bửu Hội (bị bà mẹ từ vì đã lên tiếng bênh vực Tổng Thống Diệm nhân biến cố Phật Giáo năm 1963), Đỗ Thọ (tuỳ viên Tổng Thống), GS Tôn Thất Thiện, cụ Nguyễn Mạnh Hùng, đặc biệt, ông Ngô Đình Chương, mặc dầu là cháu ông Diệm nhưng gia đình vẫn theo Phật Giáo, là trưởng nhóm “Tinh Thần Ngô Đình Diệm” hiện nay và nhiều tác giả khác. Riêng Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ cũng là người Phật Giáo, người miền Nam, đã được Tổng Thống Diệm mời đứng chung liên danh suốt 2 nhiệm kỳ và từng được Tổng Thống Diệm uỷ thác giải quyết vụ “giáo phái miền Nam” (Cao Đài, Hòa Hảo) và vụ khủng hoảng Phật Giáo năm 1963. Với ông Nguyễn Ngọc Thơ, tôi vẫn thắc mắc là không hiểu tại sao, khi được uỷ nhiệm giải quyết vụ giáo phái miền Nam, ông lại để Ba Cụt bị xử tử hình và ông chưa bao giờ lên tiếng về vụ này. Tôi cũng thắc mắc là khi làm Chủ Tịch Uỷ Ban Liên Bộ (của chính phủ) họp với Uỷ Ban Liên Phái Phật Giáo, ông Nguyễn Ngọc Thơ đã để cho sự việc thất bại, không giải quyết được và ông cũng không bao giờ lên tiếng, cho biết lỗi lầm hay nguyên nhân bế tắc từ đâu, và tôi càng thắc mắc hơn khi ông lại đứng làm thủ tướng cho “chính quyền đảo chánh” của nhóm tướng lãnh phản loạn, mà ông cũng không hề lên tiếng trách cứ ông Ngô Đình Diệm và chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa một lời nào, và ông cũng không hề lên tiếng về việc làm của đám tướng tá phản loạn, dù rằng đám tướng lãnh này sau đó âm mưu trung lập, bắt tay với Việt Cộng (Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh). Chính việc “quá tròn” này của ông, khiến nhiều khi tôi rất thắc mắc về tư cách của ông. Là một người biết rõ rất nhiều sự kiện (vì ông là một trong những nhân vật chính của giai đoạn lịch sử đó), là kẻ sĩ, đáng lẽ ông phải lên tiếng, bất chấp có đụng chạm tới phe phái nào (dù là lỗi lầm của Tổng Thống Diệm hay của bất cứ ai), nhưng ông vẫn giữ im lặng. Đây là điều đáng tiếc. Nhân nhắc đến tướng Nguyễn Khánh, tôi nhớ đến cuộc “Chỉnh Lý” của ông này. Năm 1964, ông Nguyễn Khánh đã làm cuộc “chỉnh lý” bắt giữ nhóm tướng “đảo chánh” gồm 5 tên Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân, Lê Văn Kim, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, giam tại Đà Lạt, nhưng sau đó lại có tin đồn có âm mưu Trung Lập, và vận động các giáo dân Công Giáo từ Thanh Bồ, Đức Lợi (Hố Nai, Biên Hòa) và giáo dân từ giáo xứ Tân Sa Châu (và các giáo sứ khác vùng Chí Hòa và Lăng Cha Cả, Tân Sơn Nhất) kéo đến biểu tình trước Bộ Tổng Tham Mưu, đòi xông vào bắt “bọn Trung Lập” bị lính gác bắn chết 8 giáo dân. Lúc đó nhiều người đã thắc mắc “Bọn tướng tá phản loạn Trung Lập đã bị bắt giữ giam tại Đà Lạt rồi còn nhóm nào chủ trương Trung Lập nữa? Sau này, mới biêát là ông Nguyễn Khánh ỷ có bà mẹ nuôi là Nữ Nghệ Sĩ Phùng Há có thân quen với đám Việt Cộng trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nghe theo lời bà này, muốn liên lạc với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, và nhờ bà Phùng Há vào “khu” liên lạc. Sau đó, cũng có tin cho biết là chính Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đã thông báo, nhờ Công Giáo can thiệp để chận đứng âm mưu này. Sau đó, năm 1966, Nguyễn Khánh bị lật đổ, kéo theo chính phủ Phan Huy Quát và Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu, mở đầu cho việc Quân Đội tham chính với Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia do Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch và chính phủ Nguyễn Cao Kỳ (chủ tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương). Theo tôi, nếu có sự phối hợp giữa 2 ông Thiệu Kỳ thì sẽ thành công, nếu chia rẽ thì sẽ thất bại. Lý do: ông Thiệu là người quá cẩn trọng trong khi Nguyễn Cao Kỳ quá bốc đồng, thiếu cẩn trọng nhưng lại rất năng nổ, dám làm. Nếu ông Kỳ được ông Thiệu cố vấn, kìm hãm bớt thì vận nước có cơ cứu vãn, còn nếu chia rẽ, thì vận nước thật là đen tối. Sở dĩ, tôi tin tưởng như vậy vì tôi không nhìn thấy ở ai, lúc đó, khả năng “lãnh đạo chính trị” như 2 ông Thiệu Kỳ. Sau này, chuyện xẩy ra y như dự đoán của tôi, ông Kỳ đã nghe nhiều người cố vấn, đặc biệt là tên thầy bói mù tên Lộc, muốn vượt qua ông Thiệu, xây một lô các tượng đặt tại các khu công trường để “ếm” ông Thiệu và lên tiếng đả kích ông Thiệu. Kết quả, ông Kỳ không được ai ủng hộ (vì tật ăn nói bốc đồng, cương ẩu, chuyên môn đá gà và kiếm gái (về các tỉnh, thường sai người đi kiếm gái, làm mất uy tín quốc gia, làm nhiều cô gái đó bất mãn, bỏ vào khu theo Việt Cộng), còn ông Thiệu quá cẩn trọng, nên chậm chạp về chiến thuật, chiến lược, phản ứng chậm, để lỡ thời cơ (Đại Tá Mã Sanh Nhơn nhận xét: “Ông Thiệu thâm, không phản ứng ngay, nhưng sẽ trả thù sau”).
Trở lại với GS Tôn Thất Thiện, trong bài viết “Cụ Diệm ở Paris 1953-1954” ông viết:
1. “Cụ Diệm đến Pháp, 1950: Để hiểu rõ tại sao sự gặp gỡ lại xẩy ra lúc đó, cần nhắc rằng cuối năm 1949, cụ Diệm khước từ lời của Cựu Hoàng Bảo Đại mời ông làm thủ tướng vì ông cho rằng hiệp định Eùlysées không mang lại độc lập thực sự cho Việt Nam, nhứt là về mặt ngoại giao..”.
2. Ông Ngô Đình Diệm nhận làm thủ tướng trong những điều kiện nào? “Sự việc qua trình bầy của Cựu Hoàng: Trong suốt những năm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm nắm chính quyền, Việt Cộng không ngớt la lối rằng ông Diệm ‘là người của Mỹ’, do Mỹ lựa và đưa ra làm thủ tướng năm 1954.
Chính giới cũng như báo chí Pháp, vì không ưa thái độ độc lập của ông Diệm, cũng phụ họa theo luận điệu đó. Và ngay cả ở Mỹ, trong nhiều giới, nhất là báo chí, đại học thiên tả, cũng rêu rao như vậy, với mục đích làm giảm uy tín ông Diệm.
Có thể nói rằng có một huyền thoại ‘ông Diệm là người của Mỹ chọn’. Huyền thoại đó do Cộng sản và các giới thiên cộng, thực dân tung ra và duy trì.
Nhưng sự thực ra sao?
Ông Diệm ra chấp chánh tháng 6 năm 1954, trong những điều kiện nào, tất nhiên chỉ có Cựu Hoàng Bảo Đại và ông Diệm biết rõ, vì hai người là đương sự.
Về phía cựu hoàng, trong Hồi Ký “Le Dragon d’Annam” (1980), Paris, Plon), ông ta đã đề cập đến vấn đề đó như sau (trang 328-343):
Ngày 12 tháng 6, 1954 chính phủ Laniel đổ. Ngày 14 tháng 6, Tổng Thống Coty bổ nhiệm Mendès France làm thủ tướng. Lúc đó Bảo Đại gọi tất cả các xu hướng chính trị và tinh thần đến Cannes để hỏi ý kiến. Ông ta trình bầy tình hình nguy cập ra sao và đề nghị thay ông Bửu Lộc bằng ông Ngô Đình Diệm. Cựu Hoàng ghi: “Tất cả đều chấp nhận đề nghị, cựu hoàng ra lệnh cho Tòa Cao Uỷ Việt Nam phải lo phương tiện cho ông”.
Với tư cách quan sát viên riêng của cựu hoàng, ông Luyện đi đi về về Geneva.
Một thời gian sau đó, ông Nguyễn Duy Quang điện thoại cho ông, nói cựu hoàng mời ông xuống Cannes. Khi đến nơi thấy cựu hoàng đã ra lệnh cho ông Nguyễn Duy Quang sắp xếp nơi ăn chốn ở cho ông rất chu đáo. Thêm vào đó, cựu hoàng đích thân lái chiếc xe Sport riêng và dùng thuyền riêng của Hoàng Hậu Nam Phương đưa ông đi chơi để tỏ lòng ưu ái riêng của cựu hoàng đối với ông ta, chỉ dành riêng vinh dự đó cho ông ta.
Sau mấy lần như vậy, trong thời gian khoảng 4 tuần, một hôm cựu hoàng nói huỵch toẹt với ông Luyện là chuyện Quan Sát Viên không phải là chuyện chính, mà chuyện chính là tình hình Việt Nam. Cựu Hoàng nói thẳng rằng: “Tout est foutou, bên nhà sắp tiêu rồi” (hỏng hết rồi) và từ năm trước ông ta đã bỏ đi vì lý do đó. Nhưng Đại Chiến Thứ Ba sắp xảy ra, và những vũ khí kinh khủng sẽ được xử dụng. Mỹ đã cho ông ta coi phim về hiệu quả của các vũ khí đó. Cộng Sản sẽ tiêu hết. Nhưng sau khi Mỹ thắng, Việt Nam sẽ về ai? Cựu hoàng muốn giữ ngôi vua Việt Nam cho họ Nguyễn. Vì vậy ông cần đến họ Ngô. Ông muốn ông Diệm “giữ ngôi đó cho nóng” (garder au chaud) cho đến lúc ông về. Phải làm sao cho Việt Nam tồn tại đến lúc đó. Nhiệm vụ rất nguy hiểm, sinh mạng không được bảo đảm. Nó đòi hỏi một sự hy sinh rất lớn. Và chỉ có một mình ông Diệm là lam được việc đó mà thôi. Cựu hoàng giải thích rằng ông ta không yêu cầu ông Luyện thuyết phục ông Diệm, mà chỉ yêu cầu ông chuyển đề nghị đó đến ông Diệm mà thôi.
Thỏa Hiệp Bảo Đại Ngô Đình Diệm ngày 16-6-1954: Khi ông Luyện báo cáo với cụ Diệm về đề nghị của cựu hoàng, cụ Diệm muốn chấp nhận vì ông nghĩ rằng tình hình xứ sở khẩn trương, càng đợi thì càng khẩn trương thêm, và ông cần chấp nhận hy sinh để có hy vọng cứu nguy xứ sở. Nhưng ông Luyện cần có bảo đảm trước khi nhận, và muốn vậy, phải đòi cựu hoàng ký với ông một thỏa hiệp trao cho ông toàn quyền dân sự và quân sự.
Cựu hoàng đồng ý. Ngược lại, cựu hoàng đòi ông Diệm phải tự ý viết cho ngài một bức thư bằng tiếng Pháp mà ông ta sẽ xác nhận. Thêm vào đó, cựu hoàng đòi ông Diệm phải hứa là bất cứ lúc nào cũng phải theo chỉ thị của Ngài.
Ông Diệm bằng lòng, và giao cho ông Luyện thảo bức thư đó. Theo lời ông Luyện, sự thảo bức thư này rất gay do, sau không biết bao nhiêu thì giờ và gói thuốc lá mới thảo xong. Trong thư đó, câu then chốt là “Naturellement, je resterai prêt à tout instant à appliquer les sages Conseils de sa Majesté” (tự nhiên, tôi sẽ luôn thi hành những chỉ thị sáng suốt của Ngài (nhưng nếu những chỉ thị đó không sáng suốt thì sao?)
Bức thư đó đã được cựu hoàng và ông Nguyễn Đệ (Đổng Lý Văn Phòng Đức Quốc Trưởng) và các cố vấn Việt và Pháp của cựu hoàng phân tích kỹ lưỡng. Mấy ông cố vấn của cựu hoàng không hài lòng cho lắm vì họ cho rằng câu trên không đủ bảo đảm và phải làm sao loại bỏ hoàn toàn nguy cơ cựu hoàng có thể bị truất phế. Muốn vậy, lời lẽ bức thư phải phản ảnh thật rõ ràng tinh thần ông Diệm, phải là lời của chính ông Diệm thốt ra. Do đó, đoạn “les sages Conseils de sa Majesté” được đổi ra “la sainte Volonté de sa Majesté”. Tiếng Việt là “theo thánh ý của Ngài” (nhưng nếu ý của Ngài không “thánh” thi sao?).
Sau 3 ngày thảo luận, hai bên chấp nhận một thỏa hiệp gồm hai phần: 1/ Toàn quyền dân sự và quân sự; 2/ “Theo thánh ý”. Đó là ngày 16.6.1954.
Sau này, vào các tháng 4-5 năm 1955, lúc cựu hoàng bênh vực Bình Xuyên và các giáo phái, muốn tước toàn quyền dân sự của ông Diệm bằng cách buộc ông phải rời Sàigòn đi Cannes (ngày 29-4-1955) và toàn quyền quân sự bằng cách bổ nhiệm tướng Nguyễn Văn Vỹ làm tham mưu trưởng với ý định lật đổ cụ Diệm (ngày 30-4-1955), thỏa hiệp Bảo Đại – Ngô Đình Diệm ngày 16-6-1954 coi như hết hiệu lực.
Ngày 18-10-1955, cựu hoàng cách chức thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ngày 23-10-1955, một cuộc Trưng Cầu Dân Ý truất phế Bảo Đại. Ngày 26-10-1955 Việt Nam Cộng Hòa được thành lập, với ông Ngô Đình Diệm làm tổng thống.
(Tôn Thất Thiện, viết tại Ottawa, Canada, tháng 10, năm 2004, viết nhân dịp lễ tưởng niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm.)
Với những lời xác nhận của Cựu Hoàng Bảo Đại trong cuốn Con Rồng Việt Nam (Le Dragon d’Annam” và những lời “nhân chứng” của GS Tôn Thất Thiện, chúng ta thấy rõ:
a. Cựu Hoàng Bảo Đại đã nhiều lần mời ông Ngô Đình Diệm ra chấp chánh (trước đó nhiều năm đặc biệt năm 1949 và nhất là vào năm 1954). Do đó, không phải là Mỹ hay Công Giáo (Pháp và Mỹ) áp lực đòi Pháp phải chấp nhận cụ Diệm, do đó, cụ Diệm không phải là con bài của Mỹ như nhiều kẻ xuyên tạc.
b. Cựu Hoàng Bảo Đại là một người yêu nước và là một người “lương thiện, cao thượng, quân tử”. Ông đã lên tiếng minh xác những “sự kiện lịch sử một cách đứng đắn về ông Diệm dù rằng chính ông Diệm đã tổ chức Trưng Cầu Dân Ý để truất phế ông, lật đổ ông.
c. Có người so sánh Shihanouk của Cao Miên với Cựu Hoàng Bảo Đại, cho rằng Sihanouk “giỏi hơn” Cựu Hoàng Bảo Đại, có lòng hơn Cựu Hoàng... Điều này không đúng vì Sihanouk đã hoàn toàn dựa vào Trung Cộng (sự cộng tác của Cộng Sản Vô Sản và Quân Chủ Phong Kiến là một điều bất thường vì Quân Chủ Phong Kiến là kẻ thù “lý thuyết” của Cộng Sản), Sihanouk làm tay sai cho Trung Cộng để chống Việt Nam, do đó mới tồn tại cho đến ngày nay, nhưng Shihanouk cũng chẳng dám về Cao Miên, chỉ sống “ký sinh” bên cạnh đám “thiên tử Tầu Đỏ”, dưới cái dù Trung Cộng mà thôi. Nghĩa là, không có Trung Cộng thì Sihanouk không còn tồn tại cho đến hiện nay. Việc Bắc Hàn “hung hăng con bọ xít” hiện nay là một trường hợp khác dưới cái dù Trung Cộng mà thôi (chúng tôi sẽ trở lại các vấn đề này trong một dịp khác). Vai trò của Cao Miên dưới triều đại của Sihanouk không khác gì giặc Nam Chiếu, Lâm Ấp, Chiêm Thành (Chàm)... trong các trận chiến trong lịch sử Việt Nam trước kia, nhất là dưới đời nhà Trần chống giặc Nguyên: cộng tác với giặc Nguyên, (từng tiếp tay với nhiều đợt khác của giặc Tầu) đánh từ miền Nam lên trong khi quân Tầu tiến từ miền Bắc xuống đánh Việt Nam. Ông Sihanouk nếu ở vào vị thế của vua Bảo Đại thì chắc số mệnh cá nhân của Sihanouk hay của Cao Miên đã bi đát hơn nhiều: Vị thế Việt Nam lớn và quan trọng hơn Miên, Lào (Lão Qua) và cả Thái Lan (Xiêm La) nên tình hình phức tạp hơn nhiều và Cao Miên quả thật là một cái ung nhọt gây nhức nhối cho Việt Nam từ xưa đến nay.
d. Từ trước tới giờ, nhiều người vẫn “trách là ông Diệm là quan triều Nguyễn, được Cựu Hoàng Bảo Đại đưa về chấp chánh, lại đảo chánh lật đổ ông Bảo Đại, như vậy là bất trung, nhưng nay đã biết rõ, Cựu Hoàng đã vi phạm giao ước “toàn quyền dân sự và quân sự” với ông Ngô Đình Diệm, cất chức ông Diệm, nên ông Diệm đã bắt buộc phải “chống lại” để tiếp tục “công cuộc cách mạng dân chủ hóa Việt Nam với chế độ Cộng Hòa mà ông lĩnh hội được trong những ngày sống tại Hoa Kỳ”ø (từ 1950-1954). Thực ra chế độ Cộng Hòa đã là thể chế chính trị của Cổ Hy Lạp (Greece) từ thời Socrate và Platon và các nước trên thế giới đang học theo Hy Lạp áp dụng chế độ đó trên thế giới hiện nay.
e. Việc ông Diệm dẹp các tệ nạn Bình Xuyên, Bình Khang và nạn các giáo phái tại miền Nam là điều chính đáng, ai cũng đã nhận thấy là đúng, trong đó, có nhiều người trong cuộc là các sĩ quan và quân sĩ của các quân đội giáo phái, vì họ đồng ý rằng “phải thống nhất toàn lực quốc gia, tránh tình trạng Sứ Quân làm suy yếu hay có thể làm tan rã toàn lực quốc gia, làm mất nước”.
f. Khi ông Ngô Đình Diệm là người Công Giáo (thiểu số) làm Tổng Thống tại một quốc gia mà đa số dân chúng là Phật Giáo, và ông John F. Kennedy Công Giáo (thiểu số) làm Tổng Thống một quốc gia đa số là Tin Lành, tôi đã tiên đoán là 2 ông sẽ bị chết vì tội Công Giáo, nhất là tại Việt Nam, kẻ thù Cộng Sản và cả Mỹ sẽ không bỏ lỡ cơ hội tuyên truyền xuyên tạc, quấy hôi, bôi nhọ, gây chia rẽ tôn giáo để giết ông Diệm. Cả hai điều tiên đoán đều đúng.
Tóm lại, không phải anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn bị giết, gia đình họ Ngô tan tác mà là cả dân tộc Việt Nam bị mất nước ngay trên quê hương mình và chúng ta, những kẻ tỵ nạn cộng sản phải lưu lạc nơi quê người. Nhân ngày giỗ thứ 41 Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị giết oan uổng, người viết muốn viết lên đôi dòng để nhằm mục đích nhỏ mọn để thanh minh cho ông Ngô Đình Diệm, như những bài đã viết trước kia. Có lẽ chúng ta nên học lại bài học của Thượng Tọa Thích Thiện Minh, một người có trách nhiệm rất lớn trong việc “tranh đấu lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa Ngô Đình Diệm” năm 1963 rằng “cái nghiệp mình tạo ra thì mình phải lãnh nhận cái quả”. Cái nghiệp đó, tiếc thay không phải chỉ mình Thượng Tọa Thiện Minh và Phật Giáo nhận lãnh trong gông cùm cộng sản, mà cả dân tộc Việt Nam bị nhận lãnh, đất nước bị tan hoang dưới ách thống trị bạo tàn của Việt Cộng, và hàng triệu người phải ly hương, thất thổ, sống đời lưu vong nơi đất khách quê người.
BS Thượng Quân Lê Văn Sắc
No comments:
Post a Comment