Monday, August 24, 2009

Ðã Ðến Lúc Cộng Ðồng Việt Nam Hải Ngoại Cần Có Một Lãnh Tụ - Song Hoài


    Một lòng vì nước, vì dân
    Một lòng vì nợ tang bồng năm xưa
    (Xin tặng cho những nhà tranh đấu không mỏi mệt vì tha nhân)
Người Việt lưu vong hay tha hương ra nước ngoài thấm thoát đã 34 năm, thời gian đủ để gầy dựng một thế hệ thứ hai đầy đủ trí tuệ và bản lãnh Việt Nam, lớp tre già măng mọc có đồng bộ nhưng chưa hoàn toàn đồng sàn, sự phân hóa trong cộng đồng làm giới trẻ có cái nhìn thiên kiến đối với lớp người đi trước, chưa có một nhân vật tầm cỡ nào có thể đứng lên đại diện cho sức mạnh cộng đồng người Việt tỵ nạn làm cho các nước có người Việt định cư phải chú ý lắng nghe, thời gian đã chín muồi, đã đến lúc cộng đồng Việt Nam cần có một lãnh tụ để thống nhất tinh thần quốc gia và lãnh đạo cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ cho đồng bào trong nước.

Chưa có một sắc dân nào tại Hoa Kỳ mà có lòng yêu nước hào hùng và kiên trì như cộng đồng người Việt Nam, chưa có một sắc dân nào mà thành tựu rực rở một cách nhanh chóng như cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ. Con số trên 300,000 trí thức trong số 1,5 triệu người Việt, còn nhiều hơn cả nước Việt Nam cộng sản với dân số trên 80 triệu người. Người Việt thành công và góp mặt trên hầu hết các lãnh vực chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội, và cả không gian nửa. Ðặc biệt là giáo dục, có rất nhiều giáo sư đại học người Việt có mặt tại các trường đại học nổi tiếng Hoa Kỳ. Nhưng tại sao tiếng nói của cộng đồng Việt Nam ít được chính giới Hoa Kỳ tôn trọng, và những gì mà họ hứa hẹn với ta hoàn toàn có tính cách chiếu lệ. Một thí dụ, trước khi qua Việt Nam tham dự hội nghị OPEC năm 2007, Tổng Thống Bush không mời cộng đồng mà mời 4 đại diện đảng phái và tổ chức đấu tranh vào họp để lắng nghe ý kiến đề nghị. Rồi năm sau, trước khi Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt cộng qua thăm Hoa Kỳ, ông Bush cũng mời vài tổ chức đấu tranh và đảng phái vào họp tại Tòa Bạch Ốc. Cho vui vậy thôi. Có thấy đề nghị về nhân quyền nào của ông Bush được Việt Nam lắng nghe và sửa chữa đâu. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta chưa có một lãnh tụ tầm cỡ làm cho Hoa Kỳ phải biết lắng nghe, và áp lực thực sự với Việt cộng.

Ông Bush không thèm mời cộng đồng Việt Nam mà chỉ mời các thành phần kể trên, chứng tỏ ông ta "doesn't care" cộng đồng Việt Nam, và những gì mà chính phủ Hoa Kỳ làm đều là vì quyền lợi của Hoa Kỳ cả. Nói ra xin đừng tự ái. Nên nhớ điều này. Cộng đồng Việt Nam bị phân hóa và có nơi bể làm đôi, ai cũng muốn làm lãnh tụ cả. Tại Hoa Kỳ có hai tổ chức nhất định đòi đại diện cho cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, một tổ chức nằm ở Houston thì không nghe nói có cộng đồng nào tham gia, còn tổ chức kia hiện nay ở New York có khoảng 40 cộng đồng. Chưa thấy hai cộng đồng này làm được điều gì ngoạn mục thuyết phục được chính giới Hoa Kỳ cả. Có hai tổ chức Tổng đại diện cho quân đội hoạt động giống nhau, một ở Houston gọi là Tổng Hội Cựu Chiến Sĩ không có quân, và một ở San Jose gọi là Tập Thể Cựu Chiến Sĩ tuy có quân nhưng không thấy có hoạt động nào khả dĩ thống nhất anh em quân đội được. Có hai Tổng hội sĩ quan Thủ Ðức, một ở New Jersy có quân và chịu họp hợp nhất, một ở Canada không có quân nhưng tự ái đùng đùng không chịu họp thống nhất tình đồng môn. Ngay trong các hội học sinh trung học, có nơi cũng bể đôi. Tôn giáo thì còn đau lòng hơn nửa, nhiều nơi bị chia đôi, thậm chí chia ba nửa. Ðặc biệt, đã có lúc tại nam California có hai tổ chức kiểu chính phủ cùng song song tồn tại, một của ông Nguyễn Hữu Chánh hoạt động một thời gian khá dài rồi tự rút lui gần đây, và một của ông Ðào Minh Quân hoạt động mổi năm đúng một lần, chỉ vào dịp Tết, đó là lên chúc Tết đồng hương, rồi thôi. Ở Little Saigon, có lúc có đến 03 tổ chức đại diện cho cộng đồng Việt Nam nam California, và một của bà Mai Công hoạt động chuyên về xã hội tại Quận Cam. Người Mỹ địa phương cũng khôn lắm, đi cốc phiếu thì đến ba cộng đồng kia, còn yễm trợ ngân sách hoạt động xã hội thì cho cộng đồng của bà Mai Công. Kẻ viết bài này đã có lúc cùng một thời gian, chạy show phóng sự về tin tức hoạt động của cả ba cộng đồng nói trên, rất đông vui hao.

Thực sự mà nói, chính giới Hoa Kỳ nhiều khi muốn nói chuyện với cộng đồng cũng không biết tìm ra ai là người đại diện thực sự có uy tín đối với cộng đồng để mà bàn việc lớn, mời ông A thì thế nào cũng bị bà B móc, mời đảng C thế nào cũng bị tờ báo D móc. Có nhiều người đã ví von rằng tại Việt Nam ta có truyền thống chia rẻ từ thời lập quốc, có 100 người con lại chia đôi, nửa lên núi theo cha, nửa xuống biển theo mẹ, nhưng dầu xuống biển hay lên núi gì cũng là Việt Nam, lúc quốc biến thì đoàn kết đấu tranh dành lại độc lập dân tộc như Hội Nghị Diên Hồng đời Nhà Trần, cho nên dân tộc Lạc Việt vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, và người Việt lưu vong ra nước ngoài mặc dù có lúc chống nhau, nhưng vẫn mang chung một khát vọng dân tộc trường tồn, tự do dân chủ.

Các tổ chức đấu tranh hay cộng đồng đều là người tỵ nạn, đều muốn đặt tinh thần quốc gia lên hàng đầu và tranh đấu cho tự do dân chủ cho quê hương là mục tiêu chính. Nhưng mạnh ai nấy làm, đôi khi còn dẵm chân lên nhau nửa. Nhưng đặc biệt, mặc dù có bất đồng, nhưng không bất hòa lâu làm trở ngại công cuộc tranh đấu chung. Nhiều khi có việc lớn, thì hai cộng đồng cùng danh xưng người Việt quốc gia tạm ngưng chống nhau, và tạm ngồi lại với nhau, chống cờ máu như vụ Trần Trường tại Bolsa năm 1999. Nhiều khi họ bỏ cả công ăn việc làm để đi biểu tình, tranh đấu, tất cả chỉ vì tha nhân. Người hiểu được việc này thì ít mà chỉ trích thì nhiều.

Tấm lòng của người Việt quốc gia thật bao la, họ chấp nhận mọi chỉ trích để tranh đấu tõ tấm lòng đối với quê hương. Nhưng đa số các cuộc tranh đấu đều rời rạc, khi cần mới có tham mưu vẽ ra kế hoạch, chứ chẳng có chuẩn bị gì trước cả, thấy đâu đánh đấy, nghe tin phái đoàn cộng sản đến đâu thì nơi đó mới lên kế hoạch đối phó, nên luôn ở thế bị động. Chúng ta có hàng ngàn Gia Cát Lượng, nhưng không có một lãnh tụ Ðinh Bộ Lĩnh thống lãnh quần hùng. Tại sao vậy.

Nếu bây giờ có ai mớm ý, cử ông X làm lãnh tụ thì ngay hôm sau sẽ có hàng tá ý kiến bơi móc, bới bèo ra bọ trên internet hay trên báo chí ngay. Cái khó của cộng đồng Việt Nam là ở chỗ này.. Nhân vô thập toàn, không thể lấy khuyết điểm của người này trong quá khứ mà kết luận bản chất được. Ai cãm thấy mình không có tội hảy ném đá người đàn bà này trước, không có ai dám ném đá cả. Nhưng trong cộng đồng ta, hể mà ai mới nổi lên một chút thôi tất sẽ bị người khác kéo xuống. Tình trạng này đang xảy ra trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. Vậy thì đến bao giờ chúng ta mới có lãnh tụ.

Ðã đến lúc chúng ta phải tìm ra một lãnh tụ, dầu có tam cố thảo lư cũng phải tìm cho được, đừng sợ chống đối. Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẫn, vừa đại diện Việt Nam Cộng Hòa vừa lên tiếng kêu gọi cộng đồng và các tổ chức đấu tranh ký vào tuyên cáo lãnh hải Việt Nam đệ trình cho Liên hiệp Quốc trước ngày 13/05/2009, thì lập tức có gần 300 tổ chức đấu tranh, cộng đồng các tiểu bang, đảng phái, tôn giáo, cựu tướng lãnh, cựu dân biểu nghị sĩ, cựu viên chức chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, và một số ít nhân sĩ lập tức hưởng ứng. Rõ ràng những nhân vật ký tên này đủ mọi thành phần của một quốc gia. Không phải họ tuyên dương ông Nguyễn Bá Cẩn lên làm lãnh tụ, nhưng mà vì ông Cẩn xuất hiện đúng lúc chúng ta cần người đại diện chính thức khiếu nại vụ biển đông với Liên Hiệp Quốc, thế mà có kẻ còn xuyên tạc nói là làm hộ cho Việt cộng. Rồi hai ngày sau khi ông Nguyễn Bá Cẫn đã nằm xuống, một tờ báo net cũng không tha, quên mất câu nghĩa tử là nghĩa tận của người Á đông, bơi móc ông Cẩn với mục đích chính là "chửi xỏ và làm mất danh dự của các hội đoàn và tổ chức đã tham gia ký tên vào tuyên cáo này nhiều hơn là bơi móc ông Cẩn". Sự kiện này cho chúng ta thấy những kẻ có tâm huyết thường bị đánh phá chụp mũ, với mục đích chính là"Làm Cho Cộng Ðồng Việt Nam Không Thể Nào Có Một Lãnh Ðạo Thực Sự", cũng giống như các cuộc bầu cử dân biểu nghị sĩ quốc hội hay tại California, bất cứ người Việt nào ứng cử cũng đều bị chính truyền thông báo chí của người Việt đánh phá với mục đích chính là "Làm Cho Cộng Ðồng Việt Nam Không Có Ðại Diện Chính Thức Trong Quốc Hội Tiểu Bang Hoặc Liên Bang". Cộng đồng Việt Nam muốn có người lãnh đạo, muốn có đại diện trong các cơ quan chính quyền và quốc hội; và những kẻ phá thối vẫn bới bèo ra bọ để đánh phá với mục đích gì đây thì ai cũng rõ.

Trường hợp lớn nhất mà cộng đồng Việt Nam bầu hoặc tìm ra được một lãnh đạo, rồi vị này bị đánh phá, tự nhiên tất cả chúng ta đều biết được kẻ đánh phá là ai, phục vụ cho ai? Chỉ có Việt cộng mới sợ chúng ta có lãnh tụ nên mới cho tay sai đánh phá hoặc ngăn chận, không cho người Việt quốc gia có người lãnh đạo tranh đấu chống lại bọn chúng. Chẳng lẽ người Việt quốc gia muốn quang phục quê hương lại không muốn có lãnh tụ giương ngọn cờ đại nghĩa à? Việt cộng đã và đang âm mưu chia rẽ cộng đồng và các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái, qua nghị quyết 36, vì thế đã cho tay sai ngăn chận, bàn ra không cần lãnh tụ, bôi nhọ các nhà tranh đấu, và rất "ngây thơ cụ" đề nghị cộng đồng chờ chọn .... minh chúa tự nhiên xuất hiện!!! Những điều này đích thị phục vụ cho một âm mưu chia rẽ những nhà đấu tranh với cộng đồng, và làm cho những người có tâm huyết nãn lòng không muốn ra giúp nước. Ðừng lo, ở hải ngoại này, tất cả ai mà nổi tiếng thì trước sau đều bị xuyên tạc hoặc chụp mũ, và đã có một câu nói có thể gọi là rất chính xác để minh chứng cho điều này là "Ai mà nổi tiếng, ai tranh đấu mà không bị chụp mũ thì chưa trưởng thành". Không một lãnh tụ ở cõi thế gian này mà hoàn toàn được (No one is perfect. Nhân vô thập toàn). Bọn phản động cứ ra chiêu bài đánh phá, và chó sủa mặc chó, đoàn lữ hành vẫn cứ đi.

Sự kiện gần 300 tổ chức, đảng phái, tôn giáo, hội đoàn đấu tranh, mà trong đó có cả nhiều tổ chức cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ, chịu ký tên chung trong tuyên cáo lãnh hải, là hi hữu và độc đáo nhất trong lịch sử tỵ nạn của cộng đồng Việt Nam. Ðây rõ ràng nói lên cái khao khát có một lãnh tụ phát ra hiệu lệnh thiên hạ, chứ không phải tại vì có A hoặc ông B. Tổng hợp mạnh nhất tinh thần bất khuất của người Việt hải ngoại để tranh đấu cho sự tồn tại của một quốc gia, là một việc cần phải làm, mặc dù đã 34 năm trôi qua nhưng không quá trễ để có người lãnh đạo cộng đồng.

Tình hình Việt Nam hiện nay đang sôi sục như một hỏa diệm sơn sắp sửa phun lửa, lửa beauxite tây nguyên, lửa đông hải, và lửa bạo quyền đàn áp tôn giáo. Qua vụ bauxite, Việt cộng đã tuyên chiến với giới trí thức Bắc Hà, với các cựu công thần nhà nước. Qua vụ bán biển đông, Việt cộng đã tuyên chiến với giới Luật sư và những người trẻ yêu nước. Qua vụ đàn áp giáo dân Tam Tòa, đánh trọng thương hai vị linh mục tại Ðồng Hới, gây ra phẫn nộ dây chuyền với 500,000 giáo dân biểu tình hoặc hiệp thông cầu nguyện. Việt cộng luôn coi tôn giáo là thuốc phiện, Việt cộng không sợ những cuộc đấu tranh lẽ tẻ, nhưng sợ nhất là tôn giáo nổi lên tử vì đạo, nên tôn giáo bị đàn áp mãnh liệt nhất.

Toàn dân đã và đang sôi sục căm hờn cả Việt cộng lẫn Trung cộng về việc Việt cộng đàn áp tôn giáo, dâng Tây Nguyên và biển đông cho quan thày. Còn Trung cộng thì hầu như nắm toàn bộ kinh tế Việt Nam và tiếp tục khiêu khích biển đông, vạn bất nhất mà chiến tranh xảy ra thì cộng đồng người Việt hải ngoại không thể ngồi yên trước việc Trung cộng xâm lược Việt Nam. Rồi thì mạnh ai nấy quyên tiền trợ giúp chống Trung cộng, và đồng hương vì lòng yêu nước sẳn lòng mở hầu bao mà không bao giờ biết số tiền quyên góp sẽ đi về đâu. Phải có một lãnh tụ mới quyết định được đường lối đúng đắn cho cuộc đấu tranh sắp đến, mà nó có thể sẽ giống hệt như quốc gia và Việt minh cộng sản hiệp lực chống thực dân Pháp trước năm 1954, nay thì biết đâu lại dám rơi vào cái thế bắt buộc phải hiệp lực với ... Việt cộng chống bá quyền Trung cộng (bất cứ một nổ lực nào chống Trung cộng trong lúc bọn khát máu này đánh nhau với đệ tử là Việt cộng, rất dễ bị bọn Việt gian tay sai chụp mũ là bắt tay với Việt cộng). Chỉ có một lãnh tụ sáng suốt, đại diện cho toàn thể đồng hương hải ngoại, đề ra một quyết sách, trưng cầu dân ý, mới giải quyết được vấn nạn đau đầu này, mà không bị lịch sử phê phán là bắt tay với Việt cộng. Không có lãnh đạo thì rất khó thực hiện thành công các cuộc tranh đấu phức tạp như trên (vẫn còn đó kinh nghiệm máu xương việc cộng sản lúc yếu thì kêu gọi quốc gia hợp tác chống Pháp, xong rồi bọn chúng ra tay tiêu diệt các lược lượng quốc gia để độc quyền thống trị dân ta)

Chúng ta hiện nay có hàng ngàn chứ không phải hàng trăm tổ chức hoặc liên minh có cùng mục đích chống độc tài cộng sản đem lại tự do dân chủ cho đồng bào trong nước, mạnh ai nấy ra tuyên cáo, rõ ràng không có sức mạnh tổng hợp. Có nhớ đệ nhất cộng hòa đã kết hợp được quân đội các giáo phái trở thành quân đội quốc gia hay không? Nếu có lãnh tụ thì chắc chắn có thể kết hợp tất cả các hội đoàn thành một sức mạnh tổng thể, cùng một chí hướng, cùng một tinh thần, cùng một kỷ luật giống như Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày nào.

Ðức Ðạt Lai Lạt Ma là một thí dụ về lãnh tụ cộng đồng Tây Tạng lưu vong, ông đi đến đâu đều được các quốc gia kính trọng. Tại sao chúng ta không có được một lãnh tụ như vậy, trong khi chúng ta đã làm được một điều kỳ diệu là ngăn cản không để lá cờ đỏ khát máu xuất hiện bất cứ nơi nào tại Hoa Kỳ, tại Canada hoặc tại Úc châu. Ðặc biệt hơn nữa là "cộng đồng người Việt quốc gia" tại Pháp hầu như đã "đồng hóa" được cái "cộng đồng người Việt thiên tả" mà Nguyễn Dy Niên, cựu bộ trưởng ngoại giao Việt cộng gọi là "Binh chủng đặc biệt" vốn có cảm tình với Việt cộng trước năm 1975 tại Paris. Sau ngày Việt Nam bị nhuộm đỏ cả nước, đồng bào vượt biên đến Pháp khá nhiều, bọn thiên tả mới sáng mắt ra, rồi lần lần chịu phép, và cờ máu tự nhiên không còn nữa, chỉ thấy rừng cờ vàng xuất hiện trong các cuộc tranh đấu và các ngày lễ lớn. Mặc dù Việt cộng là thành viên của Liên Hiệp Quốc, nhưng tại hầu hết các nước tự do, thì cờ vàng lại làm bá chủ, điều kỳ diệu này chỉ có chúng ta thực hiện được so với các cộng đồng ngoại quốc cùng cảnh ngộ mất nước như chúng ta. Trong cuộc Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế hàng năm tại New York, cờ Ðài Loan xuất hiện yếu ớt bên cạnh rừng cờ Trung cộng, trong khi không có một lá cờ máu nào của Việt cộng được phép xuất hiện ngoại trừ rừng cờ vàng của cộng đồng Việt Nam. Chính nghỉa quốc gia đã thắng lớn tại hải ngoại, nơi nào có cờ vàng thì không có cờ đỏ, nơi nào mà cờ đỏ lén lút xuất hiện thì trước sau cũng bị dẹp. Tại sao tinh thần quốc gia lên cao như vậy, mà chúng ta không có lãnh tụ biết phát huy sức mạnh này để giúp nước?

Không thể đòi hỏi một lãnh tụ phải pure, phải hoàn toàn perfect được, vì nhân vô thập toàn mà. Chúng ta chỉ cần có một lãnh tụ có uy tín, có khả năng, và một tình thần quốc gia vững chắc là được rồi. Một tổ chức có uy tín, đại diện thống nhất cho người Việt tại Hoa Kỳ là khả hữu. Nhưng ai là người dám đứng ra nhận lãnh trách nhiệm trọng đại này đây?

Ðã đến lúc các tổ chức cộng đồng, các đảng phái chính trị, các hội đoàn đoàn thể, và các nhân sĩ cần phải ngồi lại với nhau, để tìm hay bầu ra một lãnh tụ. Vị lãnh tụ này sẽ lập ra một ban tham mưu hay một ban chấp hành theo luật lệ sở tại, nếu không tiện mang danh xưng nội các. Nếu chúng có một lãnh tụ có tinh thần quốc gia, có uy tín trong cộng đồng và chính giới Hoa Kỳ, thì sẻ giải quyết được hàng núi công việc của chúng ta tại hải ngoại. Thí dụ kêu gọi toàn thể đồng hương ghi danh và đi bỏ phiếu, đại diện cộng đồng Việt Nam hải ngoại yêu cầu Liên Hiệp Quốc áp lực Hà Nội ngưng đàn áp đồng bào trong nước, kêu gọi liên tục với Liên Hiệp Quốc về vấn đề Trung cộng âm mưu chiến biển đông làm của riêng, lên tiếng kêu gọi các nơi về Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế hàng năm do cộng đồng New York đứng ra tổ chức, kêu gọi không du lịch tại Lâm Ðồng và Ðăk Nông để tránh bị ung thư bauxite, hoặc xin chính quyền tiểu bang trợ cấp sinh hoạt cho các trung tâm sinh hoạt cộng đồng giống như của bà Mai Công ở Quận Cam một năm được cấp hàng trăm ngàn Mỹ kim ... (Hiện nay các tổ chức cộng đồng người Việt quốc gia hầu như không xin fund được, mà chỉ có các hội cao niên mới có chút ít fund từ liên bang).

Có rất nhiều vấn đề cộng đồng mà chỉ có một lãnh tụ xuất sắc và một ban tham mưu tài giỏi mới làm được hoặc giải quyết được. Không thể nói rằng 34 năm qua chúng ta vẫn sống, vẫn làm nhiều việc có ích cho quê hương và đồng bào bên nhà mà, đâu cần có lãnh tụ đâu. Nên nhớ, chúng ta là cộng đồng tỵ nạn, vì tự do nên mới lưu lạc ra xứ người, chúng ta đã từng quyên góp cho kháng chiến, đã từng quyên góp cho thương phế binh, đã từng đi biểu tình "Giương Ngọn Cờ Vàng Hạ Cờ Máu" khắp nơi trên thế giới. Nhưng đấu tranh mà không có lãnh tụ thì sức mạnh kia bị chia năm xẻ bảy vì đánh tùm lum, giống như đánh vào không khí, như những vết cào sướt vô hại trên lưng kẻ thù, còn tổng hợp được sức mạnh sẽ như mủi dao toàn lực đâm thẳng vào tim địch.

Cứ nhìn cộng đồng Do Thái tại Hoa Kỳ mà biết được sức mạnh của họ, tại sao mà Hoa Kỳ phải hết lòng bảo vệ Do Thái tại Trung Ðông, vì người Mỹ gốc Do Thái ảnh hưởng nhiều lãnh vực tài chánh và ngân hàng của Hoa Kỳ, và lãnh đạo cả Hollywood nữa.

Cộng đồng chúng ta mạnh sẽ làm các dân cử địa phương áp lực được chính phủ trung ương thật sự giúp chúng ta, chứ không phải hứa miệng để lấy phiếu trong các kỳ bầu cử. Cộng đồng chúng ta có lãnh đạo uy tín thì chắc chắn cựu Tổng Thống Bush đã phải can thiệp không ít thì nhiều cho các nhà tranh đấu được thả ra khỏi ngục tù cộng sản. Nên nhớ một năm Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam hơn một tỷ đô, viện trợ hoặc huấn luyện cho tất cả các sinh hoạt mang tính quốc gia tại Việt Nam về đủ môi phương diện, kinh tế, văn hoá giáo dục, y tế, hành chánh, quốc hội, và cả quốc phòng nữa. Nội việc giao thương với Hoa Kỳ, nhập siêu của Việt Nam năm 2008 đã lên đến hơn 10 tỷ đô. Hoa Kỳ hiện nay là nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, và Hoa Kỳ là nơi mà Việt Nam xuất cảng nhiều nhất so với các quốc gia khác, có thể áp lực một số vấn đề nhân đạo được chứ?

Chúng tôi xin nêu một thí dụ về sức mạnh của cộng đồng nếu chúng ta có một lãnh tụ có tầm cở, để yêu cầu Tổng Thống Obama áp lực Việt Nam thả Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Ðài, và Linh Mục Nguyễn Văn Lý, nếu không thì toàn thể cộng đồng chúng tôi sẽ bỏ phiếu cho đảng cộng hòa vào kỳ bỏ phiếu tới. Nếu chúng ta có một lãnh tụ có khả năng, được cộng đồng thương yêu và tin tưởng, thì khi vị này lên tiếng kêu gọi về một nguyện vọng chính đáng có lợi cho chúng ta, hay cho đồng bào ở quốc nội, thì chắc chắn đồng hương sẽ ũng hộ nguyện vọng này hết mình như đã làm trong quá khứ. Chúng ta sẽ diễn tập một lần về việc "chỉ bỏ phiếu cho một đảng thì sẽ biết hiệu quả ngay". Hãy tưởng tượng nguyên cả đảng dân chủ không có một lá phiếu nào của người Việt vào năm 2010, thì liệu bà Loretta Sanchez hay ông Lou Correa có hộc tốc bay về Washington DC vấn tội ông Obama hay không? Theo tình hình hiện nay, chúng ta chưa thể làm điều này, vì không có một lãnh tụ tầm cở có thể ban hiệu lệnh thiên hạ, nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm ra người này.

Người làm việc lớn thì thường bỏ qua những tiểu tiết, kẻ làm việc nhỏ thì lại chú ý những tiểu tiết này để chống phá, nên chúng ta chưa có được một lãnh tụ. Nhưng ra ngõ gặp anh hùng là tục ngữ nói về truyền thống bất khuất của dân tộc ta, khi bị trị tự nhiên xuất hiện vị cứu tinh của dân tộc. Canh khuya không dám dang chân ngủ - Vì sợ sơn hà xã tắc xiêu. Hai câu thơ khẩu khí này của Lý Công Uẫn lúc làm chú tiểu trong chùa, sau này trở thành vua, lãnh đạo dân chúng đánh tan quân Tống xâm lược nước ta. Anh hùng xuất thiếu niên, vị lãnh tụ của cộng đồng Việt Nam có thể là lớp người trẻ, cũng có thể là thế hệ thứ nhất, vị này sẽ làm các công việc chắc chắn lớn hơn và không dẫm chân lên các công việc mà các cộng đồng địa phương đang làm, nhưng người này có uy tín thì sẽ có khả năng hợp nhất cộng đồng và đoàn thể lại không còn đấu đá nhau nữa, hợp nhất lại các tổ chức quân đội, không để tại một địa phương mà có đến hai lễ kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 tháng 6 như tại San Jose nữa. Vị lãnh tụ này chắc sẽ có khả năng hoà giải những bất đồng, và thống nhất sức mạnh tập thể để làm các công việc chung, giống như Ðinh Bộ Lĩnh ngày xưa thu phục 12 sứ quân vậy.

Hãy lấy vụ nộp hồ sơ hải đảo cho Liên Hiệp Quốc tháng 5 vừa rồi mà làm tiền đề cho việc tìm người lãnh đạo. Ðây là một vấn đề serious và có thể, chứ không phải là không tưởng. Hãy nhớ lại gần 50,000 đồng hương già trẻ lớn bé ngồi lại với nhau tay vẫy cờ vàng trong một đêm cao điểm đấu tranh 53 ngày chống cờ máu trong vụ Trần Trường năm 1999 tại Bolsa, Little Saigon, thủ phủ của người Việt lưu vong. Hãy nhớ hàng triệu Mỹ kim mà đồng hương nức lòng quyên góp cho thương phế binh trong những đại nhạc hội gây quỹ hàng năm. Hãy nhớ hàng chục triệu đô la mà đồng hương quyên góp cho kháng chiến, dầu cho thực chất cuộc kháng chiến này dzõm và để lại quá nhiều tai tiếng, nhưng đây là một quyết tâm đoàn kết vô bờ bến, vì dân vì nước của người Việt quốc gia mà nhiều đời sau sẽ còn nhắc nhở.

Bài này chúng tôi viết ra hoàn toàn không đề cao người nào, chỉ trích ai, không lobby ai, chỉ nêu một số thí dụ có thực đã xảy ra trong quá khứ của cộng đồng Việt Nam mà ai cũng biết rõ ràng, mong quý vị đóng góp ý kiến để tìm ra một người lãnh đạo chung, có như thế chúng mới không phải hy sinh nhiều thời gian, nhiều công sức mà chỉ đạt được những kết quả nhỏ nhoi.

Song Hoài

    Trở Về Quê Hương

    Rồi mai đây, ta về quê hương
    Lặng nhìn sông núi tỏ niềm thương
    Ðàn con viễn xứ nay về Tổ
    Dựng lại quê hương, phá ngục tù

    Nước non chinh chiến tự ngàn thu
    Chẳng thấy yên vui chỉ hận thù
    Giặc từ ngoài Bắc vào xâm lấn
    Chồng chất bao nhiêu nợ máu xương

    Rồi mai đây, ta về quê hương
    Cờ vàng ba sọc đỏ yêu thương
    Bay trong nắng ấm tình dân tộc
    Rạng tiếng hoan ca khắp phố phường

    Rồi mai đây, ta về quê hương
    Hòa cùng cây cỏ thở hơi sương
    Nén hương thắp lại mồ chiến sĩ
    Ðể nhớ ơn xưa thuở chiến trường

    Ðể cùng Thương Tiếc bao đời lính
    Vị quốc vong thân để tiếc thương
    Rồi mai đây, ta về quê hương
    Hồn lâng lâng nhẹ gót phong sương

    Cho đời thôi bớt sầu ly xứ
    Trả mộng tang bồng đỡ vấn vương


No comments:

Post a Comment