Friday, June 12, 2009

DÂN CHỦ VÀ ĐỜI SỐNG - Đỗ Thái Nhiên

Đỗ Thái Nhiên

Đối với CSVN, dân chủ là từ ngữ tối kỵ, không nên nhắc tới. Khi bị đối mặt với dân chủ, CSVN chỉ có thể nói lơ mơ về dân chủ tập trung, dân chủ trong nội bộ đảng. Đăc biệt, cuối tháng 05/2009, nhân một cuộc phỏng vấn của báo Đại Đoàn Kết, cơ quan truyền thông của CSVN, ông Trần Xuân Giá, cựu bộ trưởng bộ Kế Hoạch Đầu Tư, minh thị phát biểu rằng:

“Để đất nước phát triển bền vững phải xây dựng cho được nền dân chủ”.

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao ông Trần Xuân Giá, một trong những thành viên quan trọng hàng đầu của chế độ Hà Nội lại đưa ra lời kêu gọi vừa kể? Đi tìm giải đáp cho câu hỏi này chúng ta không thể không khảo sát mối quan hệ giữa dân chủ và đời sống.

Dân chủ và tính chính thống của chế độ chính trị:

Đất nước là của toàn dân. Toàn dân là chủ nhân ông duy nhất và tối cao của đất nước. Nhà cầm quyền phải thực sự là công bộc của nhân dân. Những công bộc này phải được nhân dân trực tiếp tuyển chọn thông qua những thủ tục ứng cử và bầu cử công khai và công bằng. Một chế độ chính trị chỉ có được tính chính thống chừng nào chế độ đó ra đời từ một cuộc bầu cử hợp lệ. Hợp lệ có nghĩa là hình thức “đảng cử dân bầu “ cần bị loại bỏ triệt để. Hợp lệ còn có nghĩa là cuộc bầu cử phải được chuẩn bị chu đáo thông qua những hoạt đồng truyền thông đích thực tự do và trong sáng. Như vậy chính thống đồng nghĩa với chính nghĩa. Chế dộ phi chính thống, phi chính nghĩa không sớm thì muộn sẽ phải bị lịch sử trừng phạt.

Dân chủ và nhân quyền:

Nói một cách chung nhất nhân quyền là quyền được sống bình đẳng, quyền được thực sự nắm giữ vai trò làm chủ đất nước với tư cách công dân. Muốn như vậy muôn người như một cần được tự do tư tưởng và tự do hành động trên căn bản tự do của một người có giới hạn là tự đo của những người chung quanh. Nhân quyền của người dân chỉ là những cái bánh vẽ nếu người dân không thực sự làm chủ guồng máy cầm quyền. Làm chủ ở đây có nghĩa là sự thực thi quyền xử dụng lá phiếu để chỉ định nhà cầm quyền. Nói ngắn và gọn: dân chủ là phương pháp luận của nhân quyền. Dân chủ và nhân quyền như hai mặt không thể tách rời của một bàn tay.

Tàu xâm lược sẽ biến mỗi người dân thành một tên nô lệ. Ý thức về nhân quyền, tấm lòng tha thiết đối với nhân quyền là những động lực cực mạnh hối thúc người dân quyết liệt chống ngoại xâm, quyết liệt chống thân phận nô lệ.

Dân chủ và sức dân:

Cuộc xâm lăng của Trung Cộng nhằm vào đất nước Việt Nam đang được tiến hành bằng những hành động cụ thể trên các lãnh vực kinh tế, chính trị, quân sự. Lịch sử loài người đã chứng minh: không một quốc gia nào có thể chống ngoại xâm một cách hữu hiệu nếu chính quyền của quốc gia đó không được nhân dân ủng hộ. Nhân dân chỉ ủng hộ chính quyền chừng nào chính quyền có tính chính thống đích thực. Nói cách khác nhân dận chỉ hợp tác với chính quyền chừng nào chính quyền là công bộc của người dân hiểu theo nghĩa dân chủ chân chính. Mặt khác, sức dân chỉ tích tụ và phát triển trong một xã hội ổn định. Xã hội ổn định trên nền tảng mọi công dân đều tôn trọng luật pháp. Về mặt bản chầt, luật pháp có hai loại; pháp quyền và pháp trị. Pháp quyền là luật pháp do nhà cầm quyền độc tài lập ra để cưởng bách người dân phải tuân hành những mệnh lệnh độc tài áp bức. “Ổn định” của xã hội pháp quyền là “ổn đinh” nằm bên dưới họng súng. Pháp trị là hệ thống luật pháp được làm ra bởi những ngươì do dân bầu ra theo dung thủ tục dân chủ đích thực. Người dân chỉ tôn trọng luật pháp do dân làm ra. Dân chủ là cha đẻ của pháp trị và pháp trị là cội nguồn của ổn định xã hội.

Chỉ có chế độ dân chủ mới có hợp tác giữa chánh quyền và nhân dân, mới có ổn định xã hội, mới có sức dân để chống bành trướng Bắc Kinh.

Dân chủ và bài toán kháng cự Bắc Xâm:

Từ nhiều thập niên qua, trong những tuyên truyền xám, tuyên truyền bán chính thức, CSVN thường biện hộ cho tình trạng “lép vế” của Việt Cộng trước Trung Cộng bằng lý lẽ rằng: Trung Quốc có công hổ trợ đảng ta từ khi đảng ra đời cho đến ngày nay và rằng công lao kia bao gồm cả nhân lực lẩn vật lực, nếu tính thành tiền thì đây là số tiền cực lớn. Chính vì món nợ to lớn vừa kể, đảng ta không thể không đãi ngộ Trung Quốc bằng một lề lối ngoại giao ẩn chứa nhiều nhượng bộ. “Chính sách ngoại giao đầu hàng” cho thấy món nợ khổng lồ đã làm cho CSVN hoàn toàn mất khả năng chống Bắc xâm. Vậy thì muốn chận đứng sức bành trướng của Bắc Kinh, CSVN cần làm gì?

Trước tiên chúng ta hãy phân tích tính chất pháp lý của CSVN đứng ở vị trí con nợ của Trung Quốc. Mãi cho đến bây giờ đảng CSVN không hề có một văn kiện pháp lý nào để minh chứng CSVN là một chánh đảng có tư cách pháp nhân được luật pháp Việt Nam ban cấp và nhìn nhận. CSVN là một đảng không có giấy phép hoạt động nhưng lại có những việc làm gây xâm hai nặng nề tới tài sản và sinh mạng của người dân. Không còn nghi ngờ gì nữa: về mặt pháp lý CSVN hiển nhiên là một băng đảng. Quan hệ chủ nợ và con nợ giữa Trung Quốc và CSVN chính là quan hệ giữa Trung Quốc và một nhóm tư nhân Việt Nam, hay nói rõ hơn một băng đảng Việt Nam.

Điều tệ hại là nhờ vào tội ác cướp chính quyền băng đảng CSVN trở thành nhà cầm quyền CSVN. Từ đó Trung Quốc và CSVN đã đồng hóa món nợ của CSVN đối với Trung Quốc thành món nợ của quốc gia Việt Nam đối với chế độ Bắc Kinh. Và cũng từ đó chẳng những không chống cự mà CSVN còn tiếp tay cho Trung Quốc xâm lăng Việt Nam với ẩn ý là “Để trả nợ”. Vả lại, mặc dầu gọi là nợ, thế nhưng, giữa Trung Quốc và CSVN cũng không hề có giấy nợ, lai càng không có thời hạn trả nợ và phương pháp trả nợ.

Nhìn chung, trong hiện tình bang giao giữa Trung Quốc và CSVN, số tiền băng nhóm CSVN nợ Trung Quốc chẳng khác nào một mớ kẽm gai, CSVN vô phương giải gỡ. Chỉ có một chế-độ mới thực sự do dân bầu, thực sự dân chủ, thực sự đại diện cho toàn dân Việt Nam mới có đủ năng cách chính trị và pháp lý để kháng cự Trung Quốc xâm lược. Chế độ này sẽ nói cho Trung Quốc, nhất là nói cho công luận quốc tế rõ: Con nợ của Trung Quốc là băng đảng CSVN. Quốc gia Việt Nam không hề nợ Trung Quốc. Luận cứ vừa nêu sẽ triệt hạ mực độ hung hăng của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đồng thời thuyết phục nhiều quốc gia trong cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam chống Bắc xâm.

Tóm lại,

Dân chủ là tính chính thống của chế độ chính trị, là động cơ tâm lý tạo khối đoàn kết toàn dân.

Dân chủ là công cụ thực thi nhân quyền. Nhân quyền là ngọn lửa chống mọi loại nô lệ, nhất là nô lệ ngoại xâm.

Dân chủ là mọi trường qui tụ sức dân trong nỗ lực chống ngoại xâm.

Dân chủ lả cơ hôi lý luận nói lên chân lý rằng với tư cách một băng đảng hoạt động không giấy phép CSVN đã là con nợ của Trung Quốc. Quốc gia Việt Nam không hề nợ Trung Quốc.

Các điều vừa tóm lược ở trên là một khảng định mạnh mẽ rằng: muốn đề kháng lực bành trướng của Bắc Kinh, muốn tồn tại như một quốc gia dộc lập, Việt Nam không thể không tiến lên dân chủ. Ông Nguyễn Xuân Giá kêu gọi dân chủ cho Việt Nam để nỗ lực xây dựng dân chủ cho Việt Nam hay chỉ để ru ngủ người dân. Không cần phải đi tìm hậu ý của Nguyễn Xuân Gia, mỗi người dân Việt Nam đều có nghĩa vụ cố gắng hết sức mình để thực hiện dân chủ cho Việt Nam. Đó là nội dung trọng tâm của bài viết Dân Chủ Và Đời Sống.

Đỗ Thái Nhiên

No comments:

Post a Comment