Wednesday, August 12, 2009

HỌ LÀ AI (?) - Sơn Tùng

Sơn Tùng

Họ là những người đã ra khỏi Việt Nam, bằng cách này hay bằng cách khác, trước hay sau ngày 30.04.1975. Họ đang sống ở hải ngoại, hầu hết với danh nghĩa tỵ nạn cộng sản. Hầu hết, nếu không tất cả, là những người đã có đời sống tự do trên mảnh đất miền Nam trước khi Miền Bắc thắng cuộc phân tranh quốc cộng khiến họ phải bỏ lại tất cả để ra đi.

Tại sao phải ra đi ? Câu trả lời rất đơn giản. Họ đã tự trả lời khi bước chân xuống tàu ra khơi, chấp nhận mọi gian nguy, và sau khi sống sót đặt chân lên bờ đất tự do, nơi các trại tị nạn: họ không thể sống dưới chế độ cộng sản.

Với lý do ấy, họ được một quốc gia trong thế giới không cộng sản, hay “Thế giới Tự do”, nhận cho tái định cư, làm lại cuộc đời. Họ trở thành một phần tử trong cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại, dù họ đã nhập quốc tịch Mỹ, Pháp, Canada, hay một nước nào khác, trừ khi họ tự hội nhập hoàn toàn vào quê hương mới và cắt đứt mọi liên hệ với quê hương cũ.

Thế rồi bỗng dưng, vào một lúc nào đó, kẻ trước người sau, họ lên tiếng chỉ trích, khích bác cộng đồng, tách ra khỏi cộng đồng, đả kích những người còn giữ lập trường chống cộng, họ kết thân với những người đang phục vụ chế độ cộng sản ở trong nước.

Hiển nhiên, đây là một hành động nghịch lý mà những bộ óc lành mạnh không thể hiểu. Nhưng, dù sao họ cũng đang sống trong một xã hội tự do, họ có quyền chọn lựa, dù sự chọn lựa có nghịch lý đến đâu. Và sẽ không ai nói đến họ, vì họ chỉ là một số rất nhỏ bé trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nếu họ không tự nhận là những người sáng suốt, thức thời, tiến bộ, thậm chí còn nhân danh “đa số thầm lặng”, nhân danh chân lý để làm một đầu cầu cho cán bộ cộng sản xâm nhập, phá hoại cộng đồng.

Vì vậy, họ đã gặp phản ứng chính đáng từ những người không thay đổi lập trường chống cộng trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Và họ đã lên tiếng kêu ca bị “mất tự do”! Nhưng, kêu ca với ai? Kêu ca với cán bộ cộng sản từ trong nước ra!

Có lẽ đây là chuyện khôi hài làm cho người nghiêm nghị nhất cũng khó nín cười, hay người trầm lặng nhất cũng không thể không lên tiếng.

Vì vậy, vừa mới đây, ông Công Tử Hà Đông (bút hiệu viết phiếm của Nhà văn Hoàng Hải Thủy), đã phải lên tiếng để nói về những người này.

Những người này đã thường “giao lưu một chiều” với cán bộ cộng sản ở trong nước nhưng không ai quan tâm vì đó là chuyện riêng của họ, nếu những lời nói quái gở của họ không được cán bộ cộng sản dùng để xuyên tạc sinh hoạt trong các cộng đồng người Việt hải ngoại – như bài viết của ông Tô Nhuận Vỹ phổ biến trên Net sau một chuyến Mỹ du được Công Tử Hà Đông trích đoạn như sau:

“Với nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại thì cái mũ ‘cộng sản’ của cộng đồng luôn luôn chực chờ để chụp xuống đầu họ. Báo chí không ít lần đã phải kêu lên về cái thực trạng ‘mũ cối ở đây nhiều hơn ở cả Hà Nội’. Cho nên, các nhà văn luôn phải ‘biểu diễn lập trường’ (chữ của Nguyễn Mộng Giác). Trong nhiều dịp chuyện trò tâm sự, không ít anh em đồng nghiệp ở Mỹ trong khi cho rằng trong nước hoàn toàn chưa có tự do sáng tác với khá nhiều ví dụ thì đồng thời cũng khẳng định lúc này, tại đây, (Hoa Kỳ), cũng chưa có tự do sáng tác như mình ao ước, nên có lúc phải sống hai mặt. Hoàng Khởi Phong viết: Ở ngoại quốc này chúng ta làm chính trị dễ, yêu nước cũng dễ, làm văn chương cũng dễ, lấy nhau cũng dễ, bỏ nhau cũng dễ, làm thương mại cũng dễ, khai phá sản cũng dễ. Nói tóm lại, ở đây cái gì cũng dễ, chỉ trừ có một tấm lòng chân thật là hơi khó chút xíu.”

Và dưới đây là đoạn ông Tô Nhuận Vỹ thuật lại những cuộc tiếp xúc với các ông Nguyễn Bá Chung, Trương Vũ, Nguyễn Gia Kiểng, Lê Xuân Khoa:

Về Nguyễn Bá Chung: - “Chỉ vì mời hai học giả từ Hà Nội là Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi qua tham gia nghiên cứu về văn học và văn hóa cộng đồng người Việt sau chiến tranh và do khởi phát từ một chi tiết trong phần đặt vấn đề của chương trình nghiên cứu của Nguyễn Bá Chung, trong đó có kể chuyện một cháu nhỏ khoe với ông nội lá cờ Việt Nam cháu tìm thấy trong sách nhà trường – cờ đỏ sao vàng thay vì cờ vàng ba sọc đỏ, chỉ bắt đầu từ như thế (một đoạn văn không do Nguyễn Bá Chung viết), mà một cuộc chống lại ồ ạt, ghê gớm bằng từ hàng trăm bài viết không thiếu lời lẽ nhục mạ, đe dọa, các cuộc mít tinh hội họp phản đối, các kiến nghị gay gắt, kiện cả ra tòa án mà khi tòa án bác bỏ thì vu luôn cho thẩm phán, luật sư thiên vị..., mà đánh tới tấp suốt hơn năm năm trời, với phạm vi trên toàn cõi có người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài rằng Trung tâm William Joiner, Kevin Bowen là tiếp tay cho cộng sản, rằng Nguyễn Bá Chung là cộng sản nằm vùng và phải trừng trị anh này. Ở một đất nước tự do mà hành sử như vậy thì hãi quá.”

Về Trương Vũ: - “Nhưng, trong không khí chống cộng cực đoan như thế, không phải không có những người dù không tán thành thể chế trong nước vẫn có cái nhìn trầm tĩnh như Trương Vũ, anh nói: ‘Vào lúc này mà nói chuyện chống cộng với ngôn ngữ, phương thức của ba mươi năm cũ chẳng khác gì chống những hồn ma trong một không gian hồi tưởng. Chẳng khác gì đi đi lại lại trên một lối mòn của tâm thức. Chống những hồn ma không được thì chống nhau. Ai không giống mình thì người đó là cộng sản, phản bội.’”

Về Nguyễn Gia Kiểng: - “Nguyễn Gia Kiểng cho rằng loại thái độ đó chỉ là để biểu lộ và trút bớt sự căm thù đang sôi sục trong lòng chứ không phải để giành thắng lợi. Cuộc đấu tranh vì vậy không khác gì một cuộc lên đồng, những người được ủng hộ nhất là những người tỏ ra táo bạo nhất, lên đồng hay nhất, gây được ấn tượng mạnh nhất.”

Về Lê Xuân Khoa: - “Ông cũng cho biết mình sắp có chuyến về Việt Nam trong những ngày tới. Ông nói: ‘Số cực đoan trong cộng đồng lẫn số bảo thủ quyết liệt trong nước chỉ là số ít mà thôi. Đa số, cho dù tạm thời thầm lặng, vẫn là những con người mong muốn thực sự hòa hợp, hòa giải để xây dựng đất nước dân chủ và giàu mạnh, dù đề xuất giải pháp còn khác nhau.’”

Công Tử Hà Đông đã trả lời những người này với một bài khá dài, và ông nói rằng những người này chưa được làm cộng sản, mà chỉ là một thứ tay sai của cộng sản.

Lê-nin, người thầy vĩ đại của dư đảng Cộng sản tại Việt Nam, có một định nghĩa thực tế về những người này: “Những tên ngốc hữu dụng.”

Ký giả Tú Rua Lê Triết gọi loại người này là những người “hơi hơi chống cộng” để so sánh với chuyện không hề có trong thế gian: “đàn bà hơi hơi mang bầu”.

Vậy thì thực sự, họ là ai?

Có lẽ nhiều người coi họ, và họ cũng tự cho, là những người trí thức, vì họ có bằng cấp đại học, có viết sách, viết báo, để không những nói lên quan điểm của mình, tự đề cao mình, mà còn lên giọng miệt thị người khác.

Nhưng, dường như từ lâu đã có sự lạm dụng danh nghĩa “trí thức” trong xã hội Việt Nam. Có bằng cấp cao chưa đủ để là người trí thức. Có sự hiểu biết chuyên môn về một ngành nghề nào đó không phải là trí thức. Có một số sinh hoạt liên quan đến trí óc cũng chưa phải là trí thức. Trí thức là người, ngoài sự Minh triết, cần có thêm Tâm, Trí, và Dũng.

Khi các chế độ cộng sản tại Liên bang Sô-viết và các nước Đông Âu đứng trước sự chống đối ngày một gia tăng từ bên trong, cũng đã có một số người tự nhận là tiến bộ, là thức thời, là ôn hòa, là thay mặt cho đa số thầm lặng, cho rằng các chế độ độc tài tàn bạo ấy có thể sửa đổi để mang một bộ mặt nhân bản và tồn tại, mà không cần xóa bỏ và cũng không thể xóa bỏ. Nhà văn Alexandr Solzhenitsyn đã dõng dạc nói: “Chủ nghĩa cộng sản không thể cải thiện, chỉ có chết.”

Những gì xảy ra sau đó tại Đông Âu và Liên Sô đã chứng minh nhận định của Solzhenitsyn. Nhà văn Nga ấy là một trí thức chính danh.

Dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam ngày nay cũng đang có những trí thức chính danh như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Đan Quế, Đỗ Nam Hải, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, và nhiều người khác nữa.

Những người trí thức ấy có Tâm, có Trí, có Dũng và sẽ đẩy bánh xe lịch sử tiến tới, tới nơi mà các dân tộc Đông Âu đã tới từ hai mươi năm trước.

Những người cộng sản đang nắm quyền tại Việt Nam ngày nay cũng không khác những người cộng sản đã nắm quyền ba, bốn mươi năm trước, là những kẻ phản động trước trào lưu dân chủ trên thế giới. Những kẻ ấy, dù ngoan cố tới đâu, cũng không thể cứu được cái chế độ cổ quái đã đi đến chỗ tận cùng của mục nát.

Một nhóm nhỏ người Việt ở hải ngoại giao du với một người tên Tô Nhuận Vỹ nào đó để được nói đến tên và được khen là thức thời, là tiến bộ, là ôn hòa ... là loại người mà thời nhiễu nhương nào cũng có.

Đó chỉ là vài con rối lăng xăng trên cái sân khấu không có vai trò nào dành cho họ.
    Họ không là gì cả.
Sơn Tùng


No comments:

Post a Comment