Saturday, August 1, 2009

TAM TÒA? CHUYỆN NHỎ! - Nguyễn Ngọc Tỉnh


Nguyễn Ngọc Tỉnh

Người người hiệp thông

Sau khi gửi thư đề ngày 21-07-2009 cấp báo về việc trên 20 giáo dân thuộc giáo xứ Tam Toà, Quảng Bình đã bị Công an Quảng Bình đánh đập tàn nhẫn và đang bị giam giữ, Toà Giám mục Giáo phận Vinh đã nhận được rất nhiều thư hiệp thông đến từ khắp nơi trong nước và cả từ nước ngoài. Người đầu tiên gửi thư hiệp thông là cha Phạm Văn Phương, giáo xứ Ngọc Xá, giáo phận Bắc Ninh, kế đến là cha Phạm Trung Thành, Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế. Tiếp theo sau là nhiều linh mục cũng như giáo dân. Đặc biệt có luật sự Lê Trần Luật, luật sư của anh chị em Thái Hà hiện đang gặp nhiều khó khăn, cũng biên thư hiệp thông và tuyên bố sẵn sàng giúp nếu anh chị em tín hữu Tam Toà cần sự “hỗ trợ pháp lý” (23-07-2009). Còn trong giới sinh viên, ngay sau khi hay tin anh Giu-se Nguyễn Văn Thông, Trưởng ban Đại diện Sinh viên Công Giáo địa phận Vinh tại Hà Nội bị bắt ngày 26-07-2009 thì ngày 27-07-2009 Hội Sinh viên Công Giáo Tổng Giáo Phận Hà Nội đã ra thông báo khẩn kêu gọi các bạn sinh viên hiệp thông cầu nguyện và ra tuyên cáo yêu cầu chính quyền trả tự do cho anh Thông. Còn ở hải ngoại, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hiệp Truyền Thông Công Giáo ngày 25-07-2009 thì cùng ngày, cha Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch Liên đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có thư hiệp thông gửi đức cha Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM/VN nhân vụ Tam Toà. Và thư hiệp thông mới nhất là của đức cha Osca Solis thuộc Uỷ Ban Á châu Thái Bình Dương của Giáo phận Los Angeles, Hoa Kỳ gửi cha Nguyễn Thanh Liêm.
Lãnh đạo giáo phận Vinh

May cho Tam Toà là từ năm 2006 Tam Toà thuộc giáo phận Vinh (nếu còn thuộc giáo phận Huế, chẳng biết Tam Toà có được số phận may mắn hơn đan viện Thiên An hay không?). Người đứng đầu giáo phận Vinh là đức cha Phao-lô Ma-ri-a Cao Đình Thuyên, vị cao tuổi nhất trong các giám mục đương chức đã nổi tiếng từ vụ Thái Hà với lời tuyên bố đanh thép: “Việc của Thái Hà cũng là việc của Vinh”. Tuy đang ở nước ngoài, nhưng qua lá thư đề ngày 22-07-2009 viết tại Hoa Kỳ “gửi cha Tổng Đại Diện, quý cha, quý tu sĩ, chủng sinh và toàn thể anh chị em, cách riêng giáo dân Tam Toà, nhất là những anh chị em bị đánh đập và bắt giữ”, ngài tỏ ra an tâm, vì như lời ngài nói: “Tôi tin tưởng vào sự khôn ngoan và nhiệt thành của quý cha với gần 500 ngàn giáo dân giáo phận Vinh”. Khi cùng một số linh mục Vinh đến thăm Thái Hà, những lời tuyên bố cũng như cách làm của đức cha Thuyên cho thấy ngài đã có một chọn lựa dứt khoát: Đoàn kết mới đem lại sức mạnh, và tình đoàn kết phải được thể hiện qua việc làm, đúng như lời thánh Gia-cô-bê: đức tin không đi đôi với việc làm là đức tin chết. Nay nổ ra vụ Tam Toà, một địa điểm trong giáo phận của đức cha Thuyên, ngài viết: “Tôi an tâm hơn khi biết quý cha cùng tất cả anh chị em đang cùng ‘một lòng một ý’ làm nên sức mạnh của những người tin Chúa, và đang hết mình vì giáo phận trong tình hiệp thông và liên đới.” Và cứ nhìn những gì đã diễn ra trong giáo phận Vinh trong vụ Tam Toà cũng thấy đức giám mục Vinh có lý để an tâm: 7 giờ sáng Chúa nhật 26-07 vừa qua, tất cả các tín hữu Công Giáo đều tập trung về một trong 18 nhà thờ giáo hạt để cầu nguyện với con số tổng cộng trên 200.000. Các linh mục một lòng đoàn kết, cho thấy các ngài là những mục tử cương quyết cùng nhau bảo vệ đoàn chiên.

Sự im lặng đáng sợ

Trong khi ở trong nước cũng như từ nước ngoài, các tín hữu bày tỏ tình hiệp thông với Tam Toà như vừa nói ở trên, thì ở trong nước các giám mục hoàn toàn im hơi lặng tiếng, khiến nhiều người ngạc nhiên. Thật ra thì nếu nhìn lại các sự việc đã diễn ra trong những năm gần đây, ta sẽ không ngạc nhiên trước sự im lặng của các ngài, khi xảy ra vụ cha Nguyễn Văn Lý chẳng hạn. Chắc hẳn sự im lặng của các giám mục đã khiến Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nghĩ mình có lý do để tuyên bố với hãng CNN Hoa Kỳ: “HĐGM/VN và Toà Thánh Va-ti-can cũng đồng tình và ủng hộ việc xét xử linh mục Nguyễn Văn Lý” (Tuổi Trẻ ngày 07-07-2007). Ngay ngày hôm sau, 08-07-2007 đức cha Nguyễn Văn Hoà, Chủ Tịch HĐGM/VN đã phản ứng ngay. Ngài viết: “Câu trả lời của cụ Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết ‘HĐGM/VN và Toà Thánh Va-ti-can cũng đồng tình với chúng tôi’ là không đúng sự thật.”

Giả sử Chủ tịch Nước nói như thế này: “Ông linh mục Nguyễn Văn Lý vi phạm luật pháp Việt Nam thì bị xử lý theo luật pháp Việt Nam, và bản án 8 năm tù giam là thoả đáng, bằng cớ là trong số các vị giám mục là lãnh đạo của ông linh mục Lý, không có vị nào lên tiếng phản đối hết”. Trong giả thuyết đó, chẳng biết đức cha Chủ tịch HĐGM/VN sẽ phản ứng như thế nào?.

Trở lại vụ Thái Hà

Vụ Thái Hà nổ ra ngay trước Hội nghị các giám mục tại Xuân Lộc. HĐGM/VN đã nhận được thư ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND/Tp Hà Nội tố cáo “Toà Tổng giám mục Hà Nội mà đứng đầu là Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt và Nhà thờ Thái Hà, mà đứng đầu là linh mục Vũ Khởi Phụng cùng các giáo sỹ Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong … đã kích động, lôi kéo giáo sỹ, giáo dân hoạt động tôn giáo trái pháp luật và có những hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố”, văn thư đề ngày 23-07-2008. Trong văn thư trả lời đề ngày 25-09-2008, đức cha Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch HĐGM/VN trả lời rằng các vị nói trên “Không làm bất cứ điều gì ngược lại giáo luật hiện hành của Giáo Hội Công Giáo.” Lời thanh minh chỉ có bấy nhiêu. Hoá ra Đức Cha Chủ tịch HĐGM/VN không biết hay không nhớ tài liệu vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chỉ cách Đại hội tại Xuân lộc có 6 năm, đó là lá thư ngỏ gửi lãnh đạo các cơ quan lập pháp của Nhà Nước Việt Nam nhân Hội nghị thường niên của HĐGM tại Hà Nội từ ngày 7 đến ngày 12-10-2002 trong đó các giám mục phản đối cơ chế xin-cho của chế độ. Và tội tầy đình của đức cha Ngô Quang Kiệt Tổng Giám mục Hà Nội là đã công khái phản bác cơ chế xin-cho đó trong cuộc họp với UBND Tp Hà Nội ngày 20-09-2008.

Một chút tưởng tượng

Nếu sau lời tuyên bố đức cha Ngô Quang Kiệt không làm bất cứ điều gì ngược lại giáo luật hiện hành của Giáo Hội Công Giáo, mà đức cha Chủ tịch HĐGM/VN nói thêm: “Khi phản đối cơ chế xin-cho, đức cha Ngô Quang Kiệt đã lấy lại lập trường của HĐGM/VN sau Hội nghị 2002 trong thư chung đã gửi các cơ quan luật pháp vào thời điểm nói trên”. Nếu có được một lời khẳng định như thế, mọi sự sẽ hoàn toàn khác so với những gì chúng ta chứng kiến thời gian vừa qua.

Thư ngỏ của HĐGM/VN năm 2002 vừa nói hoàn toàn đi theo nguyên tắc đồng hành với Dân Tộc của thư chung năm 1980. Nhưng nay nhìn lại, ta có cảm tưởng HĐGM/VN chỉ muốn đưa ra những nguyên tắc trừu tượng mà thôi chứ không đi vào thực tế, vì khi nổ ra những vấn đề xã hội như tham nhũng, dân oan, và gần đây nhất là vụ bauxite Tây Nguyên thì không thấy động tĩnh gì từ phía HĐGM, trong khi người người đều mạnh mẽ lên tiếng trước hiểm hoạ khôn lường đe doạ đến sự tồn vong của Dân Tộc.

Những vấn đề lớn

Có vẻ như khi nổ ra vấn đề bauxite, các giám mục Việt Nam đang bận tâm lo chuẩn bị cho chuyến đi “ad limina” nên phải tránh mọi động thái khiến Nhà Nước kiếm cớ gây khó dễ. Nay đi về bình an rồi thì lại phải lo nhiều chuyện lớn khác: nào là chuẩn bị mừng Năm Thánh 2010 kỷ niệm 50 năm thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam, nào là ứng xử ra sao cho hợp với hoàn cảnh, vì cuối năm nay Chủ tịch Nước thăm Toà Thánh Va-ti-can, đưa quan hệ Việt Nam – Va-ti-can lên một tầm cao mới, biết đâu là thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường, và biết đâu Giáo Hội Việt Nam sẽ được vui mừng tiếp đón Đức Thánh Cha nhân chuyến công du của ngài sang Nam Triều Tiên vào năm 2011 ?. Bên cạnh những chuyện đại sự như thế, nhà thờ và nhà dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đâu có là gì, Tam Toà cũng thế, chỉ là chuyện nhỏ … Chẳng biết có phải đây là lý do khiến các giám mục Việt Nam giữ miệng làm thinh như ta đang chứng kiến.

Vài suy nghĩ

Hồi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Va-ti-can, có người bảo: sắp có bang giao giữa Toà Thánh và Việt Nam rồi. Tôi nói với mấy người bạn: Cứ chờ đi. Hồi Hội nghị Pa-ri, phải mất 6 tháng mới thoả thuận được về hình thù của cái bàn hội nghị, thì nay các phái đoàn của Toà Thánh cứ việc đi đi về về mòn cả dép, chưa chắc gì đã có bang giao. Điều này xem ra đúng. Mà giả như nay mai có một vị sứ thần Toà Thánh ở Hà Nội, thì ta cũng chớ vội mừng: thử hỏi tại thủ đô Hà Nội, ông đại sứ của cường quốc số 1 là Hoa Kỳ, đã làm được gì để chính quyền cộng sản Việt Nam bớt độc tài, thối nát ?. Còn chuyện đức giáo hoàng sang Việt Nam, thì trong hoàn cảnh bình thường, có người tín hữu nào lại không mong điều đó. Nhưng trong hoàn cảnh thực tế, có lẽ mơ điều đó chỉ là mơ chuyện hão huyền. Và giả như để có được một cuộc viếng thăm như thế, cái giá phải trả là ngậm miệng làm thinh mặc cho các nhà đấu tranh cho dân chủ cứ nối tiếp nhau vào tù, mặc cho chuyện khai thác Tây Nguyên cứ việc tiếp tục, dù chẳng lợi lộc gì về kinh tế, môi trường bị huỷ hoại, an ninh quốc phòng bị xâm phạm, nguy cơ tiếp nối “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” là không tránh khỏi, mặc cho ngư dân ở nhà thì chết đói, mà ra biển thì bị tàu Trung Quốc tấn công, v.v… Cái giá phải trả thật là quá cao so với niềm vui được đón tiếp đức giáo hoàng. Điều ta còn phải lo âu là nếu lãnh đạo tôn giáo vì muốn yên thân lo việc đạo mà nhắm mắt làm ngơ cho bạo quyền mặc sức lộng hành, phỉ báng sự thật, bóp chết tự do, chà đạp công lý, thì liệu đạo Chúa Ki-tô trên đất nước này có còn là men trong bột, là muối cho đời nữa chăng ?

Kết luận

Là công dân Việt Nam, tôi thấm thía nỗi đau của người nông dân bị cướp đất, của ngư dân phải ở nhà nhịn đói, không dám đi ra biển, của những trí thức muốn xây dựng đất nước, nhưng chỉ vì dám nghĩ khác đảng cộng sản mà phải vào tù. Là tín hữu Chúa Ki-tô, tôi xót xa khi thấy anh chị em đồng đạo ở Thái Hà, ở Tam Toà bị bách hại. Nhất là tôi thất vọng trước vẻ thờ ơ lạnh lùng của những bậc cha mẹ của tôi trong đời sống đức tin. Nhưng tôi an tâm vững chí khi nhớ lại lời ông Moóc-đo-khai nói với hoàng hậu Ét-te:
    “Đến lúc này mà con vẫn cứ ngậm miệng làm thinh thì người tín hữu sẽ nhận được sự trợ giúp và giải cứu từ một nơi khác” (Et 4,14).
Sài-gòn, ngày 31 tháng 07 năm 2009
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh
pascaltinh@gmail.com

No comments:

Post a Comment