Saturday, August 29, 2009

Con muốn làm người bình thường! - Dương Phạm

Dương Phạm

Viết cho BBCVietnamese. com từ London




Nhân đọc loạt bài viết về ‘Tthói háo danh và vĩ cuồng của giới trí thức’ cũng như về một thứ quốc nạn có tên là ‘loạn chức danh, học vị’, tôi xin mạn phép đưa ra đôi ba dòng về ‘chứng nan y’ đang lan rộng không chỉ trong giới trí thức trưởng thành mà còn cả một thế hệ trí thức mầm non của nước nhà.

Cách đây lâu lâu khi còn làm việc ở Việt Nam, tôi được một chị bạn rủ đi mua sắm đồ cho con trai mới vào lớp một. Nhân chuyện ra chuyện vào, chị vui mồm kể đã phải khó nhọc thế nào mới ‘chạy’ được cho con vào một trường điểm có tiếng ở Hà Nội, mà theo lời chị là ‘một ngôi trường không vừa đâu, toàn con cháu người nổi tiếng và các vị to học ở đây’. Chưa hết, chị còn cho biết phải dùng ‘kế’ và tiền thế nào để vào được lớp chuyên, lớp chọn, mặc dù theo tôi biết thì nhà nước đã bỏ chế độ trường chuyên lớp chọn từ khá lâu rồi.

Vào được trường tốt đã khó, để con lọt vào ‘top 10’ học sinh giỏi của lớp mới là việc đau đầu. Tuy là vào lớp một, nhưng chị khoe cháu đã học xong gần hết chương trình học lớp một để vào cái là bứt được lên ngay so với các bạn. ‘Anh ấy là nhà thơ hẳn hoi, bây giờ mà con nó học không ra gì thì chỉ có nước chui xuống đất’, đấy là lời giải thích cho mọi nỗ lực cố gắng với chuyện học hành của đứa con nhỏ của chị.

Thực ra tôi cũng chẳng ngạc nhiên. Chị chỉ là một trong số hàng triệu triệu bà mẹ trẻ có con và muốn con có được những gì tốt nhất. Nhưng thực ra, đó là lý do hết sức hợp lý để che đậy một nguyên nhân khác sâu xa hơn, thói hám danh không những đã ám vào người lớn chúng ta mà bây giờ còn đang len lỏi vào cả những thế hệ thơ bé.

Trẻ con bây giờ làm gì còn cái quyền được đi đá bóng, đánh khăng, chơi búp bê cho đến lúc mệt nhoài rồi lăn ra ngủ? Như một công dân 18 tuổi, quyền và nghĩa vụ của các cháu là phải ‘học, học nữa, học mãi’ (mà một anh bạn tôi đã dám mạn phép nói lái đi: ‘học, học nữa, hộc máu’). Học chính khóa, học thêm, học đàn, học múa, học hát, học vẽ, v.v… mà mục đích của sự học này là để bất cứ khi nào có dịp, bố mẹ sẽ đem con mình ra khoe ngay lập tức.

Học, học nữa, hộc máu!

Khẩu hiệu 'trong trường và gia đình'

Còn nữa, đã học là phải học giỏi, phải ‘top 10’, không có quyền học kém hoặc chán học. Nhưng sức người có hạn, nên bố mẹ lại phải giúp, gia sư chưa đủ thì đã có tiền để ‘chạy’ mong thầy cô thông cảm. Còn trẻ con thì dưới sức ép phải là ‘nhất’ nên cũng xoay xở mọi cách, từ chép bài cho đến quay bài rồi thi hộ. ‘Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome’, thôi thì kiểu gì cũng xong được cho cái chức danh ‘học sinh giỏi’.

Dần dần, tỷ lệ học sinh khá giỏi càng tăng thì tỷ lệ hạnh kiểm và đạo đức tốt càng giảm (đương nhiên là không có con số thống kê cụ thể). Tôi biết nhiều ông bố bà mẹ, vì không muốn bị mang tiếng là con ‘học kém’ với ‘thi trượt’ còn khuyến khích con mang ‘phao’ vào phòng thi cho ‘yên tâm’, hoặc thậm chí thuê người làm luận văn tốt nghiệp giúp. Thế là lại thêm một loạt các dịch vụ ra đời phục vụ cho ngành giáo dục, tạo thêm biết bao công ăn việc làm.

Rồi cơn lốc du học nước ngoài ào đến. Hình như thời nào cũng giống nhau, cứ ‘ở bển’ về là oai. Thế là từ đại gia, doanh nhân, nghệ sĩ, tri thức đều lo để con mình được hưởng một nền giáo dục ‘được cả thế giới công nhận’, bất cần biết sức học của cháu đến đâu. Không học được trong nước thì là do ‘chương trình chưa chuẩn, ra nước ngoài kiểu gì cũng xong.’

Nhưng du học rồi mới thấy được nhiều chuyện dở khóc dở cười. Tôi từng học cùng trường ở Anh với cậu ấm một vị cục trưởng ở Việt Nam. Hai đứa cùng học Thạc sỹ nhưng khác ngành. Đến khi tốt nghiệp, rành rành là cậu ấm này bị đánh trượt do luận văn không đạt yêu cầu và chỉ được cấp một chứng chỉ là Postgraduate Certificate (chứng nhận đã tham gia khóa học này nhưng chưa được tốt nghiệp, khác với Master Degree – bằng Thạc sỹ) nhưng về đến Việt Nam thì gia đình mở cỗ rất to mừng ‘Thạc sỹ về làng’.

Học sinh ngày nay có còn được hồn nhiên?
Chưa kể trong gần 7 năm đại học ở đây (do trượt hai năm), cậu ấm này luôn là khách hàng quen thuộc của bạn tôi do chuyên đặt hàng viết các bài luận hoặc các bài tập về nhà. Bao nhiêu tiền đổ ra cuối cùng chỉ để mua một thứ danh ‘hão’, nhưng lại rất thực trong đời sống xã hội ở Việt Nam.
Cùng thế hệ 8x, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu tài năng ở lứa tuổi mình vươn lên nhưng cũng không ít những ‘thùng rỗng kêu to’. Tuy nhiên, chính những thế hệ đi trước đã góp phần lớn xây dựng nên tính háo danh của một thế hệ trí thức trẻ. Từ những lời động viên trở thành khen ngợi quá đáng rồi thành tâng bốc mù quáng. Tài năng bé nhưng xé ra danh to.
Xưa, Nguyễn Công Trứ từng nói ‘đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông’; nay, con cháu đều nhất mực học theo ông, nhưng đánh tiếc, chỉ chạy theo ‘danh’ mà không có ‘thực’.

Kết lại bài viết, tôi xin kể lại câu chuyện cười ra nước mắt về đứa con anh bạn tôi. Hôm cháu ngủ gật trên bàn học vì quá mệt, anh bạn tôi ra đánh thức rồi động viên: ‘Con có muốn làm siêu nhân không? Muốn làm siêu nhân thì phải học giỏi nhất, đánh võ giỏi nhất, chơi đàn hay nhất chứ? Không thì làm sao thành siêu nhân?’.

Thằng bé thẫn người ra một lúc rồi bật khóc: ‘Con không muốn làm siêu nhân đâu, con chỉ muốn làm người bình thường thôi’.

Dương Phạm
*****

    Thói háo danh và vĩ cuồng của trí thức
Source: http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/7621/index.aspx

Vương Trí Nhàn

Thói háo danh và căn bệnh vĩ cuồng, từ xưa trong hoàn cảnh nhược tiểu nhiều người đã mắc, tới nay trong hoàn cảnh chớm hội nhập với thế giới, bệnh lại trầm trọng hơn trong một bộ phận trí thức.

Lời TS: Trí thức là một thành phần quan trọng, đóng vai trò định hình tư tưởng, dẫn dắt xã hội. Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, không phải toàn bộ nhưng ít nhất một bộ phận trong số họ có những nhược điểm cố hữu. Tuần Việt Nam xin giới thiệu một số bài viết của ông về chủ đề này với mục đích tự nhìn lại mình, phản tư để thấu hiểu và thay đổi chính mình.


Bệnh sùng bái danh hiệu, chức vụ ... trong giới trí thức vừa được Đặng Hữu Phúc xem như một quốc nạn. Chỉ có thể chia sẻ với một khái quát như thế nếu người ta nhận ra những gì đứng đằng sau cái căn bệnh có vẻ dễ thương đó là sự liên đới của nhiều “chứng nan y“ cùng là sự tha hoá của giới trí thức cũng như của nhiều lớp người khác.

Bài viết Tôi chỉ là Ashkenazy! Hay quốc nạn loạn chức danh, học vị gợi tôi nhớ tới một câu chuyện trong sử cũ.

Nhìn người bằng ... chức danh

Nửa cuối thế kỷ thứ XVII, có một trí thức Trung Quốc là Chu Thuấn Thuỷ trên bước đường chống Thanh phục Minh nhiều lần đến Việt Nam. Lần ấy, khoảng 1657, nghe Chúa Nguyễn có hịch chiêu mộ những ai biết chữ để giúp vào việc nước, Chu ra trình diện. Nhưng ông cảm thấy chung quanh không hiểu mình, không thi thố được tài năng, lại bị làm phiền, nên bỏ sang Nhật. Sau ông đóng góp rất nhiều vào viêc phát triển xã hội Nhật.

Chu không phải là loại người đọc sách xa lánh sự đời. Một học giả Nhật đã viết về Chu “Cái học của tiên sinh nhấn mạnh về "kinh bang tế thế". Giả sử nếu cần biến một vùng đất hoang thành phố thị, phải tập hợp sĩ nông công thương, thì một tay tiên sinh có thể cáng đáng để xây dựng nên phố thị. Thay vì “ thi thư lễ nhạc” tiên sinh thích nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc về cách canh tác ruộng nương và cách xây dựng nhà cửa, cách làm rượu làm tương ... Tiên sinh có thể dạy người ta bất cứ việc gì”. (1)

Riêng chuyện bộ máy chính quyền Đàng Trong không thể chấp nhận một người như trên, đủ cho ta hiểu trình độ của bộ máy đó là như thế nào.

Trong tập ký sự của mình, Chu Thuấn Thuỷ kể khi trình diện nhà cầm quyền địa phương, gặp chuyện buồn cười là người Việt Đàng Trong bắt ông ứng khấu ngay một bài thơ rồi viết trên giấy. Tiếp đó câu đầu tiên bị hỏi là “Cống sĩ với cử nhân và tiến sĩ, bên nào hơn ?“.

Khi biết Chu chỉ là cống sĩ, viên quan địa phương có ý xem thường, cho học lực của Chu không thể nào đọ được các vị khoa bảng nhà mình.

Từ câu chuyện về Chu Thuấn Thuỷ tới câu chuỵên về nghệ sĩ Nga Vladimir Ashkennazy mà Đặng Hữu Phúc vừa kể, như là có sự nối tiếp. Hoặc có thể nói cả hai phối hợp với nhau làm nên một đôi câu đối khá chỉnh. Một bên thì không thể hiểu người nổi tiếng lại không có một chức danh nào, còn bên kia thì không cần biết trước mặt mình là người đã được hoàng đế nhà Minh mời ra giúp nước, chỉ nghe cái bằng cống sĩ đã bĩu môi chê bai - giữa người ngày xưa với người ngày nay, sao mà có sự ăn ý đến thế!

Từ háo danh tới vĩ cuồng

Đặng Hữu Phúc đã nói tới cái khó chịu khi phải nghe đám người “mở miệng là họ nói tới chức tước “ - tức đám người háo danh - trò chuyện với nhau. Ai đã sống trong giới trí thức ở ta hẳn thấy chuyện đó chẳng có gì xa lạ.

Anh A và anh B vốn cùng nghề và cùng cơ quan, họ cùng dự buổi họp nhỏ, chứ không phải đăng đàn diễn thuyết trước bàn dân thiên hạ gì.

Thế mà cứ động phát biểu thì từ miệng anh A, vang lên nào là “như giáo sư B đã nói” (gọi đầy đủ cả tên họ), nào là “tôi hoàn toàn đồng tình với các luận điểm giáo sư B. vừa trình bày“ (Thực ra có luận điểm khoa học gì đâu mà chỉ là mấy nhận xét vụn). Và B cũng đáp lại bằng cách nói tương tự.

Khi phải dự những cuộc hội thảo ở đó cách xưng hô và nói năng giữa các thành viên theo kiểu như thế này, tôi chỉ có cách ráng chịu một lúc rồi lảng. Tôi không sao nhớ nổi họ nói với nhau điều gì. Và tôi đoán họ cũng vậy. Vì mỗi người trong họ có vẻ còn mải để ý xem người phát biểu đã gọi người khác đúng chức danh chưa, hay để sót, chứ đâu có chú ý tới nội dung các phát biểu. Không khí nhang nhác như những buổi họp quan viên trong các làng xóm xưa, mà Ngô Tất Tố hay Nam Cao đã tả.

Tại sao chúng ta khó chịu với lớp người háo danh này? Đơn giản lắm, ta thấy họ ấu trĩ, non dại, thực chất họ thấp hơn cái vị thế mà họ chiếm được, không xứng với chức danh họ nhăm nhăm mang ra khoe.

Ai đã thử quan sát tình trạng tinh thần của đám người mê tín hẳn biết, người càng thiếu lòng tin, thì khi vào cuộc mê tín càng cuồng nhiệt.

Giới trí thức cũng vậy, cái sự thích kêu cho to chẳng qua là một cách để xoá bỏ mặc cảm. Kẻ yếu bóng vía lấy cái mã bên ngoài để làm dáng che đậy cho sự trống rỗng bên trong.

Mấy thói xấu mà Đặng Hữu Phúc nêu lên chỉ đáng để người ta cười giễu, ghét bỏ, thương hại. Song ác một nỗi chính nó lại là dấu hiệu đầu tiên của nhiều chứng nan y khác chẳng hạn căn bệnh mà Cao Xuân Hạo trong một bài viết ở cuốn Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ (2) gọi là bệnh vĩ cuồng (me’ganomanie).

Cao Xuân Hạo kể một chuyện mà thoạt nghe chắc chẳng ai dám tin. Hàng năm cơ quan lưu trữ nước mình thường phải thanh lý hàng tấn những hồ sơ “sáng kiến phát minh“ gồm toàn đề nghị viển vông do người trong nước ùn ùn gửi tới. Cao Xuân Hạo nói thêm điều đáng lo là ở chỗ phần đông chúng ta khi nghe những điều quái gở ở đây đều thấy bình thường, cùng lắm thì là loại sai lầm dễ tha thứ; còn ai tỏ ý kinh hoàng thì bị mọi người coi là bệnh hoạn vô đạo đức vì đã không tin vào khả năng sáng tạo của những người bình thường.

Cần phải gộp cả thói háo danh và bệnh vĩ cuồng nói trên để phân tích vì giữa chúng có một điểm chung là đều xuất phát từ những người và nhóm người sống trong tình trạng cô lập, không có khả năng tự nhận thức, đứng ngoài nhịp phát triển tự nhiên của thế giới.

Tình hình lại cần được xem là tệ hại bởi nó bám rễ vào bộ phận tinh hoa của xã hội.

Trí thức là bộ phận mũi nhọn của một cộng đồng, của những thể nghiệm làm người của cộng đồng đó. Những nhược điểm của trí thức chẳng qua chỉ là phóng to nhược điểm của cộng đồng. Và nếu như những nhược điểm này đã thâm căn cố, đế trở thành một sự tha hoá, thì tình trạng của người trí thức sẽ là một phòng thí nghiệm hợp lý để nghiên cứu về tình trạng tha hoá nói chung. Phải nghiên cứu kỹ lưỡng thì may ra mới có cơ hội chữa chạy hay ít nhiều cũng giảm thiểu tình hình nguy hại.

Vương Trí Nhàn

Ghi chú:

(1) Chu Thuấn Thuỷ Ký sự đến Việt Nam năm 1657 (An Nam cung dịch kỷ sự), Vĩnh Sính dịch và chú thích, Hội khoa học lịch sử Việt Nam 1999, tr.11
(2) Trung tâm nghiên cứu tâm lý dân tộc -- Tâm lý Người Việt nam nhìn từ nhiều góc độ, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh,2000, tr.82-87

*****
    Tôi chỉ là Ashkenazy! Hay quốc nạn loạn chức danh, học vị
Đặng Hữu Phúc
Source:
http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu//7317/index.aspx


"Bệnh thành tích, cơ hội, trọng bằng cấp, trọng chức quyền ... đang làm tê liệt trí tuệ Việt Nam. Phải chăng nó là một trong ba loại giặc đang đe doạ sự tồn vong của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã nói, đó là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm?"

Tôi chỉ là Ashkenazy

Người đứng giữa cầm quyển sách là Ashkenazy - ông không
nhìn vào ống kính.
Tôi xin được bắt đầu bài viết này bằng một câu chuyện có thật xảy ra ở TP Hồ Chí Minh vào năm 1995. Chuyện như sau: Trong một chuyến đi bằng đường hàng không, do trục trặc, nghệ sỹ Piano lớn của thời đại chúng ta là Vladimir Ashkenazy đã phải dừng lại ở TP HCM hai ngày.

Tất nhiên một nghệ sỹ lớn như Ashkenazy khó lòng mà không bị phát hiện ra trong thế giới nhiều thông tin này. Và ông đã được mời tổ chức một buổi hoà nhạc nho nhỏ cho những người hâm mộ. Với sự khiêm tốn vốn có ở những người vĩ đại, ông chỉ muốn biểu diễn ở phòng nhỏ trong Nhạc viện TPHCM và chủ yếu dành cho một công chúng hẹp, trong giới nhà nghề. Việc này tất nhiên được nhạc viện thành phố chú ý ngay và họ muốn biến chuyến thăm bất đắc dĩ này quảng cáo thêm cho uy tín của nhạc viện.

Người lãnh đạo nhạc viện lúc đó là một giáo sư, tiến sỹ, nghệ sỹ nhân dân đã dẫn đầu một nhóm giáo sư, tiến sỹ của nhạc viện TPHCM đón tiếp Ashkenazy.

Trong buổi tiếp, sau khi trân trọng giới thiệu với Ashkenazy từng thành viên của ta với đầy đủ chức danh, học vị, thì việc mà phía ta muốn hỏi ông ta, để đưa vào programe (tờ in chương trình) và giới thiệu khi biểu diễn là: Ashkenazy là gì? Thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư hay là gì gì hơn thế nữa ? Và câu trả lời là: Tôi chỉ là Ashkenazy.

Tưởng khách không hiểu. Chủ lại hỏi lại và gợi ý thêm cho dễ hiểu hơn: chắc một nghệ sỹ lớn như ông thì phải có tham gia giảng dạy, vậy khi đó chức danh và học vị của ông là gì? Câu trả lời vẫn không thay đổi: Tôi chỉ là Ashkenazy.

Ô hay! Lạ cái ông này, cỡ như ông ta ít nhất cũng phải có một chức danh gì chứ? hay ông ta giấu? Và cuộc gặng hỏi vẫn tiếp tục. Tuy vậy, truy mãi, cuối cùng, dù đông người, ta đã phải chịu thua một mình ông, vì câu trả lời vẫn chỉ có thế, dù đã được pha thêm chút khó chịu: Tôi chỉ là Ashkenazy!

Cách giới thiệu một cuộc hoà nhạc ngày nay và cái tên cha sinh mẹ đẻ

Trên thế giới thì hàng trăm năm nay, khi giới thiệu một buổi biểu diễn nhạc chuyên nghiệp (hoặc in trên bìa CD) chỉ đơn giản như sau, ví dụ:

1. Về tác giả: Sonate số 2, giọng Si giáng thứ của F.Chopin.

2. Về biểu diễn: Piano : V.Ashkenazy

Cách đây khoảng trên hai chục năm, ở Việt Nam ta cũng tương tự như vậy. Nhưng bây giờ thì khác xa rồi, thường họ sẽ giới thiệu theo công thức như sau:

1. Về tác giả: Tên tác phẩm, của + Chức danh (giáo sư, phó giáo sư) + học vị (tiến sỹ, thạc sỹ) + Danh hiệu (nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú). + Giải thưởng (giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước) + Chức vụ quản lý (Chủ tịch, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng...) + tên tác giả

2. Về biểu diễn: Độc tấu + tên nhạc cụ, do + Chức danh (giáo sư, phó giáo sư) + học vị (tiến sỹ, thạc sỹ) + Danh hiệu (nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú) + Giải thưởng (giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước) + Chức vụ quản lý (Chủ tịch, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng ...) + tên người + biểu diễn

Bao nhiêu sức lực, thời gian và tiền bạc đáng ra để tập trung làm chuyên môn, làm nghề thì lại bị phung phí vào các cuộc đua tranh lấy bằng cấp.

Mời bạn đọc thử lắp những chức danh, danh hiệu này trước những tên tuổi như: Mozart, Beethoven, Chopin ….. hoặc: Karajan, Rubinstein, Horowitz v.v… bạn sẽ thấy nó hài hước tới mức nào ngay. Thêm bất cứ cái gì trước những cái tên đó, đều là một sự xúc phạm khó tha thứ. Bản thân nó đã là vàng mười. Sự sâu sắc luôn mộc mạc, giản dị. Ngược lại với sự son phấn loè loẹt, hàng mã.

Hãy để chính những nghệ sỹ, bằng tài năng, làm nên tên tuổi riêng của mình
Và không chỉ dừng lại ở các cuộc biểu diễn, mà ngay cả trong các cuộc họp hành, hiếu hỷ. Khi mời ai lên phát biểu, người ta cũng luôn luôn phủ đầu làm tối tăm mặt mũi cử toạ bằng một tràng dài các chức danh, học vị, chức vụ quản lý, chức vụ Đảng, cuối cùng mới đến tên người. Điều này dần dần đã thành thói quen, gây sự thiếu thân thiện và tủi phận với những kẻ chỉ có cụt lủn mỗi cái tên cha sinh mẹ đẻ. Họ cảm thấy hẫng như mình thiếu hẳn một cái đuôi.

Cuộc họp nội bộ ngày xưa thì giản dị: “Mời anh Trí” hay “Mời chị Tuệ” lên phát biểu. Chỉ vỏn vẹn có 3 từ thôi, mà sao thân mật, ấm cúng và hiệu quả biết bao. Còn bây giờ thì phải khoảng trên dưới 30 từ. Cũng theo công thức trên, ta lại cùng nghép thử, ví dụ:

Xin kính mời + chức danh + học vị + toàn bộ danh hiệu đã được phong + toàn bộ giải thưởng đã được tặng + toàn bộ chức vụ quản lý, chức vụ Đảng đang có + Ông(Bà) + họ tên đầy đủ + lên phát biểu.

Mời bạn tham khảo thêm tên và tước hiệu của cụ Phan Thanh Giản (1796-1867) một đại thần triều Nguyễn phong kiến như sau: Hiệp biện Đại học sỹ, lãnh Lễ bộ thượng thư, kiêm quản Hộ bộ ấn triện, sung Kinh diên giảng quan, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm Quốc tử giám sự vụ, kiêm quản Văn thần phò mã đô uý, Phan Thanh Giản, tự Tĩnh Bá, hiệu Ước Phu. (50 từ)

Ôi, nếu cụ sống lại và đến dự một cuộc họp nội bộ của chúng ta ngày nay, và được ta giới thiệu cụ với đầy đủ chức danh như trên, thì chắc cụ rất hãnh diện. Vì lũ con cháu chúng ta sao mà giống thời các cụ thế! tiếp nối được truyền thống cha ông xưa. Và vẫn đang liên tục phát triển.

Đây là hiện tượng phổ biến trên toàn quốc khoảng hai chục năm nay chứ không chỉ riêng ở một đơn vị nào, và nó vẫn còn đang phát triển theo hướng rườm rà hơn nữa. Tôi sợ với đà này, một ngày nào đó, ngay trong gia đình, bố mẹ, con cái, vợ chồng … hoặc bạn bè gặp nhau ngoài phố, khi gọi nhau cũng phải kèm theo những danh hiệu rườm rà đã kể trên thì thực là rồ dại.

Vậy bạn đọc nghĩ sao về những hiện tượng này? Bản chất của những hiện tượng này là gì?

Một cuộc chạy đua chức danh trên toàn quốc “trồng lúa thu hoạch khoai”

Ta tự hào về chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa (mà hiện nay chỉ có người dân ở một số ít nước được hưởng là: Triều Tiên, Cu ba, Lào và Trung Quốc) mọi người đều bình đẳng. Nhưng thực chất thì người ta đang dựa theo chức quyền để phân chia đẳng cấp, quyền lợi, tất nhiên chức càng cao, bổng lộc càng lớn.

Lúc sống đã vậy, tận tới lúc chết chôn ở đâu cũng có tiêu chuẩn dựa theo chức tước. Vì thế cả xã hội đều trọng chức quyền. Mà muốn có chức quyền thì cần có bằng cấp, cộng thêm danh hiệu Đảng viên, là người ta có thể tiến thân, có thể trở thành lực lượng lãnh đạo với nhiều bổng lộc mà không cần phải có thực lực.

Đó là nguyên nhân sâu xa đã và đang dẫn đến việc nhiều kẻ cơ hội đổ xô đi săn bằng cấp bằng mọi giá. Đua bằng cấp, chức danh chứ không đua tài năng. Bởi đua tài năng, cuộc đua dưới ánh mặt trời, thì khó hơn nhiều, dễ lộ chân tướng và dễ bị thua. Bao nhiêu sức lực, thời gian và tiền bạc đáng ra để tập trung làm chuyên môn, làm nghề thì lại bị phung phí vào các cuộc đua tranh lấy bằng cấp. Nhìn vào con đường để trở thành thạc sỹ, tiến sỹ hiện nay ở nước ta đã bị biến chất. Nhiều người có lòng tự trọng không khỏi ngại ngùng và muốn lánh xa.

Bản thân bằng cấp và chức danh chân chính, lương thiện thì rất có ích cho xã hội. Trước kia, số giáo sư, tiến sĩ ở ta không nhiều, nhưng đó là những tên tuổi như: Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Mạnh Tường ... Còn ngày nay thì đúng là “Ta tự hào đi lên. Ôi Việt Nam” giáo sư nhiều đến mức có thể “ra ngõ gặp giáo sư”. Với thực trạng này thì nền học thuật của nước nhà có nguy cơ trở thành hữu danh, vô thực.

Trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, để chơi đàn, hát, làm được concert thì khó quá, muốn thế phải rèn luyện hàng ngày, phải hy sinh rất nhiều mà lại không oai bằng rẽ ngang đi làm tiến sỹ, đơn giản hơn, chóng được thăng chức với nhiều bổng lộc hơn.

Kết quả là: mục đích cuối cùng và duy nhất của âm nhạc là tiếng đàn, tiếng hát, những buổi concert và viết những tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp thì dần dần không còn ai làm, thay vào đó là rất nhiều tiến sỹ âm nhạc ra đời. Có được cái bằng tiến sỹ, phần lớn không ai chơi đàn và hát nữa. Tiền của nhân dân bỏ ra đào tạo họ để mang lại tiếng đàn tiếng hát cho đời đã trở thành vô ích vì sai mục đích. Trồng lúa thì lại thu hoạch khoai!

Hướng dẫn làm luận văn tiến sỹ chéo ngành chéo nghề

Ở hầu hết các trung tâm đào tạo đại học của Việt Nam trên toàn quốc hiện nay, để có được chức danh thạc sỹ, tiến sỹ, phải có người hướng dẫn viết luận văn, luận án. Đó là các giáo sư, phó giáo sư. Nhưng để đào tạo ra càng nhiều, càng nhanh và để “phổ cập” học vị thạc sỹ, tiến sỹ, người ta đã sử dụng các giáo sư hoặc phó giáo sư nghề này, hướng dẫn luận văn cho các thạc sỹ, tiến sỹ nghề khác.

Tuy cùng là một ngành, nhưng càng lên cao, càng phải chuyên sâu, và cùng một ngành nhưng rất nhiều nghề hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như trong ngành thể thao thì môn cờ tướng với bắn súng hoặc đấm bốc, không hề có liên quan đến nhau. Hoặc trong ngành điện ảnh thì nghề viết kịch bản và nghề tạo khói lửa, cũng không hề có liên quan. Nghề nào cũng vậy. Nên dù biện minh rằng, đó là “hướng dẫn phương pháp luận” thì cũng chỉ là ngụy biện, và không thể chấp nhận được.

Thử tưởng tượng trong cùng ngành y. Giáo sư chuyên nghề phụ khoa lại đi hướng dẫn luận văn cho tiến sỹ chuyên nghề nha khoa thì có được không? Bởi vì hai bộ phận này của cơ thể chúng ta là hoàn toàn khác nhau, có những chức năng hoàn toàn khác nhau. Vậy mà chéo ngành chéo nghề vẫn vô tư hướng dẫn đã trở thành bình thường từ lâu.

Vậy xin hỏi cấp trên có biết vấn đề này không? Với những sự hướng dẫn như vậy, những bản luận văn đó có giá trị gì không? Và trong việc này liệu có thể tránh được tiêu cực không? Có được cái bằng cấp ấy, có đáng tự hào để mời mọi người đi khao “rửa bằng” không? Có lẽ sự “rửa bằng” nghĩa đen lại chính xác hơn vì nó vốn không được sạch sẽ cho lắm.

Theo chúng tôi, cấp bộ hãy cho dừng ngay kiểu hướng dẫn trái ngành trái nghề như hiện nay ở hầu hết các cơ sở đào tạo trên cả nước. Và cho rà soát lại tất cả các luận văn thạc sỹ, tiến sỹ đã có. Nếu không phải do người hướng dẫn có cùng chuyên môn thì cho thu hồi lại, và các luận văn đó phải được làm lại, với sự hướng dẫn của các giáo sư cùng chuyên ngành và công khai việc này trong giới chuyên ngành.

Các danh hiệu, giải thưởng, câu chuyện cười ra nước mắt
Vườn hoa chỉ có 2 loại hoa

Định kỳ một hai năm gì đó, ta có những đợt phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ Nhân dân và trao tặng các giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Việc này không phải do người Việt Nam ta nghĩ ra, mà do chúng ta học tập từ Liên Xô cũ. Họ phong nghệ sỹ Công Huân, nghệ sỹ Nhân dân, giải Stalin, giải Lê Nin về văn học nghệ thuật (ví dụ Giao Hưởng số 11 của Shotstakovich được giải Xtalin năm 1953 v.v…).

Sau khi Liên Xô tan vỡ, họ đã bỏ thói quen đã có từ hàng chục năm này. Rất nhiều cách tổ chức dập theo kiểu Liên Xô cũ như: nền kinh tế có kế hoạch, hành chính bao cấp, phân phối theo tem phiếu v.v… ta đã bỏ. Nhưng không hiểu vì sao cái thói quen trao những danh hiệu và giải thưởng văn học nghệ thuật học từ họ thì ta lại vẫn duy trì, bởi nó là một phần đồng bộ trong tư duy cấu thành chế độ bao cấp, cơ chế xin cho?

Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh bằng máu và nước mắt một quy luật là: những chính sách dập khuôn theo ngoại bang sớm muộn rồi cũng gây những hậu quả xấu, thậm chí là những thảm hoạ dân tộc.

Về việc phong danh hiệu nghệ sỹ, hãy để chính những nghệ sỹ, bằng tài năng, họ làm nên tên tuổi riêng của mình (như Ashkenazy) thì nó mới có giá trị thực, bền lâu và duy nhất. Không ai có thể ghen tỵ với ai được, vì không ai giống ai. Hàng ngàn nghệ sỹ tài năng, thì sẽ có hàng ngàn cái tên khác nhau, có giá trị khác nhau, giống như vườn hoa với muôn hoa, muôn màu khoe sắc, chứ không phải chỉ có 2 loại hoa ưu tú và nhân dân.

Mà muốn được hưởng các danh hiệu này, phải làm đơn xin, cùng sự “vận động” để được phong (ban) tặng từ trên xuống. Trong hoàn cảnh đất nước ta tệ nạn xã hội tràn lan. Khó có thể tránh khỏi nhiều sự tiêu cực trong sự ban tặng danh hiệu, nếu vẫn giữ kiểu cơ chế ban phát như cũ.

Về việc trao giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, đây cũng là một kiểu cơ chế xin cho với những thành phần Ban giám khảo hoàn toàn được chỉ định từ trên, với những tiêu chí chấm giải tuỳ hứng. Người xin trao giải cũng phải làm đơn và “vận động”.

Riêng trong ngành nhạc đã xảy ra những câu chuyện cười ra nước mắt xung quanh việc trao giải thưởng này. Điển hình là trong đợt đua tranh phong tặng năm 2006 (đây nên là đợt phong tặng cuối cùng) cả nước đều biết tới những chuyện “đồng nghiệp tương tàn” mà báo chí gọi là “cơn địa chấn trong làng nhạc”. Nếu ta lại cứ tiếp tục trao giải thì không ai có thể khẳng định rằng những cơn “địa chấn” sẽ không trở thành “động đất”!

Nói tóm lại: Nhà nước ta nên bỏ lối tư duy kiểu dập theo Liên Xô cũ này!

Kết

Hãy để cho mọi người đánh giá tài năng và giá trị con người qua công việc. Dù anh có độn vào trước cái tên của anh hàng trăm danh vị đi nữa mà sản phẩm anh làm ra cho xã hội không có, hoặc tồi, hoặc có hại, thì khác nào gỗ mục được sơn son thếp vàng?

Một xã hội lành mạnh và có tương lai, là một xã hội biết tôn trọng những tài năng và những giá trị thực, bất kể họ có hay không có bằng cấp danh vị cao, tiền của nhiều, chức tước lớn.

Đối với người làm nghề nhạc chuyên nghiệp, thì đó là tiếng đàn, tiếng hát của người biểu diễn và tác phẩm của người sáng tác. Anh hãy tự hào về điều đó, và hãy gắn nó với cái tên cha sinh mẹ đẻ, chứ không phải là những thứ bằng cấp, danh hiệu (mà ở nước ta hiện nay của rởm nhiều hơn thật) và chức vụ quản lý anh đang có, đó chỉ là những thứ son phấn nhất thời.

Bảng giá trị tưởng như là chân lý đơn giản và hiển nhiên này lại đang bị lật ngược. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh thành tích, cơ hội, trọng bằng cấp, trọng chức quyền. Nó đang làm tê liệt trí tuệ Việt Nam. Phải chăng nó là một trong ba loại giặc đang đe doạ sự tồn vong của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã nói, đó là: diặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm? Với tiềm năng trí tuệ thế này, rồi dân tộc Việt Nam ta sẽ đi đến đâu? “Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu”

Là một người hoạt động trong nghề nhạc, tôi thấy cần phải viết bài này chỉ vì trách nhiệm công dân, với mong muốn nền học thuật nước nhà - nhất là âm nhạc - ngày càng trở nên lành mạnh và thực chất hơn. Tôi không nhằm vào bất cứ ai và cũng mong đừng ai giật mình bởi tôi luôn luôn kính trọng sâu sắc những giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ chân chính. Tuy không nhiều, nhưng họ có lương tri và trình độ chuyên môn thực sự. Tôi chắc rằng những người này sẽ ủng hộ những ý kiến trên của tôi.

Vì chúng ta đã nói dối quá nhiều và quá lâu rồi, nên những lời nói tử tế bây giờ lại trở nên hài hước. Tuy vậy - dù chỉ nhỏ bé như con Dã Tràng - tôi vẫn muốn nói rằng: Đừng sợ thay đổi vì chỉ nghĩ tới quyền lợi của bản thân, hãy nghĩ tới một tương lai tốt hơn cho tất cả. Đừng sợ ánh sáng, sợ thuốc đắng và sự thật.

Để kết bài viết này tôi xin mượn một câu Kiều của: [Giáo sư, tiến sỹ] Nguyễn Du (xin tạ tội với bậc tiền nhân vì sự xúc phạm này):

“Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”

Chữ “Con đen” ở đây được hiểu là những người dân bình thường

Đặng Hữu Phúc

No comments:

Post a Comment