Tuesday, June 9, 2009

Nói với con bằng thứ tiếng nào đây? - Ngọc Lan

Ngọc Lan

Tính từ ngày cộng đồng Việt Nam hiện diện trên miền đất này đến nay đã ba mươi mấy năm. Ba mươi mấy năm đủ cho một lớp người trưởng thành, lớn lên và sản sinh ra thêm một thế hệ nữa. Ðể có thể tồn tại và phát triển, mỗi người chúng ta phải đối diện với biết bao vấn đề, chất chồng biết bao tâm tư, trong đó cam go và khó khăn nhất vẫn là vấn đề bất đồng ngôn ngữ.

Trong khuôn khổ bài báo này, người viết không muốn đề cập đến vấn đề bất đồng ngôn ngữ trong giao tiếp ngoài xã hội, mà sâu xa hơn, đó là bất đồng ngôn ngữ trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái.

Lựa chọn thứ ngôn ngữ nào đây, và dạy con thứ ngôn ngữ nào đây để con có thể vừa ra ngoài bằng chúng bằng bạn, vừa có thể hiểu được, cảm thông được tâm tư của cha mẹ, và không quên cái gốc Việt Nam của mình. Ðiều đơn giản đó, chúng ta đã bao giờ tự hỏi mình?

Phải thừa nhận rằng số người Việt Nam không nói được tiếng Anh, hoặc tiếng Anh chỉ dừng lại ở những câu giao tiếp thông thường là rất lớn. Cha mẹ quan tâm, hỏi thăm con bằng tiếng Việt, con nghe, hiểu, nhưng trả lời bằng tiếng Anh. Cha mẹ nghe tiếng được tiếng mất, nhưng đại khái hỏi nó học hành hôm nay ra sao, nghe nó trả lời “Good” hay “ok” thì cứ yên tâm là được. Khi con học cao hơn, sâu hơn, con cần khám phá cái này, tìm hiểu cái kia, không thể hỏi cha mẹ, hay tự nó biết 'kiến thức của ba mẹ nó hạn hẹp' thì nó cứ hỏi thầy hỏi bạn, hay mày mò trên Internet. Ðến lúc đó, cha mẹ và con cái hình như đã là hai thế giới khác nhau, bởi không chia sẻ được những suy tư.

Cũng có những bậc cha mẹ cố thu xếp thời gian đến với những lớp ESL (English as a Second Language) để mong có thể hiểu con cái mình nói gì. Nhưng sự tiến bộ đó không là bao khi trở về nhà tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ chính. Ði chợ, đi làm, quanh quẩn trong cái khu đông đúc người Việt thì cần gì phải trau giồi tiếng Anh.

Với những đứa bé mới chập chững vào lớp một, bước đầu học đọc, học viết, học đặt câu. Nó réo lên, “Mẹ ơi spell giùm con chữ ‘bush’.” “À, 'push' hả?” “Không, con nói là 'bush' không phải 'push,' 'b' không phải 'p'...” Người mẹ bắt đầu lúng túng, bởi lưỡi người lớn cứng rồi, sao mà khó phân biệt 'b' hay 'p' quá.

Hay có khi từ trường trở về, nó hào hứng kể cả một câu chuyện dài xảy ra ở lớp, vốn tiếng Việt không đủ, nó sử dụng tiếng Anh. Cha mẹ không hiểu, hỏi đi hỏi lại, đến lúc nó ôm đầu và bảo, “Never mind, không có gì,” thì cả cha mẹ lẫn con đều cảm thấy sự bất lực của mình. Con mất đi sự phấn khởi lúc đầu. Cha mẹ buồn sao con mình không nói được tiếng Việt hay tự trách mình sao không hiểu hết tiếng Anh.

Bên cạnh đó, lại có những cha mẹ chỉ thuần sử dụng tiếng Anh với con, tự hào là cha mẹ và con cái đều có thể chia sẻ mọi điều. Nhưng một sớm mai kia, bất chợt có người nói, “Con người Việt sao không nói được tiếng Việt” mới giật mình, “không chừng con mình đã mất gốc tự lúc nào...”

Tôi mượn câu chuyện sau đây của một người bạn, cũng là một người mẹ, để mỗi chúng ta tự suy nghĩ cho chính mình.

“Hôm nay trong lớp của Beo có tổ chức một trò chơi gọi là 'Teach in a Teaching Day.' Mỗi đứa sẽ thay phiên nhau lên dạy hay hướng dẫn những bạn khác trong lớp bất cứ kỹ năng gì mà mình thích.

Beo suy nghĩ mãi mà vẫn không biết nó sẽ làm gì. Cuối cùng, Beo quyết định sẽ dạy vài câu tiếng Việt xã giao. Mẹ khen ý kiến đó hay. Thế là buổi tối hai mẹ con lên một danh sách vài câu tiếng Việt thông thường cùng cách đếm số một hai ba.

Beo nằm lăn ra tập viết và tập đọc suốt buổi tối.

Thấy con khổ sở đánh vần, mẹ mới ngỡ ngàng là cái vốn tiếng Việt của thằng con trai 10 tuổi của mình chỉ bằng con số không.

Beo đọc đã rất khó khăn, ngay cả việc đếm từ 1 tới 10, huống gì tới viết.

Nhưng thấy con cố gắng, mẹ cũng không tỉ mỉ sửa lại cho hoàn hảo, bởi không muốn làm con thất vọng mà nản chí.

Sáng nay, trên đường lái xe đưa con đến trường, mẹ hỏi vui, ‘con đã sẵn sàng chưa?’ Beo lắc đầu, ‘I do not want to do it. I cannot do it.’

Mẹ sững sờ, phát cáu lên. Giận mà la con ngay trong xe. Rồi tự nhiên mẹ bật khóc vì thất vọng, buồn, và cả cô đơn nữa. Hai mẹ con đã tập dợt cực lực cả đêm hôm qua, giờ con nói là con làm không được. Con là người Việt Nam thế mà chỉ vài câu tiếng Việt thông thường nhất mà bì bõm không xong thì còn làm quái gì được.

Con thấy mẹ giận thì im re. Sau đó lí nhí cũng bằng tiếng Anh là con đã có kế hoạch khác, con sẽ dạy tụi nó xếp máy bay bằng giấy vậy.

‘Tùy con,’ mẹ hờn dỗi.

Con vào trường rồi, lòng mẹ chùng lại. Con không nói được tiếng Việt thì con không có đủ tự tin để mà dạy người khác. Con tự hiểu con không thể làm đại khái như người lớn được.

Mà con không nói được tiếng Việt là tại mình hết chứ có phải tại nó đâu mà la nó. Ừ, tại mình tất.

Hồi còn ở chung nhà, có bà nội nói tiếng Việt thường xuyên với con, mẹ thì nửa Anh nửa Việt. Rồi bà nội mất. Tiếng Việt trong nhà không còn ai nói. Mẹ lại bận bịu với chuyện học hành để mong lấy lại mảnh bằng đại học, rồi cao học để sau này cuộc sống sẽ vững vàng hơn. Mẹ vất vả học tiếng Anh với cuốn từ điển tiếng Việt bên cạnh, sẵn đó thì mẹ giúp con mà cũng là đem con ra để mà thực hành tiếng Anh cùng mẹ, chứ mẹ không có thời gian dạy con học tiếng Việt hay mang con đến nhà thờ hay chùa Việt Nam vào cuối tuần cho con nói tiếng Việt với những đứa trẻ Việt khác.

Càng ngày, mẹ lại càng chỉ nói toàn tiếng Anh với con cho nhanh để không phải giải thích. Con ở một nơi không hề có bóng người Việt, hoặc nếu có thì người ta cũng nói với nhau bằng tiếng Anh cho nó nhanh.

Mẹ nhớ hôm dẫn con về Việt Nam thăm ngoại, thấy con không nói được một câu tiếng Việt nào cho ra hồn, ai cũng trách, trong khi mẹ thì vẫn thản nhiên, ‘Thì từ từ nó cũng nói được thôi. Nó vẫn là Việt Nam mà.’

Buổi tối đi ngủ, mẹ kể chuyện cổ tích Việt Nam cho con nghe bằng tiếng Anh. Mẹ không biết dịch danh từ trái thị ra tiếng Anh là gì nên khi kể chuyện Tám Cám, mẹ ghép bừa trái thị bằng trái cam (orange). Bà ngoại hỏi, ‘Sao không kể cho nó nghe bằng tiếng Việt.’ Mẹ kêu, ‘con buồn ngủ quá rồi. Kể nhanh cho nó đi ngủ. Nếu kể bằng tiếng Việt, rồi lại phải giải thích bằng tiếng Anh, chắc tới sáng luôn quá!’

Bà ngoại im lặng.

Giờ nhớ lại, mẹ nghĩ chắc lúc đó bà ngoại buồn lắm. Và cũng rất cô đơn như mẹ bây giờ. Vì cháu cưng của bà không nói chuyện được với bà, còn con của bà thì xì xồ với cháu bà bằng cái thứ tiếng gì đó mà bà nghe không được. Xa lạ quá. Ngày xưa, bà ngoại kể chuyện Tấm Cám cho mẹ hằng đêm. Mẹ say sưa nghe, mãi không chán. Bây giờ, mẹ kể cho con nghe bằng tiếng Anh, thì cũng đại khái để thỏa mãn trí tò mò con nít, chứ không bay bổng ‘vàng ảnh vàng anh,’ hay ‘thị ơi thị rụng bị bà’ được. Con mình không có cái diễm phúc đó. Chỉ vì nó không biết tiếng Việt.

Chẳng phải mẹ chảnh chẹ không muốn con mình học tiếng Việt. Cũng chẳng phải cái vốn tiếng Anh của mẹ hay ho gì để có thể tự tin mà dạy con.

Chỉ bởi cái vốn tiếng Việt của con đã eo hẹp từ ngày con bé, thì càng lớn, càng mất đi thêm. Con lớn rất nhanh. Hỏi mẹ nhiều hơn. Lắm lúc mẹ phải nghiên cứu trên Internet để học thêm rồi mới trả lời cho con được. Mà cái vốn tiếng Việt của con làm sao đáp ứng được cái kiến thức cần thiết của con. Thế là mẹ xài tiếng Anh cho nhanh. Cho xong việc. Rồi cứ hớn hở động viên mình ráng học thêm tiếng Anh với con. Vì vậy, cái chuyện học tiếng Việt của con lại có cớ xếp xó. Mẹ cứ tự nhủ, ‘từ từ tụi nó học, biết mấy hồi.’

Cho đến hôm nay, mẹ thấy thằng con 10 tuổi của mẹ phát âm líu cả lưỡi từ 1 tới 10, tim mẹ thắt lại. Mẹ sai rồi.

Bao nhiêu đề tài mẹ làm toàn là đề cao văn hóa, con người, truyền thuyết, lịch sử Việt Nam. Mẹ lúc nào cũng lớn tiếng tự hào mẹ là người Việt Nam, da vàng mũi tẹt.

Thế mà có mỗi việc dạy con tiếng Việt thì hơn 10 năm nay, mẹ đã làm không được.”

Thực sự, nói với con bằng thứ ngôn ngữ nào đây, tiếng Việt hay tiếng Anh, hình như không dễ dàng như người ta tưởng.

Ngọc Lan

No comments:

Post a Comment