Friday, June 12, 2009

Hà văn Thịnh với Bài «Chủ trương lớn của đảng ta!» - Nguyễn Thanh Ty

Nguyễn Thanh Ty

Hà văn Thịnh hiện là giảng viên Sử của Đại Học Huế. Ngoài việc rao giảng lịch sử đảng Cộng sản trong giảng đường cho các em sinh viên thấm nhuần công lao trời biển của đảng ta và «Ơn Bác, ơn đảng» ra, ông còn ký hợp đồng viết bình luận cho báo Lao Động.

Ngày 19/01/09 ông viết một bài về vụ khai thác bô xít trên Tây Nguyên nhan đề «Gánh nặng của thế hệ hôm nay» đăng trên báo Lao Động cùng ngày. Nội dung là lên án việc khai thác tài nguyên bừa bãi, của đảng không cần biết đến hệ lụy về môi trường sống.

Có đoạn rất cứng: (trích) «Có tài nguyên thiên nhiên là tốt, cần lắm. Nhưng, có những đất nước không có tài nguyên vẫn giàu có như thường – bài học từ Nhật Bản là một dẫn chứng điển hình. Nếu chúng ta cứ vắt thật nhanh, bòn thật nhiều «của để dành» cho con cháu, thì mai này lịch sử sẽ ra sao ? Dù muốn hay không, chúng ta buộc phải thừa nhận rằng chưa bao giờ tài nguyên của đất nước bị khai thác một cách vội vã đến như thế và, chưa đủ tinh thần trách nhiệm đến như thế.

Phải giải quyết xong «bài toán» chất thải từ việc khai thác các loại quặng trước khi khai thác nó, đó là nguyên tắc. Phải tính toán sao cho tài nguyên của đất nước được chia đều cho nhiều thế hệ là bổn phận của người đi trước. Đây không là chuyện hôm nay, mà là lợi ích dài lâu. Nếu không vì lợi ích dài lâu, đất nước ta sẽ không phát triển bền vững».

Sau đó ông cùng nhiều người ký tên trong bản kiến nghị gửi lên đảng để phản đối việc khai thác bô xít.

Thật ra bài báo cũng không có gì đáng nói. Nội dung không có gì mới mẻ hơn và không bằng nhiều bài báo khác của các nhà khoa học hay hai bức thư của tướng Giáp, đã phân tích tỉ mỉ vấn đề thảm họa môi trường, hiệu quả kinh tế, an ninh lãnh thổ v.v… đầy đủ hơn, giá trị hơn nhiều.

Điều đáng nói ở đây là bài viết tiếp theo ngày 27/4 cũng của ông giảng viên sử Hà văn Thịnh, sự việc lại quay ngoắc lại bài trước 180 độ, khiến cho nhiều người đọc phải bất ngờ đến độ sững sờ.

Có người gọi ông là con thò lò hai mặt. Có kẻ kêu ông là con kỳ nhông, một loài bò sát có khả năng đổi màu da rất nhanh ở môi trường thích nghi như ở cát thì màu trắng, ở bụi rậm thì màu xanh.

Số là, sau khi bài báo ngày 19/1 đăng ít lâu thì ngày 24/4 Bộ Chính trị ra Thông báo số 245 TB/TƯ có «Kết luận của Bộ Chính trị về bô xít» về việc quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 thì ngày 27/4 ông Hà văn Thịnh lập tức viết ngay bài «Sáng tỏ sự cân bằng đúng» để ca tụng «Chủ trương lớn của đảng ta» là đúng đắn và cần thiết, có nội dung trái ngược hẳn lại bài trước.

Xin trích vài điểm trong 5 điểm ông đã chỉ ra và khen nức nở đảng ta là vô cùng anh minh, sáng suốt trong việc «đường ta ta cứ đi mặc chó cứ sủa» trong việc «cõng» Trung Quốc vào Tây Nguyên để chúng tha hồ làm vương, làm tướng trong việc khai thác bô xít:

«Thứ hai, ‘ hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội’ là sự cân bằng đúng và đủ cho cả hai mặt lợi ích và bền vững. Cách nhìn nhận vấn đề như thế thể hiện sự tỉnh táo cần thiết trong giải pháp trước mắt và cả giải pháp chiến lược lâu dài.

Thứ năm, qua vấn đề bô xít, phải rút ra những bài học sâu sắc về sự hiểu biết và dư luận. Đa số người dân không hiểu tường tận sự thật của vấn đề nên dễ bị lợi dụng và bị kích động, đưa một chuyện riêng về kinh tế thành nguy cơ về chính trị, an ninh. Trong khi đó BCT đã khẳng định ‘không sử dụng lao động phổ thông nước ngoài’, tức là đã nhìn thấy bằng tầm nhìn xa một cách rõ ràng. Mặt khác, một vấn đề ở đây là ‘dân biết, dân làm, dân kiểm tra’.

Trách nhiệm của giới trí thức là rất lớn trong việc đánh giá, xem xét các lợi ích cục bộ và lợi ích tổng thể, kịp thời và chính xác trong việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước trước những nhiệm vụ cấp bách, liên quan đến sự nghiệp của dân tộc, tương lai của đất nước. Đảng lắng nghe và thấu hiểu ý kiến trí thức, nhưng không có nghĩa bỏ qua viêc một số người lợi dụng điều đó để xuyên tạc chống phá. »

Sau bài báo «tắc kè đổi màu da», dư luận trong nước rất bất bình về cái ông giảng viên khoa sử Hà văn Thịnh này. Đã có nhiều bài viết phản bác ông rất nặng ký. Nhưng tình trạng càng tệ hại hơn khi ông viết thêm một tâm thư gửi cho những người cùng ông ký kiến nghị phản đối. Vì bức thư này, ông Thầy sử Hà văn Thịnh lại càng bị phạng thêm nhiều quả búa tối tăm mặt mũi vì đã để lộ ra cái hèn của một anh nhà giáo, cam tâm uốn gối, khom lưng làm văn nô, bồi bút quá ư lộ liễu và trơ trẽn.

Xin đan cử hai bài phản bác làm điển hình, các tác giả vừa trích ý thư của ông vừa bình:

1. Ông V. Quốc Uy trong bài 2 viết: «Chữ ký của một kỳ nhông»
và «Đừng xóa tên ông Thịnh», ông Quốc Uy đánh giá: «Trong bài ‘Chữ ký của một kỳ nhông’ tôi đã phác họa chân dung hai ông Hà văn Thịnh trái ngược nhau, một CHÍNH một TÀ, có vẻ trắng đen phân biệt, nên khó tin là một người. Nhưng sau khi đọc ‘Thư ông Hà văn Thịnh’ gửi những người đã gửi kiến nghị’ thì tôi lại tưởng tượng chân dung ông Hà văn Thịnh sinh động hơn. Sự đời không phải chỉ có CHÍNH hay TÀ, mà còn có ‘cải TÀ quy CHÍNH’, ‘cải CHÍNH quy TÀ’, có khi lại ‘TÀ CHÍNH luân phiên’.

Thiên hạ bình phẩm. Người thì cảm động trước ‘lời thú tội’ thành thực của ông Thịnh, chỉ thương chung cho cái kiếp nhà báo, nhà văn Xã hội Chủ nghĩa. Ngược lại, có người càng mất cảm tình với ông Thịnh hơn, vì ông đã lôi cả đám cùng nhúng chàm vào để làm nhòe đi cái trách nhiệm và tư cách cá nhân. Người ta nhại:

Bút nô là tại ‘hướng đình’
Cả làng nô bút, đâu mình Hà Văn… ?


Phải ghi nhận công của ông Hà văn Thịnh trong bức thư này là đã nói toẹt ra (một cách hơi Chí Phèo) về cái ‘hướng đình’ (định hướng) đã làm cho ‘cả làng toét mắt’. Tôi thấy nên cám ơn ông vì với bức thư ấy ông đã cung cấp những sự thực của một ‘người trong chăn’, để nhắc nhở cả làng phải mau mau xoay lại cái ‘hướng đình’ (nếu không thì chẳng những toét mắt mà còn mù cả lũ cho mà xem).

Xin trích mấy câu của ông Thịnh để ghi lại cái công ấy:

«Nói là bồi bút cũng phải, không sai đâu. Thế nhưng, cần phải lật ngược vấn đề rằng có ai ăn lương hiện nay mà đã không từng một lần ‘bồi bút’? CNXH khoa học sai nhiều như thế, ai nói?

Còn nói dối? Không có một nhà giáo dạy KHXH nhân văn nào không nói dối để nhận lương!

Xin các quí vị hiểu biết lịch sử đúng như nó cần phải được hiểu như thế! »

… Nhưng có lẽ ông Thịnh không đến nỗi yên tâm làm công cụ như những người khác, không hỗn hào như thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, dám văng vào mặt những trí thức mà chính những người lãnh đạo cấp cao cũng phải kính nể những lời khiếm nhã như ‘xuyên tạc sự thật’ - nhằm dụng ý xấu – hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động’. Ông Hà văn Thịnh, không biết do bị bạn bè phê phán, hay do sự day dứt của một người đứng trên bục giảng mà trong giây phút nào đó ông đã không chịu nỗi cái thân phận bồi bút, khiến ông quên cả giữ gìn mà tố cáo ra những điều cần phải tố cáo?Cuộc vật lộn giữa vị giảng viên đại học với tên bồi bút dối trá thường không phải một lần là đã phân thắng bại, nhưng bạn bè và sinh viên cổ vũ cho ai, đâu là vinh đâu là nhục thì người thầy giáo chắc phải cảm nhận được. Nhiều bài nhắc đến tên ông Hà văn Thịnh, vì đó không chỉ là tên một người mà còn là một hiện tượng : Hiện tượng Hà văn Thịnh, đầy kịch tính.

Những người như ông Thịnh không ít. Nhưng nhiều, mà vị nào cũng thấy cô đơn. «Chính quyền cho tôi vào sổ đen, còn người trung nghĩa gạt tên mình ra. Đời thật là bi kịch», ông tâm sự rất thật như thế.

2. Blogger Linh - Tác giả Linh viết trong blog của mình như sau:

(trích) «Ông Hà văn Thịnh viết bức thư nhằm giải bày sự việc ông viết hai bài báo trên báo Lao Động về beauxite có tinh thần trái ngược hẵn nhau vào ngày 19/1 và ngày 27/4. Đọc cứ như hề:

‘Tôi như một kẻ tội đồ. Đảng không tin tôi. Những người chính trực trên đất nước này cũng thế. Có thể, ‘cách đi’ của nhà báo nhọc nhằn, đau đớn đã làm cho tôi không biết cách né tránh hay dùng bút danh. Nhưng đó là số phận. Tôi chấp nhận. Tôi đã lường trước chuyện này lúc toà báo yêu tôi viết khi tôi mới thấy tên mình trong danh sách (ký tên phản đối khai thác beauxite Tây Nguyên) trước đó vài giờ ’.

Muốn kéo cả nhân loại xuống bùn để không phải chịu trách nhiệm cá nhân, ông cho rằng toàn giới nhà giáo (dạy KHXH nhân văn) đều nói dối như ông, toàn giới ăn lương đều từng làm bồi bút như ông.

Và ông thắc mắc với nhũng người phản đối sự tráo trở bất nhất của ông trong hai bài viết trước và sau khi có kết luận của Bộ Chính trị ‘ Hơn nũa, tại sao quí vị không đánh thẳng vào các VIP đi mà lại cứ nhè vào một kẻ phải viết báo để kiếm sống, để mong mỏi chút thay đổi nhạt mờ?’.

… Trong bài 27/4, ông hết lời ca ngợi Bộ Chính trị nào là có chủ trương từ lâu, cân nhắc suy xét kỹ càng, nào là biết tiếp thu ý kiến người dân, nào là có tầm nhìn xa một cách rõ ràng. Thế nhưng trong bài trần tình với những người cùng ký tên vào đơn phản đối việc khai thác beauxite, ông lại viết như thể xoa đầu Bộ Chính trị ‘Lời để kết thúc, tôi muốn nói rằng BCT đã ra thông báo như thế là đã biết sai rồi’.

Vậy là ‘chủ trương đúng đắn’ của BCT là đúng hay sai đây? Hay ông Thịnh là người có biệt tài ngửi gió? Còn ‘thơm’ hay ‘thối’ thì là tùy hướng gió?

Và tác giả Blog Linh kết thúc bài viết dài của mình bằng một câu rất ngắn nhưng cũng rất nặng ký:

«Xem ra ông Thịnh có thể có chữ ‘sĩ’ nhưng ắt là không có chữ ‘sỉ’. Hà văn Thịnh hay Hà Phù Thịnh?

Kẻ sĩ của một nước mà hèn thì quốc gia ấy ắt sẽ phải suy vong. Nhà nước độc tài đảng trị cộng sản Việt Nam đang đi vào vết xe đổ, bắt sĩ phu trong nước thành kẻ hèn để dễ bề cai trị thì con đường bại vong, mất nước đã thấy sờ sờ ngay trước mắt.

Suốt hơn 60 năm dưới gọng kềm sắt máu của đảng cộng sản Việt Nam giới sĩ phu, trí thức, văn nghệ sĩ … đều bi o ép, bắt buộc dưới mọi hình thức từ bạo lực đến khủng bố, hăm dọa, bao vây kinh tế, bóp bao tử, trù dập … phải phục vụ tuyên truyền, bẻ cong sự thật, làm lệch lịch sử có lợi cho chúng thì chuyện kẻ sĩ bị hèn không phải là chuyện lạ và đáng trách. Không hèn hôm nay thì ngày mai buộc phải hèn chỉ vì để sống còn.

Kẻ sĩ Bắc Hà, ở trong giai đoạn đảng đang say máu ‘giết lầm hơn bỏ sót’, như cá nằm trên thớt, những ai không cúi đầu nghe theo lệnh đảng như Hữu Loan, Phùng Quán, Trần Dần, Phan Khôi … được mấy ai ?

Tuy nhiên điều đáng hổ thẹn ở đây là có người, con số không phải là ít, lại hãnh diện cam tâm khom lưng làm văn nô, bồi bút cho ác quyền mà lương tâm và lương tri không một mảy may ‘bức xúc’ và ‘trăn trở’ với những dòng chữ nhơ nhớp của mình viết ra.

Loại người này luôn luôn chực chờ, rình mò cơ hội để sẵn sàng lập công dâng đảng, bất chấp thủ đoạn cốt chỉ được nhận cái vết … nhơ một thời làm lính văn nghệ cho đảng như Tô Hải đã vạch ra.

Cái đám lính văn nghệ cho đảng hiện nay rất đa số, đa năng, đa hiệu. Ngoài nghiệp vụ của người làm báo là thông tin ra chúng còn làm tài khôn của chó săn, cầm đèn chạy trước ô tô, chiếm luôn quyền hạn của lập pháp, hành pháp và tư pháp nữa. Bài viết của chúng luôn có đủ ba nhiệm vụ: vu cáo, kết tội và hung hăng ra án phạt trong khi đối tượng đang còn trong tình trạng điều tra.

Cứ xem các bài báo của những Xuân Quang (báo Nhân Dân), Như Phong (báo Công An), Anh Quang (báo Hà Nội Mới), Hà văn Thịnh (Báo Lao Động), Thái Nam, Phạm Gia Minh, Nguyễn Ngọc Trân, Thi Nga … và còn nhiều kẻ phải bịt mặt để viết bài vu khống, mạ lỵ, hạ nhục, bôi bẩn đối tượng, ký tên hai chữ tắt P.V để khỏi xấu hổ với chữ nghĩa bẩn thỉu của mình thì đủ biết chúng là loại gì.

Tóm lại, dù chúng có lấy bút danh, bút hiệu gì gì đi nữa để trốn tránh dư luận thì tự thâm tâm chúng cũng là những thứ văn nô, bồi bút, chó săn tệ mạt, hèn nhát.

Một ngày nào đó ‘đảng không tin tôi nữa’ như Hà Văn Thịnh than thở thì rồi chúng cũng sẽ cùng nhau đấm ngực và khóc rống lên, ca bài ca con cá rằng ‘Đời là bi kịch’.

Hãy ngẫm xem hai trường hợp điển hình vừa nêu trong bài, một nhạc sĩ Tô Hải và một giảng viên sử Hà văn Thịnh, ai là kẻ bi, ai là kẻ hài của một kiếp văn nô, bồi bút ?

Nguyễn Thanh Ty
17/5/09

No comments:

Post a Comment