Friday, May 16, 2008

Câu chuyện 16 tấn vàng tháng 4-1975

TT - 16 tấn vàng - đó là khoản dự trữ nằm trong Ngân hàng quốc gia vào tháng 4-1975. Và báo chí thời đó đã đưa tin về kế hoạch tẩu tán số vàng ấy ra nước ngoài. Sự thật ra sao?

Kỳ 1: Ông Thiệu đã chuyển 16 tấn vàng sang Mỹ?

Trụ sở Ngân hàng quốc gia
(nay là Ngân hàng Nhà nước VN tại TP.HCM)
- nơi cất giữ 16 tấn vàng vào tháng 4-1975 - Ảnh: N.C.T.

16 tấn vàng - đó là khoản tài sản dự trữ còn lại của chính quyền Sài Gòn vào tháng 4-1975, trị giá khoảng 120 triệu USD vào lúc đó, tức khoảng 320 triệu USD thời điểm hiện nay.

Có khá nhiều "dị bản" xung quanh câu chuyện 16 tấn vàng suốt hơn 30 năm qua kể từ khi báo chí Sài Gòn đầu tháng 4-1975 đưa tin: tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tìm cách tẩu tán 16 tấn vàng thuộc tài sản quốc gia ra nước ngoài. Đặc biệt, vào đầu năm 2006, Đài BBC đã "xới" lên câu chuyện này bằng một bản tin dẫn từ nguồn tài liệu của Bộ Ngoại giao Anh.
Sự thật ra sao? Tuổi Trẻ lật lại hồ sơ vụ việc này, 31 năm trước...

Từ một bản tin trên BBC

Ngày 29-12-2005, trong chương trình phát thanh Việt ngữ và trên trang web BBC, hãng thông tấn này đã loan một bản tin đáng chú ý về chuyện ra đi của ông Nguyễn Văn Thiệu vào tháng 4-1975 sau khi từ chức tổng thống VN cộng hòa. Bản tin khá dài nói trên, theo BBC, được trích từ hồ sơ mới công bố của Cục Văn khố quốc gia Anh:

"Chính phủ Anh hôm thứ năm đưa ra các văn bản cho biết về chuyến bay rời khỏi Sài Gòn của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cách đây hơn 30 năm. Theo phóng viên BBC Rick Fountain từ Cục Văn khố quốc gia Anh, ông Thiệu được máy bay trực thăng chở tới một tàu chiến của Mỹ, và sau đó ông tới Đài Loan cùng với vợ và phụ tá của mình. Cuối cùng ông Thiệu bắt đầu cuộc sống mới không phải ở Mỹ như nhiều người tưởng, mà ở London.

Các tường thuật của báo chí nói ông Thiệu đã bỏ trốn với một số lượng vàng lớn lấy đi từ ngân khố quốc gia của chính quyền Nam VN".

Mặc dù trong bản tin này BBC có phỏng vấn một nhân chứng là tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng (Mỹ), phụ tá đặc biệt của tổng thống Thiệu vào năm 1975, nhưng vẫn không ngăn được làn sóng tranh luận ngay trên trang web BBC và các diễn đàn khác trên mạng. Bởi TS Hưng đã bay sang Mỹ công cán từ giữa tháng 4-1975 và kẹt luôn ở đó, nên ông không phải là nhân chứng trong câu chuyện 16 tấn vàng tại Sài Gòn vào cuối tháng 4-1975 được.

Do vậy, chi tiết về 16 tấn vàng tài sản quốc gia tháng 4-1975 đã dẫn tới cuộc bàn thảo trên mạng xung quanh câu hỏi: có hay không kế hoạch tẩu tán số lượng vàng khá lớn nói trên? Chẳng hạn, một bạn trẻ tên Hưng đã đặt câu hỏi trên trang web BBC: "Từ trước tới nay người ta đều nói ông Thiệu mang theo 18 tấn vàng (chính xác là khoảng 16 tấn) ra nước ngoài. Giờ đây lại có thông tin ông ta không mang theo vàng ra nước ngoài. Vậy số vàng ấy có tồn tại hay không và nếu có thì đã nằm trong tay ai?".

Tin đồn về việc "ông Thiệu cuỗm 16 tấn vàng tài sản quốc gia" ngày càng lan rộng vào thời điểm ấy. Trong khi đó, báo chí Sài Gòn, vì nhiều lý do khác nhau, đã không có thông tin gì rõ ràng, và dân chúng hoàn toàn không biết thực hư câu chuyện đó như thế nào cho đến ngày 30-4-1975.

Trong khi đó, một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Mai nhớ lại bản tin 31 năm trước của BBC rằng: "Hồi ông Thiệu đi Đài Loan, BBC tường thuật là có nghe tiếng kim loại lẻng xẻng trong vali, ám chỉ ông Thiệu đã mang 16 tấn vàng trong ngân hàng quốc gia đi...".

Bản tin cuối năm 2005 của BBC do vậy đã gây sự chú ý của nhiều người. Thứ nhất, nó liên quan đến khoản tài sản lớn của quốc gia. Thứ hai, nó khiến nhiều người đặt dấu hỏi về sự chính xác của những "hồ sơ Anh" vừa được giải mật. Vậy chuyện gì đã xảy ra 31 năm trước?

"Lời bác bỏ" gây nghi vấn

Tìm đọc lại những nhật báo Sài Gòn tháng 4-1975, thấy trên mặt báo tràn ngập tin tức chiến sự và di tản. Đột nhiên, nhiều báo ra giữa tháng tư đã đồng loạt đăng một bản tin đáng chú ý về 16 tấn vàng. Như tờ Chính Luận ngày 16-4 đã đăng như sau:

“Phát ngôn viên chính phủ: Hoàn toàn bác bỏ tin 16 tấn vàng.

Sáng nay, được hỏi về vụ có 16 tấn vàng của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tổng thống Kampuchia Lon Nol chở từ Việt Nam ra ngoại quốc do Hãng AP (Mỹ) loan tin (chi tiết hóa tin của đài BBC loan tải trước đây), phát ngôn viên chính phủ tuyên bố: “Hoàn toàn là tin thất thiệt, đầy ác ý, cố ý bôi lọ”. Phát ngôn viên nhấn mạnh: “Tình trạng loan tin thất thiệt và cố ý bôi lọ của các hãng thông tấn và báo chí ngoại quốc loan đi không phải mới xảy ra mà đã kéo dài từ lâu”.

Lời bác bỏ nói trên dường như xác nhận một điều là vào lúc đó, nhiều hãng tin nước ngoài và các tờ báo lớn có phóng viên thường trú tại Sài Gòn đã cùng đưa tin “tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chuẩn bị mang 16 tấn vàng ra khỏi VN”. Không chỉ BBC, AP mà nhiều tờ báo lớn khác ở Mỹ như Los Angeles Times lúc đó đã đăng tin như sau: “Công ty vận chuyển đường không Balair của Thụy Sĩ vào hôm thứ hai đã xác nhận rằng: họ đã từ chối chở 16 tấn vàng, dường như thuộc quyền sở hữu của tổng thống Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu, từ Sài Gòn sang Thụy Sĩ”.

Những thông tin có dẫn nguồn rõ ràng như thế đã tạo ra nhiều nghi vấn, dù nó đã bị chính quyền Sài Gòn lúc đó bác bỏ. Có lẽ giới báo chí quốc tế ngày ấy đã biết sơ qua về một kế hoạch bí mật từ dinh Độc Lập, và kế hoạch bí mật đó dường như đã bị “xì” ra ngoài “Radio Catinat” - tức các quán cà phê Givral, Brodard... (trên đường Đồng Khởi ngày nay), nơi tụ tập thường xuyên của các nhà báo, dân biểu, chính khách Sài Gòn lúc bấy giờ.

Trong khi dư luận còn bán tín bán nghi thì báo Độc Lập ngày 28-4 đã đăng một bản tin về chuyến ra đi bí mật của ông Nguyễn Văn Thiệu với chi tiết như sau: “Theo tin UPI, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm đã đến Đài Bắc bằng phi cơ quân sự Mỹ vào lúc 4 giờ sáng thứ bảy 26-4 với 16 viên chức Việt Nam cộng hòa cùng thân nhân tháp tùng. Tin Reuters ghi nhận liền sau khi đoàn người xuống phi cơ và được đưa vào phòng khách danh dự, một số hàng hơn 10 tấn cũng đã được cất xuống theo”.

... Có quá ít tài liệu trong nước đề cập một cách chính xác và đầy đủ về chuyện này sau năm 1975. Trong một cuốn sách khá nổi tiếng đã được tái bản khá nhiều lần trong hơn 20 năm qua, người ta đọc được một đoạn “có vẻ chắc chắn” như sau: “Thiệu và Khiêm đáp máy bay rời Sài Gòn sang Đài Loan, nơi anh ruột của Thiệu đang còn làm đại sứ (tức ông Nguyễn Văn Kiểu - NV). Thiệu mang theo năm vali chứa đầy đôla. Trước đó, Thiệu đã mướn một chiếc máy bay chở hành khách cỡ lớn của Mỹ, đưa khỏi VN 17 tấn vàng bạc, châu báu, tài sản quí mà gia đình y đã vơ vét được sau hai nhiệm kỳ làm tổng thống”.

Còn trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia trên mạng Internet, một “sử gia” nào đó đã cung cấp những thông tin “giật gân” hơn nữa: “Martin (đại sứ Mỹ tại Sài Gòn - NV) giúp gia đình Thiệu ra đi, nhưng chỉ cho mang theo đồ vật cá nhân nhỏ. Thế là tay cựu tổng thống và bà vợ phải tính đến cách khác. Mai Anh (vợ Thiệu) đã xoay xở lấy được 16 tấn vàng ra khỏi ngân hàng quốc gia bằng cách ép dọa thuộc cấp. Bà ta cho chuyển phần lớn số vàng thỏi ấy lên một chiếc máy bay thuê của Hãng hàng không Thụy Sĩ. Nhưng các phi công, sau khi khám phá ra đó là vàng, đã hỏi sứ quán Thụy Sĩ và cuối cùng từ chối không chở nữa. Lý Long Thân (chồng em nuôi vợ Thiệu) nhảy vào cứu nguy. Thân ra lệnh chở vàng bằng tàu Trương Tinh đi Pháp, để sau này Thiệu nhận lại ở đó”.

Có khá nhiều “dị bản” như thế xung quanh chuyện ra đi và tẩu tán vàng của ông Nguyễn Văn Thiệu năm 1975. Trong đó, “dị bản” của BBC là mới nhất và bị phê phán nhiều nhất.

BÙI THANH


Vậy chuyện gì đã xảy ra với 16 tấn vàng tài sản quốc gia? Những nhân chứng sẽ cho biết về chuyến ra đi đầy bí mật của ông Nguyễn Văn Thiệu do CIA tổ chức vào một đêm cuối tháng 4-1975.

Kỳ 2: Chuyến ra đi bí mật

Ông Thiệu lên tivi tuyên bố từ chức và chửi Mỹ là "một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo" - Ảnh tư liệuTT - Kỳ trước, chúng tôi đã thuật lại tin tức trên báo chí Sài Gòn và những “dị bản” về chuyện 16 tấn vàng tài sản quốc gia. Những thông tin đó vào cuối tháng 4-1975 đã gắn chặt với chuyến ra đi bí mật của ông Thiệu. 16 tấn vàng đã lên máy bay cùng ông Thiệu? Vào lúc đó không ai được biết.

Ông Thiệu đã chuyển 16 tấn vàng sang Mỹ?

Ông Thiệu đã từ chức ra sao?

Vào đầu tháng tư, sau khi quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng và hành quân thần tốc về phía Nam, chiếc ghế tổng thống của ông Thiệu đã bắt đầu lung lay.

Lúc đó, người Mỹ, kể cả những người Pháp ở sứ quán Sài Gòn, đang toan tính về một giải pháp thương lượng với Hà Nội. Ông Thiệu trở thành vật cản lớn cho những toan tính đó. Theo hồi ký của nhân viên CIA tại Sài Gòn Frank Snepp, ngày 13-4 trùm CIA tại Sài Gòn Thomas Polgar đã gửi về Washington một bản tường trình có chủ ý: "Nhiều sĩ quan cao cấp và nhân vật chính trị muốn tổng thống Thiệu từ chức để tránh một thất bại quân sự hoàn toàn". Bản tường trình đó có nhắc đến hai từ "đảo chính".

Và tấm bia mộ chính trị của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã được tạc vào chiều 17-4 khi đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Graham Martin quyết định đề nghị với Nhà Trắng một phương án: Thiệu phải ra đi! Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng (người sau này đã phỏng vấn Martin nhiều lần tại Mỹ), đại sứ Martin đã gửi mật điện cho ngoại trưởng Kissinger như sau: "Tôi sẽ cho ông Thiệu rõ tôi đã đi đến một kết luận vô tư là nếu ông ta không chịu xuống thì các tướng lĩnh dưới quyền ông ta sẽ bắt buộc ông ta làm điều này. Có một cách rút lui êm đẹp nhất là tự ý ông từ chức…".

Ba ngày sau, đại sứ Martin đến gặp ông Thiệu để nói thẳng điều đó, trong cuộc trò chuyện căng thẳng kéo dài hơn một giờ rưỡi.

... Tối đó (tức ngày 20-4), tổng thống Thiệu quyết định từ chức. Và trưa ngày hôm sau, ông ta triệu tập phó tổng thống Trần Văn Hương và tướng Trần Thiện Khiêm đến dinh Độc Lập, báo cho hai người đó biết ông ta sẽ tuyên bố từ chức tối nay. Thiệu chỉ có một yêu cầu: việc chuyển giao quyền lực được thực hiện theo đúng hiến pháp để tránh lộn xộn...

Tại sao Frank Snepp biết chính xác nội dung cuộc gặp đó và thuật lại như trên trong cuốn Decent Interval (đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề Cuộc tháo chạy tán loạn)? Câu trả lời thật đáng kinh ngạc: máy nghe lén của CIA đặt bí mật trong phòng làm việc của tổng thống Thiệu tại dinh Độc Lập đã truyền đi từng lời nói về trụ sở CIA tại Sài Gòn.

Tối 21-4, sau khi tuyến phòng thủ quan trọng nhất của quân đội Sài Gòn là Xuân Lộc đã bị quân giải phóng chọc thủng, ông Nguyễn Văn Thiệu lên tivi tuyên bố từ chức tổng thống. Trong cuộc diễn thuyết kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, ông ta vừa khóc lóc bảo vệ mình trước lịch sử, vừa lên án gay gắt sự phản bội của chính quyền Mỹ:

... Nếu tôi không nói rằng các ông đã bị cộng sản đánh bại ở VN thì tôi cũng xin thưa rằng các ông cũng không thắng được họ. Nhưng các ông đã tìm được một lối tháo lui trong danh dự. Và bây giờ khi quân đội chúng tôi thiếu súng ống, đạn dược, trực thăng, phi cơ và B52, các ông lại bắt chúng tôi làm một việc như lấp cạn bể Đông, tỉ như các ông cho tôi ba đồng bạc mà bắt chúng tôi lấy vé máy bay hạng nhất, thuê phòng ngủ 30 đồng một ngày, ăn bốn năm miếng bít-tết và uống bảy tám ly rượu vang một ngày. Thật là phi lý !... (trích nguyên văn)

Và trong cuộc diễn thuyết cuối cùng trên tivi đó, ông Thiệu cũng đã chửi thẳng Hoa Kỳ là "một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo".

Giây phút "nồng ấm" của ông Nguyễn Văn Thiệu và tổng thống Mỹ Lyndon Johnson - Ảnh tư liệuÔng Thiệu đã ra đi như thế nào?

Sau khi từ chức tổng thống, ông Thiệu dọn về ở nhà quốc khách trong khu Hải quân (nay là đường Tôn Đức Thắng). Tài sản riêng của gia đình ông đã được chuyển đi trước đó. Dù không còn quyền hành gì, nhưng sự có mặt của ông Thiệu tại Sài Gòn trong những ngày căng thẳng nhốn nháo đó không phải là một điều hay ho đối với nhiều người.

Theo lời kể của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng trong cuốn The Palace File (Hồ sơ mật dinh Độc Lập), tân tổng thống Trần Văn Hương đã gọi điện thoại khuyên ông Thiệu nên sớm rời khỏi VN. Ông Hương cũng đề nghị đại sứ Mỹ Martin dàn xếp giùm cho chuyến ra đi của ông Thiệu.

Cùng lúc ấy, ông Nguyễn Văn Kiểu, em ông Thiệu, cũng bay về nước khuyên ông Thiệu sớm ra đi và địa chỉ đến an toàn nhất là Đài Loan (vì ông Kiểu đang làm đại sứ VN cộng hòa tại Đài Loan). Cũng theo tiến sĩ Hưng, để sự ra đi của ông Thiệu được hợp pháp, tổng thống Hương đã ký quyết định cử ông Thiệu làm đặc sứ của VN cộng hòa đi Đài Bắc để phúng điếu Tưởng Giới Thạch (ông Tưởng Giới Thạch mất ngày 5-4).

Ngày 25-4, ông Thiệu ra đi lặng lẽ không cờ không trống. Và cũng không có một quan chức người Việt nào tiễn đưa ông cựu tổng thống hết thời. Trớ trêu thay, những người đưa ông ra sân bay lại là các nhân viên CIA Mỹ tại Sài Gòn, trong đó có Frank Snepp. Frank Snepp chính là người lái xe đưa ông Thiệu ra phi trường Tân Sơn Nhất.

Đó là một chuyến ra đi bí mật trong đêm. Nhưng ông Thiệu có mang theo 16 tấn vàng không? Theo lời Frank Snepp thuật lại trong cuốn Decent Interval, vào chiều 25-4, nhóm CIA tại Sài Gòn bất ngờ nhận được lệnh đưa cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm ra nước ngoài trên một chuyến bay đặc biệt của quân đội Mỹ.

...Khoảng 20g30, bốn người chúng tôi (tức bốn tay nhân viên CIA tại Sài Gòn: Charles Timmes, Thomas Polgar, Joy Kingsley và Frank Snepp - NV) đi ba xe đến bộ tổng tham mưu Nam Việt Nam. Nhà Khiêm nằm trong khu vực này. Chúng tôi không thể không tính đến việc tái diễn cuộc ám sát như đã xảy ra đối với anh em Diệm - Nhu trước đó. Chúng tôi vạch kế hoạch: nếu có những sĩ quan trẻ nào đó trong quân đội Sài Gòn ngăn chúng tôi lại trên đường đi và có ý định bắt, tức thì chúng tôi sẽ nổ súng…

Hơn 21 giờ, đoàn xe CIA dừng trước nhà ông Khiêm, đợi ở đó. Một lát sau, chiếc Mercedes đưa đến "một người tầm thước, tóc bạc và chải lật ra sau, mặt bôi kem, quần áo chỉnh tề". Đó là ông Nguyễn Văn Thiệu, mà theo Frank Snepp, trông giống một người mặc quần áo quảng cáo trên một tạp chí châu Á hơn là một nguyên thủ quốc gia.

...Ít phút sau, có mấy người lực lưỡng, mỗi người xách một vali nặng đi đến chỗ xe chúng tôi và xếp vali vào.

Tiếp đó Thiệu, Khiêm, Polgar, Timmes cùng một vài nhân vật người Việt (phụ tá và cận vệ) bước nhanh ra khỏi cửa nhà Khiêm rồi chui vào xe. Thiệu ngồi xe tôi, ở ghế đằng sau, giữa Timmes và một người Việt. Timmes khuyên ông Thiệu: tổng thống ngồi thấp xuống để được yên ổn!

Đoàn xe lao nhanh về phía sân bay Tân Sơn Nhất. Trên đường băng, một chiếc máy bay bốn động cơ C118 của không quân Mỹ đang đậu ở đấy. Đại sứ Mỹ Martin và các tay súng thủy quân lục chiến Mỹ mặc thường phục đã có mặt ở đó từ lâu. Ông Thiệu và ông Khiêm rời xe, lặng lẽ lên máy bay. Những nhân viên tùy tùng theo sau, tay xách vali…

Như vậy, theo Frank Snepp, chuyến bay đặc biệt đêm 25-4 chở ông Thiệu qua Đài Loan không mang theo 16 tấn vàng. Bởi không thể nào nhét số lượng vàng thỏi khổng lồ ấy vào mấy chiếc vali xách tay được. Còn trước đó một ngày, bà Mai Anh, vợ ông Thiệu, cũng đã bay sang Bangkok (Thái Lan) trên một chuyến bay thương mại bình thường.

BÙI THANH

Vậy 16 tấn vàng ở đâu? Hay chuyện tẩu tán tài sản quốc gia vào thời điểm Sài Gòn lộn xộn đó chỉ là tin vịt trên báo chí?
Không, đó là một kế hoạch có thật, được vạch ra bí mật tại dinh Độc Lập từ đầu tháng 4-1975. Kế hoạch đó được vạch ra nhằm tìm kiếm một chút ánh sáng cuối đường hầm.

Kỳ tới: Không có ánh sáng cuối đường hầm

No comments:

Post a Comment