Friday, May 2, 2014

Suy nghĩ và tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư - Janet Nguyễn

Suy nghĩ và tưởng niệm ngày 30 Tháng Tư
Janet Nguyễn
Cách đây 39 năm, Sài Gòn rơi vào tay cộng sản, và cuộc đời tôi bị thay đổi hoàn toàn. Vào ngày này hôm nay, tôi muốn hồi tưởng lại những năm tháng qua, và ảnh hưởng của “Tháng Tư Ðen” đối với chính bản thân tôi, cũng như hàng triệu người Việt Nam tị nạn khác giống tôi, khắp thế giới.

Những kỷ niệm đầu tiên của tôi là cuộc sống trong trại tị nạn, sau khi gia đình tôi lênh đênh trên Biển Ðông. Chú tôi, một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, bị xử bắn ngay ngày Sài Gòn thất thủ. Sợ bị cộng sản trả thù, tất cả chúng tôi phải trốn đi, bởi vì cha tôi từng phục vụ trong quân đội miền Nam Việt Nam. Biết rằng tương lai của chúng tôi ở Việt Nam sẽ rất đen tối, cha mẹ tôi liều mình đưa cả nhà vượt biên đi tìm sự an toàn và tự do cho gia đình.

Ngay khi đến bờ biển Thái Lan, chúng tôi, cũng như nhiều gia đình khác, phải đập bể ghe và bơi vào bờ. Sau một thời gian sống ở các trại tị nạn, chúng tôi may mắn được đặt chân lên đất Mỹ.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự bắt đầu của một hành trình đầy khó khăn.

Trong lúc nuôi dạy các con, cha tôi vừa làm phụ tài xế xe buýt tại một trường đại học cộng đồng, vừa học tiếng Anh. Gia đình tôi phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội, trợ cấp thực phẩm. Quần áo chúng tôi mặc là mua ở các tiệm bán đồ cũ, hoặc do nhà thờ địa phương tặng vào dịp Giáng Sinh. Khi bắt đầu học đại học, tôi phải làm 3 việc mới có đủ tiền chi tiêu, trong lúc học toàn thời gian tại đại học UC Irvine.

Qua những khó khăn trong đời sống, cha mẹ tôi khuyến khích anh em chúng tôi học thành tài và cống hiến lại cộng đồng. Chính vì những lời khuyên này mà tôi quyết định đi vào con đường phục vụ công chúng, trong khi người anh trai tôi gia nhập Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Bây giờ, tôi đã là nữ giám sát viên đầu tiên đại diện Ðịa Hạt 1, là người Mỹ gốc Châu Á đầu tiên, và là người Mỹ gốc Việt đầu tiên, trong Hội Ðồng Giám Sát Quận Cam. Tôi cũng là giám sát viên trẻ nhất trong lịch sử Quận Cam, là dân cử người Mỹ gốc Việt cao cấp nhất tại tiểu bang California, và là nữ dân cử người Mỹ gốc Việt cao cấp nhất ở Hoa Kỳ.

Cho dù thành công như vậy, tôi không bao giờ quên những gì tôi đã trải qua để có được ngày hôm nay.

Ðể tưởng niệm và để nhắc nhở các thế hệ sau về sự kiện quan trọng này, tôi đã đưa “Tháng Tư Ðen” vào trong nghị trình họp, để Hội Ðồng Giám Sát Quận Cam công nhận hàng năm. Tôi làm như vậy là để tưởng niệm “Tháng Tư Ðen,” để công chúng biết về thời điểm này, và để thấy rằng chúng ta thật sự cần phải bảo vệ tự do và dân chủ khắp nơi trên thế giới.

Kể từ khi có “Tháng Tư Ðen,” đời sống người dân ở Việt Nam ngày càng tệ hại. Vì thế, tôi luôn tham gia các sự kiện chống cộng sản được tổ chức ở nhiều nơi khắp Hoa Kỳ, điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ, và mới đây nhất, phản đối ý định của thành phố Irvine kết nghĩa với thành phố Nha Trang ở Việt Nam.

Hiện nay, tôi cũng đang làm việc cùng với Dân Biểu Ed Royce để thông qua HR4254, Dự Luật Chế Tài Giới Chức CSVN Vi Phạm Nhân Quyền, nhằm trừng phạt những cá nhân vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Tôi hy vọng những việc làm này sẽ tạo ra thay đổi tích cực cho người dân đang sống tại đất nước mà tôi được sinh ra.

Qua những gì xảy ra trong cuộc đời, tôi có một cảm giác khó tả mỗi khi đến “Tháng Tư Ðen.” Tôi rất buồn khi thấy rất nhiều người Việt Nam và người Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh. Thế nhưng, dù đang sống ở Mỹ, tôi cũng nhận thấy rằng, đấu tranh cho tự do và dân chủ là một điều vô cùng cao quý.

Chỉ có tại đất nước này, một người từng sống nhờ trợ cấp xã hội và trợ cấp thực phẩm nay đã trở thành một nhà lãnh đạo trong một cơ quan dân cử quận hạt, quản trị một ngân sách lớn hàng thứ bảy tại Hoa Kỳ.

Riêng đối với gia đình tôi, quyết định phải rời Việt Nam là một câu chuyện buồn, nhưng lại kết thúc có hậu, và tôi luôn trân trọng nó mỗi ngày. Thế nhưng, tôi sẽ không bao giờ quên quá khứ, bởi vì tôi biết, không phải tất cả người tị nạn Việt Nam đều may mắn.

30 Tháng Tư năm 1975 sẽ luôn luôn là ngày để tưởng nhớ hàng triệu người đã hy sinh tính mạng của họ cho những người như tôi, những người mà cuộc đời được thay đổi mãi mãi.

Janet Nguyễn
oOo
Tháng Tư Ðen: Một thời điểm để nhìn lại

Ngày 30 Tháng Tư đánh dấu ngày kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam và mở đầu làn sóng bỏ nước ra đi của hàng triệu người Việt Nam sau khi Sài Gòn rơi vào tay quân cộng sản vào ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Ðã nhiều năm qua tôi đã tham dự nhiều buổi lễ lạt ở thành phố Garden Grove và thành phố láng giềng Westminster để tưởng niệm ngày kỷ niệm này mà cộng đồng người Việt gọi là Tháng Tư Ðen. Tôi thấy được những buổi lễ này rất là cảm động khi tôi học hỏi được về những đấu tranh trong lịch sử cho khát vọng dân chủ tự do của một dân tộc.

Nó tưởng nhớ và nó cũng là một lời chứng về lòng can đảm, sự hy sinh, sự quyết tâm và sự thành công tối hậu bằng sự quyết tâm. Chiến tranh Việt Nam là một bi kịch với bao nỗi đau khổ cũng như sự hy sinh mạng sống của nhiều người Mỹ và người Việt. Những người tị nạn và những người di dân từ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa trước đây đã đến Hoa Kỳ như là những người Mỹ gốc Việt tự do. Họ đã được vinh danh và ghi nhớ cho sự hy sinh cho tự do và nhân quyền và cho sự đóng góp không ngừng nghỉ của họ cho xã hội dân chủ của chúng ta.

Tháng Tư Ðen không những là một dịp để nhớ lại những hy sinh trong quá khứ mà cũng là ngày vinh danh sự kiên cường của người Việt. Ðã nhiều năm những người di dân Việt Nam đã vượt qua những rào cản xã hội, kinh tế, và ngôn ngữ với một mức độ chưa từng thấy để tiến lên và trở thành một trong những cộng đồng hội nhập nhất trong bất cứ nhóm sắc dân nào. Người Mỹ gốc Việt đã đạt tới điểm cao nhất của sự thành công của xã hội Mỹ trong mọi lãnh vực, từ kinh doanh sản xuất, đến khoa học kỹ thuật, y học, quân sự, cũng như chính quyền.

Chúng ta phải dạy con cái chúng ta và những thế hệ tương lai những bài học quan trọng từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Kể cả câu chuyện về thân phận của những người tị nạn sau khi kết thúc cuộc chiến như là một thí dụ mạnh mẽ cho những giá trị tự do và dân chủ. Tháng Tư Ðen sẽ là một thời điểm đặc biệt cho tất cả mọi công dân để nhớ lại những mất mát của bao sinh mạng suốt trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, và để hy vọng một cuộc sống công bằng và nhân đạo hơn cho người dân Việt Nam, và cũng để vinh danh một cộng đồng đã đóng góp quá nhiều từ nhân sự, văn hóa, kinh tế cho cấu trúc xã hội của Garden Grove, một thành phố cổ vũ cho sự đa dạng văn hóa và sắc tộc.

Kris Beard, nghị viên Garden Grove


No comments:

Post a Comment