Saturday, April 10, 2010

Phải giữ vững Căn cước Tỵ nạn Chính trị - Đoàn Thanh Liêm

Đoàn Thanh Liêm

Westminster, Tháng Tám 2008

Khối người Việt nam hiện sinh sống tại trên 60 quốc gia khắp thế giới đã sấp xỉ lên đến con số 3 triệu người. Trong số này, thì tuyệt đại đa số là dân tỵ nạn chính trị, mà đã phải rời bỏ quê hương sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, chỉ vì một lý do duy nhất, đó là không thể chấp nhận 'sống dưới chế độ độc tài chuyên chế của đảng cộng sản'. Và riêng tại nước Mỹ và Canada, thì cũng phải đến một triệu rưởi dân tỵ nạn , tức là chiếm tới 50% của tổng số người Việt hải ngoại rồi.

Người xưa có câu 'Hà chính như mãnh hổ', tức là chế độ chính trị mà hà khắc, tàn bạo thì cũng hung dữ như cọp, như beo thường hay cắn xé ăn thịt con người ta vậy. Vì thế mà bà con người Việt chúng ta đã phải lũ lượt liều mình chết, bằng cách bơi ghe xuồng ra biển khơi, hay vượt rừng băng suối qua ngả biên giới Lào, Kampuchea, để mong thoát khỏi nanh vuốt độc ác, bất nhân bất nghĩa của người cộng sản. Và khốn khổ thay, biết bao nhiêu vạn người thân yêu của chúng ta đã phải vùi thân ngoài đại dương, hay chết mất xác trong rừng thẳm ở các nước láng giềng nói trên!

Đã trên 30 năm qua, chúng ta là những người được may mắn sống sót qua cơn vượt thoát hãi hùng vừa kể, để ngày nay lũ con, lũ cháu được sinh sống, được học hành và có công ăn việc làm lương thiện, yên ổn với đời sống được bảo đảm vững chắc, nhân phẩm nhân quyền của mỗi người được tôn trọng đúng mức. Là một dân tộc có truyền thống văn hóa tốt đẹp với nền luân lý cao thượng, chúng ta luôn luôn biết ơn những đất nước và dân tộc đã mở rộng vòng tay tiếp đón lớp người tỵ nạn đã phải xa lìa quê cha đất tổ như chính chúng ta. Và chúng ta cũng đã cố gắng hết sức để hội nhập êm thắm vào với xã hội đang cưu mang bà con chúng ta, bằng cách noi gương và rút kinh nghiệm của những lớp người di dân đã tới lập nghiệp tại nước Mỹ này trước đây mấy thế hệ.

Trong mấy năm gần đây, chánh quyền Hanoi đã vươn cánh tay dài ra ngoài nước để tìm cách ve vãn, lũng đoạn các tổ chức của cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Họ đã đưa ra cả một chính sách dựa trên Nghị quyết số 36 của Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng sản, nhằm o bế và khống chế khối đông đảo người Việt sinh sống ở ngoài nước như chúng ta. Và họ còn dùng mọi thủ đoạn nham hiểm, thâm độc nhằm gây chia rẽ, mâu thuẫn, đố kỵ trong lòng đại khối người không cộng sản, theo đúng chiến thuật cố hữu 'Chia để Trị', mà chế độ độc tài nào cũng thường hay áp dụng hầu giữ vững ngai vàng của mình. Và tiếc thay, đã có một số ít người xưa nay vẫn ở trong hàng ngũ người tỵ nạn như chúng ta, mà gần đây đã vô tình hay cố ý tiếp tay cho chính sách này của đảng cộng sản. Cái thứ 'Đạo quân thứ năm này' đã thấy lai rai xuất hiện trong một số tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội và ngay cả tôn giáo nữa. Do vậy, mà đã có hiện tượng chao đảo về lập trường tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong hàng ngũ người tỵ nạn chúng ta. Mặt khác,lại có một số người quá khích, nên hay chụp mũ lung tung, kết án bừa bãi lên bất kỳ ai có suy nghĩ khác với mình, coi ai cũng là tay sai cộng sản cả. Đây rõ rệt là cái lối hốt hoảng 'Quân ta lại đi đánh quân mình', khiến đưa đến hậu quả là 'làm suy yếu hàng ngũ của chính phe mình đi', và rõ rệt điều này lại có tác dụng là làm lợi cho chính người cộng sản. Người cộng sản vốn xưa nay rất sành sõi với đòn phép 'Xúi giục cho phe địch đánh phá lẫn nhau, để mà đứng giữa hưởng lợi'.

Trước tình hình phức tạp ngay trong hàng ngũ nội bộ của mình như vậy, ta không nên chủ quan khinh xuất được. Trái lại, ta phải bình tĩnh, sáng suốt và cùng ngồi lại bàn thảo với nhau hầu tìm ra được một đối sách khả dĩ hóa giải được mối nguy hiểm này. Để nhận định vấn đề một cách đơn giản ngắn gọn, và phù hợp với quan điểm của số đông quần chúng tỵ nạn cộng sản, người viết xin được trình bày ngắn gọn như sau đây:

1. Từ trên 10 năm nay, nước Mỹ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt nam. Chánh quyền Washington đã trao đổi liên lạc cấp Đại sứ với chánh quyền Hanoi, mặc dù chánh quyền này hiện vẫn do đảng cộng sản lãnh đạo.Là người công dân nước Mỹ, chúng ta có bổn phận phải tuân theo luật pháp của nước Mỹ. Như vậy chúng ta không thể làm điều gì trái ngược với chánh sách ngoại giao của nước Mỹ được.

Cụ thể là: Với tư cách công dân Mỹ, ta không thể xử dụng võ lực nhằm lật đổ chánh quyền Hanoi, cũng không thể cản trở công tác trao đổi ngoại giao giữa hai bên chánh phủ Việt và Mỹ được. Dĩ nhiên là chúng ta có hoàn toàn tự do để vận đông, làm lobby để chánh phủ Mỹ có đường lối chánh sách phù hợp với lý tưởng tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền của người dân Việt nam.

Chúng ta có quyền và có cả bổn phận tranh đấu cho lập trường đó, nhưng phải bằng phương thức bất bạo động, thì mới được sự hậu thuẫn của nhân dân các quốc gia yêu chuộng tự do dân chủ, đặc biệt ở nước Mỹ và Cộng Đồng Âu châu. Đó là điều khẳng định thứ nhất.

2. Điều khẳng định tiếp theo là: Việc tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền cho Việt nam là trách nhiêm chính yếu của khối đông đảo đồng bào trong nước; chứ người ở hải ngoại chúng ta, thì chỉ có thể đóng vai trò yểm trợ mà thôi (supportive role). Chúng ta ở ngoài nước, thì không thể bao biện làm mọi việc thay thế cho trên 85 triêu người ở trong nước được. Chúng ta chỉ có thể giúp bà con ở quê nhà, để cho họ tự lo liệu cho chính mình họ mà thôi, như người Mỹ hay nói: 'Helping the people to help themselves'. Bà con ở trong nước đứng lên tranh đấu đòi công lý, công bằng xã hội, để bảo vệ nhân phẩm nhân quyền cho chính mình, thì đó là vì quyền lợi chính đáng của riêng họ, chứ không phải là vì quyền lợi của người ở hải ngoại hay của bất kỳ nhóm người nào khác.

Cụ thể là trong mấy năm gần đây, sự hỗ trợ của hải ngoại cho các nhà tranh đấu dân chủ mà bị sách nhiễu, giam cấm tù đày ở trong nước như các Luật sư Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân v.v… thì đã có hiệu quả rất tốt, gây được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong công luận quốc tế, khiến cho chánh quyền Hanoi phải chùn tay, không thể sắt máu như trước đây nữa.

Sức mạnh của khối cộng đồng hải ngoại chính là ở chỗ lôi cuốn, thuyết phục được quần chúng tiến bộ ở khắp thế giới cùng tham gia, chia sẻ với công cuộc tranh đấu của nhân dân Việt nam ở trong nước. Đó là điều làm tăng thêm niềm phần khởi hào hứng và lòng tự tin của tất cả chúng ta, ở trong cũng như ngoài nước.

3. Nói cho gọn lại, thì người Việt hải ngoại chúng ta cần phải 'giữ vững căn cước tỵ nạn của mình'. Chúng ta không phải là dân bỏ nước ra đi vì lý do kinh tế đói khổ, nghèo túng, như người ta vẫn thường nói là 'dân tha phương cầu thực'. Mà chúng ta dám tự hào rằng mình là 'người tỵ nạn chính trị' (political refugees).

Đây là điều khẳng định chắc chắn như đinh đóng cột, không thể nào nhập nhằng, lấp lửng 'xập xí xập ngầu' được.

Những người như ông Nguyễn Cao Kỳ hay như ai ai đi nữa, mà đã quyết định 'từ bỏ căn cước tỵ nạn chính trị' của mình; thì đó là cái quyền tự do chọn lựa của cá nhân họ. Chúng ta chẳng cần phải mất công thắc mắc về cái chuyện lẻ tẻ, vặt vãnh của nhóm thiểu số quá ư là nhỏ bé đó. Chỉ có điều cần phải nói cho thật rõ ràng là: 'Khi không còn là thành viên của cộng đồng tỵ nạn nữa, thì họ nên sòng phẳng, danh chính ngôn thuận; chứ không nên mạo nhận mìn là 'đại diện cho người Việt hải ngoại' để mà đứng ra chào mừng người lãnh đạo cộng sản, như ông Kỳ đã làm tại Nam California hồi năm 2007 mới vừa đây. Cái chuyện 'xài bạc giả' như thế, người có lương tri và biết tự trọng thì không bao giờ lại nên làm'.

Một lần nữa, tuyệt đại đa số người Việt hải ngoại chúng ta xác nhận mình là 'dân tỵ nạn chính trị'. Và dù đã hội nhập sâu sắc với xã hội của một đất nước đã mở rộng vòng tay đón nhận mình từ nhiều năm qua, chúng ta vẫn luôn luôn tự hào là thuộc dòng giống Việt nam, mà còn giữ vững được truyền thống nhân bản và nhân ái tốt đẹp ngàn đời của cha ông truyền lại. Vì thế cho nên:
    Dù ai có ngả, có nghiêng
    Thì ta vẫn vững như kiềng ba chân
Đoàn Thanh Liêm


No comments:

Post a Comment