Thursday, June 4, 2009

"Lạy ông" - Đỗ Thái Nhiên

Đỗ Thái Nhiên

“Lạy ông” là hai chữ đầu của câu nói: “Lạy ông tôi ở bụi này”.

Trước tòa án, bị can rất thường chối tội. Tuy nhiên, tòa án không xét xử một hồ sơ tội phạm đơn thuần theo lời khai của bị can. Chính những chất vấn từ phía thẩm phán công tố đối với bị can mới dồn bị can rơi vào hoàn cảnh mất khả năng che giấu sự thật trong một vụ án.

Ngày 08 tháng 05 năm 2009, tai thành phố Geneva, Thuỵ Sĩ, Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp đã nhóm họp với mục đích kiểm điểm vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Phiên họp này được sự tham dự của trên 70 quốc gia thành viên. Trong đó có đại diện của 60 quốc gia đã được phép phát biểu ý kiến. Cuộc kiểm điểm kéo dài 04 tiếng đồng hồ, kể cả 45 phút phụ trội. Ông Phạm Bình Minh, thứ trưởng ngoại giao của CSVN, trưởng phái đoàn Việt Nam, quốc gia đối tượng của kiểm điểm. Đây là một hồ sơ nhân quyền. Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc là biểu tượng của một tòa án. CSVN là “Nghi can” của tội phạm chà đạp nhân quyền. Các quốc gia “chất vấn CSVN” là biểu tượng của quyền công tố. Sau đây là lời khai của CSVN trước tòa án Nhân Quyền:

“Trình độ nhận thức của bộ phận nhà nước, kể cả trung ương và địa phương về quyền con người còn nhiều hạn chế: không chỉ không nắm được các quy định của luật pháp quốc tế, nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người, mà đôi khi còn nắm không chắc các quy định của luật pháp và chủ trương chính sách của nhà nước, do vậy có nơi, có lúc còn để xảy ra các vụ việc vi phạm, làm hạn chế và ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền của người dân”.

Nói ngắn và gọn: CSVN nhìn nhận có vi phạm nhân quyền. Đồng thời đưa ra hai lý do để tự biện hộ:

Một là: giới chức lãnh đạo địa phương cũng như trung ương không hiểu biết đầy đủ luật quốc tế về nhân quyên.

Hai là: nhiều địa phương không nắm vững luật pháp và chính sách của trung ương.

Hai lý do nêu trên nên gom lại thành một lý do duy nhất. Đó là sự ngu dốt luật pháp của nhà cầm quyền CSVN trung ương cũng như địa phương, luật quốc nội cũng như luật quốc tế. Sau khi luật pháp được ban hành theo đúng thủ tục và thời hạn luật định, không ai được phép viện dẫn sự ngu dốt luật pháp để vi pham luật pháp. Đó là một trong những nguyên tắc pháp lý trọng yếu giúp cho luật pháp có giá trị cưởng hành. Phải chăng chế độ Hà Nội không nắm rõ luật pháp đúng như họ đã “tự khai”? Thực ra luật quốc tế nhân quyền bao gồm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) cộng với các công ước về quyền dân sự, chính tri; công ước về quyền kinh tế văn hóa xã hội là những văn bản luật pháp rất minh bạch và đơn giản. CSVN chỉ khai là họ (chính quyền trung ương và địa phương) “không nắm được các quy định của luật pháp quốc tế” về nhân quyền nhưng tránh không nói chính xác điều nào, khoản nào mà Hà Nội “không nắm rõ”. Muốn biết Hà Nội vi phạm nhân quyền vì dốt luật hay vì một ly do nào khác chúng ta hãy theo dõi những đối thoại giữa CSVN và các “thẩm phán công tố” trước Hội Đồng Nhân Quyền của LHQ. Ngày 14/05/2009 Hội Đồng Nhân Quyền của LHQ công bố phúc trình về cuộc kiểm điểm vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có những đối thoại đáng chú ý như sau:

Hoa Kỳ đòi hỏi CSVN hãy công nhận Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và cho phép các chi nhánh của Hòa Hảo và Cao Đài hoạt động. CSVN bác bỏ đề nghị này của Hoa Kỳ. Như vậy, Hà Nội đàn áp quyền tự do tôn giáo vì độc tài chứ không vì “nắm không chắc” ý nghĩa của quyền tự do tôn giáo quy định trong luật quốc tế nhân quyền. Sức lớn mạnh của tôn giáo tại Việt Nam là một đe doạ trầm trọng đối với chế đô độc tài Hà Nội. Đó là lý do giải thích tai sao ngày 8 tháng 5 năm 2009, trong báo cáo đọc trước Hội Đồng Nhân Quyền Của LHQ, CSVN nhấn mạnh rằng: dân số VN trên 85 triệu người nhưng tín đồ các tôn giáo cộng gộp lai chi đạt con số 20 triệu người.

Canada đòi hỏi CSVN công bố số lượng người bị giam cầm vì lý do an ninh và tin tức về những người này. CSVN bác bỏ đòi hỏi vừa nêu của Canada. Sự thể này cho thấy tại VN còn rất nhiều tù chính trị. Đây là sự tố cáo CSVN đã trắng trợn vi phạm Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị mà Hà Nội đã ký cam kết tôn trọng.

Anh Quốc yêu cầu CSVN hãy mở ra những đối thoại giữa nhà cầm quyền và những tổ chức dân sự. Hà Nội bác bỏ yêu cầu vừa nêu. Tổ chức dân sự là những tổ chức hoàn toàn không có bàn tay chi phối của chính quyền. Tổ chức dân sự là những tổ chức do người dân tự đứng ra thành lập và điều hành nhằm thực hiện một số tác vụ theo đúng đòi hỏi của xã hội. Ngăn cấm sự ra đời của các tổ chức dân sự chế độ Hà Nội vừa chà đạp quyền tự do lập hội của luật quốc tế nhân quyền vừa tự tố cáo trước công luận CSVN là chế độ độc tài đến độ từ chối tiếp xúc với người dân, từ chối đối thoại với các tổ chức dân sự.

Thuỵ Sĩ yêu cầu CSVN hãy mời đặc sứ nhân quyền của LHQ vào Việt Nam kiểm tra nhân quyền trên mọi lãnh vực khác nhau. Hà Nội dứt khoát từ chối đề nghị này của Thuỵ Sĩ. Sự việc kia cho thấy thái độ gian dối của CSVN trước Hội Đồng Nhân Quyền của LHQ ngày 08/05/2009. Thực vậy, một mặt CSVN khai rằng họ vi phạm nhân quyền vì họ “nắm không chắc” luật quốc tế nhân quyền. Mặt khác CSVN lại ngăn cấm đặc phái viên nhân quyền LHQ vào Việt Nam kiểm tra nhân quyền. Kiểm tra tức là hướng dẫn Hà Nội hiểu biết thế nào là nhân quyền trong những vụ việc cụ thể. Rõ ràng là Hà Nội khai một đường, hành động một nẻo.

Áo Quốc đề nghị Hà Nội cho biết số lượng trại tù và hoàn cảnh pháp lý của mỗi tù nhân. CSVN bác bỏ đề nghị của Áo Quốc. Hà Nội bao giờ cũng lớn tiếng khẳng định Việt Nam không có tù chính tri, tai sao trước Hội Đồng Nhân Quyền của LHQ, CSVN lai che giấu tình trạng bắt bớ giam cam dưới chế độ CS?

Điều 19 của Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR) đòi hỏi quyền tự do báo chí phải độc lập và tư nhân. Các quốc gia: Canada, Na Uy, Hà Lan, Anh, Mỹ, Phần Lan, Đức yêu cầu CSVN phải tôn trọng quyền tự do truyền thông đúng theo điều 19. Chế độ Hà Nội bác bỏ tức thời lời yêu cầu vừa nêu. Chế độ dân chủ là chế độ đối thoại. Đối thoại giữa người dân với người dân, giữa người dân với nhà cầm quyền và giữa những cơ quan công quyền với nhau. Không thể có đối thoại nếu không có tự do truyền thông. Tự do truyền thông là xương sống của chế độ dân chủ. Chế độ dân chủ và nhân quyền như cá với nước. Mọi loại nhân quyền tại Việt Nam đều là bánh vẽ chừng nào nhà cầm quyền còn ngăn cấm quyền tự do truyền thông của tư nhân.

Tóm lại trong báo cáo nhân quyền đọc trước Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, CSVN nhìn nhận họ đã vi phạm nhân quyền vì hiểu biết của Hà Nội về luật quốc tế nhân quyền rất hạn chế. Thế nhưng khi bị những quốc gia thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ yêu cầu CSVN tôn trọng nhân quyền theo từng điều khoản cụ thể thì Hà Nội đã phản ứng ra sao? Thưa rằng: Trong trường hợp này CSVN không thể bảo là họ không hiểu luật, Hà Nội đành ra mặt lì lợm bác bỏ những yêu cầu chính đáng của quốc tế về nhân quyền. Sự việc “đành ra mặt” vừa kể được gọi là “Lạy ông tôi ở bụi này”.

Nhìn vào trong bụi, LHQ thấy rất rõ: chà đạp nhân quyền người dân Việt Nam đích thực là “Chủ trương lớn của đảng và nhà nước” CSVN. Chủ trương này có mục đích bảo vệ sự tồn tại của một triều đình độc tài, bán nước và tham ô.

Đỗ Thái Nhiên



No comments:

Post a Comment