14 Con Đập Vân Nam, Nguy Cơ Sống Còn Của Mékong
Khi được hỏi về mối quan tâm của các quốc gia hạ nguồn về ảnh hưởng khai thác sông Mekong của TC, thì Wang Xiaodong chuyên viên Viện Nghiên Cứu Hoa Lục thản nhiên đáp: “Đó là đất và là nước của chúng tôi. Đó là quyền của chúng tôi muốn làm gì thì làm” [7].
Mặt Trời Nhỏ Trên Sông Mekong
Các dự án khai thác sông Mekong của Trung Quốc đã có từ thập niên 70 trong thời kỳ còn bức màn sắt cô lập đất nước này với thế giới bên ngoài. Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa mãi tới năm 1989 người ta chỉ mới được biết sơ qua các dự án thủy điện Vân Nam qua một cuốn sách duy nhất của Vân Nam Nhân Dân Thư Xã ấn bản tiếng Trung Hoa dày hơn 600 trang nhan đề “Lan Thương Giang: Tiểu Thái Dương” gồm 45 bài viết về các đề tài khác nhau nhưng tựu chung là chỉ đề cập tới những lợi lộc về thủy điện và nguồn nước của chuỗi 7 con đập bậc thềm trên sông Mekong tỉnh Vân Nam với tổng số công suất lên tới 15400 Megawat tổn phí dự trù là 7.7 tỉ $US. [2]
Nhưng đó là những con số của thập niên 70. Bây giờ là năm 2002, tưởng cũng nên cập nhật hoá - Hiroshi Hiro [6], một chuyên gia uy tín về sông Mekong của Nhật Bản cho biết theo tài liệu chính thức của Tỉnh Ủy Vân Nam, thì không phải chỉ có BẢY mà con số đã lên tới MƯỜI BỐN con đập trên dòng chính khúc thượng nguồn sông Mekong chưa kể vố số những con đập phụ lưu.
Tên 14 con đập theo thứ tự từ bắc xuống nam đó là:
1. Liutongsiang, 2. Jiabi, 3. Wunenglong, 4. Tuoba, 5. Huangdeng, 6. Tiemenkan, Guongguoqiao/Công Quả Kiều,7. 8. Xiaowan/Tiểu Loan - khởi công 2001, 9. Manwan/Mạn Loan - hoàn tất 1993, 10. Daichaoshan/Đại Triều Sơn, 11. Nuozhado/Nọa Trát Độ, 12. Jinhong/Cảnh Hồng, 13. Ganlanba/Cảm Lãm Bá, 14. Mengsong/Mãnh Tòng .
Khúc sông Mekong từ Tây Tạng xuống Vân Nam chảy rất siết [nên có tên Lan Thương Giang/Con Sông Xanh Cuộn Sóng] với rất nhiều ghềnh thác có nơi cao hơn 600 mét. Với độ dốc ấy, dòng chảy siết ấy được coi là lý tưởng cho việc xây cất chuỗi những con đập thủy điện khổng lồ, lại thêm lợi điểm nữa là vị trí các con đập trên vùng thưa dân nên không phải tốn kém nhiều trong việc tái định cư các nạn nhân trong vùng xây đập.
Tuy đã có kế hoạch rất hấp dẫn khai thác sông Mekong rất sớm từ những năm 70 nhưng vì thiếu ngân sách nên mãi tới năm 80 con đập Manwan/Mạn Loan đầu tiên cao 99 mét với bức tường thành cao 35 tầng mới được khởi công và 13 năm sau thì xây xong và ngay sau đó cảnh thiếu điện tối tăm của Vân Nam và thủ phủ Côn Minh đã trở thành quá khứ. Khi hoàn tất chuỗi các con đập Vân Nam này, Trung Quốc sẽ dư khả năng điện khí hóa toàn các tỉnh phía nam và phía đông cận duyên của Trung Hoa. Cuốn sách cũng đề cập tới tiềm năng sông Mekong như một thủy lộ để đi về phương nam.
Nhưng điều đáng nói là cả cuốn sách không có bài viết nào nghiên cứu về hậu quả “có thể chấp nhận được hay không” của chuỗi các con đập ấy đối với 5 nước vùng hạ lưu là Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Trung Quốc thì luôn luôn giấu kín nhẹm các kế hoạch khai thác sông Mekong của mình – như một thứ bí mật quân sự. Lê Quang Minh, Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Cần Thơ Đồng Bằng Sông Cửu Long đã phải than thở: “Thật khó để có được thông tin từ phía Trung Quốc. Điều ấy khiến chúng tôi thật sự lo ngại”. [4]
Thản hoặc nếu có chút hé mở ra thì Bắc Kinh chỉ toàn nói tới những điều tốt đẹp các khía cạnh màu hồng với hiệu quả tích cực của các con đập “mang tính giai thoại – anecdotal” chứ không phát xuất từ một cuộc nghiên cứu nghiêm chỉnh nào. Chẳng hạn theo họ thì chỉ với ba con đập đầu tiên Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng có thành vách cao với các hồ chứa theo mùa/seasonal reservoirs, lấy nước tối đa trong Mùa Mưa và xả nước trong Mùa Khô sẽ có tác dụng chống lũ lụt và chống hạn cho các quốc gia dưới nguồn [sic].
Nhưng với những người Cam Bốt hiểu biết thì thấy ngay rằng nếu không còn con lũ hàng năm từ thượng nguồn đổ về để tạo dòng chảy ngược từ con sông Tonlé Sap vào Biển Hồ [như trái tim và sự sống của Cam Bốt] thì rõ ràng đó là tương lai của một Biển Hồ chết . Riêng với Đồng Bằng Sông Cửu Long Nam Việt Nam thì các con sông Tiền sông Hậu sẽ không còn phù sa (nguồn phù sa chủ yếu từ thượng nguồn bị giữ lại trong các hồ chứa Vân Nam) mà cả cạn nguồn nước ngọt để thay thế bằng một biển mặn vì lòng sông thấp hơn mặt biển và rồi ra sẽ chẳng còn đâu vựa lúa nuôi sống cả nước và cũng không còn đâu cả một Nền Văn Minh Miệt Vườn. Trung Quốc đang ngang ngược và độc quyền khai thác con sông Mekong bằng cái giá của hạnh phúc an sinh và cả sống còn của hàng trăm triệu cư dân nơi các quốc gia hạ nguồn.
Sông Mekong Như 1 Con Sông Quốc Tế
Theo định nghĩa chính trị địa dư (geopolitics), một con sông được coi là quốc tế khi:
a. chảy qua hai hay nhiều quốc gia, hoặc
b. tiêu tưới cho lưu vực [drainage basin] của hai hay nhiều quốc gia hoặc
c. liên quan tới vấn đề biên giới thuộc lãnh vực công pháp quốc tế hay
d. là phương tiện giao thông đi lại bằng một thỏa thuận quốc tế.
Khảo sát từng khía cạnh trên với con sông Mekong:
a. Chảy qua 7 quốc gia: Tây Tạng, Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam trước khi đổ vào Biển Đông.
b. Tiêu tưới cho vùng Lưu Vực Lớn Sông Mekong (Greater Mekong Subregion) bao gồm Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Nam Việt Nam.
c. Con sông Mekong trong quá khứ đã từng liên quan tới vấn đề tranh chấp biên giới. Hơn 100 năm trước (1893) Pháp nhân danh sự toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Đông Dương, đã đưa tàu chiến tới và ra tối hậu thư bắt vua Thái phải nhượng lại tất cả đất đai thuộc phía đông sông Mekong; rút cuộc Thái chỉ còn khúc sông 750 km như là đường biên giới thiên nhiên với nước Lào.
d. Di chuyển trên sông Mekong như một thủy lộ quốc tế lẽ ra là hoàn toàn tự do theo bộ luật La Mã nhưng trên thực tế tự do ấy chỉ có nghĩa rất tương đối bởi vì khi con sông chảy vào nội địa một quốc gia nào thì quyền tự do giao thông vẫn bị hạn chế hay cả bị tước đoạt tùy theo cách diễn dịch của quốc gia liên hệ.
[Một ví dụ, ngay giữa cuộc Chiến Tranh Việt Nam - theo New York Times, ngày 20 tháng 9, 1964 do tình báo của chính phủ Sài Gòn ghi nhận là Cộng Sản Bắc Việt đã chuyên chở vũ khí bằng đường sông Mekong xuống Nam Vang rồi từ đó đưa vào miền Nam Việt Nam khiến tướng Nguyễn Khánh lúc đó là thủ tướng tuyên bố cần phải hạn chế lưu thông trên sông Mekong nếu như Cam Bốt vẫn tiếp tục chánh sách thiếu thân thiện với Nam Việt Nam].
Do hội đủ tất cả các Đặc tính Chính trị Địa dư ấy, sông Mekong đúng nghĩa là một Con Sông Quốc Tế - International River.
Wang Xiaodong - một chuyên viên Viện Nghiên Cứu Hoa Lục ở cái tuổi 45 - như nguồn chất xám của Hoa Lục, không thể không biết con sông Mekong là một “con sông quốc tế” nhưng khi được hỏi về mối quan tâm và lo ngại của các quốc gia hạ nguồn về ảnh hưởng của chuỗi những con đập bậc thềm Vân Nam thì anh ta thản nhiên đáp: “Đó là đất và là nước của chúng tôi. Đó là quyền của chúng tôi muốn làm gì thì làm.” [7]
Wang Xiaodong biểu trưng cho một tinh thần quốc gia cực đoan và bá quyền của Trung Quốc dựa trên sức mạnh trong khung cảnh một thế giới bước vào “toàn cầu hóa/globalization”. Như vậy thì làm sao lục địa Á Châu có thể có được một tương lai hòa bình.
Nguy Hại Môi Sinh Của Chuỗi Đập Vân Nam
Trong chiến lược khai thác khúc thượng nguồn con sông Mekong, Bắc Kinh chỉ có một mối bận tâm duy nhất là điện khí hóa các tỉnh vùng tây nam của Trung Quốc [6].
Từ kinh nghiệm ngót một thế kỷ qua của thế giới và chính Trung Quốc về khai thác thủy điện, mọi người đều biết rất rõ rằng khi ngăn chặn dòng sông để xây đập như với những sông Nile, Danube, Colorado, Mississipi, Hoàng Hà và Dương Tử … bao giờ cũng tạo nên một chuỗi những hậu quả và ngày nay thì vẫn cứ là “Những Bài Học Không Học ấy - Unlearned Lessons” [1] đối với con sông Mekong.
Ảnh hưởng trên vùng xây đập: ngoài việc phải tái định cư dân chúng đang sống trên vùng xây đập, các công trình xây cất quy mô sẽ tàn phá sinh cảnh, phá hủy môi trường sống của các loài thú. Nước tù đọng từ các hồ chứa làm gia tăng các bệnh về nước - water-borne diseases (sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh sán gan do sên); nước hồ bốc hơi gây thay đổi khí hậu. Ngoài ra nước hồ chứa có thể bị rỉ thoát, làm đất xụp. Không phải là hư cấu khi nghĩ tới tình huống trận động đất - induced earthquake do các hồ chứa khổng lồ Vân Nam trong Lưu Vực Sông Mekong. Con người đến lúc đó đã không còn làm chủ được khoa học kỹ thuật của mình. Sức tàn phá khủng khiếp của Cơn Hồng Thủy Vỡ Đập sẽ cuốn đi bao nhiêu thành phố và bao nhiêu vạn sinh linh nơi các quốc gia hạ nguồn? Liệu đó có bao giờ là mối ưu tư của các “Công Trình Sư Đại Hán” khi hình thành dự án Chuỗi 14 Con Đập Bậc Thềm Vân Nam?
Và kinh hãi hơn nữa là các trận “động đất do hồ chứa - reservoir triggerred seismicity”, Các nhà khoa học địa chất khảo sát những con đập lớn nhận thấy sức nặng thường trực của khối nước khổng lồ trong hồ chứa đã gây ra tình trạng mất cân bằng địa chấn, gây đứt đoạn lớp địa từng dưới đáy có thể làm vỡ cấu trúc toàn con đập.
Đã có nhiều tường trình về các trận động đất gây ra do hồ chứa làm chấn động dư luận thế giới. Như hồ chứa Đập Aswan High - Ai Cập khi lấy đầy nước; thì sau đó các trận động đất M4.7 - 3/82, M4.3 - 2/83 đã xảy ra trên một vùng đất mà trước 1980 chưa hề có ghi nhận một cơn địa chấn nào. Tại Trung Quốc, gần tỉnh Quảng Đông, có con đập Tân Phong Giang/Xinfengjian cấu trúc giống đập Aswan đã bị một cơn địa chấn M6.1 vào năm 1961. Các trận động đất khác do hồ chứa cũng đã xảy ra với con đập Koina - Ấn Độ M5.5 - 9/67, M6.3 - 12/67 làm nứt thành đập và khiến hơn 180 người chết}. [6]
Nhưng quan trọng nhất phải kể tới một chuỗi tác hại trước mắt của những con đập đối với các nước hạ nguồn như: gây rối loạn dòng chảy, gây xói lở bờ sông, đọng muối trong đất. Làm mất nguồn phù sa như nguồn phân bón thiên nhiên do những cơn lũ hàng năm đem lại cho vùng châu thổ. Gây tổn hại về cá và ngư nghiệp bao gồm nguồn cá nước ngọt và cả hệ thủy sản nước lợ. Gây ô nhiễm nguồn nước với Điện khí hóa - Kỹ nghệ hóa - Đô thị hóa, trút đổ chất phế thải kỹ nghệ độc hại như chì, kẽm, cyanide từ các khu quặng mỏ rất giàu có của Vân Nam xuống sông và Đồng Bằng Sông Cửu Long luôn luôn là điểm hẹn cuối cùng. Do không còn phù sa bồi đắp, mũi Cà Mau và vùng duyên hải sẽ bị sạt lở, lại thêm lòng sông thấp hơn mặt biển, nước mặn sẽ càng ngày càng lấn sâu vào toàn vùng Đồng bằng Châu Thổ, có thể lên xa tới tận Nam Vang (cá đuối - cá nước mặn đã vào tới Đồng Tháp).
THÊM CON ĐẬP MẸ KHỔNG LỒ TIỂU LOAN / XIAOWAN
Theo tin Asian Pulse [5] từ Côn Minh 04/12/2001: Li Jiating tỉnh trưởng Vân Nam thông báo là Trung Quốc đang rộn rịp chuẩn bị khởi công xây con đập vĩ đại Tiểu Loan/Xiaowan chỉ đứng thứ hai sau con đập Tam Hiệp/Three Gorges Dam lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử.
Đập Tiểu Loan được xây nơi khúc giữa Lan Thương Giang (tên Trung Quốc của con sông Mekong). Đây là đập thủy điện thứ ba nhưng lại là lớn nhất trong chuỗi những con đập Bậc Thềm Vân Nam [Mekong Cascades] của Trung Quốc trên dòng chính sông Mekong tiếp theo sau hai con đập Mạn Loan 1500 MW, Đại Triều Sơn 1350 MW.
Đập Tiểu Loan sẽ có 4 đơn vị phát điện với công suất lên tới 4200 MW [gần bằng tổng số công suất cả ba con đập Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng]. Tiểu Loan sẽ như một con khủng long trên trên thượng nguồn sông Mekong, chỉ riêng những con số cũng đã gây mối quan tâm lo ngại cho các nhà bảo vệ môi sinh và 5 quốc gia nơi hạ nguồn. Đây sẽ là một con “đập cao nhất thế giới” 292 mét tương đương tòa nhà chọc trời cao 100 tầng. Và theo Kou Wei giám đốc thủy lợi sông Mekong thì hồ chứa đập Tiểu Loan sẽ là “Con Đập Mẹ/Mother Dam” dung lượng lên tới 15 tỉ mét khối nước lấy từ con sông Mekong – bằng tổng số dung lượng tất cả các hồ chứa tỉnh Vân Nam. Tổn phí để xây con đập Tiểu Loan lên tới trên 4 tỉ $US cũng là tổn phí cao nhất cho tất cả các dự án Vân Nam trong nửa thế kỷ qua. Nhiều chục ngàn công nhân đã được điều động tới để xây dựng cầu đường và các dự án yểm trợ cho đại công trình. Dự trù đập Tiểu Loan sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2010 và đạt toàn công suất năm 2013, mỗi năm sản xuất 18.9 tỉ kilowatt/giờ, phân nửa lượng điện ấy sẽ được chuyển qua Quảng Đông và các tỉnh cận duyên Trung Quốc.
Tiểu Loan nằm trong chiến lược sản xuất điện của Trung Quốc nơi vùng Tây Nam nghèo khó chưa phát triển nhưng lại rất giàu nguồn “than trắng”. Số lượng điện hiện giờ đã dư dùng cho thủ phủ Côn Minh và các khu kỹ nghệ Vân Nam và nay đã có thể chuyển sang các tỉnh thiếu điện miền đông. Chỉ riêng năm nay Vân Nam đã cung cấp cho tỉnh Quảng Đông 900 000 kilowatt/giờ và dự trù sẽ cung cấp 15 triệu kilowatt/giờ trong vòng 15 năm tới.
LÝ LẼ CỦA KẺ MẠNH
Dựa trên lý lẽ của kẻ mạnh, người ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc tự cho là có toàn quyền khai thác con sông Mekong với thế thượng phong là quốc gia thượng nguồn mà chẳng kể gì tới tới mối quan tâm lo lắng về thảm họa môi sinh do họ gây ra cho các nước dưới nguồn.
Năm 1995 Bắc Kinh đã dứt khoát từ chối tham gia Ủy Hội Sông Mekong để vẫn là một nước Trung Hoa “ngoài vòng kiêm tỏa” tự do muốn làm gì thì làm. Ủy Hội Sông Mekong không có Trung Quốc tham gia và hợp tác sẽ trở thành một tổ chức vô hiệu và tê liệt.
(Tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc về lịch sử hình thành Ủy Hội Sông Mekong. Năm 1957, Ủy Ban Sông Mekong/Mekong River Committee được Liên Hiệp Quốc thành lập bao gồm 4 nước Thái, Lào, Cam Bốt và Việt Nam với trụ sở đặt tại Bangkok để có kế hoạch khai thác con sông Mekong không phải chỉ có tiềm năng thủy điện mà còn cả về phát triển thủy lợi, canh nông, ngư nghiệp và giao thông. Nhưng do Chiến Tranh Việt Nam lan rộng mọi nên kế hoạch khai thác sông Mekong phải đình hoãn. Đến tháng 4 năm 1995, bốn nước lại nhóm họp để thành lập Ủy Hội Sông Mekong/Mekong River Commission với trụ sở đặt tại Nam Vang nhưng với điều thay đổi rất cơ bản là không nước hội viên nào có quyền phủ quyết/veto power).
Đến năm 1997, cho dù Liên Hiệp Quốc đã phê chuẩn công ước liên quan tới vấn đề hợp tác phát triển bền vững và sử dụng nước trên các con sông quốc tế nhưng cũng chính Trung Quốc đã lại bỏ phiếu chống. Tháng 08 năm 2000 có thêm một Hội Nghị “ASEAN Plus Three” họp tại vương quốc Brunei, ngoài các nước thuộc Hiệp Hội Quốc Gia Đông Nam Á, còn có thêm ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn nhưng do thái độ ngang ngạnh của Bắc Kinh nên cũng không đưa tới một kết quả cụ thể nào, phá tan niềm hy vọng hợp tác của các nước hạ nguồn với Trung Quốc trong kế hoạch phát triển Sông Mekong. [4]
Trong khi đó Trung Quốc vẫn không ngừng “xây thêm – xây thêm” những con đập Vân Nam. Trung Quốc đã tự do lấy nước vào các hồ chứa khổng lồ, làm cạn dòng sông, ngăn chặn nguồn phù sa, hủy hoại nguồn cá, với tác hại lâu dài trên toàn hệ sinh thái ảnh hưởng tới đời sống của hàng trăm triệu cư dân dưới nguồn. Xa hơn nữa họ còn có khả năng đổi dòng sông Mekong để có nước tưới cho những vùng đất mênh mông khô hạn của Trung Quốc và cả dùng chất nổ phá vỡ những khối đá trên sông để mở thủy lộ giao thông đi rất xa về phương nam. Điển hình là vào tháng 4 năm 2001, Trung Quốc đã ký một thỏa hiệp về thủy vận trên sông Mekong nhưng chỉ với 3 quốc gia Miến Điện, Thái Lan và Lào với kế hoạch vét lòng sông, cả dùng cốt mìn chất nổ phá tung những khối đá trên các đoạn ghềnh thác, các đảo nhỏ trên sông để khai thông mở rộng đường sông cho tàu lớn trọng tải từ 500-700 tấn có thể di chuyển từ cảng Simao Vân Nam xuống Chiang Khong Chiang Sean Thái Lan xuống thẳng tới Vạn Tượng thủ đô nước Lào. Trong khi Việt Nam và Cam Bốt là hai quốc gia cuối nguồn, trực tiếp chịu ảnh hưởng của kế hoạch ấy thì bị gạt ra ngoài. [9]
Trong các chuyến đi khảo sát thực địa bên Lào (12/00) và Cam Bốt (12/01) mới đây, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến sự suy thoái của con sông Mekong đang cạn dần – một cách tệ hại và nhanh hơn cả những dự đoán bi quan nhất. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi một giáo sư am hiểu tình hình Trung Quốc đã đưa ra nhận xét là trong bang giao quốc tế “Trung Quốc chưa hề có một hồ sơ theo dõi tốt – good track records”.
Sông Mekong - con sông Danube của Phương Đông, như một con sông quốc tế lớn thứ 11 thế giới và thứ ba Châu Á ấy đang đứng trước những nguy cơ do những bước phát triển tự phát bừa bãi dẫn tới từng bước hủy hoại toàn hệ sinh thái vô cùng phong phú của con sông [chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon Nam Mỹ].
Thảm họa lớn nhất cho con sông Mekong là Những Đập Thủy Điện không ngừng được xây thêm – xây thêm trên dòng chính và cả các phụ lưu. Đáng sợ nhất vẫn là Chuỗi 14 Con Đập Bậc Thềm Khổng Lồ Vân Nam khiến nhiều khúc sông bị bóp nghẽn, làm ảnh hưởng trên toàn sinh cảnh của dòng sông và tác hại lâu dài trên hàng trăm triệu cư dân sống hai bên bờ con sông ấy.
Witoon Permpongsachareon, chủ tịch nhóm bảo vệ môi sinh TERRA (Towards Ecological Recovery & Regional Alliance) có văn phòng ở Bangkok phát biểu: “Những con đập là mối đe dọa lớn nhất đối với con sông Mekong và sự trong lành của môi sinh. Xây một con đập thì cũng giống như kẹp một động mạch trên một cơ thể khỏe mạnh. Nếu máu không lưu thông chắc chắn cơ thể ấy sẽ bị tổn hại” [8]. Cũng lại chính Witoon tiếp: “Chúng ta phải cùng nhau hợp tác khai thác con sông Mekong như một toàn thể và không để cho bị chia cắt bằng những hàng rào chánh trị”.
Đó chỉ là tiếng kêu cứu trong sa mạc bởi vì trớ trêu thay, tất cả mong ước ấy có thành tựu được hay không lại hoàn toàn do Bắc Kinh định liệu. Và khi mà những con đập thủy điện Vân Nam được coi như yếu tố tích cực tạo sức bật cho các bước canh tân nhảy vọt của Trung Quốc thì theo Dai Qing nhà hoạt động môi sinh nổi tiếng đã có nhận định là “Trung Quốc sẽ không có một thay đổi nào trong kế hoạch khai thác sông Mekong của họ cho dù ảnh hưởng tác hai ra sao đối với các quốc gia dưới nguồn” [8]. Bắc Kinh đã hành động như chính mình đã sở hữu suốt chiều dài con sông – vốn là một con sông quốc tế.
CHIẾN TRANH MÔI SINH VÀ NHÂN QUYỀN
Trong khi mọi người Việt phẫn uất đến cực điểm việc Trung Quốc chiếm đất biên giới phía bắc, lấn chiếm vịnh Bắc Bộ, “Tây tạng Hóa” Biển Đông với Hoàng Sa và Trường Sa với nguồn trữ lượng dầu khí khổng lồ trong đó, nhưng cùng lúc đang diễn ra một cuộc chiến khác rất thầm lặng từ hơn 2 ngàn dặm xa: đó là trận chiến môi sinh do Trung Quốc gây ra từ chuỗi 14 Con Đập Bậc Thềm Vân Nam. Rõ ràng Trung Quốc đang từng bước hủy hoại con sông Mekong, về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới từng ngụm nước uống, chén cơm, nồi cá ... hàng ngày của mỗi cư dân sống hai bên bờ con sông Mekong, tác hại trên quyền sống của hàng trăm triệu cư dân sống trong lưu vực nơi hạ nguồn và cũng là điều bi thảm khi chính những nạn nhân ấy – điển hình là hàng triệu nông dân ngư dân sống nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long rất cô đơn bị lãng quên, không hề được thông tin lại bị bóp nghẹt tiếng nói nhưng đồng thời họ vẫn bị bóc lột và khai thác bởi một chế độ toàn trị như hiện nay. Kinh hãi hơn nữa, là với chuỗi con đập khổng lồ ấy Trung Quốc đang nắm trong tay thứ vũ khí Môi Sinh Chiến Lược cực kỳ lợi hại có khả năng gây hạn hán hay những trận hồng thủy trong toàn lưu vực.
Phải làm gì khi mà thế liên minh của các quốc gia Đông Nam Á thực sự là chia rẽ và suy yếu. Các nước nhỏ ấy có thể làm khó gây thương tích cho nhau (self-inflicted injury) nhưng lại có chung một thái độ cam chịu trước sự hoành hành của nước lớn Trung Quốc. Mà Trung Quốc thì bao giờ cũng theo chánh sách chia để trị và chỉ chấp nhận những cuộc thương thảo song phương trong các vụ tranh chấp và hiển nhiên không có một nước nào có đủ sức mạnh và tư thế ngoại giao [diplomatic leverage] để khiến Trung Quốc phải lắng nghe tiếng nói của mình.
Trước mắt, việc đưa Trung Quốc ra trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc về thái độ độc quyền khai thác con sông Mekong như một con sông quốc tế mà bất kể tới hậu quả nơi các quốc gia hạ nguồn sẽ như một báo động cảnh giác ít ra cũng khiến Trung Quốc và cả những đại công ty tư bản tài trợ cho các dự án thủy điện ấy biết là thế giới đang theo dõi họ khiến ở một chừng mực nào đó họ phải làm việc với những phương thức công khai minh bạch và hành sử một cách có trách nhiệm hơn thay vì với thái độ cao ngạo và trịch thượng Sống Chết mặc Bay như hiện nay.
Với một cái nhìn toàn cảnh trong mối tương quan chánh trị địa dư của toàn vùng, thì việc tiếp tục xây thêm những con đập trên dòng chính sông Mekong – điển hình là việc khởi công xây thêm con đập mẹ khổng lồ Tiểu Loan/Xiaowan, phải được xem là một hành động thù nghịch, tuy chưa có tiếng nổ của súng đạn nhưng chính đó là một cuộc chiến tranh môi sinh không tuyên chiến của Trung Quốc. Đây cũng là “một vi phạm nhân quyền/human right violation trên quy mô lớn nhất”.
Sau hơn nửa thế kỷ chiến tranh, bước sang thế kỷ 21, dân tộc Việt nam lại đang phải đương đầu với những thử thách lớn trước Nguy Cơ Sống Còn. Và hiển nhiên không có giải pháp đơn lẻ cho riêng vấn đề môi sinh của một dòng sông - mà phải là bước chuyển hóa cơ bản của cả một hệ thống xã hội - trong đó có Việt Nam từ “Chế Độ Toàn Trị” tiến lên “Dân Chủ”. Có dân chủ là có cơ hội mở mang dân trí và chính người dân sẽ có ý thức và tiếng nói không chỉ để bảo vệ một dòng sông, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ mà cơ bản nhất là quyền sống với phẩm giá của mỗi con người.
Ngô Thế Vinh
04/02 - [Đặc San Đại Hội Quốc Tế Y Nha Dược Sĩ Việt Nam Kỳ IV]
------------ --------- ------
Tham Khảo:
1. Lessons Unlearned: Damming the Mekong River. Rothert Steve. International River Network, Working paper 6, Oct 1995.
2. Development Dilemmas in the Mekong Subregion. Bob Stensholt. Workshop Proceedings, Oct 1-2, 1996. Melbourne.Monash Asia Institute. VIC 3168, Australia.
3. The Impact of Development on the River, her Delta, and her People. The 1999 Conference on The Mekong River at Risk. The Mekong Papers. Mekong Forum & VAST 1999.
4. The Mekong Choke Point. Shawn W. Crispin, Margot Cohen, Bertil Lintner. Far Eastern Economic Review, Oct 12, 2000.
5. China Prepares For Major New Power Station. Asia Pulse Pte Limited. Apr 12, 2001.
6. The Mekong. Environment and Development. Hiroshi Hiro. United Nations University Press, 2000.
7. China’s Dated Perspective Lingers, Turning Encounters Into Crisis. Karby Leggett, Peter Wonacott, Ian Johnson. Wall Street Journal, Apr 6, 2001.
8. Strangling the Mekong. Ron Moreau, Richard Ernsberger Jr. Newsweek International Mar 19, 2001
9. Concern over plan to widen channel – clearing islets could affect neighbours. Saridet Marukatat. Bangkok Post April 20, 2001.
No comments:
Post a Comment