Thursday, May 1, 2014

Chết cũng không quên ngày này! - Hoài Mỹ

Chết cũng không quên ngày này!

Hoài Mỹ
(VienDongDaily.Com - 30/04/2014)

Không ít người, cách riêng phần đông những kẻ mà người ta thường vạch một cái mốc thời gian to tổ bố, “Sinh sau chiến tranh” - ý nói các thế hệ chào đời sau ngày 30 tháng Tư, 1975, thường tỏ ra “vô tư” khi phán: Phải quên dĩ vãng, “30 tháng Tư” đã qua lâu rồi, tội gì mà nhớ cho “điên cái đầu, đau cái đít”! - hoặc lên giọng “thầy đời,” tuy cũng có thể thành thật, để “khuyên” rằng phải đoạn tuyệt với quá khứ đen tối ấy để lo cho ngày mai chứ; tuy nhiên nguy hiểm hơn cả là các phần tử không hiểu do bản chất “ngây thơ vô số tội” hoặc đã ăn phải bã của Việt Cộng, hoặc “biết một mà không biết mười” mà mỗi lần “30 tháng Tư” về lại làm ra vẻ tha thiết với tiền đồ đất nước, biểu lộ sự hăng say mà “thuyết minh” văng cả nước bọt, “Việt Cộng cũng là... người Việt Nam; nay đã đến lúc hòa hợp-hòa giải dân tộc. Cứ duy trì mãi “30 tháng Tư” tức là nuôi hoài thù hận; thử hỏi như vậy làm sao mà giúp đất nước tiến được!” v.v. và v.v..

Sức mấy mà quên!

Người Việt quốc gia thứ thiệt khi nghe những “lý luận” tương tự kể trên, cũng dễ nổi sùng lắm; nhiều người - dù gần... làm thánh - cũng muốn chửi thề hoặc ngứa miệng muốn văng tục.

Đúng vậy, có thể nói cụm từ “30-Tháng-Tư-Đen” nay đã trở thành một thứ danh từ riêng kép, khi viết thì phải viết hoa, chẳng hạn giống như họ và tên của một người. Ngày này không những đã mặc nhiên mang tính lịch sử mà còn trở thành thiêng liêng đối với người Việt miền Nam Cộng Hòa. Bởi thế người có lương tâm - dù một chút thôi - và ý thức - dù không nhiều lắm - cũng chẳng bao giờ quên được ngày này. Hơn thế nữa, ngày “30 Tháng Tư” này lại “đen,” nôm na là không sáng sủa mà bóng bảy nhưng chính xác là đau thương, bi thảm, là máu lửa, tuyệt vọng và chết chóc. Vậy mà bảo là “quên,” họa có điên!

Chẳng những không quên, không thể quên, đúng hơn là dứt khoát không muốn quên, vì 30-Tháng-Tư-Đen là một nỗi quốc nhục, một niềm quốc hận do đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) gây nên. Bởi thế, hàng năm cứ đến ngày 30 tháng Tư, người quốc gia chân chính lại tự “ôn bài” kỹ hơn nữa để không một nét dĩ vãng nào, một sự kiện hay một hình ảnh quá khứ nào thiếu sót. Mặc dù ai cũng quá rõ những hậu quả đau buồn của 30-Tháng-Tư-Đen, nhưng mỗi khi nghe hay đọc lại các sự kiện ấy, phần đông ngậm ngùi, uất hận chứ không quen miệng nói, “Biết rồi, khổ quá nó mãi!”. Đây mới chính xác là “ôn cố tri tân.” Có như vậy mới xác định không ngừng được bản thế của mình, lý lịch hay căn cước và vị trí của mình cũng như trách nhiệm của mình, cách riêng ý nghĩa và mục đích việc “ra đi” của mình. Vậy mà bảo là “quên,” họa có điên!

‘Giải phóng’ hả? ‘Cách mạng’ hả?

Và cũng bởi ngày “30 tháng Tư” này “đen” mà những nạn nhân, những người có ý thức và lương tâm đã và vẫn chẳng bao giờ chịu dùng một danh từ hay một cụm từ nào khác để thay thế hay để “điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa”. Chẳng hạn một số người có thể vì quen miệng hoặc bị “lậm” ảnh hưởng của đường lối tuyên truyền từ phía kẻ thù, tức Việt Cộng, mà gọi ngày này là “ngày giải phóng” hay “ngày cách mạng vào.” Láo! - “Láo” là không thật, dối trá, là “xạo chuyên nghiệp.” Tại sao?. Bởi, chữ “giải phóng” đến một thằng bé, con hĩm hỉ mũi chưa sạch cũng dư sức hiểu đó là một việc thiện, giúp người thoát khỏi gông cùm, thoát một hoàn cảnh, một tình trạng đen tối hoặc thoát một cuộc đô hộ. Thế nhưng ở đây, Việt Cộng đã chỉ thực hiện toàn những tội ác, hoàn toàn trái ngược với những gì vừa lược kể trong định nghĩa trên, nghĩa là mang những người đang sống tự do vào xích lại trong gông cùm, ngục tù - nghĩa là tước đoạt sự thịnh vượng, thoải mái của một cuộc sống hạnh phúc, bình an để thay vào đó là sự nghèo nàn, khốn khó, ngu dốt, là mồ hôi, nước mắt và máu, là “thi đua” mà “Xuống Hàng Chó Ngựa” - nghĩa là triệt tiêu một chính thể nhân bản, một chế độ đầy tính dân tộc, tự do, dân chủ để “xây dựng” một chủ nghĩa lai căng, lạc hậu, lỗi thời, phi dân tộc, phi tín ngưỡng, phi gia đình đồng thời thực thi một chế độ độc tài, sắt máu.

Để “đáp lễ” tác dụng của “giải phóng,” tiếng lái bình dân ở miền Nam ngay sau ngày 30-Tháng-Tư-Đen đã nhại thành “phỏng dái.” Quá hay!

Còn “cách mạng”? Cách mạng là sửa đổi chế độ cũ cho tốt đẹp hơn hoặc thay thế chế độ cũ bằng chế độ mới, người mới. Điển hình như cuộc Cách Mạng Tư Sản Dân Quyền năm 1789 của dân chúng Pháp do giới tư sản hay giới trung lưu lãnh đạo lật đổ chính quyền nhà vua độc đoán để lập ra thể chế dân chủ. Vậy, trước câu hỏi giữa chế độ Cộng Hòa miền Nam và chế độ Công Sản miền Bắc, chế độ nào “thơm” hơn, “ngon lành” hơn chế độ nào?

Ta chẳng cần “nổ” hay vì tâm trạng “mèo khen mèo dài đuôi” hoặc chủ quan, tự ái vặt, cứ “vô tư” mà phát biểu thì phải công nhận chế độ ở miền Nam tuy chưa hẳn lý tưởng, hoàn hảo nhưng đáp ứng được hầu hết nguyện vọng và nhu cầu của người dân. Lấy bất cứ lãnh vực nào để so sánh, người ta thấy ngay đáp số. Mạn phép nhắc lại một vài “sự thật phũ phàng” để chứng minh nhé: Sau ngày 30-04-1975, nhiều đồng bào miền Bắc vào “nước Saigon” cốt ý tìm gặp thân nhân, bạn bè vốn đã xa cách nhau từ năm 1954 do cuộc “bỏ phiếu bằng chân” nhằm phủ nhận chủ nghĩa cộng sản. Nhờ đã được đảng và nhà nước cho “học tập” trước nên họ mang theo nào chục bát kiểu, ký gạo, cân đường, một hai thước vải, đôi guốc sơn - vốn là những “của quý” ở miền Bắc - mà họ có thiện ý “làm quà” cho “bà con đói khổ trong miền Nam vì bị Mỹ ngụy kềm kẹp”; nào ngờ khi thấy tận mắt sự giầu sang, dư dật, thừa mứa... của người trong Nam, họ mới ngã ngửa, bèn “từng bước, từng bước thầm” mà bỏ hết “của quý” ở một bụi rậm nào đó hoặc cứ “thành khẩn khai báo” tình trạng “rách hơn xơ mướp” ở miền Bắc. Từ đó có câu người miền Bắc vào Nam nhận “họ,” về mang “hàng.” Lại nữa, vì mặc cảm đồng thời đã được chỉ thị, bộ đội và cán bộ khoe rầm trời là ở miền Bắc, nào “tủ lạnh chậy đầy đường,” nào “ti vi, đài... chạy đầy đường”- tuy nhiên những khi bắt nạt dân chúng miền Nam hoặc ra chợ trời, họ “tiếp thu” không thiếu bất cứ thứ gì mà chính họ gọi là “tàn dư của Mỹ ngụy” theo chủ trương “tam vê”:

Vào - Vơ - Vét!

Xin thưa, những gì tôi viết trong bài này không có gì mới mẻ cả, vẫn nghe... quen quen; đúng vậy, bởi chúng đã được “cầu chứng tại tòa” lịch sử khiến chết tôi cũng không quên, trái lại hàng ngày tôi vẫn “tụng” để cách riêng đến ngày 30-Tháng-Tư-Đen, tôi lại mang ra tự “trả bài” cho chính bản thân, sau đó đọc cho vợ và các con, cháu nghe...

‘Cách mạng’ đồng nghĩa với lường gạt; ‘giải phóng’ với xảo trá

Kể từ ngày 30-Tháng-Tư-Đen, bởi “cách mạng” và “giải phóng” chỉ biết lường gạt, lại quá xạo, quá láo mà từ ngữ VẸM đã sống động mạnh mẽ trở lại, đặc biệt trong giới cao niên ở miền Bắc Việt Nam. Chữ này thật sự đã xuất hiện gần như cùng thời đảng CSVN được thành lập (khoảng năm 1940). Thuở ấy, để đánh lừa dư luận quốc tế, Hồ Chí Minh và đồng bọn đã trá hình đảng này là một đảng quốc gia với cái tên ngụy tạo “Việt Nam Đồng Minh Hội,” gọi tắt là Việt Minh hay viết tắt là VM. Phần để lột mặt nạ CSVN, phần nhằm giễu cợt bản chất láo khoét của các “đồng chí đồng chuột” lớn, nhỏ, đồng bào Việt Nam đã khôi hài hóa hai mẫu tự VM bằng cách đọc nhanh nhiều lần “vê - em” để rồi cuối cùng lâu dần thành VẸM. Tuyệt vời! VẸM gần như VẸT - một loại chim giỏi bắt chước tiếng người - “Nói như vẹt” nghĩa là nói lập lại những điều mà mình không hiểu, tuy nhiên, từ VẸM sống động hơn VẸT nhiều và giầu tính châm biếm.

Vì bị “cách mạng” lường gạt trắng trợn mà sau ngày 30-Tháng-Tư-Đen hàng trăm ngàn quân, cán, chính của miền Nam Cộng Hòa đã bị đầy đọa thảm khốc trong ngục tù của Việt Cộng vốn được ngụy danh là “trại học tập cải tạo.” Nhiều người đã bỏ thây trong các trại khổ sai này.

Và cũng bởi “giải phóng” xảo trá đến độ “hết thuốc chữa,” chẳng những đúng ngày 30-Tháng-Tư-Đen mà cả hơn chục năm sau, “nếu cột đèn biết đi, nó cũng tìm đường trốn khỏi thiên đàng Cộng Sản” - huống chi là người vốn khát khao Tự Do và Dân Chủ - bất chấp sự ra đi đầy hiểm nguy, “chín phần chết, một phần sống.” Ý nghĩa và mục tiêu đó đã được Nam Lộc diễn tả tuy ngắn gọn, nhưng trúng phoóc trong nhạc phẩm “Xin đời một nụ cười”, “Tôi bước đi - vì không muốn làm kẻ tội đồ - Vì tôi muốn lại kiếp con người - Muốn cuộc đời có những nụ cười - Tự Do ơi, Tự Do, em đổi bằng thân xác - Vì hai chữ Tự Do, ta mang đời lưu vong...”

Cũng vì biết bao lý do cay đắng, uất nghẹn kể ra không hết mà hầu hết người Việt tị nạn cộng sản, nhất là các cựu quân nhân, các tù nhân của chính sách “học tập cải tạo” nay nghe người này thay vì phải gọi đúng tên ngày 30-Tháng-Tư-Đen cho danh chính ngôn thuận, lại gọi “ngày giải phóng” hay người khác gọi “ngày cách mạng vào,” thử hỏi làm sao họ không sôi máu-chống-Cộng hay không “tắc-dzăng nổi giận”?

Tóm lại, để mô tả thân phận đất nước Việt Nam nói chung, miền Nam Cộng Hòa nói riêng kể từ 30-Tháng-Tư-Đen, không gì bằng trích dẫn câu thơ của thi sĩ miền Bắc Trần Dần (1926-1997):
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ...
Nói cách khác, dưới chế độ Cộng Sản chỉ có nước mắt (mưa sa) và máu (cờ đỏ). Vậy mà bảo “quên,” họa có điên!

Thì đấy, ngày nay - sau 39 năm - Việt Nam là một trong những quốc gia “cầm đèn đỏ” về tôn trọng nhân quyền nhưng lại chiếm hạng cao cấp trong danh sách các nước tràn ngập nạn tham nhũng, trong khi đó phần đông dân chúng lâm cảnh hoặc “con đóng khố, bố cởi chuồng,” hoặc ngày thì “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi,” đêm lại “vỗ bụng rau bình bịch”. Thì đấy, sau 39 năm, hải phận và lãnh thổ Việt Nam đã bị sứt mẻ, bởi đảng Việt Cộng đã xẻ thân xác Mẹ Việt Nam, đã cắt xuơng, thịt Tổ Quốc Việt Nam đem “dâng” cho Trung Cộng - Thì đấy, sau 39 năm và cho tới ngày nào đảng Việt Cộng vẫn còn độc trị quê hương thì ở Việt Nam vẫn chỉ có toàn những nước mắt và máu đỏ...

Vậy mà bảo “quên,” họa có điên! (hm)

Hoài Mỹ



No comments:

Post a Comment