Sunday, April 18, 2010

Vì sao Đức Giáo Hoàng trở thành trung tâm của bão truyền thông ? - Mai Loan

Mai Loan

Đó là tựa đề của một bài viết của nhà báo John L. Allen Jr, phân tích gia kỳ cựu về Vatican của đài truyền hình dây cáp CNN, viết ngày 19-3 vừa qua “Why pope is at center of media storm giải thích phần nào một số các vụ xì-căng-đan được liên tiếp loan báo từ đầu tháng Ba. Ông Allen cũng còn là một phóng viên thường trực kỳ cựu của tờ National Catholic Reporter và đài phát thanh NPR đặc trách về các đề tài liên quan đến Vatican. Vào lúc bài báo của ông Allen được loan ra, người ta biết đến nhiều vụ tai tiếng xâm phạm tình dục trong nhà thờ nổ ra tại nhiều nước ở Âu Châu như Ý, Áo (Austria), Hoà Lan, Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ, Ái Nhĩ Lan (Ireland) và đặc biệt là Đức, có dính líu xa gần đến chính vị chủ chăn tối cao là Đức Giáo Hoàng Benedict 16.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần hai tuần lễ từ đó đến nay, một loạt những bài viết khác với những tin tức và nội dung mới hơn được liên tiếp đưa ra gần như mỗi ngày, trình bày nhiều vấn đề nhạy cảm và đồng thời cũng rất nhức nhối khác (với đầy đủ những bằng chứng rõ ràng kể cả những tài liệu và văn thư từ bên trong Toà Thánh), đã cho thấy vấn đề dường như càng ngày càng trầm trọng hơn khiến cho mọi người theo dõi thời sự, dù không phải là con chiên của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã, cũng phải đặc biệt quan tâm đến.

Đa số các bài viết đa dạng của hàng chục nhà báo khác nhau -- như Bobby Ghosh, Bryan Coll và Jeff Israely của tạp chí Time; Nicole Winfield, Victor Simpson, Gillian Flaccus và một lô các ký giả tại nhiều nước khác nhau của hãng thông tấn AP; Dan Gilgoff và John Allen Jr. của đài CNN; Brett Michael Dykes của Yahoo! News; Andrew Sullivan của tạp chí The Atlantic; Richard Owen và Ruth Gledhill của Times of London; Nicholas Kulish, Rachel Donadio và Laurie Goodstein của New York Times -- đều nói đến những hậu quả tai hại của những nguồn tin này được loan báo ra ngoài, ảnh hưởng không ít đến uy tín cá nhân của Đức Thánh Cha. Đặc biệt là đối với người dân tại Hoa Kỳ, vốn từ lâu đã rất khắt khe đối với các tội phạm xâm phạm trẻ em và do đó đã không mấy hài lòng khi vụ xì-căng-đan này nổ ra vào năm 2002 khiến cho hàng chục giáo phận tại Hoa Kỳ đã phải bồi thường hàng trăm triệu Mỹ-kim cho các nạn nhân đã từng bị nhiều vị linh mục xâm phạm tình dục lúc còn trẻ và nội vụ đã được giấu nhẹm trong nhiều thập niên do bởi các chính sách bao che của cấp trên là các vị giám mục và hồng y điều hành tại các giáo phận.

Do bởi truyền thống tranh đấu cho tự do và công lý tuyệt đối và đòi hỏi tinh thần phải nhận lãnh trách nhiệm từ những vị lãnh đạo cao cấp cho dù có là tổng thống hoặc giáo chủ, nhiều người cực đoan tại Hoa Kỳ đã lên tiếng yêu cầu Đức Giáo Hoàng phải từ chức vì trách nhiệm liên đới đến các vụ tai tiếng này. Hoặc có nhiều người, như luật sư Jeff Anderson và nhiều luật sư khác đại diện cho các nạn nhân của các vụ xâm phạm tình dục, mong muốn Toà Thánh phải cung cấp tất cả những tài liệu riêng tư được giữ kín từ trước tới nay trên hồ sơ này, hoặc nếu cần thì đòi sẽ gửi trát toà đến để đòi Đức Thánh Cha phải ra khai trước toà như là một nhân chứng liên hệ. (Ông Jeff Anderson là vị luật sư đại diện cho nhiều thân chủ trong cả ngàn đơn kiện về các vụ xâm phạm tình dục trong hơn hai thập niên qua và đã đấu tranh để đem lại cho các thân chủ của ông hàng chục triệu Mỹ-kim tiền bồi thường).

Trên lý thuyết, điều này gần như không thể xảy ra bởi vì Đức Giáo Hoàng, ngoài cương vị là chủ chăn của một giáo hội với hơn một tỉ tín đồ trên thế giới, còn là một vị nguyên thủ quốc gia của Vatican, và do đó không thể bị ép buộc phải ra hầu toà để nghe các vị luật sư chất vấn tại toà án ở Mỹ. Hoa Kỳ đã công nhận Vatican là một quốc gia có chủ quyền độc lập và hai bên đã thiết lập bang giao chính thức kể từ năm 1984. Vào năm 2007, thẩm phán liên bang John Heyburn đã bác bỏ thỉnh nguyện của một số các nguyên đơn trong vụ kiện muốn đòi lấy lời cung khai của Đức Giáo Hoàng. Ngoài ra, cũng còn có đạo luật “Foreign Sovereign Immunities Act” quy định những đặc miễn tài phán không cho phép những đơn kiện tại Hoa Kỳ đối với các nước khác.

Riêng về chuyện Đức Giáo Hoàng có thể từ chức, điều này lại còn khó xảy ra hơn. Từ hàng trăm năm qua, đây là chức vụ mà người nắm quyền giữ vững cho đến khi qua đời. Tuy luật lệ của Giáo Hội không ngăn cấm việc một vị giáo hoàng tự động từ chức, lần sau cùng xảy ra vụ này là vào năm 1415 khi Giáo Hoàng Gregory 12 từ chức, nhưng không phải vì một vụ tai tiếng mà là từ sự chia rẽ nội bộ trầm trọng trong Giáo Hội với 2 vị Giáo Hoàng tranh quyền cùng một thời (với Giáo Hoàng Benedict 13 tại Avignon). Lần chót một vị giáo hoàng phải bị từ chức vì một vụ tai tiếng là vào năm 1046 khi Giáo Hoàng Gregory 6 bị mang tai tiếng trong vụ hối lộ để mua lại chức vụ này từ một người con tinh thần là Giáo Hoàng Benedict 9.

Theo lời của ông Rainer Kampling, giáo sư về thần học tại trường Đại học Berlin Free University thì việc đòi hỏi vị giáo hoàng phải từ chức là điều không thực tiễn cho dù các cuộc thăm dò dân ý có cho thấy là uy tín của ngài có xuống thấp đến đâu đi chăng nữa. Theo nhận định của giáo sư Kampling thì “Giáo Hoàng không phải là một chính trị gia”. Ngay cả một người chỉ trích mạnh mẽ Giáo Hoàng Benedict 16 là ông Herbert Kohlmaier, chủ tịch một nhóm giáo dân người Áo, cũng cho rằng việc từ chức này là điều sẽ không xảy ra. Theo ông Kohlmaier thì “người ta chắc chắn sẽ không thể để cho một nhân vật đầy biểu tượng như vậy có thể ra đi dễ dàng như vậy”.

VỤ TAI TIẾNG BẮT ĐẦU TẠI ĐỨC.

Theo lời của nhà báo John Allen thì thoạt tiên vụ tai tiếng nổ bùng ra dính líu gần nhất đến Đức Giáo Hoàng Benedict 16 là vụ xảy ra tại Đức, liên quan đến một linh mục đã xâm phạm tình dục trẻ em tại nhà thờ xảy ra khoảng 30 năm về trước. Khi còn cai quản Tổng Giáo Phận Munich & Freising vào năm 1980, Tổng Giám Mục Joseph Ratzinger đã chuẩn thuận việc thuyên chuyển đến nơi này để điều trị tâm thần cho một vị linh mục can tội xâm phạm tình dục trẻ em tại giáo phận Essen. Đây là một hình thức điều trị thông thường vào thời ấy cho những vị linh mục can tội xâm phạm tình dục trẻ em. Thế nhưng vị linh mục này, có tên là Peter Hullermann, sau đó đã được cho phép trở lại một địa phận khác để làm mục vụ tông đồ, và do đó có cơ hội xâm phạm tình dục nhiều nạn nhân thiếu nhi khác.

Sau đó Tổng Giám Mục Ratzinger được chuyển đến làm việc tại Vatican vào năm 1982 và mãi đến năm 1986 thì linh mục Hullermann mới bị kết án trước toà về tội xâm phạm tình dục – nhưng vẫn được tiếp tục làm việc như một linh mục. Phải đợi đến khi tờ báo Suddeutsche Zeitung khui ra vụ tai tiếng này vào đầu tháng Ba năm 2010 thì danh tính của vị linh mục này mới được loan báo cho công chúng biết.

Những người bênh vực cho Đức Giáo Hoàng Benedict 16 thì cho rằng ngài đã không biết gì về chi tiết của vụ này. Phát ngôn viên của Vatican là linh mục Federico Lombardi đã nói rằng trách nhiệm trong vụ này là của vị phụ tá là Giám mục quản nhiệm Gerhard Gruber. Trên website của Tổng giáo phận Munich cũng đã có đăng lời thú nhận của giám mục Gruber nhận hoàn toàn trách nhiệm cho vụ này. Tuy nhiên, nhiều người đã tỏ ý nghi ngờ việc Tổng Giám Mục Ratzinger đã không hề biết gì về chi tiết trong vụ này. Một trong những người đó là Linh mục Thomas Doyle, từng làm việc tại Toà Khâm Sứ ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn và là một trong những người nổi tiếng trong việc phanh phui các vụ bê bối trong nội bộ Giáo Hội đã xảy ra trước đây.

Trong một bài tường thuật bởi hai nhà báo Nicholas Kulish và Rachel Donadio đăng trên tờ báo New York Times đề ngày 12-3 vừa qua, linh mục Doyle nói rằng lời thú nhận trách nhiệm của Giám mục Gruber là một “điều khó tin” và đưa ra lời nhận định giải thích rõ hơn: “Giáo Hoàng Benedict 16 là một người nổi tiếng về chuyện quản lý chi ly (micromanager) mọi việc trong nội bộ. Đó là thói quen của những người theo truyền thống cũ như ngài. Tất cả những vụ quan trọng kiểu này chắc chắn phải được trình lên cho ngài biết rõ. Có lẽ nên nói với vị giám mục quản nhiệm này cần đưa ra một lời biện minh nào khác hay hơn. Thật ra việc mà ông ta muốn làm rõ ràng là muốn bảo vệ thanh danh cho Đức Giáo Hoàng”.

Vào thứ Sáu tuần trước, tờ New York Times lại cho biết là Hồng Y Ratzinger đã nhận được một phó bản ghi rõ là linh mục Hullerman sẽ được trở lại làm công tác mục vụ với con chiên chỉ vài ngày sau khi bắt đầu chương trình chữa trị tâm thần. Tổng giáo phận Munich đã nhấn mạnh rằng ngài Ratzinger vào thời ấy không biết gì về quyết định này và mọi tin tức nào khác chỉ đều là “do suy diễn mà ra”.

Trong một chừng mực nào đó, theo như lời của nhà báo John Allen Jr., việc đổ lỗi cho tổng giám mục Ratzinger trong vụ tai tiếng này cũng có phần hơi khắt khe. Vì đây chỉ là một vụ đơn lẻ xảy ra cách nay ba thập niên và nhiều phần là ngài đã không chủ ý hoặc biết rõ gì nhiều về chi tiết của sự việc. Chi tiết tội lỗi nặng nề đáng trách nhất trong vụ này lại diễn ra trong thời gian sau khi ngài đã rời khỏi tổng giáo phận Munich, đó là việc để cho linh mục Hullermann tiếp tục làm linh mục mặc dù đã bị toà án dân sự kết tội.

Điều quan trọng nhiều người muốn xét đến là không phải chỉ có một vài vụ lẻ tẻ đã xảy ra cách nay vài thập niên và thái độ của ngài Ratzinger đã có hoặc không có những biện pháp chế tài nào. Bởi vì điều cần biết hơn là ngài đã đề ra những chính sách nào để đối phó với vấn nạn này trong cương vị của một Giáo Hoàng. Tuy vậy, vụ tai tiếng này cũng ảnh hưởng không ít đến uy tín và thanh danh của Giáo Hoàng Benedict 16 vì nhiều lý do khác nhau.

Thứ nhất, nếu như vụ tai tiếng này nổ ra và dẫn đến nhiều vụ tai tiếng khác lần lượt được tiết lộ, điều này sẽ tác hại mạnh mẽ về mặt tâm lý và tuyên truyền, ít ra là cũng khiến cho Toà Thánh Vatican phải mất nhiều thời gian để chống trả lại những lời chỉ trích từ nhiều phía trong cuộc chiến giành lại uy tín trong công luận trên một thời gian dài.

Và ác nghiệt thay, điều này đã xảy đến trong tuần qua, với việc tiết lộ một vụ tai tiếng của linh mục Lawrence Murphy tại Wisconsin đã can tội xâm phạm tình dục trẻ em trong thời gian dài từ năm 1950 đến năm 1975 mà đa số nạn nhân là các em học sinh bị điếc. Đến khi các vị chủ chăn tại Tổng Giáo Phận Milwaukee quyết định đem vụ này ra vào năm 1997 để xét xử trong nội bộ giáo hội -- và có thể dẫn đến hình phạt “treo chén” (defrock) vị linh mục phạm tội này -- thì lại có áp lực từ phía Hồng Y Ratzinger lúc bấy giờ điều hành Bộ Giáo Lý Đức Tin, cơ quan thẩm quyền cao nhất tại Toà Thánh để giải quyết các hồ sơ kỷ luật, muốn dẹp qua vụ này vào năm 1998 và để cho linh mục Murphy được yên thân. Lý do là vì linh mục Murphy đã gửi một bức thư riêng đến Hồng y Ratzinger để xin được tha tội và sống nốt những ngày còn lại ở tuổi già và sức khoẻ suy yếu, và vì thế đã được hưởng khoan hồng trước khi qua đời vào năm 1998 với đầy đủ nghi thức trang trọng giành cho một vị linh mục. Dĩ nhiên, điều này càng khiến cho những người chỉ trích Đức Giáo Hoàng Benedict 16 có thêm lý do để đả kích quyết định có tính cách “bao che” này.

Kế đến, nếu như càng ngày càng có thêm nhiều vụ tai tiếng nổ bùng ra, điều này có thể sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng của vị giáo hoàng để giải quyết tình trạngï khủng hoảng chính trong vụ này.

Bởi vì người ta có thể phân tích để nhìn thấy chuyện “khủng hoảng lạm dụng tình dục” gồm có hai phần riêng biệt nhưng lại tròng tréo vào nhau: đó là hành động phạm tội của một số linh mục, và sau đó là quyết định của các vị giám mục hay hồng y đã thiếu trách nhiệm để giải quyết thẳng thừng và trong sạch các vụ này mà đúng ra các ngài phải biết là trách nhiệm buộc họ phải hành động mạnh tay.

THÀNH TÍCH CỨNG RẮN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICT 16

Trong vấn đề đối phó với tệ nạn xâm phạm tình dục, nhiều người phải công nhận rằng Đức Giáo Hoàng Benedict 16 đã được nhiều người khen ngợi là có những hành động dứt khoát và mạnh tay, ít ra là cứng rắn và dứt khoát hơn vị tiền nhiệm, cố Giáo Hoàng John Paul II. Trong vụ xì-căng-đan về xâm phạm tình dục nổ ra tại Hoa Kỳ vào năm 2002, người ta thấy rõ việc làm thiếu trách nhiệm của nhiều vị chủ chăn là các giám mục và hồng y cai quản các giáo phận. Tuy vậy, chỉ có mỗi một mình Hồng Y Bernard Law là phải chịu áp lực để từ chức. Nhưng Đức Giáo Hoàng John Paul II cũng còn giành cho đặc ân bằng cách trao cho Hồng Y Bernard Law chức vụ cai quản một thánh đường ở Rome và có chân trong nhiều uỷ ban khác tại Toà Thánh.

Nhưng Đức Giáo Hoàng Benedict 16 đã có những chính sách cứng rắn hơn, tuyệt đối không chấp nhận các hành vi phạm tội. Trong thời gian đầu làm giáo hoàng, ngài đã xử phạt hai vị linh mục được nhiều người coi như là nổi tiếng và khó bị xử kỷ luật. Ngài cũng là vị giáo hoàng đầu tiên đã gặp gỡ, tiếp xúc với các nạn nhân của các vụ xâm phạm tình dục này, như đã xảy ra trong chuyến công du sang Hoa Kỳ vào năm 2008.

Tuy vậy, trong việc giải quyết vấn đề ở cấp thứ hai, tức là đối với các vị giám mục, nhiều người tỏ ra chưa hài lòng với các quyết định của Đức Giáo Hoàng. Cho đến nay, gần như rất ít có những vị giám mục bị buộc phải từ chức hoặc bị xử phạt kỷ luật vì những hành động thiếu trách nhiệm này. Trong vụ tai tiếng xảy ra trong Giáo Hội Thiên Chúa Giáo tại Ái Nhĩ Lan, đã có 4 vị giám mục nộp đơn xin từ chức nhưng chỉ có Giám mục John Magee đã được chấp thuận đơn từ chức.

Những vụ tai tiếng tiếp tục nổ ra gần đây sẽ khiến cho nhiều người có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu Đức Giáo Hoàng Benedict 16 có thể điều khiển được các vị giám mục khác nhau trên thế giới hay không, nhất là nếu như hồ sơ cho thấy là chính ngài khi còn là một vị giám mục cũng đã có nhiều vấn đề nhức nhối và khó xử?

Có lẽ sự lo ngại trước việc càng ngày càng có nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi như trên giải thích vì sao Toà Thánh đang rất nhạy cảm trước vấn đề này, và cũng rất quan tâm không biết rằng nội vụ sẽ đi về hướng nào.

Mai Loan
Houston, Texa



No comments:

Post a Comment