Sunday, June 7, 2009

Đem Tâm Tình Viết Cho Người Bạn Trẻ - Phạm đình Thừa

Phan thiết-Phạm đình Thừa
Người Bạn Trẻ thân mến,

Bạn và tôi, tuy chưa thật sự đối diện nhau, chưa một lần cùng nhau bày tỏ tâm tình nhưng chúng ta lại có những mối tương đồng không dứt bỏ được. Chúng ta cùng màu da vàng, màu mắt nâu, màu tóc đen và cùng thuộc giòng giống Con Rồng, Cháu Tiên theo huyền thoại lập quốc. Chúng ta cùng hảnh diện về một lịch sử đấu tranh dài, trên 4.000 năm dựng nước của cha ông, và gần đây hơn, chúng ta cùng chia nhau nỗi thảm sầu của người dân vong quốc. Chúng ta cùng canh cánh bên lòng hoài vọng và lý tưởng đấu tranh để, một hôm, trở về quê cũ, nơi đang nhuốm đầy tang tóc, điêu linh. Bạn sẽ có dịp thi thố tài năng làm thăng hoa đất Mẹ và Tôi có thể an nhàn thoải mái trong Tự Do, Hạnh Phúc chung của dân tộc mà đi vào buổi tà dương đời mình.

Tôi đã gặp bạn, lớp người trẻ thoát sinh vào thời điểm những năm cuối cuộc chiến. Tôi đã chào mừng bạn cất tiếng khóc vào đời, sau cơn Hồng thủy bạo tàn phủ chụp lên từng phần đất quê hương, tháng 4 năm 1975. Nhưng ... lòng tôi lại bùi ngùi vì căn cước đầu đời bạn đã in rõ dòng chữ Tỵ Nạn Chính Trị hoặc Thành Phần Ngụy. Nhắc lại sự kiện này, quả tình tôi đã cố tạo cái móc thời gian đánh dấu sự ra đời một thế hệ - thế hệ các bạn, thế hệ nối tiếp thế hệ chúng tôi, lớp người đã kinh qua chiều dài của cuộc chiến 30 năm (45-75).

Tôi đã dõi theo mọi biến thiên thuận chiều cũng như nghịch lý trong sự trưởng thành đời bạn. Tôi đã chứng kiến cảnh vài con gà lẻ loi trong đàn vịt đông đảo: Những cô, chú tí hon tỵ nạn, lần đầu tiên, cắp sách đến trường, trên những phần đất năm châu, bắt đầu ê a thứ ngôn ngữ mới, không phải tiếng mẹ đẻ, giữa rừng bạn đồng học người bản xứ. Và trên những con đường quê hương, bước chân chim của các bạn tung tăng đến lớp vỡ lòng, đã phải ngập ngừng vì cổ bị choàng mãnh khăn đỏ, đầu bị nhét vào những câu hát ca tụng một xác chết lạ hoắc. Chân bước đi mà bụng đói meo vì thiếu quà sáng; mãnh vải đỏ như chiếc vòng "kim cô" trên đầu Tôn Ngộ Không, xiết chặc, đóng kín khu vườn tư duy vừa mới hé. Số đông các bạn đã không may, phải nhận chịu một nền học thuật với khẩu hiệu thay cho kiến thức khoa học, đào kinh, quét đường thay cho luân lý ngàn đời của dân tộc. Tôi đã đứng dưới cội những cây bàng lớn, ngập đầy xác lá buổi chớm Thu, miền bắc Mỹ, nhìn các bạn rưng lệ, đưa tay vẫy chào tiển biệt người thân, rồi sau đó, một mình trở về căn phòng nội trú. Lần đầu tiên xa nhà, bước vào ngưỡng cửa Đại học, các bạn là những chú nai con, ngơ ngác buồn, nhìn chiếc xe của cha mẹ xa dần và mất hút sau đám lá vàng tung bay trong gió loạn. Đây cũng là hình ảnh tiêu biểu của một số các bạn mang kiếp tha hương từ lúc tuổi xanh. Cùng vào thời gian đám thanh, thiếu niên tỵ nạn tại hải ngoại chuẩn bị đi vào khung trời kiến thức mới, giữa tâm tình ngỗn ngang, tại quốc nội hàng triệu, triệu học sinh phải đau đớn lìa bỏ bút nghiên, bị tống xuất ra khỏi học đường vì cái tội mang giòng máu Ngụy Quân, Ngụy Quyền hay Ngụy Dân. Họ không được phép tiếp tục Đại học để trả món nợ không tưởng, không vay. Rồi bốn năm, năm năm hay mười năm sau, số đông các bạn tại hải ngoại trở thành chuyên viên ưu tú, khoa học gia có khả năng, có đời sống xã hội vững chắc. Thời gian qua mau, ngắn gọn như các danh từ chỉ số đơn giản nhưng nó đã không ngắn gọn và đơn giản trong tiến trình thu thập kiến thức của các bạn và cũng đã trở nên quá dài, với đầy cam go thử thách, trong cuộc đời tỵ nạn của lớp người cha, anh. Số phận người thanh niên cùng trang lứa tại quốc nội càng bi đát hơn, phải thay cha bị tù "cải tạo", làm cần câu cơm cho gia đình, qua những nghề cùng đinh nhất trong một xã hội được mệnh danh là Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhưng bên cạnh chiếc gương đời trong sáng còn phản ảnh giá trị nhân bản quý báu đó, cũng không thiếu những trường hợp xẩy chân, vấp ngã. Sự xẩy chân, vấp ngã tất nhiên đến từ phương thức đào luyện của một nền học thuật vắng mặt luân thường, phản dân tộc, diệt tính người, trống rổng bên trong nhưng đầy hào nhoáng tuyên truyền bên ngoài. Cho đến khi cùng gia đình thoát được khỏi cảnh đời cay nghiệt, tăm tối, các bạn đã cố gắng không ngừng để hội nhập vào xã hội mới, nhưng dấu hằn trên vùng tri thức ngày tuổi nhỏ chắc khó có thể tẩy sạch trong một sớm, một chiều. Cũng gần đồng dạng với sắc thái xã hội trong nước, cuộc sống ích kỹ tại các nước văn minh làm héo úa không ít cây hy vọng vừa đâm chồi. Một số trong các bạn tự chọn cho mình hướng đi nhiều cay đắng; số đông khác được trang bị dồi dào kiến thức khoa học văn minh, biểu hiện qua mớ bằng cấp các bạn đã bỏ công khó nhọc đạt được. Điều này là niềm hãnh diện chung của một sắc dân bất hạnh còn đang lang thang, rãi rác khắp năm châu. Tuy nhiên, khoa học vốn vô hồn, bản chất con người lại đa dạng và hệ thống giáo dục Tây phương không đặt nặng phần cao quý của nhân phẩm. Chính vì vậy, không gian dầu to rộng nhưng lòng người văn minh hình như càng ngày càng thu hẹp lại. Tưởng rằng những người bạn trẻ của tôi đã bị nhận chìm, mất dấu ở hai đầu cực học thuật vô tính, vô hồn nhưng sự kiện này đã không xảy ra -một điều đại phúc cho dân tộc!

Tôi lại gặp bạn, giờ đây đã là những thanh niên, nam nữ duyên dáng, tuấn tú, cường tráng. Dầu mới từ quốc nội sang đây hay đã thể nhập vào các xứ văn minh gần 1/4 thế kỷ, dưới mắt chúng tôi -những người thuộc thế hệ trước- các bạn vẫn là một khối thuần nhất dễ thương, mang một phần tim óc, một phần máu mủ và cả một trời hoài vọng của chúng tôi trong các bạn. Các bạn đã tay trong tay, đội mưa dầm, đạp tuyết lạnh, bất chấp cái nóng nung người ngày Hạ chí, cái đe dọa của cơn bảo cấp cao, vượt những đoạn đường dài trên các phần đất năm châu để đến cùng người đồng bào, góp một bàn tay, thêm một tiếng nói đấu tranh đòi lại tự do, nhân quyền trên quê hương. Chưa bao giờ màu cờ vàng ba sọc đỏ rực rở, choáng ngợp cả không gian như trong các cuộc biểu dương ý chí bất khuất trước bạo quyền cộng sản Việt nam và bè lũ tay sai tại hải ngoại, nhân vụ Trần văn Trường treo cờ máu và hình Hồ chí Minh tại thị xã Westminster, Nam Cali. Ngọn nến các bạn đốt lên đã làm rực sáng một vùng trời Tây phương trong màn đêm, dội vào lương tri đám nhân loại ngây-thơ-tàn-nhẩn của các phong trào "anti-war" vào đoạn cuối trang sử đẩm máu của cuộc chiến Việt nam. Nam Cali, bắc Cali, Denver, Houston, Dallas, Washington.. ., những thành phố Mỹ, Canada, Úc châu, Âu châu..., tất cả các bạn đã cùng nhịp nhàng đứng lên đấu tranh với hành trang là lá cờ Quốc Gia đầy chính nghĩa, với lòng hăng say nhiệt thành của tuổi trẻ. Không phải đến bây giờ, năm 1999, các bạn mới hiện diện, làm bừng sôi khí thế đấu tranh; đã từ lâu, từ lúc bước đi còn chập chững, các bạn đã tham dự. Nhưng giai đoạn ấy, các bạn còn quá nhỏ để có thể tự nói lên ý tưởng và thái độ chọn lựa của chính mình. Vì vậy, người cộng sản -những kẻ sở trường dùng hiện tượng để tuyên truyền thay vì đi sâu vào căn nguyên của bản chất sự kiện- đã rêu rao (và được phụ họa bởi các thành phần mệnh danh trí thức mà tầm nhìn lại không thoát được vùng trời đáy giếng) rằng chúng tôi, bậc cha anh các bạn, đã trao tay "bó đuốc căm thù" cho thế hệ các bạn! Người Mỹ có câu nói để đời: "The truth is greater than the facts". Thời gian, như dòng nước, đã cuốn trôi rác rưởi tuyên truyền để chỉ còn tinh động lại sự thật không thể chối cải: sự tham dự của các bạn xuất phát từ chọn lựa của con người tự do với đầy đủ ý thức tự thể. Không có động lực nào phát sinh từ cái gọi là "bó đuốc căm thù", sản phẩm mộng du của bạo quyền cộng sản Việt nam và đám tay sai hải ngoại. Có chăng là ý chí đấu tranh "lấy nhân nghĩa thắng hung tàn" trong giòng máu bất khuất của dân tộc, luân lưu từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ đời này qua đời khác. Qua biểu tình, các bạn đã lớn tiếng minh danh, đã gào to khẳng định vào mặt những chú Cuội thời đại tại Bắc bộ phủ cũng như tại các cơ sở ngoại giao của cộng sản tại hải ngoại, tác giả những chiến dịch tuyên truyền xão mị, nhằm lừa đảo công luận quốc tế và quốc nội. Lá cờ vàng ba sọc đỏ nho nhỏ nhưng linh động, ánh nến lung linh nhưng không bao giờ tắt trong tay hàng ngàn, hằng vạn các bạn đã tạo cuồng phong, thành lửa tam muội bay về quê hương, nhập vào đại thể dân tộc để, một ngày gần đây, bứng sạch và thiêu rụi gốc, rễ cây cổ thụ ý-thức-hệ-cộng-sản, từ lâu được vun xới bằng máu xương đồng loại. Các bạn rất đáng được vinh danh, đáng đuợc xưng tụng.

Nhìn khí thế đấu tranh của các bạn hiện tại, tôi chạnh nhớ một đoạn đời dĩ vãng mấy mươi năm xưa, trong khoảng hai thập niên sau năm 1945 và 1963. Năm 1945 là giai đoạn đánh dấu một khúc quanh quan trọng nhưng đầy đau thương trong dòng sử Việt. Hơn lúc nào hết, cao trào đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập cho nước nhà đã bộc phát mãnh liệt và cùng khắp. Núp dưới chiêu bài Bài Phong, Phản Đế, mặt trận Việt Minh (tức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội được thành lập năm 1941, thoát thai từ Đông Dương Cộng Sản Đảng) quy tụ được đa số người trẻ tại Hà Nội thuộc thành phần trí thức, sinh viên và tiểu tư sản thành thị, qua một tổ chức ngoại vi có tên là Dân Chủ Đảng. Mặt trận Việt Minh do Hồ chí Minh lãnh đạo, trước khi tạo được căn bản thực lực sâu rộng trong quần chúng, đã đưa ra lời kêu gọi đoàn kết, liên hiệp với các đảng phái, phong trào, tổ chức đấu tranh khác và không bao giờ ló đuôi cộng sản. Nhưng khi xây dựng xong cơ sở, đào tạo đủ lớp cán bộ trung kiên, chúng đã trở mặt, thanh toán mọi tầng lớp quần chúng có tinh thần và tâm huyết thật sự vì Quốc Gia, Dân Tộc. Chúng cũng không còn e dè, giương cao ngọn cờ đỏ của cộng đảng quốc tế. Một vài thành tích "cướp công" và "lật lộng" sơ khởi được thể hiện qua cuộc biểu tình chiều ngày 17 tháng 8 năm 1945 tại nhà hát Lớn, Hà nội. Lần đầu tiên, cán bộ tuyên truyền và vũ trang cộng sản trương lá cờ đỏ sao vàng và hạ cờ quẻ Ly xuống, trong sự ngỡ ngàng của quần chúng, công chức và sinh viên tham dự. Hai ngày sau, ngày 19 tháng 8, cũng tại mặt tiền nhà hát Lớn, hàng rào cờ đỏ vây quanh vườn hoa và lần này, theo lời kêu gọi bao hàm ý hâm dọa, người biểu tình phải tự vũ trang bằng mọi phương tiện có sẵn từ dao bầu, kéo sắc, kiếm thờ, cầy, cuốc ... để biểu dương ý chí! Sự lật lộng (ngay cả bắt tay với Thực dân Pháp để tiêu diệt người Quốc gia) của Việt Minh (tiền thân đảng Cộng sản Việt nam) đã kéo dài công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân ta và tạo nên cuộc chiến xâm lăng nối tiếp tại miền Nam Việt nam. Cuộc chiến tại miền Nam, cộng sản khai triển tối đa sách lược gây mâu thuẩn, tạo hổn loạn và lần này còn có thêm cả âm mưu đưa quân vào Việt nam của Hoa kỳ, nhằm dựng nên một bờ đê, cản làn nước lũ ý thức hệ cộng sản từ phương Bắc tràn xuống. Việt nam, tiền đồn ngăn chận cộng sản tại Đông bán cầu, thật xa xôi với nước Mỹ ở Tây bán cầu!

Thế hệ chúng tôi, đám thanh, thiếu niên của hai thập niên ấy, kẻ mới chào đời, người đang bước vào tuổi hoa niên, cũng với nhiệt tình mới lớn như các bạn hôm nay, không thể nào bịt tai trước tiếng réo gọi dị thường của núi sông. Chúng tôi đã hăng say dấn thân, theo làn sóng người tầm vong, kéo sắc, để hô to lời đuổi Thực dân, đánh Phong kiến, năm 45. Cũng đã là bọt bèo của làn sóng sinh viên, học sinh, tăng ni, thợ thuyền, lao động ... đòi quyền sống, chống độc tài, chống tham nhũng, chống bất công, chống kỳ thị tôn giáo, đòi hòa bình vv...và vv... vào những năm 63, 65, 73. Nhưng bên cạnh cái ồn ào, dấy động đó, một số lớn ý thức được "trò chơi" nguy hiểm tại thị thành trong lúc giặc cướp đanh rình rập ở ngoại biên, nên đã tự nguyện trở thành những người lính bé nhỏ trong đoàn quân chống giặc Cộng.

Ba mươi năm, 45-75, máu chảy thành sông, xương chất cao như núi ... và kẻ thủ lợi sau cùng vẫn là Việt nam Cộng Sản Đảng hay Việt cộng! Tuy nhiên, môi giới của công cuộc cướp cạn máu xương và công lao toàn dân, ngoài sách lược và nhân sự tuyên truyền của đảng cộng sản, phải kể đến những kẻ vì danh vọng, tiền bạc và bóng sắc, cam tâm làm chó săn, làm tay sai, bán đứng đồng loại và Tổ Quốc. Đây là thành phần nguy hiểm nhất vì chúng luôn ngụy trá dưới mọi lớp vỏ tình cảm và lý tưởng quốc gia -điểm yếu của tâm lý quần chúng. Chúng quanh quẩn bên ta, chúng âm thầm mai phục dưới những khẩu hiệu thanh cao và hoa mỹ nhất. Sau tháng 4 năm 1975, chiến tranh cạn dòng, rác rến lại phơi bày, khuôn mặt thật của những tên phản bội lộ ra. "Thỏ rừng đã hết thì chó săn cũng không còn", loại người này không bao giờ có thể tồn tại lâu dài dưới tập quán man rợ của người cộng sản. Đây là bài học đích đáng và quý báu cho thế hệ chúng tôi về những con người, một thời, được chúng tôi tôn xưng thần tượng, là người lãnh đạo tinh thần hay đấu tranh sáng giá, là anh hùng thật sự vì dân, vì nước!

Người bạn trẻ,

Đưa ra hai hoàn cảnh đất nước vào hai giai đoạn lịch sử khác nhau, tôi muốn trình bày chút kinh nghiệm tự thân của thế hệ chúng tôi. Một sai lầm to lớn trong công cuộc đấu tranh chống Thực dân giành độc lập, cũng như trong cuộc chiến tự tồn của nữa phần đất nước sau này, là quan niệm "minh chủ", "lãnh tụ". Phải chăng đây là mối "lưu truyền" từ bao đời trước, xuất khởi từ một giai đoạn xa xưa, thuộc thời hoàn kim của kỹ cương và đạo hạnh mà người đứng ra gánh vác chuyện sơn hà, chân thành cống hiến cả đời mình cho tha nhân, cho đồng loại? Trên một khía cạnh nhận định chủ quan, thời gian là lưu chất, là cường toan, đã soi mòn, chọc thủng quan niệm này. Với bản chất hào sản và mở rộng tâm tình, người Việt chúng ta vẫn tiếp nhận anh hùng, lãnh tụ và minh chủ một cách không đắn đo. Thêm vào đó, quan niệm "đầu gà hơn đuôi phụng" lại khơi cao ngọn lửa tham vọng trong lòng một số người không nhỏ. Lợi dụng điểm tâm lý này, Cộng Sản Việt Nam (CSVN) đã vẽ ra lắm loại anh hùng, nhiều thứ lãnh tụ để khích động. Lãnh tụ sinh viên, thợ thuyền, thần tượng tôn giáo, anh hùng ôm bom "xông vào kho xăng", kho đạn, anh hùng lao động... trong cuộc chiến 30 năm. Tất cả các loại anh hùng một thời và lãnh tụ giai đoạn này được tạo dựng chỉ với mục đích làm nỗi bật lãnh tụ độc tôn và độc nhất của CSVN: Hồ Chí Minh. Thần tượng được tạo nặn từ đất đá, cây gỗ; Nguyễn Tất Thành, một tên du thủ, du thực lang thang, thuộc được mấy lời kinh vô sản, một sớm một chiều bỗng trở nên kẻ vì nước non, dân tộc, lê gót quê người với danh xưng Nguyễn Ái Quốc, rồi Hồ Chí Minh, "cha già dân tộc"! Thậm chí, suốt đời tên này, qua mớ thơ, văn vay mượn và tự bốc rẻ tiền, chưa "sản xuất" được ý tưởng nào gọi là sạch nước cản, thế mà CSVN vẫn có thể đẻ ra nhóm từ "tư tưởng Hồ Chủ Tịch" gán ghép cho y hầu lừa bịp thiên hạ. Bạo lực mã tấu và súng đạn, đi kèm với tuyên truyền xão mị, được người cộng sản xử dụng tối đa qua "công nhiệp" củng cố uy danh "thần tượng" đỏ. Trong biến chuyển như vậy, người thanh niên thế hệ chúng tôi vẫn còn khư khư mang tiền thân chiếc phao lãnh tụ đi vào lịch sử! Nhiệt tình, tâm huyết và lòng tự phụ bị kích thích bằng ngọn lửa vô sản: "Đám con trẻ của thời đại, vừa mới chớm phải nọc duy vật, đã hăng hái bỏ hết thuần phong mỹ tục của cha, ông, tự coi mình là thần thánh. Những chuyện đau lòng: bỏ tù bố, giết anh, bỏ vợ, bỏ chồng không cùng lý tưởng để lấy đồng chí, đã xẩy ra không sao đếm xiết." (Trích Việt Nam Máu Lửa của Nghiêm Kế Tổ, trang 51) Số thanh niên mê "nhảy hòa bình" (lối khiêu vũ bần cố nông của Liên Sô sau cuộc cách mạng vô sản 1917), nghe theo tiếng gọi "góp máu" của "cha già dân tộc", đã tạo nên vết chàm nhơ bẩn và gớm ghiếc không bao giờ bôi xóa được, trên đất Bắc, trong cái gọi là "cải cách ruộng đất" và cũng chính họ, đạo quân mất nhân tính, một lần nữa, thực hiện "đúng chỉ tiêu" lời hiệu triệu thi hành "nghiã vụ quốc tế vô sản", hăng hái vượt Trường sơn, xâm lăng miền Nam. Cuộc di cư vĩ đại của 1 triệu đồng bào ta, tháng 7 năm 1954, đã chuyên chở lớp thanh niên dị ứng với sắt, máu căm thù vào Nam và nơi đây, nhập với làn sóng người cùng trang lứa, họ đấu tranh cật lực để bảo tồn phần đất còn lại chưa bị nhuộm đỏ. Nhưng hình như "oan khiên" lãnh tụ vẫn còn đeo đẳng số phận quê hương nên cán bộ cộng sản nằm vùng tại miền Nam mới có cơ hội tái tục nghề thầy pháp, kêu gọi âm binh đóng vai anh hùng, lãnh tụ. "Vua biểu tình", "lãnh tụ xuống đường", "anh hùng đốt đài phát thanh"...tất cả đã gây nên lắm cảnh tượng xáo trộn, đau lòng tại các đô thị miền Nam, được lồng dưới các chiêu bài á phiện: chống độc tài, bất công, kỳ thị tôn giáo, tranh đấu cho người nghèo... Bài học chưa ráo mực của thời 45, một số thanh niên thế hệ tôi lại sớm quên, ồn ào góp tiếng chống "nội chiến từng ngày", tự đấm ngực sỉ vả mình là "bọn lai căn", "lủ bội tình", rập khuôn với đám vẹt tuyên vận, bọn văn công nằm vùng. Làm như vậy, tưởng có thể giải quyết niềm băn khoăn của chính mình và của cả thời đại! Trong khi đó, ở ngoại biên, giặc cộng xâm lăng càng gia tăng cường độ đánh phá. Hậu quả những xáo trộn tại đô thị đã là một trong nhiều tác động nguy hại, tạo nên mối tang thương của dân tộc, ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Trong công cuộc đối đầu với Thực, Cộng tham tàn, quỷ quyệt, cũng đã không thiếu hình ảnh những con người, những phong trào thực tâm vì tiền đồ tổ quốc, dân tộc, mạnh dạn đứng lên, xã thân. Vào giai đoạn năm 45, trong Nam, được hậu thuẩn của thanh niên, các đảng phái chính trị, các tổ chức tôn giáo đã hợp nhất chống Cộng như Cao Đài, Hòa Hảo, Việt Nam Độc Lập, Phục Quốc. Ngoài Bắc, Việt Nam Quốc Dân Đảng, tháng 9 năm 1945, đã phát hành báo, tố cáo trước quần chúng bộ mặt thật của Việt cộng và tổ chức biểu tình tuần hành qua Hồ Hoàn Kiếm, qua phố chợ. Đồng Minh Hội với Việt Tam quân hăng hái đụng độ với Đệ Tứ Chiến Khu của cộng sản tại vùng Đầm Hà, Tiên Yên, Mon Cay. Người Công giáo cũng đã tổ chức hệ thống phòng ngự tự vệ, chống lại sự xâm nhập của Việt cộng tại Bùi Chu, Phát Diệm. Trước khí thế đấu tranh từ Nam ra Bắc, Việt cộng đã phải nhiều phen chùn bước. Cuộc chiến tự tồn tại miền Nam, lịch sử cũng đã ghi đậm nét những gương hy sinh vì đại nghĩa dân tộc. Bình Long, Kontum, Quảng Trị ... những địa danh ngập máu giặc cướp với bao tên tuổi anh hùng thật sự, lừng lẫy đi vào sử xanh, trong hàng ngũ Quân, Dân, Cán, Chính. Nhưng nếu tin vào sự sắp bày cay nghiệt của Thiên mệnh thì quả thật Trời cao đã không tựa lòng hảo nhân: kết quả công cuộc đấu tranh trường kỳ, gian nan của toàn dân đã bị cộng sản Việt nam cướp đoạt để rồi, chính bọn chúng đã và đang đưa đất nước trở về thời tiền sử lạc hậu, đẩy nhân dân vào cảnh nghèo đói, lầm than. Trên phương diện nhận định khách quan, tham vọng của thực dân và cộng sản, quan niệm đối đầu trực diện từ sách lược "chiến tranh nóng" đến "chiến tranh lạnh" của tư bản trước chủ nghĩa bá quyền (totalitarianism) cộng sản, đã biến đất nước chúng ta thành đấu trường và phương tiện thực hiện là những đợt cai thầu bản xứ được đánh bóng thành anh hùng, thành lãnh tụ. Hồ chí Minh và nhóm đảng viên cộng sản tiền phong ngoài Bắc, những người lãnh đạo đất nước, lãnh tụ "xuống đường" đủ loại ... trong Nam, tất cả đều là sản phẩm du nhập, được thai nghén từ các trung tâm quyền lực tại điện Cẩm Linh, tại Hoa Thịnh Đốn. Sở dĩ các sản phẩm này được tồn tại vì tình trạng chủ quan của một xã hội với trình độ dân trí ở mức phôi thai. Vừa bước chân ra khỏi ngưởng cửa phong kiến, vừa đánh vỡ được vỏ sò thực dân, người dân -đa số vốn xuất thân từ ruộng đồng-, không thể không choáng ngợp trước ánh sáng quyến rủ của hào quang Tự Do, Dân Chủ, Độc Lập và Phú Cường. Tâm trạng náo nức đón chờ luồng gió nhân bản mới, tâm lý mỏi mòn vì chiến chinh dai dẳng, cộng thêm tác động thô bạo của các hệ thống tuyên truyền tinh vi, đã là môi trường thuận tiện cho sự áp đặt đám ngụy lãnh tụ. Thế hệ chúng tôi bị du vào cơn đồng thiếp; tâm hồn, ý tưởng bị bao vây, bị xâu xé nát tan bởi quá nhiều quan niệm an bang, tái thế khác biệt. Cuối cùng, chỉ còn lại con đường dấn thân duy nhất: cầm súng chiến đấu để tự tồn. Cuộc chiến đầy lý tưởng và tình người đó đã không may đi đến cuối đường cay đắng, phản ảnh qua biến cố nát lòng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Sau cuộc chiến, hậu quả không tránh khỏi là trạng thái hụt hẫng phủ vây. Khủng hoảng niềm tin và lòng đầy ngờ vực -hội chứng tất nhiên của một thế hệ tao ngộ quá nhiều cạm bẩy và lừa đảo.

Sau hào khí biểu dương chính nghĩa người Quốc gia của các bạn, sau những tín hiệu khích lệ đưa ra trong các cuộc biểu tình chống lại âm mưu của tập đoàn lãnh đạo CSVN qua vụ Trần văn Trường, một số trong các bạn đã mạnh dạn, bằng các phương tiện truyền thông, bày tỏ nhiệt tâm và hoài vọng của mình. Điều này rất tốt để tiếng nói yêu nước được lan xa, trong việc kết hợp. Cũng xin được nói lên lời hoan hô khi các bạn biểu tỏ ý chí tự lực, tự cường trong việc phủ nhận quan niệm lãnh tụ, minh chủ -một lầm lở của lớp người đi trước. Các bạn đã sáng suốt trong nhận định để không biến thành một đơn vị ngoại vi thống thuộc bất cứ một tổ chức, phong trào, mặt trận ngụy trá nào như tổ chức ngoại vi "Dân Chủ Đảng" của CSVN thời 45. Tinh thần thế hệ trẻ Việt nam hải ngoại đã được nhận diện rõ ràng. Thừa hưởng cái dũng của cha ông, các bạn đã không ngã lòng trước bạo lực của dùi cui (baton), của diễn dịch pháp lý một chiều và cùng chia xẻ niềm đau của đồng loại, cái nghiệt ngã của tiết trời, trong suốt hơn 50 ngày, đêm tham dự chống việc treo cờ máu và hình Hồ tặc. Sau biến cố Trần Trường, các bạn đã âm thầm lui vào bóng tối để chuẩn bị hành trang cho bước đường kế tiếp. Dầu đa số các bạn không ồn ào lên tiếng thừa nhận công lao (credits) nhưng dĩ nhiên, không ai có thể phủ nhận được điểm son các bạn đã ghi. Tuy nhiên, khẩu hiệu "Peace, Love and Forgiveness" và hình ảnh "phản chiến" rút ra từ tác phẩm video của Hayslip Lệ Lý (với dĩ vãng nữ du kích Việt cộng), trong đêm đốt nến 26 tháng 2 tại thị xã Westminster, đã tạo băn khoăn cho những người đang ưu tư với công cuộc đấu tranh chống tội ác cộng sản, trên bình diện chính trị và tuyên truyền. Cũng đã xãy ra triệu chứng "quá đà" trong ngôn từ của một vài cá nhân tự xưng thuộc lớp người trẻ. Lời kêu gọi "tuổi già dẹp hết đi để cho tuổi trẻ toàn quyền hành động" đã làm thất vọng bao người! Tôi không nghĩ rằng đây là lời yêu cầu chính đáng xuất phát từ nhiệt huyết của đại khối tuổi trẻ hải ngoại. Vì vậy, nhắc lại các sự kiện này, tôi chỉ mong các bạn dè dặt, đặt mối hoài nghi chính đáng (reasonable doubt) đối với con người và sự việc trên bước đường dấn thân. "Con sâu làm rầu nồi canh", những kẻ chuyên nghiệp vây máu, chia phần thường cố tạo ra nhiều sâu bọ, lắm hỏa mù, mâu thuẩn, đặc biệt là đám chuyên viên lão luyện tại Bắc bộ phủ. Lối mòn lịch sử thường được lắm kẻ dẫm lên, nhưng tôi hy vọng các bạn không gặp phải trường hợp tương tự như cha anh với những cái tên Huỳnh tấn Mẫm, Nguyễn trọng Nho, Đoàn văn Toại, Trịnh công Sơn ... của một thời kêu gào phản chiến, "make love no war". Bọn người này hoặc vì danh, vì lợi và có thể vì chút lý tưởng hảo đã biến mình thành những con rối xách động, dọn đường cho các âm mưu bóp chết miền Nam của CSVN và ngoại bang. Nơi miền đất yên hàn đầy tự do, các bạn đã, đang và sẽ có nhiều cơ hội phán đoán, lựa chọn hơn thế hệ người trước. Sự phán đoán và chọn lựa của người trí thức nhân bản với cùng đích phục vụ tha nhân, khác hơn của kẻ ngụy trí thức, ngụy quân tử mà cùng đích là danh vọng và đỉnh chung.

Truyền thống đạo đức dân tộc đặt chữ "lễ" trước tiên trong mọi hành xử ở phạm vi gia đình cũng như xã hội -"tiên học lễ, hậu học văn". Quan niệm của đa số người mình là có "học", mang trong đầu đầy ấp kinh luân, chữ nghĩa, mà không có "hạnh" cũng vứt đi. Sự kính trọng tuổi già là một trong những giá trị ngời sáng soi rọi vào đời sống tinh thần và vật chất của dân ta từ mấy nghìn năm nay. Chính giá trị nhân bản này đã tạo ra kỹ cương và an toàn xã hội mà các nước Tây phương mong muốn thực hiện; trái lại, người cộng sản lại muốn phá bỏ đi. Bởi vì, đối với cộng sản, chỉ có các lãnh tụ đỏ, hệ tư tưởng Mát xít, Lê-nin nít, Mao ít và "tư tưởng Hồ chủ tịch" (?) mới được kính ngưỡng, tôn thờ. Nhân vị không có chỗ đứng trong xã hội cộng sản; con người chỉ được lượng giá theo năng lực sản xuất và hành vi chính trị, theo định hướng vô sản. Chính vì vậy, cương thường, đạo lý đảo lộn từ khi Hồ chí Minh du nhập ý thức hệ cộng sản vào đất nước ta. Danh từ "đồng chí" nghèo nàn được xữ dụng một cách vô luân thay thế cho mọi danh xưng trong liên hệ gia đình và gia tộc! Không còn cha, mẹ, anh, em, chú bác, cô, dì ... mà chỉ "cá mè một lứa" -"đồng chí". Độc nhất một kẻ tự cho mình cái uy quyền giữ lại màu sắc bị chính chúng lên án "phong kiến", "hủ lậu" qua tiếng "bác" đặt trước họ là Hồ chí Minh - "bác Hồ"! Nhóm từ "họ nhà tôm" của người dân miền Bắc thật quá đúng để diễn tả tình trạng điên đảo luân thường này. Lịch sử oằn oại trở mình, ghi lại bi kịch con trở thành điềm chỉ viên, đấu tố cha, mẹ để mong mau chóng lột xác người. Hơn nữa thế kỹ sau, một vài người trẻ mượn diễn đàn báo chí và phát thanh tại Cali, thốt lên lời bất kính với lớp người trước, phải chăng họ đang bước vào giai đoạn lột xác? Nhưng chọn phương thức lột xác bằng cách dẫm lên truyền thống đạo đức để chứng tỏ cái tự ngã (ego) với tầm nhìn sâu rộng (vision) qua hiện tượng chối bỏ (denial) là một hành vi thụt hậu. Tôi không tin trạng thái lột xác theo kiểu này đang xảy ra, ngay cả với những cá nhân đã thốt lên lời nói gây xúc động quần chúng như vừa đề cập. Nhưng nghi vấn "họ đã nói thay, nói giùm" không thể không đặt thành! Khi tự ý bày tỏ cảm nghỉ mình trong "bức xúc" hoặc vì một áp lực khách quan, các bạn trẻ đó đã bỏ quên cái kinh nghiệm quý báu về quản trị mà đa số thường áp dụng ở học đường cũng như ngoài xã hội. Đó là phương thức "tổ-hoạt" (tạm dịch danh từ teamwork) với quan niệm kết hợp tài năng, kinh nghiệm, kiến thức và không bao giờ đặt thành giới hạn tuổi tác. Khi đưa ra lời kêu gọi "tuổi già đi chỗ khác chơi", ngoài việc tự cô lập mình với đại khối quần chúng, họ còn cố vẽ lại lằn ranh "tuổi tác" mà mấy năm trước đây, một thiểu số trong giới cựu quân nhân đã bị công luận lên án vì tiêu đề "lính già, lính trẻ". Sự chia rẽ còn được khai thác xa hơn trong ý đồ thăm dò, "nhóng thử" qua đề nghị thay Quốc kỳ, đổi Quốc ca! Nhưng tất cả âm mưu thâm độc đó đã nhận lãnh những hậu quả đích đáng và im lìm chìm vào quên lảng. Bởi vì, đồng bào chúng ta tại hải ngoại, sau bao kinh nghiệm dài thương đau trong công cuộc đối đầu với Cộng sản, đều ý thức được bất kỳ hình thức chia rẻ và mâu thuẩn nào cũng tạo nên lợi thế cho đối phương.

Nhìn lại đoạn đường đấu tranh cho đồng bào ruột thịt tại quê nhà của tập thể người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại, bên cạnh những thành công, đã không tránh khỏi những điều "trông thấy mà đau đớn lòng" gây ra bởi một số cá nhân hoặc tổ chức núp dười chiêu bài đấu tranh chống cộng để trục lợi. Họ ồn ào trương bảng, dựng cờ và đôi khi quyết liệt hơn cả người thực tâm, đưa cao tay hô to lời tố Cộng nhưng ẩn tàng sau những hành vi, ngôn từ và giọng văn ca tụng tự do, lên án tội ác là ý đồ ru ngủ tâm thức người tỵ nạn bằng con đường "giao thương" và "giao lưu văn hóa". Chính họ đã làm băng rã niềm tin, phá sản ý chí đấu tranh trong lòng một số người. Các bạn và tôi, chúng ta cũng đã chứng kiến sự ra đời cũng như chết yểu của rất nhiều đoàn thể, phong trào, mặt trận trên sân khấu chính trị của cộng đồng người Việt. Trò khỉ nhảy bàn độc, cảnh những người già "không nên nết" diễn ra thường xuyên. Xét kỹ, tất cả đều là hiện tượng nhân, quả tất nhiên phát sinh từ các vùng đất tự do. Trong khu vườn trăm hoa, bên cạnh những đóa hoa nhân bản ngát hương, không tránh khỏi sự đâm chồi của vài cánh hoa mỏm chó, dăm cụm hoa cức lợn, hoa cỏ. Dĩ nhiên, không ai mong muốn chúng góp mặt, như ông bà ta thường ví von: "Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở. Vô tình cắm liễu, liễu xanh um". Tuy nhiên, sự xuất hiện đông đảo tổ chức, đoàn thể, mặt trận..., trên khía đấu tranh độc lập và tự chủ, vẫn là điều tốt để tránh tình trạng "cai thầu" độc quyền mà CSVN và ngoại bang mong muốn áp đặt. Về phía các bạn, may mắn có được tự do tư duy và nhận định đòi hỏi một cân nhắc cẩn trọng trong chọn lựa. Tôi tin rằng các bạn có đủ tinh tế để không vì một vài thực tế nhiễu nhương nhất thời mà lên án và tạo rào cản bao quanh một thế hệ, nhất là từ thế hệ đó mình xuất thân và trưởng thành.

Các bạn đã tiếp tục duy trì lửa đấu tranh qua các chương trình hoạt động kế tiếp, điển hình là chiến dịch treo cờ Quốc Gia tại khu Tiểu Sài gòn, thị xã Westminster, nơi thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa đồng bào và đám người đội lốt tỵ nạn nhưng lại làm tay sai cho giặc Cộng. Các bạn đã làm sửng sờ và tạo nhiều xúc động trong lòng người bước chân đến khu thương mãi Tiểu Sàigòn bằng lễ chào cờ hằng tuần, vào ngày thứ Bẩy, suốt thời gian tháng Tư, trước khi chia tay nhau đi công tác. Các bạn là hương hoa nhân bản đang đợi chờ và khao khát làn gió lành thổi về xoa dịu đau thương của người đồng loại trên quê hương điêu tàn.

Gần đây, theo làn sóng dấn thân của đa số các bạn, đã có những kêu gọi "bàn giao" từ thế hệ trước. Danh từ nghe thật "nổ như tạc đạn" nhưng thực tế nó trở nên vô nghĩa khi đề cập đến công cuộc đấu tranh hiện tại và mai hậu của các bạn. Thủ tục bàn giao, lần đầu tiên tôi tham dự, vào lúc còn là một Sinh Viên Sĩ Quan (cadet) sắp ra trường nhận nhiệm vụ trên các chiến trường 4 Quân khu. Chúng tôi đã bàn giao Quân kỳ của Trường lại cho Khóa kế tiếp và đây là thủ tục tượng trưng cho yêu cầu bảo vệ, gìn giữ các giá trị Truyền Thống của ngôi trường. Kiểm soát lại cá nhân tôi và "gia tài" của thế hệ mình, phải nói thẳng rằng chúng tôi không có gì để bàn giao! 24 năm của công trình đấu tranh chống CSVN tại hải ngoại, tuy thành quả có đạt nhưng nó như gió ban mai, sương buổi sớm. Nói một cách chính xác hơn, đó là kết quả của một tập hợp cố gắng gồm nhiều màu, lắm sắc và đôi khi không có sự đồng thuận nào trên phương diện quan niệm hoạt động. Nếu "bàn giao" là bàn giao kinh nghiệm thì lại càng không ổn, vì kinh nghiệm do học hỏi mà có chứ không đến từ bàn giao. Nếu "bàn giao" dùng để chỉ sự truyền chuyển các giá trị tinh thần (bao gồm phong tục, tập quán, truyền thống) của dân tộc thì gia đình là đơn vị chính yếu mở đầu. Hành trang các bạn đang mang chứa đầy nhiệt tình, tâm huyết và đã được định hướng rõ ràng. Điều, thế hệ cha anh có thể dâng tặng thêm và cá nhân tôi nghĩ các bạn đang trông chờ, là sự hướng dẫn khách quan và những bài học kinh nghiệm đắng cay. Bởi vì, trước một đối thủ có quá nhiều kinh nghiệm lật lộng, gian manh, với phương tiện tuyên truyền dồi dào như CSVN, sự độc hành có thể làm cho con đường các bạn đi dài thêm và chắc sẽ làm dài thêm nỗi chờ mong của một dân tộc đang bị nung, nướng trên lửa đỏ.

Tôi đang viết những dòng tâm tình cùng bạn vào giữa tháng Tư. 24 năm nay, hằng năm cứ vào thời gian này, lòng tôi chùn lại với bao hình ảnh thê lương cũ của ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đất trời Việt nam ngày đó âm u, vần vũ với mưa buồn như sụt sùi nhỏ lệ khóc than cho một dân tộc bất hạnh bị đọa đày. Người lính trẻ lần đâu tiên bật tiếng khóc khi phải bắt buộc buông súng! Năm nay, cơn mưa trái mùa đầu Xuân miền Bắc Mỹ rơi nhẹ trên những cánh hoa Đào. Gió tạt, mưa sa, Đào vẫn rộ nở để đón chào mùa Xuân và lòng tôi, bên cạnh nỗi u sầu của một kiếp đời lưu lạc, vẫn cố nở nụ cười mừng nụ Đào tí hon vừa hé cánh. Bởi vì, tôi liên tưởng đến các bạn -Hoa Đào của Tin Yêu và Hy Vọng!

Phan Thiết Phạm Đình Thừa
Bắc Mỹ, ngày 20 tháng 4 năm 1999

No comments:

Post a Comment