Saturday, June 20, 2009

Nỗi buồn của tướng hồi hưu - Lâm Văn Sang

Lâm Văn Sang

Xin gửi đến quý vị bài viết của Ký giả Lâm văn Sang, Tổng Thư Ký tuần báo VTimes (San Jose) viết về Cựu Trung Tướng Tôn thất Đính nhân dịp Ông về San Jose thăm thân nhân vào tháng 6 năm 2009.

Đọc bài viết này, quý vị sẽ biết thêm vài chi tiết về cái chết của Cố Tổng Thống Ngô đình Diệm và bào đệ Ô. Ngô đình Nhu và sự tham gia của cựu TT Tôn thất Đính vào "chính phủ Nguyễn hữu Chánh" và cuối cùng "là lòng yêu nước bị lừa bịp (theo như lời nguyên văn Ông nói với ký giả Lâm văn Sang)

Bài viết này đăng trong tuần báo VTimes số 159, phát hành ngày Thứ Sáu 12/6/2009 tại San Jose


Trung tướng Tôn Thất Đính
"Nỗi ám ảnh lớn hơn mọi ám ảnh, cái bóng ma của quá khứ đó, là cái chết của tổng thống Ngô Đình Diệm. Giải thích của ông về lý do ông tham gia các tướng lãnh khác làm cuộc đảo chánh 1 tháng Mười Một, 1963 là vì ông muốn cứu mạng sống của ông Diệm. Cuộc đảo chánh đó tất yếu phải xảy ra dù không có ông... Ông chỉ chậm tay một chút vào giờ phút chót vì kẹt cú phôn của bà Nhu từ ngoại quốc gọi về trong khi lẽ ra ông đã lên đường đi đón hai ông Diệm và Nhu ở nhà thờ cha Tam trước hơn đối thủ của gia đình họ Ngô, những người chỉ chực chờ trả mối thù xưa, có chân trong hàng ngũ tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chánh.

Nhưng sau đó, ông “nhào vô giúp Nguyễn Hữu Chánh” và như thế đã “để cho lòng yêu nước bị lừa bịp.” Ông nói bình thản như chấp nhận một điều gì đó hiển nhiên, không che giấu hay làm đẹp sự hạn chế của mình. Thất bại đó được ông xếp bỏ vào ngăn kéo của quá khứ, chỉ mở ra khi cần, khi có người hỏi. Chuyện không còn là nỗi ám ảnh ông phải mang theo trong đời, bên mình." (Ngưng trích )

Nỗi buồn của tướng hồi hưu
VTimes, số 159, thứ Sáu, 12 tháng Sáu, 2009

Tôi gặp ông một lần. Lâu lắm rồi. Lúc đó ông có mặt ở San Jose để ra mắt cuốn hồi ký “20 năm binh nghiệp” do tuần báo Chánh Đạo xuất bản. Lúc tờ Việt Mercury vẫn còn xuất bản hàng tuần. Rồi sau đó, tôi không còn có dịp nào khác để gặp ông nữa mặc dù nghe nói thỉnh thoảng ông có ghé qua San Jose. Gặp lại ông chiều thứ Ba, 9 tháng Sáu, ở Paloma, như vậy, đã hơn mười năm trôi qua. Tôi không còn nhớ rõ hình ảnh mười năm trước của ông như thế nào để có thể so sánh với hình ảnh mười năm sau của ông bây giờ. Hình ảnh duy nhất mà tôi có của ông là bức ảnh chụp ngoài bìa quyển hồi ký mà ông gọi là tự truyện của ông. Ảnh có lẽ được chụp từ thập niên 1960. Người trong ảnh mang lon trung tướng có dáng dấp trai lơ (boyish?) chứ không phong trần điển hình của một người xông pha trận mạc mặc dù ông thực sự xông pha trận mạc từ 1944 và xuất thân từ binh nhất đi lên. Làm sao tôi có thể so sánh hình ảnh ông bây giờ với hình ảnh gần nửa thế kỷ trước của ông mà không bất công với ông qua việc làm đó? Quá khứ và hiện tại có bao giờ là một? Nhưng giữa quá khứ và hiện tại đó được nối liền chỉ bằng một tên họ của hai con người khác nhau: Tôn Thất Đính.

Nếu căn cứ trên tiểu sử trên bìa sau quyển hồi ký, ông sinh năm 1926, năm nay ông 83 tuổi. Ông có lẽ có thói quen tính theo ngày ta nên khi nghe ông nói “Anh năm nay 84 tuổi” tôi không ngạc nhiên. Ông xưng anh và gọi tôi là em. Chìu theo ý ông, tôi gọi ông là anh và xưng em. Có khi tôi gọi ông theo cách của hai cụ Nguyễn Hữu Hãn và Trương Đình Sửu bằng hai chữ trung tướng. Và trong câu chuyện kéo dài hơn tiếng đồng hồ, có khi ông xưng là tướng. Cần khuyên nhủ, ông nói: hãy tin tướng đi. Muốn khêu gợi trí tò mò của người nghe, ông nói: đêm nay tướng sẽ nói tất cả sự thật.

Sự thật nào. Tôi biết quyển hồi ký của ông chất dứt sau vụ đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm trong đó ông đóng vai trò then chốt. Là người thân tín của tổng thống Diệm, ông giữ chức vụ Tổng trấn Đô thành, nắm trong tay Quân Đoàn III, lại được toàn quyền sử dụng mọi lực lượng Hải Lục Không quân đóng ở các căn cứ Sài Gòn, Chợ Lớn, Biên Hòa. Rõ ràng một cuộc đảo chánh muốn thành công, không thể không có ông can dự.

Tôi biết kể từ năm 1967, ông từ bỏ quân đội và ra tranh cử chức vụ thượng nghị sĩ và đắc cử. Ông làm thượng nghị sĩ cho tới ngày mất nước. Đã hơn mười năm sau lần xuất bản hồi ký, ông có tiếp tục việc làm này cho phần đời còn lại? Ông xác nhận có viết tiếp và tất cả vẫn còn trong dạng bản thảo. Nhưng vì một lý do bí ẩn nào đó, ông tiếp tục nói đó sẽ là quyển hồi ký thứ ba. Tôi nhắc lại với ông đó phải là quyển thứ hai mới đúng. Ông gật đầu: quyển hồi ký thứ hai sẽ được xuất bản.

Hỏi về sức khoẻ, ông cho biết, “Rất tốt. Anh tập yoga hàng ngày.” Trong khi nói chuyện, ông không quên ly vang trước mặt đã cạn hay gần cạn để nhỏ nhẹ nhắc nhở bất cứ ai trong bàn tiệc “Rót thêm cho tướng.”

Trung tướng Tôn Thất Đính
Cuộc đời ông trước 1975 có thể chia làm hai: một thời quân sự và một thời chính trị. Trong hồi ký, nhiều lúc ông bày tỏ ý kiến của một nhà quân sự thuần thành, nghĩa là ông ghét chính trị. Thế thì tại sao ông lại bước vào chính trường sau đó? Ông cho biết ông chịu ảnh hưởng của Pháp trong quan niệm quân nhân không tham gia chính trị. Nhưng rồi, cũng theo ông, “thời cuộc đưa đẩy” ông trở thành một nhà chính trị “bất đắc dĩ”. Ông ra tranh cử chức vụ thượng nghị sĩ hai lần. Một lần trong liên danh Hoa Sen và lần khác trong liên danh Nông Công Binh. Trong cả hai lần liên danh của ông đều dẫn đầu.

Trong hồi ký, có nhiều chỗ, ông tỏ ra không hài lòng với quân đội.

Tôi hỏi: anh có hài lòng với sự nghiệp chính trị của mình sau đó hay không?

Ông đáp: hài lòng vì đáp ứng được với thời cuộc. Trong vị thế Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng Viện, ông nghĩ mình có cơ hội giúp quân đội và chính quyền hữu hiệu hơn.

Có lúc ông không trả lời thẳng vào câu hỏi. Trong cái quá khứ dầy đặc của ông, mọi chuyện dường như không được sắp xếp theo một đường thẳng thời gian một cách rõ ràng. Có thể ở đó mọi chuyện đều có liên hệ với nhau một cách bí mật nào đó ở ngoài tiêu chuẩn trước và sau. Hoặc cũng có thể quan niệm về khoảng cách thời gian cần thiết để hiểu rõ hơn quá khứ chỉ là một ảo tưởng của con người, do con người tạo ra để đánh lừa trí nhớ mình. Một cách nào đó, ông không thể đề cập đến biến cố tháng Tư, 1975 mà không thể nói tới thái độ của Hoa Kỳ đối với chính quyền đệ nhất Cộng Hòa trong năm 1963. Mối quan hệ nhân quả đó sâu xa hơn cái quá khứ trực tiếp chẳng hạn như từ hiệp định Paris năm 1973, hay từ chuyện tổng thống Hoa Kỳ Nixon bắt tay với Trung Quốc trước đó.

Ông sống trải qua cả hai cuộc chiến của cả hai thời Pháp và Hoa Kỳ can dự, trước và sau 1954. Điều này còn có nghĩa là ông chứng kiến cả hai cuộc ra đi của người Pháp và Hoa Kỳ. Hỏi về sự khác biệt của sự chia tay này, ông đáp: Pháp ra đi còn tình cảm; Mỹ táo bạo hơn, bạc tình, bạc nghĩa. Hỏi tiếp theo tại sao tháng Tư, 1975 ông không đi Pháp, ông đổ lỗi cho thời cuộc: lúc đó Mỹ bốc nên đi Mỹ. Bạn bè quen biết người Pháp sau đó không liên lạc với ông? Không, buồn chỗ đó.

Ông còn buồn nhiều chỗ khác nữa. Thời gian đầu định cư ở Hoa Kỳ ông không làm gì cả, có nghĩa là chỉ “viết sách để dạy con cháu sự thật”. Nhưng sau đó, ông “nhào vô giúp Nguyễn Hữu Chánh” và như thế đã “để cho lòng yêu nước bị lừa bịp”. Ông nói bình thản như chấp nhận một điều gì đó hiển nhiên, không che giấu hay làm đẹp sự hạn chế của mình. Thất bại đó được ông xếp bỏ vào ngăn kéo của quá khứ, chỉ mở ra khi cần, khi có người hỏi. Chuyện không còn là nỗi ám ảnh ông phải mang theo trong đời, bên mình.

Nỗi ám ảnh thật sự của ông chỉ rõ ràng hơn sau khi người ta nghe ông nói chuyện được ít lâu. Có một điều gì đó ông không nói tới không được, không nhắc tới không được. Điều đó trong câu chuyện, bất cứ câu chuyện gì, được nói chen vào và được lập đi lập lại nhiều lần. Điều đó có thể bắt đầu hay chấm dứt bằng câu có chữ “ân hận”. Ông nói đến “nỗi đau mất nước” về tháng Tư, 1975 nhưng, dường như chính biến cố này cũng không đè nặng lên đời sống ông cho bằng nỗi ám ảnh không rời kia. Nỗi ám ảnh lớn hơn mọi ám ảnh, cái bóng ma của quá khứ đó, là cái chết của tổng thống Ngô Đình Diệm. Giải thích của ông về lý do ông tham gia các tướng lãnh khác làm cuộc đảo chánh 1 tháng Mười Một, 1963 là vì ông muốn cứu mạng sống của ông Diệm. Cuộc đảo chánh đó tất yếu phải xảy ra dù không có ông.. Ông chỉ chậm tay một chút vào giờ phút chót vì kẹt cú phôn của bà Nhu từ ngoại quốc gọi về trong khi lẽ ra ông đã lên đường đi đón hai ông Diệm và Nhu ở nhà thờ cha Tam trước hơn đối thủ của gia đình họ Ngô, những người chỉ chực chờ trả mối thù xưa, có chân trong hàng ngũ tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chánh.

Còn ai quan tâm đến chuyện này ngày nay ngoại trừ các sử gia? Hai cụ Hãn và Sửu bận tâm chuyện gần đây hơn và điều này, một phần, giải thích cho sự hiện diện của ông Tôn Thất Đính ở San Jose.

Điều bận tâm đó thực sự không mới. Chuyện đã được bàn tán, thảo luận, nói đi nói lại nhiều lần trong suốt đời sống tỵ nạn của người Việt trên đất nước này. Nói chán thì ngừng. Ngừng chán lại nói tiếp. Bây giờ San Jose đang tiếp tục nói về bệnh chia rẽ trong cộng đồng.

Như nhiều người khác, ông giải thích liền lập tức tình trạng chia rẽ phát xuất từ nghị quyết 36 trong nước. Tôi nhắc ông “tiên trách kỷ”. Ông hiểu ý và giải thích căn bệnh từ tham vọng cá nhân rồi sau đó đưa ra thêm một lý do khác: có quá nhiều tự do. Vậy để giải quyết vấn đề phải giảm bớt tự do đi chăng, tôi hỏi tiếp. Ông cười biết tôi đùa và đề nghị phải dùng đạo đức. Đông hay Tây? Ông nói chắc nịch, Đông phương thôi, Tây phương không có đạo đức. Rồi bỗng dưng ông chuyển đối tượng sang thế hệ trẻ không vâng lời cha mẹ với đề nghị các hội đoàn và báo chí góp tay vào giúp sức vào việc làm đổi thay thực tế không hay này. Tôi không rõ lắm ý của ông giữa tình trạng chia rẽ và thế hệ trẻ nhưng cố tình nói nương theo để ông không lạc đề. Trước hết, thế hệ trẻ bây giờ không đọc được tiếng Việt cho nên báo chí chẳng làm được gì. Kế tiếp, chuyện chia rẽ là chuyện rõ ràng của thế hệ già chứ chưa bao giờ là chuyện của thế hệ trẻ. Còn việc mang đạo đức Đông phương ra dạy dỗ thế hệ già thì còn gì nghịch lý hơn. Họ từ khuôn khổ đạo đức đó mà ra. Vấn đề trước kia, khi người Việt bắt đầu lo lắng đến thế hệ trẻ và tìm cách trao bó đuốc cho họ, bây giờ đã qua. Hiện tại, không phải một bó đuốc mà có quá nhiều bó đuốc được trao tay loạn xạ cho thế hệ trẻ. Chia rẽ trước kia là vấn đề của thế hệ thứ nhất bây giờ có nguy cơ được chuyền tay vào thế hệ thứ hai. Không hiểu điều tôi nói có đủ thuyết phục hay không, sau đó, ông quay về với công thức của ông trong quá khứ có liên hệ với quan niệm của người Pháp: đừng để quân đội can dự vào chính trị. Ông tin với uy tín của mình ông có khả năng thuyết phục một số tướng lãnh khác trong vùng. Ông không chắc mình có thể thành công nhưng ông có nguyên tắc riêng: cứ làm, thành bại không cần biết.

Trong trường hợp này, tôi thành thật chúc ông thành công.

Lâm Văn Sang



4 comments:

  1. Một ngụy biện trơ trẻn cho hành động phản phúc của một kẻ thất học và thiếu đạo đức.
    Nếu có học đã không bị gạt bởi tổ chức chính trị ma "Nguyển hữu Chánh"
    Nếu có đạo đức đã không phản phúc ngừơi hết sức tin dùng và đề bạt mình.
    Nếu có liêm sỉ đã không đổ cớ cho một cú phone nên không cứu được ngừơi.
    Nếu có trí thông minh đã không nghĩ ra nhửng ngụy cớ thật vô lý và ấu trỉ.
    Thật bất hạnh cho dân tộc Việt vì đã có quá nhiều lủ sâu bọ lên lảnh đạo và nắm quyền lực.
    Tôi là một thanh niên VN trẻ, tôi rất ghét và hận bọn tướng lảnh bất tài VN trước 1975.
    Mấy ngài hảy về nghỉ và chờ chết...Không có tư cách gì để nói đến chuyện lo lắng cho giới trẻ VN ở hải ngoại. Chúng tôi khọng muốn thừa hưởng một chút di sản tri thúc hoặc tin thần nào từ những ngừơi vô dụng, hại dân, hại nước.

    ReplyDelete
  2. Toi tan thanh y' kien cua ban Thong .

    That dang phi nho cho mot ke "an chao da bat"

    Chang qua chi co mot chu "HEN`" nen moi vien du ly do de bien minh cho hanh dong thua mot con vat cua ten tuong Ton That Dinh.

    Dao
    Anaheim, California

    (sinh sau nam 1975)

    ReplyDelete
  3. ton that dinh la ten an chao dai bat,thang phan phuc vo luan,loai ngu xuan hen ha..that nhuc nha cho dong ho ton that quy phai ! bay gio ngoi do ma an han lan om han ...1 doi vo tich su ,pha thoi,lam can !

    ReplyDelete
  4. Thằng nầy theo Việt cộng, website nầy là của Việt cộng.

    ReplyDelete