Friday, June 19, 2009

Nhạc Sĩ Tô Hải, Hèn hay Không Hèn? - Đỗ Văn Phúc

Đỗ Văn Phúc

Có ai trong chúng ta - những người sinh ra và lớn lên tại miền Nam trong suốt cuộc chiến chống Cộng – mà không từng thưởng thức với sự ngưỡng mộ những lời ca bay bướm và âm điệu valse chậm rãi, nhẹ nhàng của bài Nụ Cười Sơn Cước của nhạc sĩ Tô Hải?

Tô Hải có lẽ là một nhạc sĩ ít có nhạc được phổ biến so với những tài năng khác thời tiền chiến. Nhưng hề gì, sanh ra một con họa mi vẫn tốt hơn đẻ ra một bầy chim tu hú. Dù những nhạc sĩ tài hoa miền Bắc đã ở lại phục vụ chế độ Cộng Sản, các bản nhạc của họ vẫn được quân dân miền Nam rộng lòng đón nhận và đặt vào đúng vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc miền Nam.

Chúng ta biết phân biệt rành mạch giữa tài năng văn nghệ và xu hướng chính trị trong mỗi con người. Đó là nét đẹp cao quý của chế độ dân chủ tự do, khác hẳn với sự trù dập trong chế độ độc tài Cộng sản đối với bất cứ ai không có chung quan điểm với họ.

Mười bảy tuổi, Tô Hải đã đi theo kháng chiến như bao thanh niên yêu nước thời bấy giờ và đã kẹt lại trong guồng máy Cộng Sản. Ông gia nhập đảng Cộng Sản rất sớm, và từ đó đến nay đã hơn 60 năm ông đã liên tục phục vụ đắc lực chế độ như một đặc công văn nghệ. Ông leo lên cấp ủy của đảng CSVN nhờ sự cúc cung tận tụy cho đảng cho đến năm 65 tuổi mới chịu về hưu.

Hơn 60 năm, trải qua bao kinh nghiệm về Cộng Sản mà mới đây ông đã tiết lộ ra trong cuốn “Hồi Ký Của Một Thằng Hèn”, ông vẫn âm thầm chịu đựng mà không một lần phản kháng. Bạn bè ông, nhiều người đã đứng hẳn lên như trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, có vị đã tỏ ra tiêu cực phản đối hoặc bất cộng tác với cái chế độ phi nhân đó.

Những năm đấu tố cải cách ruộng đất, cha mẹ vợ ông đã bị bọn cán bộ thảm sát. Ông biết họ bị oan “Gia đình vợ tôi chẳng có một tấc đất nào, nhưng bị đẩy lên ... (hàng) địa chủ” Đứa con trai của Tô Hải, do cha mẹ vợ chăm sóc thì: ”… một thằng bé, không, một cái xác trẻ con gầy guộc xám ngoét. Ðó là thằng con yêu quý của tôi. Nó chỉ còn thở thoi thóp sau bảy ngày chỉ sống nhờ những lá rau lang, mà ông bà ngoại ngắt về từ mấy luống khoai trồng trước nhà, mớm cho .... “

Ấy thế mà người đảng viên Tô Hải đã phải tỏ ra dửng dưng, dứt khoát với “kẻ thù giai cấp” để bảo toàn an ninh và sự nghiệp của mình.

Rồi chính Tô Hải đã từng viết ra nhiều bản nhạc ca tụng tên đồ tể Hồ Chí Minh để sau này đã được chính Hồ Chí Minh và bọn lãnh tụ chóp bu của Cộng Sản ban cho nhiều huân chương, huy chương, khen thưởng.

Nói đến chữ hèn, là nói đến sự nín lặng, chịu đựng bất công, đàn áp mà không dám lên tiếng rên la, phản kháng. Chung quy, những văn nghệ sĩ trong chế độ CS hèn là vì an toàn bản thân trước sự dòm ngó, quấy nhiễu của công an, trước sự đe doạ của án tù đăng đẳng mệnh danh “cải tạo”. Họ hèn vì cái tem phiếu với tiêu chuẩn hàng tháng mấy “lạng thịt lợn”, mấy “cân gạo”, chút “mì chính”… mà người dân thường không ai có được. Họ hèn vì căn phòng tập thể 5, 7 mét vuông cho cả một gia đình nhung nhúc chục nhân khẩu, so với những chòi lá rách nát của người dân.
Hãy nghe Tô Hải nói trong khi trả lời phỏng vấn của Mặc Lâm, Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 7 tháng 6, 2009 vừa qua:

“… chớ còn đời sống vật chất thì giữa lúc nhân dân đau khổ, kiếm từng miếng thịt, kiếm từng miếng đậu phụ, thì dân văn nghệ cũng không đến nỗi. Anh nào càng viết được nhiều, càng nịnh bợ được nhiều thì anh đó lại càng được hưởng quyền lợi hơn. Anh vào được cái chức ban chấp hành, anh vào được cái chức tổng thư ký, mà tất cả đều là cơ quan của đảng và nhà nước, thì anh ăn lương.”

Vì thế, đám văn nghệ sĩ Bắc Việt cam tâm làm văn nô, thi nô, nhạc nô, hoạ nô, sáng tác theo lệnh của đảng để lừa bịp nhân dân mà không hề thấy lương tâm xót xa.

Có mấy ai như Phùng Quán, Phan Khôi, thẳng thắn hiên ngang chửi vào mặt bọn cường quyền bằng những bài thơ, bản văn vạch trần sự bỉ ổi của chúng? Có mấy ai như nhà thơ .... làm hàng trăm bài thơ chửi thẳng vào “thần tượng” Hồ Chí Minh và chế độ CS ngay trong lòng chế độ ở Hà Nội.

Có mấy ai can đảm như Hữu Loan, bỏ đảng, bỏ lính mà trở về quê xưa, lấy người con gái của một địa chủ bị đấu tố làm vợ, chấp nhận cuộc sống lao động cực nhọc trước bao nhiêu quấy nhiễu, đe doạ cuả công an.

Tô Hải không chỉ hèn như ông đã tự thú.

Nhiều người đã lên tiếng, ghép thêm cho ông nhiều tĩnh từ thậm tệ hơn. Chúng tôi không muốn nhân đây, hùa vào đánh thêm những đòn đau đớn cho một cụ già đã 83 tuổi gần đất xa trời.
Không rõ Tô Hải đã có nhận thức này từ bao giờ: “Cái gọi là chủ nghĩa Cộng Sản chính là một tà giáo đại bịp nhất trong lịch sử loài người mà những tên lãnh tụ tối cao của chúng dựa vào để gây chiến tranh nồi da xáo thịt, để tiến hành âm mưu hiểm độc tiêu diệt mọi lòng tin khác, mọi nhận thức, mọi tình cảm, mọi tình yêu, kể cả lòng yêu nước của con người”. (HKCMTH, trang 415)

Cái chủ nghĩa đó có mặt ở Việt Nam từ năm 1930, cầm quyền từ năm 1945, mà cho đến thập niên đầu của thế kỷ 21, ông mới chịu “can đảm” nói ra, sau gần 60 năm ngụp lặn trong vũng bùn tanh hôi đó.

Trong hồi ký, ông cũng nêu ra vài trường hợp những người không hèn mà ông biết rõ cảm phục. Nhưng tuy biết, cảm phục, ông vẫn không chịu phản tỉnh sớm cho dân chúng nhờ.

Vì thế, chúng tôi hoàn toàn phản bác ý kiến của nhà phê bình Ngô Nhân Dụng cho rằng: “nhạc sĩ Tô Hải không hèn. Ông đã dành hàng chục năm cuối của cuộc đời kể tội chính mình. Ông nằm trên giường bệnh nhưng vẫn vào mạng lưới Internet, trở thành người giữ blog lớn tuổi nhất Việt Nam, nêu gương sáng cho lớp thanh niên. Thông điệp ông gửi cho giới trẻ, cho đồng bào, cho cả những người từng là đồng chí của ông còn trong đảng Cộng Sản, là: Chúng ta không được phép sống hèn nữa. … Phải can đảm phi thường thì một người ở tuổi 83 mới làm được công việc đó“.

Đài RFA đã khen Tô Hải là: ”người nhạc sĩ tài hoa nhưng bất khuất“. Thú thực, tôi chẳng biết hai chữ bất khuất có quá bị lạm dụng không? Và như thế, trường hợp Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Linh Mục Nguyễn Văn Lý… phải dùng tĩnh từ nào cho xứng đáng?

Điều đáng lưu ý là những vị cựu đảng viên "Phản Tỉnh" như Bùi Tín, Hoàng Minh Chính, Trần Khuê, Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang … phải chờ cho đến khi cuối đời, hoặc bị thất sủng mới có "cam đảm" nói ra những nhận định, những oan trái mà thời thanh niên tràn sức sống, đầy nhiệt tình, họ đã HÈN HẠ chịu đựng? Họ thừa biết ở vào cái tuổi gần đất xa trời của họ, bọn cầm quyền Cộng Sản cũng chẳng thèm hành hạ thêm làm gì cho mang tiếng, ngoài việc viết dăm ba bài báo chửi rủa hay cho du côn quậy phá tư gia. Cho nên, không thể dùng chữ hèn những trường hợp này, mà đó chính là sự mù quáng, ngu si, thiếu tính người, hùa theo bạo quyền để mưu lợi trên xương máu dân tộc.

Theo lời kể của một người trong gia đình Tô Hải, thì sau đình chiến, bố ông vào Nam còn ông ở lại phục vụ CS. Chị (hay em gái ông) lấy một sĩ quan cao cấp VNCH. Sau 1975, ông vào Nam, đi thăm mộ cha, thấy tấm bia ghi hàng chữ: "Hiền tế Thiếu Tướng LQT phụng lập". Tô Hải đã biểu lộ bản chất CS mất dạy của mình bằng cách lớn tiếng chửi bới và ra lệnh đập vỡ tấm bia mộ cha mình. (theo một bài viết của Thiết Trưởng, đăng trong Đặc san Ức Trai số Xuân 2009, phát hành tại California)

Hồi Ký Của Một Thằng Hèn có thể được coi là một chứng cớ có giá trị để buộc tội một chế độ dã man đểu cáng. Mọi người Việt Nam đều cần đọc để hiểu thêm về những năm tháng đen tối của tổ quốc. Nhưng xin hãy trả lại cái danh xưng mà tác giả đã tự nhận. Xin đừng biện bạch hay công kênh lên vai một người “can đảm” mà họ không hề chứng tỏ ra như từng làm với các “nhà phản tĩnh” Bùi Tín, Hoàng Minh Chính …

Lại nhớ về ngày Quốc Hận 20-7-1954
Đỗ Văn Phúc


No comments:

Post a Comment