Wednesday, May 28, 2008

Chuyện dài "Thằng Cộng Sản (TCS)"

Về Bài Viết "Trịnh Công Sơn Vượt Trên Chính Trị"

Thụy Ái
Tâm Thức Việt Nam

Bài viết “Trịnh Công Sơn vượt trên chính trị” của tác giả Như Hà ngày 15 tháng 5 năm 2008 đăng trên báo Tổ Quốc trong nước, thoáng đọc thì thấy tác giả ca tụng Trịnh Công Sơn dựa trên những lý lẽ có vẻ khách quan. Tuy nhiên, đọc kỹ, người đọc sẽ thấy bài viết chỉ là một thể văn có tính cách huê dạng loanh quanh quỷ biện. Tức là tác giả chỉ đưa ra những luận cứ mâu thuẫn hay không bằng cớ để bào chữa, biện hộ và giải thích một cách trật lất, thoáng nghe thì có vẻ xuôi tai, có thể lừa được những người không quan tâm hay thiếu dữ kiện.

Trước hết, qua các phản luận mà tác giả Như Hà cho là cáo buộc Trịnh Công Sơn “ăn cơm quốc gia thờ ma CS” của người quốc gia, dựa theo lời tường thuật trên mạng của Bùi Văn Phú, người đã kể lại những nhận định về TCS của một nhân vật tình báo cao cấp VNCH, để đưa đến kết luận rằng lời cáo buộc cho Trịnh Cộng Sơn “ăn cơm quốc gia thờ ma CS” là sai. Tuy nhiên Như Hà cũng công nhận, những lời chạy tội cho TCS thật ra chỉ “dựa vào những nhân chứng không có tính thuyết phục cho lắm” [?!] Và cũng từ nhân vật mà tác giả cho là “nhìn đâu cũng thấy đặc tình” này, Như Hà đã đưa ra hình ảnh một Trịnh Công Sơn “rất nhân văn,” Như Hà viết: “Không như bao người khác ra đi vì mục đích cá nhân, ông [TCS] ở lại cũng không phải vì ông. Tất cả những trăn trở đó, ý nguyện đó và mục đích đó đã được ông thể hiện qua ca phẩm "Một cõi đi về" đến độ nao lòng đầy thổn thức. Qua những lời ca thắm thiết đến độ tàn nhẫn, ông muốn nhắn gửi tới cho đời, cho người về một trách nhiệm và nghĩa vụ lớn lao[?1] Tự trong tâm khảm tự trong đáy lòng tình yêu tổ quốc, tình yêu quê hương của ông được thể hiện nồng nàn và da diết trong ông! Sự hiện diện của chế độ này hay chế độ kia không phải là điều ông quan tâm. ” [!?]. Qua đoạn văn trên, tác giả Như Hà cố suy diễn để biến TCS thành một con người phi chính trị mà yêu nước và cao thượng vì người.

    Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
    Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
    Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
    Rọi suốt trăm năm một cõi đi về

    "Một cõi đi về"

Sự việc Như Hà viện dẫn Michael Jackson và người Nhật ra để ca tụng nhạc TCS cho thấy một điều không được bình thường cho lắm, sự ca tụng này nếu không là biểu hiện đầu óc vọng ngoại cần phải lấy tiêu chuẩn ngoại quốc để lượng giá, thì cũng là một cách khai thác tâm lý tự ti mặc cảm của một quần chúng VN sau nhiều năm chiến tranh vì những can thiệp ngoại quốc. Nếu Như Hà cho rằng TCS ở lại vì tổ quốc thế thì trong sự ở lại này TCS đã đóng góp được gì cho tổ quốc ngoài sự chìm đắm trong men rượu sau khi nhận thức được sự mê muội sai lạc của mình về chế độ cộng sản? Xin trích dẫn một đoạn Như Hà viết về TCS: “Quan điểm của ông [TCS] và sự ngộ nhận của ông về một chế độ chính trị khi chưa từng sống trong lòng con "quái vật" đã làm ông câm nín, nghẹn tắc khi đã nhận diện rõ nét chân dung và bản chất con "quái thú" khi ông đã chiêm nghiệm và chứng kiến.” Hay, “Chính trị đối với ông nó như một thứ ngôn ngữ xa lạ và khó hiểụ Ông công nhận sự hiện diện của thể chế chính trị nhưng chấp nhận nó lại là điều khác.” Qua các đoạn trích dẫn trên người đọc có thể thấy tất cả những điều mà tác già đưa ra chỉ là sự suy diễn một cách tùy tiện tâm trạng của TCS, không có gì chứng tỏ là đúng.

Tác giả Như Hà ngoài ra cũng đưa ra sự cáo buộc “Có một số người cực đoan quá khích cho rằng một trong những chỉ dấu để lên án Trịnh là bởi ông không chịu di tản, rời bỏ chế độ cộng sản phi nhân, họ cho rằng việc đón nhận và chấp nhận chung sống với chế độ độc tài của ông là sự đầu hàng không thể tha thứ, là sự sỉ nhục không thể chấp nhận.” Qua sự cáo buộc ở trên không biết là có nhiều người ghét TCS vì TCS không di tản hay không, nhưng có một điều chắc chắn là TCS đã bị người sống ở miền Nam khinh rẻ bởi vì thái độ “30 tháng 4” của TCS, khi TCS a dua lên đài phát thanh ca tụng cộng sản, và tiếp tục làm nhạc, tuy ít thôi, để ca tụng chế độ mới trong khi toàn thể miền Nam đang đắm chìm trong đau khổ, hàng trăm ngàn người dân miền Nam chết tức tưởi trên đường chạy trốn chế độ, hàng trăm ngàn quân nhân viên chức VNCH đã bị tập trung vào trại cải tạo, chịu những cuộc sống nhọc nhằn đầy đọa, cùng lúc gia đình của họ phải bị đầy lên các vùng kinh tế mới đất khô cằn, rừng sâu nước độc, lam sơn chướng khí. Như Hà cho TCS là “một người sâu thẳm mà đằm thắm, cao thượng và nhân văn, mà chỉ có một nhân cách lớn mớí đánh giá hết được con người Trịnh. Chỉ có người nhân cách mới đánh giá được con người nhân cách lớn.” Thực chất qua các tài liệu nghiên cứu sau này, trong đó có bài của tác giả John C. Schafer, và các nhân chứng biết TCS, người ta được biết rõ rằng TCS và KL là hai người từng nghiện ngập ma túỵ TCS đã sống nép dưới sự bảo trợ của một số nhân vật quyền thế miền Nam thích nhạc của TCS để trốn lính và để viết lên những bài ca phản chiến ru ngủ tinh thần đấu tranh bảo vệ đất nước của người dân miền Nam, trong đó bài “Đại bác ru đêm” là một điển hình.

    Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
    Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng
    Cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn.
    Hàng vạn chuyến xe, claymore lựu đạn
    Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành
    Từng vùng thịt xương có mẹ có em
    “Đại bác ru đêm”

Trong suốt thời gian của Tết Mậu Thân, Trịnh Công Sơn ở Huế và đã thấy những xác người nằm chết la liệt trên khắp những con đường, trên khắp những dòng sông. Những người này đã bị giết bởi bộ đội của Mặt trận Giải phóng miền Nam và bộ đội Bắc Việt. TSC sau đó đã viết lại hình ảnh những xác người và những con người hoá điên trong Tết Mậu Thân qua các nhạc phẩm: “Hát trên những xác người” và “Bài ca dành cho những xác người,” để diễn tả nỗi đau khổ của con người trong cuộc chiến, nhưng lại coi thái độ bảo vệ đất nước của chính quyền miền Nam và người dân miền Nam trước hành vi xâm lăng của cộng sản miền Bắc là nguyên nhân đưa đến nỗi đau khổ của dân tộc, chứ không hề nhắc nhở gì đến sự tàn bạo của bộ đội Mặt trận Giải phóng miền Nam và cộng sản miền Bắc.

    Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người
    Tôi đã thấy, tôi đã thấy,
    Trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn
    Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người
    Tôi đã thấy, tôi đã thấy,
    Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con
    Mẹ vỗ tay reo mừng xác con
    Mẹ vỗ tay hoan hô hoà bình
    Người vỗ tay cho thêm nhịp nhàng
    Người vỗ tay cho đều gian nan
    "Hát trên những xác người"

Sau ngày 30 tháng 4 1975, TCS đã lại tiếp tục sống nép dưới quyền lực của chế độ CS và viết những bài nhạc theo thời để yên thân, trong đó có bài “Em còn nhớ hay em đã quên” với câu “Có con đường nằm nghe nắng mưạ Em ra đi nơi này vẫn thế. Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ,” với hàm ý đất nước Việt Nam dưới chế độ cộng sản vẫn phát triển, vẫn hạnh phúc, vẫn thơ mộng bất kể những sự liều mạng chạy trốn chế độ cộng sản của người dân miền Nam. Có lời đồn rằng bài hát này TCS viết cho Khánh Ly, sau khi Khánh Ly rời Việt Nam đến Hoa Kỳ vào năm 1975.

Trong cái thế giới ảo do ma túy tạo nên, TCS đã sáng tác được những bài ca nhiều người thích. Đây là một hiện tượng chung nơi nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ thế giớị Nhưng Như Hà lại suy diễn một số những lời nhạc mông lung trong cơn say ma túy hay say rượu thành những ý tưởng cao cả vì tổ quốc của TCS, và nhận định rằng, “đó là sự trăn trở, lời thiết tha, kêu gọi lòng vị tha nhân ái ... là sự kết nối cảm thông, là sự chan hoà thương yêu, là những trăn trở, những hụt hẫng về một thế giới bạo lực dối trá và thấp hèn. Nhạc Trịnh đưa ta trở về cõi hoang sơ vô thường và tĩnh tại, nhân bản mà kiêu sa, san sẽ cảm thông và giàu lòng nhân ái.” Đoạn trích dẫn trên cho thấy nhận định của Như Hà về TCS quả là quá đáng và đầy ... ảo tưởng.

Tóm tắt, trước 1975, cuộc đời TCS là một cuộc đời bị trói vào trong cảm quan được phóng đại lên bởi rượu và ma túy, và cũng như không thoát ra khỏi sự sai khiến của ma túy để mà đi theo CS. Sau 1975, những lúc tỉnh hiếm hoi, TCS có lúc cũng thấy có điều không ổn, mà đã viết ra một số nhạc phẩm như: “Đường Xa Vạn Dặm Mẹ Bỏ Con Đi, Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng, Con Mắt Còn Lại, Tiến Thoái Lưỡng Nan, vân vân,” diễn đạt sự hoang mang chán nản của mình trước thực tại thối nát của chế độ cộng sản mà TCS đã tôn thờ, nhưng Trịnh Công Sơn do bản tính yếu đuối cuối cùng vẫn không thoát được khỏi hấp lực của những chai rượu trao tay từ Võ Văn Kiệt và các tay quyền thế khác của hệ thống quyền lực CS ở miền Nam sau 1975 để lại tiếp tục chìm đắm cuộc đời chè chén say sưa trong cõi tạm.

    Con chim ở đậu cành tre
    Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
    Cành tre ... í ... a
    Dòng sông ... í ... a
    Tôi nay ở trọ trần gian
    Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời
    í ... a ... í ... à ... í ... à ... a ...

    “Ở trọ”

Kết luận, TCS có thể là một nhân tài trong âm nhạc, một hiện tượng đặc biệt trong thế giới âm thanh, có khả năng xử dụng ngôn ngữ văn chương, chuyển hóa chúng thành những đặc thù khắc khoải, để lại sự rung động dài lâu nơi hồn người nghe. Tuy nhiên trong thời chiến, trước tình hình đất nước phải đối đầu với một cuộc chiến tranh tự vệ, trước sự xâm lăng tàn bạo của chế độ cộng sản miền Bắc, thì việc TCS qua âm nhạc và các bài ca phản chiến đã góp tay hủy diệt tinh thần chống cộng, tiếp sức cho cộng sản sớm chiếm được miền Nam tạo nên những nỗi đoạn trường, thảm khốc, đau khổ trên khắp miền đất nước cho đến ngày hôm nay, do đó TCS trước lương tâm và lịch sử dân tộc không thể chạy thoát khỏi trách nhiệm của mình.

Như Hà có toàn quyền tự do để tin ở một TCS cao cả, nhân bản để mà viết ra những lời ca tụng TCS như trong bài viết. Tuy nhiên trong cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay đang trong giai đoạn chót của CS biến thái đầy phức tạp, cũng rất có thể là Như Hà đang cố tình bóp méo thực tế về TCS để tạo ra tâm lý thuận lợi cho việc đề cao nhạc Trịnh Công Sơn, giúp cho các thương nhân tài phiệt tổ chức những buổi trình diễn nhạc TCS để làm tiền, hay là giúp cho việc xóa mờ ranh giới giữa chính nghĩa và tội ác, chuẩn bị cho việc bình thường hoá các nhân vật cộng sản đang biến thái và tay chân của họ đang xuất hiện tại hải ngoại dưới các vỏ bọc giao lưu văn hóa.

Thụy Ái
Ngày 27 tháng 5 năm 2008

No comments:

Post a Comment