Trong những năm gần đây, số lượng công nhân Trung Quốc đến Việt Nam làm việc ngày càng đông. Hệ quả là đã dẫn đến nhiều vụ ẩu đả, đánh người Việt Nam và xem thường công an, chính quyền tại địa phương. Theo bản tin ngày hôm qua trên VietNamNet thì hàng trăm công nhân Trung Quốc đã “quậy tưng” ở khu vực chung quanh công trường dự án dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Vụ việc mà các phóng viên của VietNamNet tường trình thật ra đã xảy ra từ 6 tháng về trước. Đó là ngày 28/12/2008, hôm đó có trận bóng đá chung kết giải AFF giữa Việt Nam và Thái Lan. Theo vợ chồng anh Nguyễn Văn Len và chị Lê Thị Nghị, là người trực tiếp can dự vào vụ này kể lại thì sau khi tan trận bóng đá hôm đó có 6 công nhân Trung Quốc vào quán mua thuốc lá, bóc ra nhưng không trả tiền, rồi xô xát với chị Nghi là vợ của anh Đen.
Bước vô nhà thấy có một nhóm khách 6 công nhân Trung Quốc bóc gói thuốc ra mà không trả tiền lại còn xô xát với vợ mình nên anh Đen phải đuổi bọn người này ra khỏi quán. Ngay lập tức bọn người này nhảy vào đánh luôn anh Đen. Do đó hai vợ chồng anh buộc phải dùng gậy đuổi bọn người này ra ngoài.
Nhóm người này sau đó đã quay trở lại với một lực lượng lên đến 40 người. Thấy thế anh Đen liền cầu cứu hàng xóm, nhưng bọn người này hung hãn, đánh vợ chồng anh và cả hàng xóm. Chưa dừng ở đó, nhóm công nhân đã tăng cường thêm lực lượng lên đến 200 người, ngăn chận các ngõ ra vào của xóm, đánh đập những người thân trong gia đình anh Đen, cũng như tất cả những ai là người Việt Nam mà chúng bắt gặp. Cửa kính của các nhà dân trong khu vực này đều bị chúng đập vỡ, nhà cửa bị phá phách.
Chi Dương Thị Đào, một hàng xóm của anh Đen thuật lại: “Hễ nhà ai cửa mở hoặc đèn sáng là bọn chúng vào đập phá hết”. Chị Đào Thị Minh cũng cho biết khi ấy vì nhóm công nhân TQ này quá đông, cho nên “ai ra đường thấy chúng đều phải chạy, chứ không dám chống lại,...”.
Đêm 28/12/2008: hàng trăm công nhân Trung Quốc tại công trình nhà máy xi măng Nghi Sơn ùa ra đường trang bị gậy gộc đập phá, đánh đập người đi đường ... hò hét, xông vào nhà dân đập phá. Đó chỉ là một trong nhiều vụ việc lộn xộn do công nhân Trung Quốc gây ra tại đây, vì theo lời của Thượng tá Nguyễn Như Thân, Phó phòng an ninh kinh tế Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết còn có nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra trước đó nữa. Ông Thân tiết lộ vào ngày 24/09 năm ngoái, bên trong công trường do nhà thầu Trung Quốc quản lý đã bắt được 2 kẻ trộm là người địa phương. Khi được thông báo sự việc, công an từ đồn Nghi Sơn đã đến để giải giao 2 kẻ trộm về đồn lấy khẩu cung. Tuy nhiên nhà thầu Trung Quốc đã không giao người mà còn đưa ra hơn 50 công nhân để trấn áp lực lượng công an đồn Nghi Sơn, đòi hỏi phía công an phải làm theo yêu cầu của phía công nhân Trung Quốc (không nghe ông Thân cho biết là phía công nhân Trung Quốc đã yêu cầu gì).
Tiếp đến vào tháng 11/2008, có một số người Việt Nam ở địa phương trèo rào vào bên trong công trình để đánh cắp sắt thép, đã bị phát hiện và bị công nhân Trung Quốc vây bắt, đánh đập. Mặc dầu phía công an địa phương có yêu cầu giao người để giải quyết nhưng nhà thầu Trung Quốc đã tự xử bằng cách trói chặt và treo những người này lên cổng, để qua đêm rồi mới thả ra.
Một vụ việc khác được ông Thân kể lại là vào tháng 4 năm nay, trong lúc những công nhân của Tổng Cty Xây dựng Hà Nội đang thao tác lắp đặt ở bên trên dàn giáo, và bên dưới là các công nhân của Cty vật liệu xây dựng CNBM (Trung Quốc) đang thi công lắp đặt thiết bị cơ, điện ở bên dưới thì một công nhân VN lỡ đánh rơi một sợi dây thừng, khiến cho một công nhân Trung Quốc giật mình, ngã người ra phía sau, khiến người công nhân này bị xây sát nhẹ. Ngay sau đó, người công nhân Trung Quốc bị thương nhẹ đã được Tổng Cty Xây dựng Hà Nội đưa đến bệnh viện điều trị, kể cả mọi chi phí khác. Tưởng chỉ dừng ở đó, phía nhà thầu Trung Quốc đã yêu cầu phải bồi thường thêm cho công nhân này $1,200 Tệ nữa nhưng phía Tổng Cty Xây dựng Hà Nội đã từ chối. Ngay lập tức nhà thầu Trung Quốc đã huy động toàn thể công nhân, với ống tuýp sắt trong tay bao vây ban quản lý dự án của Tổng Cty Xây dựng Hà Nội,...
Tình trạng công nhân Trung Quốc ngông nghênh, quậy phá đã diễn ra tại hầu hết các địa phương có nhà thầu Trung Quốc làm việc.
Tại công trường xây dựng nhà máy xi măng Công Thanh huyện Nhơn Trạch cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ lộn xộn. Sau giờ làm việc, các công nhân Trung Quốc ghé vào các quán cafe, quán nhậu ở đây. Từ đó đã xảy ra nhiều vụ ẩu đả huyên náo giữa công nhân Trung Quốc và người Việt Nam. Chủ một cửa hàng tạp hoá và dịch vụ cho thuê xe gắn máy ngay trước nhà máy xi măng Công Thanh kể: “Có bữa mẹ tôi cho một công nhân Trung Quốc thuê xe với giá 50.000 đồng/ngày. Anh ta đi liền 3 ngày mới về nhưng không chịu trả tiền mà còn tính đập phá xe của tôi. Thấy vậy, tôi giảm giá xuống còn 100.000 đồng cho cả 3 ngày nhưng anh ta vẫn không chịu, quay lại đánh cả tôi, đuổi tôi chạy lòng vòng khắp nhà…”. Công nhân Trung Quốc thuê xe máy chở 3 không đội mũ bảo hiểm, đụng vào dân địa phương rồi bỏ chạy. Khi bị chặn lại thì bọn họ lại hùng hổ đuổi đánh dân, gây náo loạn cả khu vực.
Mới đây một nhóm công nhân Trung Quốc đã đem thuốc lắc đến một quán Karaoke ở phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh mở nhạc lớn, nhảy nhót giữa đêm khuya, gây náo động cả một khu vực. Tuy Công an TP Bắc Ninh có đến làm việc, đưa nhóm người này về đồn, nhưng sau đó đã thả ra mà không xử lý gì cả.
Hôm 21/6, một nữ lao công VN tại khu đô thị Mỹ Đình 1, khi vừa vào thang máy để làm việc thì bị một tên công nhân Trung Quốc nhảy tới ôm chặt và toan tính dở trò đồi bại. May nhờ lanh trí, bấm nút mở cửa thang máy nên chị đã thoát nạn. Tên dâm tặc này bị bắt sau đó, nhưng không nghe nói công an đã xử phạt tên này như thế nào.
Trên đây chỉ là một số hệ lụy “nhỏ” từ sự hiện diện của hàng ngàn công nhân Trung Quốc tại một số công trình trên đất Việt Nam hiện nay. Thử hỏi, khi dự án Bauxite ở Nhân Cơ, Đắc Nông bắt đầu với khoảng 5-6 ngàn công nhân Trung Quốc hiện diện tại địa phương này thì các tác động xã hội vào môi trường chung quanh sẽ như thế nào. Đó là chưa kể đến mối nguy về an ninh quốc phòng mà các nhân sĩ trong và ngoài nước đang lên tiếng báo động.
Có một điều lạ là chuyện công nhân Trung Quốc đập phá ở Nghi Sơn, Thanh Hóa đã xảy ra từ 6 tháng trước mà cho đến nay mới được đem lên báo la sao? Còn một điều lạ nữa là khi những công nhân Trung Quốc làm những công việc phổ thông này “quậy tưng” tại địa phương nơi họ làm việc thì không mấy khi thấy công an xuất hiện nhanh chóng để “bắt khẩn cấp” cho người dân nhờ. Trong khi đó, đối với người dân trong nước thì công an lại thẳng tay đàn áp dã man, không từ nan bất cứ thủ đoạn gì, cho dù đó là những người trí thức yêu nước nồng nàn.
Thấy những cảnh này mới ngán ngẩm cái nhà nước CSVN và công an đúng là một lũ khôn nhà dại chợ!
Lê Minh
No comments:
Post a Comment