Sunday, August 23, 2009

ĐÂU CHỈ CÓ MỘT NGƯỜI HÈN - Hoàng Long Hải

Hoàng Long Hải

(Nhân Đọc “Hồi ký của một thằng hèn” của Tô Hải). Người ta thường phân chia một cách sơ lược âm nhạc cải cách (nhạc mới, ký âm theo phương cách của người Tây Phương) thành các thời kỳ như sau: Nhạc Tiền Chiến, nhạc Kháng Chiến và sau đó là nhạc Đỏ …

Nhạc Đỏ là âm nhạc của những người ban đầu đi kháng chiến rồi theo Cộng Sản, viết những bài ca ngợi đảng, ca ngợi Hồ Chí Minh và ca ngợi những công việc, thành công (có thật hoặc tuyên truyền) của Việt Cộng.

Khi theo kháng chiến, có những người đã là nhạc sĩ tiền chiến (trước 1945). Lúc ban đầu, họ không phải Cộng Sản, nhưng rồi theo mãi, không về vùng quốc gia, thành ra “Đi với ma mặc áo giấy”, viết những bài ca theo chỉ thị, theo đơn đặt hàng, theo đúng đường lối chủ trương của Việt Cộng. Đó là trường hợp các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Tô Vũ (tức Hoàng Phú), Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Trần Hoàn (Nguyễn Tăng Hích), Nguyễn Văn Tý, Tô Hải (Tô Đình Hải)…
Trong số nhạc sĩ nầy không có Văn Cao vì Văn Cao theo Cộng Sản từ trước “Cách Mạng Tháng Tám”. Trái lại, Tô Hải, Trần Hoàn chỉ mới sáng tác nhạc sau khi theo kháng chiến. Phạm Duy cũng ở trong trường hợp nầy. Trước 1945, ông là ca sĩ, hát đệm trong phần chuyển mục cho gánh hát Đức Huy, sau đó là Charlo Miều. Ông chỉ bắt đầu sáng tác nhiều sau khi theo Kháng Chiến, trước đó, ông chỉ có bài “Cô Hái Mơ”, phổ thơ Nguyễn Bính.

Sau khi Mao Trạch Đông chiếm lục địa và nhứt là sau khi Việt Cộng thi hành chính sách văn hóa theo “Đề Cương Văn Hóa Việt Nam và Chủ Nghĩa Mác” của Trường Chinh, số đông nhạc sĩ theo kháng chiến bỏ về thành (vùng Quốc gia). Các nhạc sĩ nầy một phần vì chán kháng chiến, môt phần vì ảnh hưởng nhạc tiền chiến, trở lại tiếp tục viết những bản nhạc tình, lãng mạn. Số nầy rất đông gồm các ông nhạc sĩ “họ Hoàng” như Hoàng Giác, Hoàng Trọng (Hoàng Quý qua đời năm 1946), Dương Thiệu Tước, Canh Thân, Văn Phụng, Lê Thương, Phạm Duy …

Các bản nhạc được sáng tác vào đầu thời kỳ Kháng Chiến còn mang tính chất lãng mạn tiểu tư sản của “Người Hà Nội đi kháng chiến”. Đó là các bài “Nhớ Chiến Khu”, “Đoàn Lữ Nhạc” của Đỗ Nhuận, “Ra đi khi trời vừa sáng”, “Ngựa phi đường xa” của Phạm Đình Chương, “Sơn Nữ Ca” của Trần Hoàn hoặc “Nụ Cười Sơn Cước” của Tô Hải.

Theo hồi ký Tô Hải như dẫn ở đầu bài, những bài hát thuộc loại trên, như “Nụ Cười Sơn Cước” của ông ta thì còn chút giá trị, còn những thứ viết ra sau đó, theo lệnh của đảng thì chỉ là “Vất đi, vất đi và vất đi…” Chúng nó chẳng có một giá trị gì hết.

Quan điểm căn bản của văn học, nghệ thuật là nhân bản. Nhân bản, Đào Duy Anh giải thích trong “”Hán Việt Từ Điển “Nhân bản thuyết là cái thuyết lấy người làm gốc trong vũ trụ, cũng gọi là nhân loại trung tâm thuyết”. Nói nhân bản, người ta phải nói tới tình thương, nhân ái, từ bi hay gọi chung là tình người. Tình người bao gồm trong tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người và quê hương, đất nước, vũ trụ. Khi cái tình yêu đó lai láng, tràn đầy thì gọi là lãng mạn. Lãng là sóng, ngọn sóng tình thương. Mạn là cái bờ. Ngọn sóng tình yêu thương tràn ra khỏi bờ, v.v…

Theo cách nhìn như thế thì trong thơ cổ Việt Nam, trong ca dao và cổ tích không thiếu tình cảm lãng mạn. Đầu thế kỷ 20, một mặt chịu ảnh hưởng văn học Pháp về cả hai phương diện văn chương và triết học (chủ nghĩa cá nhân), mặt khác vì phương tiện truyền thông phá triển hơn nên văn chương, âm nhạc Việt Nam phát triển mạnh về tính cách lãng mạn, nhiều tác giả và nhạc sĩ sáng tác được nhiều tác phẩm hay, sẽ được tồn tại lâu dài trong lịch sử văn học nước ta.
Ở đây, chúng tôi không bàn về nhạc tiền chiến. Tuy nhiên, nhân dịp hồi ký của ông Tô Hải xuất bản, xin có một cái nhìn tổng quá về âm nhạc thời kỳ ấy.

Thời kỳ ấy là thời kỳ đầu kháng chiến.

Trên bình diện xã hội, cuộc Cách Mạng Tháng Tám cũng như cuộc kháng chiến chống Pháp thời kỳ đầu, vai trò “giai cấp” tiểu tư sản thành thị, “giai cấp” trung nông ở nông thôn là rất quan trọng.

Trong tình trạng lạc hậu và chậm phát triển, “giai cấp” nông dân, hầu hết bần nông, cố nông, không được học hành, không có trình độ hiểu biết, không có khả năng nên việc lãnh đạo, tuyên truyền, phát triển ý thức cách mạng, chống thực dân Pháp là do “giai cấp” tiểu tư sản thành thị và trung nông nắm giữ.

Trong chiến tranh chống Pháp, chống giữ quân Pháp ở Hải Phòng, Hà Nội và các thành phố lớn ở Bắc Việt chính là do giai cấp nầy chỉ huy và lãnh đạo. Khi công cuộc kháng chiến bắt đầu, chính giai cấp nầy đã ra vùng rừng núi, lập chiến khu và chiến đấu chống lại sự xâm lược của Pháp.
Rõ nhất là trong số các nhạc sĩ theo kháng chiến, như Văn Cao, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Nguyễn Xuân Khoát cũng như những người mới tập tễnh soạn nhạc như Tô Hải, Trần Hoàn … đều thuộc thành phần tiểu tư sản thành thị cả.

Họ là những người chịu hy sinh rất nhiều. Họ thuộc những gia đình giàu có, khá giả, tiểu tư sản hoặc trí thức … từ bỏ cuộc sống giàu có, sung sướng, đầy đủ, ăn ngon mặc đẹp ở Hà Nội để theo kháng chiến chứ không phải là những người “nghèo rớt mồng tơi” theo “cách mạng” để kiếm ăn. Họ chỉ có mất mà không nhận lại. Tuy nhiên, cá tính tiểu tư sản trong con người họ, dù có “giác ngộ” chủ nghĩa Mác hay không cũng không thể bỏ đi được. Do đó, sau khi theo kháng chiến một thời gian, tác phẩm của họ bị Việt Cộng phê phán lên án.

Bài “Nhớ Chiến Khu” của Đỗ Nhuận từng bị phê bình. Lời bài hát như sau:

“Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều
Bên đèo lắng suối reo ngàn thông reo. Đêm hôm nay vai vác súng trông mây bay gió buồn đứng. Nhớ núi rừng.
Ôi chiến khu đoàn chiến binh với chiến khu. Thân ta dù trong mưa nắng với sương mù. Ơi chiến sĩ chàng đau thương có cứu thương. Vết thương chàng có đau đớn em băng giùm
Chiều nay xa chiến khu trong lòng buồn…”

Đi theo Cộng Sản, bài hát mô tả như một chuyến du ngoạn hơn là tham gia một cuộc chiến đấu. Người chiến sĩ thơ thẩn bên đèo, nghe tiếng ngàn thông reo, nghe gió thổi, xa chiến khu nên lòng buồn, rồi mơ mộng nếu có bị thương thì có người đẹp băng giùm …

Về mặt nhân bản, đối với chê độ miền nam Việt Nam trước 1975, tư tưởng ấy, tình cảm ấy là rất bình thường.

Bài “Sơn Nữ Ca” của Trần Hoàn cũng là một tác phẩm còn nặng tính tiểu tư sản hơn cả bài “Nhớ Chiến Khu” của Đỗ Nhuận:

Một đêm trong rừng vắng. Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh. Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng. Một đêm trong rừng vắng, có cô sơn nữ miệng cười khúc khích ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng. Một đêm trong rừng núi, có anh lữ khách nhìn trời xa xa biết đâu sơn nữ nhìn mình đăm đăm. Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây. Sơn nữ ơi! Đừng làm thắc mắc cho lòng khô cạn từ nay nước mắt đầy vơi. Sơn nữ ơi! Thời gian lôi cuốn bao lần bên rừng đầy hương bát ngát trời thu.

Sơn nữ ơi! Đành lòng sống với bên rừng thơ mộng cùng hoa với lá ngàn hương. Hãy nhìn trăng lên, rồi lu mờ dần.

Hãy nhìn mây bay, thiết tha về ngàn chờ đợi tay người sơn nữ. Khi nhìn chim bay, bay đi tìm đàn. Khi nhìn gió cuốn lá thu rời cành cuộn bay lên người sơn nữ. Sơn nữ ơi! Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ. Sơn nữ ơi! Hoàng hôn xuống dần ... đợi chờ ai đây???

Rõ ràng là chàng và nàng rất lãng mạn: Một đêm trong rừng vắng, cô sơn nữ đẹp nhìn trăng, rồi ngắm anh lữ khác mà lòng bâng khuâng. Cũng đêm trăng đó anh lữ khách vô tình không biết có người đẹp nhìn mình, rồi nghĩ mnìh như cánh chim chiều phiêu bạt theo thời gian vun vút trôi qua. Hai người cùng nắm tay cùng thương cùng nhớ và thấy lòng đớn đau, v.v… Không thấy nhạc sĩ nói gì tới chiến đấu, hy sinh … như “yêu cầu của đảng”. Rõ ràng là một bài hát đầy mơ mộng.

Bài “Nụ Cười Sơn Cước” của Tô Hải thực tế hơn. Ông kể “Trường hợp gặp cô Phẩm, một thiếu nữ xinh đẹp như tranh ở giữa rừng sâu, xung quanh là suối reo, chim hót. Hoàn cảnh và thời điểm dễ đưa đẩy hai người đến chỗ “tranh thủ yêu nhau” lắm chứ? Nhưng không! Ngoài những cái cầm tay lắc lắc, một nụ hôn cũng không. Tôi không dám làm xáo động tâm hồn và thể xác của bông hoa rừng này. Tất cả, tôi cho nó bung ra trong bài hát “Nụ Cười Sơn Cước”.

Tuy nói rằng không muốn “làm xáo động tâm hồn” nhưng quả thật ông đã làm cho tâm hồn họ rất nhiều xáo động vậy!

Xã hội Việt Nam từ ngàn năm có cuộc sống êm đềm lặng lẽ. Những người con gái ở miền quê, ở vùng rừng núi sống đời cô quạnh, an phận. Họ không mơ ước gì xa xôi ngoài việc lớn lên, làm lụng, chăm lo việc nhà rồi lấy chồng, lại tiếp tục cuộc sông an phận của người vợ, người mẹ.

Bỗng, kể từ đầu thế kỷ 20, cuộc sống họ xáo động lên. “Sợ sống” của Lê Văn Trương mô tả một người con gái quê được một chàng trai thành phố yêu thương. Thế rồi chàng đi mất, tưởng như quên lời thề cũ. Người con gái tưởng mình được yêu thật, được làm vợ, được lên thành phố, xa rời cuộc sống quê mùa, được sống đời văn minh hơn, nhưng đành tuyệt vọng. Thế rồi chàng trai cũ ấy trở về, nhưng mọi sự đều thay đổi, cô gái quê tuyệt vọng và qua đời vì một sự kích xúc tinh thần quá mạnh khi gặp lại người yêu cũ. Người đọc cũng có thể gặp lại những trường hợp như thế trong “Nhà Quê” của Ngọc Giao hay “Đồng Quê” của Phi Vân. Ngay chính trong xã hội Tây phương, chúng ta cũng có thể thấy tình cảnh ấy trong phim “La fille de Ryan.”

Vậy cô Phẩm của Tô Hải, một cô gái miền núi, một miền núi nước rất độc tên là Thung Gio, có dãy núi Kim Bôi mà ca dao có câu: “Thương nhau cho thịt cho xôi, Ghét nhau đưa tới Kim Bôi Hạ Bì” tâm hồn không bị khuấy động khi gặp chàng trai Hà Nội, chàng trai kinh kỳ (thứ nhứt kinh kỳ thứ nhì phố Hiến) hay sao? Tình yêu đó, dù rất trong sáng và ngây thơ với một cô sơn nữ, cũng độc ác không kém gì một liều thuốc độc. Phải chi đừng có chiến tranh, phải chi Tô Hải không đi kháng chiến để đừng tới Hạ Bì Kim Bôi thì cô Phẩm sẽ an phận một cô gái miền sơn cước, đâu có yêu thương và nhớ nhung gì chàng trai Hà Nội để mang sầu, mang khổ. Tình yêu như thế là độc ác. Tô Hải yêu cô Phẩm miền sơn cước, yêu chân thành và tha thiết, cứ cho là như vậy, và ông đã “cho nó bung ra trong “Nụ Cười Sơn Cước” Như thế, ông nghĩ rằng đã trả hết nợ, hết tội cho cô Phẩm hay sao?! Tôi không rõ về sau, số phận cô Phẩm như thế nào, có bị kích xúc để đến nỗi lìa đời như cô gái trong Sợ Sống của Lê Văn Trương hay không? Dù thế nào, đưa một người ra khỏi nơi rừng rú, dù đưa bằng tâm hồn, đem lại ho họ những ước vọng rồi trả họ lại trở về rừng rú, tiếp tục cuộc sống âm thầm, an phận nơi quê mùa nghèo đói là điều không phải là không có tội với lương tâm mình.

Mặc dù vậy, cái còn lại của Tô Hải chính là bài hát ông viết ra trong một tình cảm rất thật, một tình yêu rất thật. Ngoài bài hát “Nụ Cười Sơn Cước”, những cái gọi là tác phẩm về sau nầy của ông, theo chính ông nói là: “Vất đi, vất đi và vất đi”.

“Tôi nhớ mãi một chiều xuân chia phôi, mây mờ buông xuống núi đồi và trong lòng mưa hơn cả ngoài trời. Cỏ cây hoa lá, thương nhớ mãi người đi và dâng sầu lên mi mắt người về. Thơ thẩn đàn chim ngừng tiếng hót, và mưa Xuân đang tưới luống u sầu, buồn cho dòng nước mờ xoá bóng chim uyên và gió chiều còn khóc thương mãi mối tình còn vấn vương. Ai về sau dãy núi Kim-Bôi, nhắn giùm tim tôi chưa phai mờ, hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng, một chiếc vòng sáng lóng lánh, với nụ cười nàng quá xinh. Nàng ơi, tôi đã rút tơ lòng, dệt mấy cung yêu thương gởi lòng trong trắng, của mấy bông hoa rừng đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi.”

Dĩ nhiên, bài hát nầy của Tô Hải bị Cộng Sản phê phán cũng không có gì lạ: Một chuyện tình mơ mộng giữa một thanh niên Hà Nội với một cô sơn nữ, một chuyện tình buồn mà “trong lòng mưa hơn cả ngoài trời. Cỏ cây hoa lá nhớ người đi, sầu lên mi mắt người về, gió chiều khóc thương và giòng nước mờ xóa bóng chim yên (lại có chim yên ương ở đây nữa sao?!) cùng với một mối tình lãng mạn, không bao giờ lạt phai, gởi về sau dãy núi Kim Bôi ….

Tuy nhiên, cái Cộng Sản biểu ông làm ra, thì nay “vất đi, vất đi và vất đi…” Cái còn lại là mối tình của ông với cô gái miền núi sau dãy Kim Bôi, chính là cái còn lại duy nhất, trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của ông. Nói tới Tô Hải là nói tới “Nu Cười Sơn Cước”. Nói tới “Nụ Cười Sơn Cước” là nói Tô Hải.

Ông là người có tâm hồn nghệ sĩ, ông cũng là một nghệ sĩ chân chính khi ông viết bài “Nụ Cười Sơn Cước”, còn lại, dù ông hay bất cứ ai, dù có tài cao hay thấp, tất cả đều tàn lụi trong những năm tháng còn lại sống dưới chế độ Cộng Sản. Văn Cao, người cùng đi kháng chiến với Phạm Duy, hai người cùng tranh soạn mỗi người một bài ca trên con đường đi công tác ở Lạng Sơn. Phạm Duy thì soạn “Rừng Lạng Sơn”, Văn Cao thì soạn “Bắc Sơn”. Thế rồi cuộc đời Văn Cao tàn lụi trong chế độ. Phạm Duy may mắn thoát được nên thiên tài của ông được thăng hoa.

Trong chế độ Cộng Sản, ai muốn sống còn đều phải chịu cúi đầu khuất phục, không những khuất phục chế độ mà còn phải khuất phục cúi đầu trước lãnh đạo, ngọt ngào gọi bằng “Anh” và hèn hạ xưng bằng “em” như Tô Hải ghi lại nhan nhản trong hồi ký của ông. Ông đã làm như thế và ông tự thấy mình là một thằng hèn.

Tuy nhiên, trong chế độ đó, đâu chỉ có một mình Tô Hải hèn. Còn có bao nhiêu “thằng hèn” khác nữa mà họ tự che dấu mặt mình, nói ra sợ xấu hổ, không đủ can đảm để tự thấy cái hèn của mình, nói ra cái hèn của mình. Cái hèn ấy không phải chỉ của một người (tôi) mà nhiều người (chúng tôi, chúng ta). Ở Saigon, sau 1975, Nguyễn Tuân nói mọt câu mà người Saigon truyền miệng nhau không ít: “Sở dĩ chúng ta sống được tới bây giơ là vì chúng ta biết hèn”.

Biết hèn để mà sống. Biến mọi người chân chính, trung thực, cao thượng thành những thằng hèn là chính sách của đảng và nhà nước Cộng Sản. Tô Hải không thể quay ngược guồng máy kềm kẹp của đảng, sẽ bị nó nghiền nát tức thì.

Hèn, biết mình hèn, dám nói lên rằng mình hèn. Đó là con người biết tự trọng. Tôi kính trọng sự tự trọng đó.

Hủy diệt tài năng của đất nước và dân tộc, biến họ thành những con người hèn chính là cái tội lớn của Việt Cộng.

Hoàng Long Hải


No comments:

Post a Comment