Saturday, June 27, 2009

Người thiếu phụ uổng tử - Nguyễn Ðạt Thịnh

Người thiếu phụ uổng tử có đủ sức lật đổ chế độ độc tài Iran không?

Nguyễn Ðạt Thịnh
Neda Agha-Soltan
Thiếu phụ uổng tử là cô Neda Agha-Soltan, 26 tuổi, người Iran; ông bố cô và cậu hôn phu của cô nói cô không bênh vực một ứng cử viên nào cả; cô chỉ thèm khát tự do, tự do cho cô, tự do cho mọi người Iran đồng chủng của cô. Chiếc xe du lịch chở cô bị kẹt trên một con đường nhánh, sau một đoàn xe khác, đoàn xe tìm cách vào trục giao thông chính nơi hàng chục ngàn người biểu tình đang giao tranh sôi nổi với cảnh sát Iran.

Cảnh sát bắn hơi cay, đi xe mô tô lao vào đám đông, và sử dụng gậy gộc đánh người biểu tình, ngược lại đoàn biểu tình cũng dùng đá ném cảnh sát.

Không khí trong xe nóng bức, cô Agha-Soltan mở cửa bước ra; một tiếng súng, cô ngã xuống đường và nói “viên đạn đốt cháy tôi.” Viên đạn do một tay bắn xẻ núp trên nóc nhà gần đó, bắn vào những chiếc xe đưa “viện binh” đến cho lực lượng biểu tình.

Người cùng đi với cô trên xe là vị giáo sư dạy nhạc cho cô. Cô thích hát, nhưng Hồi Giáo cấm không cho nữ giới ca hát trước chốn công cộng nên việc cô đi học hát có tính cách lén lút.

Vị giáo sư âm nhạc quỳ xuống bên cạnh cô tìm cách cứu thương, nhưng ông cũng chỉ vụng về bất lực, một bác sĩ chạy đến xem xét rồi nói, “vô phương, đạn trúng ngay tim”; một thanh niên dùng cái cell phone quay hoạt cảnh ngắn không đầy một phút từ lúc cô trúng thương tới lúc cô tắt thở.

Vài tiếng đồng hồ sau, hình ảnh cái chết oan uổng của người thiếu phụ Iran được truyền hình thế giới.

Hình ảnh cái chết oan uổng của Neda Agha-Soltan
được truyền hình loan tải khắp thế giới

Tờ Whasington Post nói người Iran có tập tục kính trọng những người tử đạo, và cô Agha-Soltan lập tức trở thành thần tượng của cuộc đấu tranh chống độc tài.

Tổng thống Hoa Kỳ Obama nói, “Cảnh một thiếu phụ bước xuống xe và lập tức bị bắn chết cho thấy bạo lực đã cao đến mức không thể chấp nhận. Không thể đàn áp những người đấu tranh cho công bằng; lúc nào họ cũng đứng về phía phải của lịch sử.”

Chính giới Hoa Kỳ cho lời chỉ trích của ông là dè dặt, là nhút nhát, không dám nói lên lý tưởng yêu chuộng tự do cao đẹp của Hoa Kỳ. Nhiều nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa nhắc lại rằng chính lời thách thức Nga Sô phá tuờng Bá Linh của tổng thống Ronald Reagan làm bức tường ô nhục này bị phá.
Obama không để những thôi thúc đó đẩy ông đi xa hơn thái độ “trung lập” mà ông cố giữ. Ông nói, “Tôi biết có những người theo dõi tin tức Iran từng giờ, từng phút; tôi không theo dõi. Tôi biết chắc chắn là không có bàn tay sắt nào ngăn chặn được cuộc đấu tranh cho công lý.”

Obama cố giữ thái độ trung lập để không cung cấp cho Mahmoud Ahmadinejad, vị tổng thống đang bị người Iran tố cáo là gian lận bầu cử, một lập luận rất mạnh mà trước đây Việt Cộng thường xử dụng là mọi việc đều do Mỹ chủ truơng.

“Ðộc tài không đàn áp được sức mạnh của những việc đang xẩy ra trên đường phố Tehran” , Obama nói. “Tôi không muốn tạo môi trường giúp chúng có thể diễn dịch là Bạch Cung và CIA đạo diễn cuộc nổi dậy đó, trong lúc cuộc nổi dậy đang diễn ra trên đường phố chỉ cụ thể hoá thái độ bất mãn của nguời Iran.”

Cuối cùng quốc hội Hoa Kỳ cũng hiểu thái độ khôn ngoan của tổng thống Obama. Dân biểu Cộng Hoà Ron Paul của bang Texas nói, “Tôi ngưỡng mộ thái độ thận trọng của tổng thống Obama về tình hình Iran, và tôi hy vọng Hạ Viện cũng ngưỡng mộ ông.”

Phát ngôn viên của Hội Ðồng Bầu Cử Iran, ông Abbasadi Kadkhodai xác nhận là tại 50 đơn vị trong tổng số 366 đơn vị bầu cử, số phiếu đếm được nhiều hơn tổng số cử tri địa phuơng.

Trong lịch sử Iran, chưa bao giờ người Iran đi bầu nhiều như lần này. Họ chán ghét thể chế chính trị do tôn giáo ngự trị, và họ đi bầu đông là để mưu tìm việc thay đổi thể chế. Chính con số đông đúc cử tri đó giải thích số hàng triệu người đang xuống đường đòi hỏi công lý.

Tôi hy vọng cái chết của người thiếu phụ yêu chuộng tự do Agha-Soltan tạo xúc động mạnh làm gia tăng phẫn uất của người Iran; tôi cũng hy vọng tổng thống Obama tiếp tục “đứng ngoài” để không tiếp đạn “chính nghĩa quốc gia” cho ông tổng thống gian lận Ahmadinejad của Iran. Chính nghĩa giờ này đang nằm trong tay những người nổi dậy, nhưng chỉ cần được Mỹ “yểm trợ” chính nghĩa nổi dậy của người Iran sẽ yếu đi.

Nguyễn Ðạt Thịnh

No comments:

Post a Comment