Wednesday, June 24, 2009

LÃNH THỔ VÀ LÃNH HẢI VIỆT NAM - Nguyễn Thanh Liêm

Nguyễn Thanh Liêm

Lãnh thổ Việt Nam gồm có hai phần: một phần lớn nằm trên đất liền và một phần nhỏ nằm trên biển cả. Phần nằm trên đất liền có diện tích là 329,707 cây số vuông có hình dạng giống chư hình chữ S với hai đầu mở rộng ra mà người ta thường ví như hai thúng lúa mán trên cây đòn gánh. Hai thúng lúa đó là châu thổ sông Hồng Hà và đồng bằng sông Cửu Long, hai vựa thóc lớn của nước mình. Sách Địa Lý Việt Nam của Nguyễn Khắc Ngữ và Phạm Đình Tiếu, viết cho lớp 11 của mình hồi xưa ghi rằng nước Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới từ vĩ độ 8o33 đến vĩ độ 23o22 Bắc bán cầu. Nhìn vào bản đồ ta thấy vĩ tuyến 8o 33 đi ngang Mũi Cà Mau ở phía cực Nam và vĩ tuyến 23o22 đi ngang điểm cực Bắc của tĩnh Hà Giang Bắc Việt. Về kinh độ, nước ta nằm trong khoảng 102o và 109o Đông.

Lãnh thổ trên đất liền của nước ta có hai vùng ranh giới khác nhau: một bên là biển cả chạy dài từ Móng Cái ở phía Bắc đến tận Cà Mau ở phía Nam và vòng qua phía Tây đến tận Hà Tiên. Đây là vùng ranh giới thiên nhiên rất dễ nhận biết. Vùng ranh giới thứ hai nằm trên đất liền giữa Việt Nam và các quốc gia Cam Bốt và Lào ở phía Tây và giữa Việt Nam và Trung Hoa ở phía Bắc. Đây là vùng ranh giới rất khó phân định và là nơi thường xảy ra các vụ tranh chấp, nhất là giữa ta và Cam Bốt cũng như giữa ta và Trung Hoa. Xưa nay vẫn có sự lấn đất qua lại giữa dân ta và dân Cam Bốt ở vùng Châu Đốc nhưng nó không quan trọng và nguy hiểm bằng sự lấn đất trên ranh giới phía Bắc giữa nước ta và nước Tàu. Trên bản đồ hiện hành ta có sáu tỉnh ở Bắc Việt có phần đất giáp giới với Trung Quốc. Từ Tây sang Đông, đó là các tĩnh Lai Châu, Lào Kay, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Cọng Sản đã sửa đổi tên các tĩnh, thành ra có thể bây giờ là 5 tĩnh, gồm Lai Châu, Hoàng Liên Sơn (Lào Kay và Yên Bái), Hà Tuyên (Hà Giang và Tuyên Quang), Cao Lạng (Cao Bằng và Lạng Sơn) và Quảng Ninh. Đường dài ranh giới nầy có hơn 1,350 cây số.
Ngoài phần lãnh thổ chính trên đất liền ta còn có một phần nhỏ lãnh thổ trên biển cả. Đó là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa ở vào giữa hai kinh tuyền 111o và 113o Đông, giữa hai vĩ tuyến 15o 45’ và 17o 15’ Bắc bán cầu. Quần đảo Hoàng Sa gồm có hai nhóm đảo: nhóm Tuyên Đức (gồm 8 đảo) ở phía Đông và nhóm Nguyệt Thiềm (gồm 7 đảo) ở phía Tây. Khoảng cách củađiểm gần nhất của lãnh thổ đất liền của Việt Nam, là Đà Nẵng, đến Hoàng Sa là 200 hải lý. Điểm gần nhất của Hải Nam đến Hoàng Sa là 150 hải lý. Điểm gần nhất của Phi Luật Tân đến Hoàng Sa là 450 hải lý, và điểm gần nhất của Đài Loan đến Hoàng Sa là 620 hải lý.
Quần đảo Trường Sa gồm có nhiều đảo nhỏ trải dài cả 100 hải lý, giữa các vĩ tuyến 8o và 11o 40’ Bắc bán cầu. Trong số các đảo nhỏ nầy có 9 đảo khá quan trọng. Đảo chính là đảo Spratley, tức là Trường Sa. Khoảng cách từ Phan Thiết (điểm gần nhất) đến Trường Sa là 280 hải lý. Hải Nam đến Trường Sa là 580 hải lý. Palawan (Phi Luật Tân) đến Trường Sa là 310 hải lý, và Đài Loan đến Trường Sa là 900 hải lý. Quyển Bạch Thư của bộ ngoại giao VNCH hồi năm 1975 đãtrưng dẫn đầy đủ bằng chứng cho thấy ông cha ta đã từng làm chủ ở đây. Người Việt Nam đã đặt chân lên Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác làm ăn từ thế kỷ thứ XV, trước khi người Aâu Châu biết và đặt tên Paracels và Spratley cho hai quần đảo nầy. Mở đầu quyển bạch thư chánh phủ VNCH xác nhận rằng Hoàng Sa và Trường Sa dù chỉ chiếm diện tích nhỏ nhưng nó không kém quan trọng đối với người dân Việt. Nó là phần đất đai bất khả phân trong toàn thể lãnh thổ VN. Vùng lãnh thổ xa xôi nầy cũng đầy thân thương trong quả tim người dân Việt như vùng lãnh thổ thân thương khác của cha ông. Do đó chánh phủ VNCH và toàn dân VN, trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, long trọng tố giác sự chiếm cứ của ngoại bang trên vùng lãnh thổ nầy. Bạch thư viết: “Bổn phận cao quý và bó buộc nhất của một chánh phủ là phải bảo vệ chủ quyền, sự độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của quốc gia, Chánh phủ VNCH quyết tâm làm tròn bổn phận đó dù với bất cứ khó khăn nào.”

Trên đây là phần lãnh thổ trên giấy mực mà chúng ta có từ cuối thế kỷthứ XIX qua Hiệp Ước Thiên Tân hồi năm 1885 giữa Pháp và nhà Thanh bên Tàu . Cụ thể hơn nếu chúng ta có thể đi bằng đường bộ trên con đường chạy dài từ Bắc xuống Nam thì điểm khởi hành là Aûi Nam Quan và điểm cuối cùng ta đến là Mũi Cà Mau. Câu nói quen thuộc “từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau” được dùng để diễn tả chiều dài của nước ta từ vĩ tuyến 8o33 đến vĩ tuyến 23o 27’ vậy. Về sau câu nói nầy trở thành câu tượng trưng cho toàn thể lãnh thổ Việt Nam thành ra khi muốn đề cập đến sự vẹn toàn lãnh thổ, sự thống nhất đất nước hay sự đoàn kết quốc gia người ta đều có thể nghĩ ngay đến cụm từ nầy (từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau). Mũi Cà Mau và Ải Nam Quan do đó đã trở thành hai địa danh thiêng liêng trong tâm hồn người dân Việt từ bao đời.

Trên đây là lãnh thổ còn lãnh hải thì thế nào? Chúng ta có cả vùng biển mênh mông ở phía Đông, phía Nam và phía Tây Nam. Đó là Vịnh Bắc Việt, biển Nam Hải và Vịnh Thái Lan. Trong hai vùng biển ở phía Bắc là vịnh Bắc Việt, và ở phía Tây Nam là vịnh Thái Lan chúng ta phải chia sẻ với các nước láng giềng là Trung Hoa và Cam Bốt. Không rõ có hiệp ước nào giữa ta và Cam Bốt trong việc phân định lãnh hải của đôi bên không, chỉ thấy trước đây (trước 1975) Cam Bốt có đòi đảo Phú Quốc vì cho rằng đảo nầy nằm trong lãnh hải của họ. Riêng về Vịnh Bắc Việt thì đã có Hiệp Ước Constans năm 1887 làm nền tảng cho sự phân định lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Hoa. Theo Hiệp Ước nầy thì đường phân chia ranh giới là con đường thẳng nằm trên kinh tuyến 108o Đông. Vùng biển phía Tây của con đường nầy thuộc về Việt Nam, phần ở phía Đông thuộc Trung Hoa, với tỷ lệ VN khoảng 62% và Trung Hoa 38%.

Đất nước của chúng ta càng nhìn về thuở xa xưa chừng nào càng rộng ra và càng lùi sâu về phía Bắc chừng nấy. Chúng ta không có những bản đồ ghi rõ những đổi thay đó qua thời gian dài mấy ngàn năm trước Tây Lịch. Nhưng trong tâm hồn người dân Việt vẫn còn những mốc cắm phân chia ranh giới giữa ta và Tàu. Mốc cắm thứ nhất là cột đồng Đông Hán do tướng Mã Viện cắm hồi khoảng năm 42 Tây Lịch. Mã Viện cho cắm trụ đồng nầy để phân chia ranh giới giữa hai nước. Trên cột đồng có khắc câu “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” mà đa số người Việt Nam đều nhớ nằm lòng. Câu đó có nghĩa là khi nào trụ đồng gãy đổ thì dân Giao Chỉ sẽ bị tiêu diệt. Sợ trụ đồng gãy đổ nên ông cha ta, mỗi người một viên đá cứ đem tới mà đắp vào dưới gốc trụ đồng cho đến một ngày kia đá chất lên thành núi lấp mất cả trụ đồng. Cột đồng Mã Viện ở đâu, nay ta không còn dấu vết gì cả. Trước đây trong số các thức giả có người ức đoán vị trí của cột đồng nằm trong vùng đất Cổ Lâu hay ở trong chân núi Phân Mao thuộc Châu Khâm của tĩnh Quảng Tây bên Tàu.

Mốc cắm thứ hai rõ ràng chính xác hơn. Đó là Ải Nam Quan mà hình ảnh vẫn chưa và sẽ không bao giờ phai mờ trong sách sử. Đây là một ải quan do Trung Hoa dựng lên trên con đường qua lại giữa hai nước để ngăn chia ranh giới của đôi bên: bên phía Bắc là châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây Trung Hoa, và phía bên Nam là xã Đồng Đăng châu Văn Uyên tỉnh Lạng Sơn của mình. Bên phía Bắc cửa ải có “Chiêu Đức Đài” do nhà Thanh xây cất để cho sứ bộ Trung Hoa nghỉ ngơi trước khi lên đường sang Việt Nam. Trên cửa ải có tấm biển đề “Trấn Nam Quan”. Bên phía Nam cửa ải có Ngưỡng Đức Đài là phần xây cất của nhà Nguyễn để làm chỗ tiếp đón sứ bộ Trung Hoa sang công cán ở Việt Nam và cũng là nơi nghỉ chân của sứ bộ Việt Nam trên đường sang Trung Quốc. Theo các sử quan nhà Nguyễn thì Ải Nam Quan ra đời lúc nào không thấy ghi lại trong sách sử. Chỉ biết khoảng đời Lê Cảnh Hưng (niên hiệu của Lê Hiển Tông, 1740-1786), đốc trấn Lạng Sơn là Nguyễn Trọng Đang khi sửa lại “Ngưỡng Đức Đài” có cho lập bia trên đó có ghi đại lược như sau: “Nước Việt ta có Ngũ Lĩnh, quan ải trước ở đâu không rõ, là vì diên cách thế nào không ghi đủ. Gần đây lấy địa giới châu Văn Uyên trấn Lạng Sơn làm cửa quan. Cửa quan có Ngưỡng Đức Đài không rõ dựng tự năm nào, có lẽ bắt đầu từ đời Gia Tĩnh nhà Minh”.

Cửa Nam Quan mang nhiều tên khác nhau tùy triều đại. Cửa Nam Quan còn có tên là cửa Pha Lủy, từ đời Lê trung hưng người Tàu gọi là Trấn Nam Quan. Có lúc được gọi là Đại Nam Quan, Trấn Di Quan … Mao Trạch Đông đổi tên là Mục Nam Quan còn Hồ Chí Minh thì gọi là Hữu Nghị Quan. Tuy nhiên cái tên đẹp nhất, quen thuộc nhất và cũng thiêng liêng nhất đối với đa số người Việt Nam vẫn là Ải Nam Quan.

Ải Nam Quan nằm ở địa đầu tỉnh Lạng Sơn, cách Hà Nội 167 km về phía Đông Bắc. Từ Hà Nội lên tỉnh lỵ Lạng Sơn là 150 km, đi thêm 2 km nữa là đến Phố Kỳ Lừa. Từ Kỳ Lừa đi thêm 10 km nữa thì đến Đồng Đăng. Từ Đồng Đăng đi thêm 5 km nữa là đến Ải Nam Quan. Phía Tây Phố Kỳ Lừa có động Tam Thanh. Trước động Tam Thanh có núi Vọng Phu và tượng nàng Tô Thị mà câu chuyện thương tâm đã được nhạc sĩ Lê Thương diễn tả trong những bảng nhạc Hòn Vọng Phu bất tử của ông. Các địa danh nổi tiếng nầy cũng đã được người dân Việt ghi lại trong những câu ca dao:

“Đồng Đăng có Phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”.

Từ xưa cửa Nam Quan đã từng là nơi diễn ra bao nhiêu biến cố lịch sử đau thương cũng có nhưng phần lớn là oai hùng của dân tộc Việt. Đây là nơi xảy ra câu chuyện “hận Nam Quan” với lời dặn dò của Nguyễn Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi “con phải trở về thay cha báo thù nhà đáp đền nợ nước”, đánh dấu việc Nguyễn Trãi gạt nước mắt nghe theo lời cha đau đớn quay về thao luyện binh tướng phò tá Bình Định Vương dành lại độc lập cho xứ sở. Bao nhiêu binh tướng kiêu hùng của Trung Quốc đã xông vào cửa ải nầy qua dày xéo lãnh thổ Việt, rồi cũng bao nhiêu binh tướng đó mua lấy thất bại chua cay hoặc bỏ thây trên quê người hoặc nhục nhã xác xơ chạy trối chết qua cửa nầy về Trung Quốc như Thoát Hoan (nhà Nguyên), như Liễu Thăng (nhà Minh), như Tôn Sĩ Nghị (nhà Thanh).

Tiếc thay! Nam Quan giờ đã không còn. Lãnh thổ của ta không còn nguyên vẹn nữa. Từ năm 1958 Thủ Tướng của Cộng Sản Hà Nội là Phạm Văn Đồng đã gởi công hàm thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để đổi lấy sự viện trợ của Trung Cộng. Tiếp theo đó trong những năm gần đây nhằm thể hiện phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” trong quan hệ hai nước, Cộng Sản Hà Nội lại ký hai hiệp ước với Trung Cộng để nhượng một số lãnh thổ và lãnh hải cho bậc đàn anh không mấy thật lòng tốt bụng nầy.

Về hiệp ước thứ nhất, Vũ Khoan, thứ trưởng ngọai giao thường trực viết trong tạp chí Cộng Sản số 2 (1-2000) như sau: “Ngày 30-12- 1999, ngay bên thềm của năm mới, thế kỷ mới và thiên kỷ mới, tại Hà Nội đã diễn ra một sự kiện quan trọng được dư luận cả nước và thế giới quan tâm: đó là Hiệp ước về biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết”. Vũ Khoan còn cho biết thêm là: ”Năm 1997, nhân dịp Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm Trung Quốc và tháng 2-1999, nhân dịp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Trung Quốc, lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước thỏa thuận tích cực thúc đẩy đàm phán để ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền trước năm 2000”. Tiếc thay! Hiệp ước rất tốt, rất có lợi theo như Cộng Sản nói lại là hiệp ước xóa mờ hình ảnh của Ải Nam Quan vốn rất thiêng liêng trong tâm hồn người dân Việt. Một người bộ đội già viết: “Nào ai ngờ là có những kẻ lãnh đạo bán đất cầu vinh! Họ có hay chăng khi cắt đất dân tộc dâng cho ngoại bang là họ đã cắt da thịt đời tôi và dân tôi. Đau đớn thay! Uất hận thay! Nỗi đau nầy biết tỏ cùng ai?…Mất Aûi Nam Quan tôi như mất đi một phần hồn dân tộc, một điểm tựa tinh thần đã nuôi tôi và những đứa con mang dòng máu Lạc Hồng sống trong niềm tự hào dân tộc suốt chiều dọc dài 4000 năm lịch sử oai hùng …” .

Đây cũng là hiệp ước làm mất một phần lãnh thổ mà tổ tiên đã đổ bao nhiêu xương máu để bảo vệ, xây dựng, và bồi đắp. Vì được giữ bí mật cho nên không ai nắm vững những con số chính xác về sự mất mát nhưng những ước tính cho thấy có thể từ 700 đến 1000 km2. Oâng Nguyễn Văn An, một công nhân làm việc ở Cao Bằng cho biết Trung Quốc lấn chiếm nhiều nhất là huyện Yên Minh, tĩnh Hà Giang, Bảo Lạc, Trà Linh, Móng Cái và tĩnh Lạng Sơn. Ở Bảo Lạc nhiều chỗ đã lấn vào đến 6-7 km. Bắc Kinh đưa tin là hiệp ước đã được ủy ban thường vụ Quốc Hội Trung Quốc thông qua ngày 29/4/2000. Phía Hà Nội cũng cho biết Quốc Hội VN đã thông qua ngày 9/6/2000 và như vậy hiệp ước bắt đầu có hiệu lực từ ngày đó. Ngày 27/12/2001 cột mốc đầu tiên được cắm lên ở Móng Cái (phía VN) và Đông Hưng (phía TQ) có thứ trưởng ngoại giao TQ là Vương Nghị và thứ trưởng ngoại giao VN là Lê Công Phụng chứng kiến.

Về hiệp ước thứ hai, Lê Công Phụng, thứ trưởng ngoại giao Công Sản, viết trong tạp chí Cộng Sản, như sau: “Nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Trần Đức Lương, ngày 25-12-2000, nước ta và Trung Quốc đã ký hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ. Lễ ký kết được tổ chức với sự chứng kiến của Chủ tịch Trần Đức Lương và Chủ tịch Giang Trạch Dân. Sự kiện trọng đại mang tính lịch sử nầy diễn ra vào thời khắc rất đặc biệt, nhân loại đang hối hả thu xếp hành trang giã từ thế kỷ XX đi vào thế kỷ XXI và thiên kỷ mới. Sự kiện nầy cũng diễn ra vào điểm đỉnh tốt đẹp của quan hệ Việt – Trung kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay. Nhân dân ta đón nhận việc ký kết hai hiệp định trên như một thành công lớn của hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong năm 2000, coi đó là nhân tố hết sức quan trọng trong việc tăng cường, thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, cũng như trong việc duy trì, củng cố hòa bình, ổn định và hớp tác trong khu vực”. Hiệp ước nầy đã làm mất hơn 10,000 km2 lãnh hải Việt Nam, chưa kể bao nhiêu thứ bất lợi to tát khác như điểm chiến lược, dầu hỏa, và những nguồn lợi thiên nhiên khác. Theo hiệp ước nầy thì phía Việt Nam chỉ còn có khoảng 53% vịnh Bắc Bộ trong khi Trung Cộng được khoảng 47 %, như vậy Việt Nam bị thiệt hại khoảng 9%. Với diện tích hơn 129,000 km2, mất 9% là mất hơn 11,500 km2 vịnh Bắc Bộ vậy.

Trước việc cắt đất bán nước để đổi lấy chỗ ngồi lãnh đạo Đảng và Nhà Nước của Cộng Sản Việt Nam, nhiều người trong nước đã lên tiếng phản đối từ các cán bộ cao cấp đảng đến những cựu chiến binh. Riêng ông Đoàn Minh Hải ở Hà Nội đãthay mặt cho các lão thành cách mạng có bức thư gởi cho những người lãnh đạo Cộng Sản phản đối việc ký các hiệp ước nói trên và cực lực lên án Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu cùng đồng bọn. Một cách mỉa mai, ông trích dẫn những câu ca dao cũ và mới sau đây để nhắn gởi những người lãnh đạo Cộng Sản:
Ca dao cũ:

“Yêu dân, dân lập đền thờ,
Hại dân, dân đái ngập mồ thối thây”.

Ca dao mới:

“Hoan hô Cộng Sản Việt Nam,
Cuối đời bán cả giang sơn nước nhà”.

Để kết luận tôi xin lập lại đây bài “Vịnh Bức Dư Đồ Rách” của nhà thơ Tản Đà để kính tặng cho những ai còn biết nghĩ tới công lao xương máu của cha ông trong việc bảo vệ biên cương, giữ gìn lãnh thổ, xây dựng đất nước cho giống nòi Hồng Lạc.

“Nọ bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông, núi núi khéo bia cười.
Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi.
Ấy trước ông cha mua để lại,
Mà sau con cháu lấy làm chơi.
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ,
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.”

Nguyễn Thanh Liêm
(Bài nói chuyện trong buổi hội thảo ở Sacramento ngày 10-03-02 do Tổng Hội Sinh Viên và Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Sacramento tổ chức)


No comments:

Post a Comment