Tuesday, April 27, 2010

Cảm giác về "Biến Cố Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt“, qua Tông thư thuyên chuyển Ngài: Ngày 22/04/2010 - Lm Gioan Baotixita Đinh Xuân Minh

Lm Gioan Baotixita Đinh Xuân Minh

Viết bài này trong nỗi âu lo, khi bất ngờ nghe tin, ngày 22 tháng 4 năm 2010, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo: Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI, đã bổ nhiệm Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn [1], Giám Mục Ðà Lạt, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, làm Tổng Giám Mục Phó với quyền kế vị của Tổng giáo phận Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt [2]. (Theo nguồn tin của G. Trần Đức Anh, OP (Radio Vatican)

Thế là mọi phỏng đoán và đồn thổi về việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt ở lại hay ra đi, hôm nay, đã rõ.

Lo âu! Vì, biểu tượng HY VỌNG và NIỀM TIN – ít nhất là của người Công giáo -, ao ước hòa nhập vào lòng dân tộc, đấu tranh cho một thể chế nhân bản, tự do pháp trị phi Cộng Sản, bỗng dường như bị sụp đổ. Những ước mơ yêu chuộng Chân lý và tôn trọng nhân phẩm giá trị con người, bỗng dưng, tưởng chừng như đang bị chà đạp. Mặc dù, chúng ta đều biết: Công lý sự thật đang bị Việt Cộng trà đạp từ khi có sự hiện diện của họ trên đất nước Việt Nam. Nhưng, nay ai chà đạp thêm?

Tin vào đạo! Tin vào Tôn giáo thánh thiện tông truyền, bỗng dường như, niềm tin này đang bị lường gạt. Một Giáo hội dấn thân cho kẻ nghèo khó, đấu tranh cho lẽ phải sự thật, bỗng dường như Giáo hội này đang bị bàn tay thâm độc hành quyết. Giáo hội làm gương sáng của Chúa, bỗng nay, dường như đang bị một đám mây đen u ám phủ trùm, để thay vào đó thành hội „xã hội đen“?

Niềm Tin và Hy vọng vào Giám Mục nào, sẽ tiếp tục tinh thần Mục tử nhân lành dũng cảm gương mẫu như Đức TGM Ngô Quang Kiệt? Xóa bỏ tinh thần đấu tranh bất khuất trước bất công, sẽ xây dựng lên tinh thần nào và dựa trên tinh thần nào? Tinh thần làm dụng cụ tay sai cho sự gian manh xảo quyệt của Việt Cộng? Hay tư tưởng xin xỏ, nô lệ phục Ác? Đạp đổ thần tượng đấu tranh cho Công Lý sự thật, xây dựng thần tượng ma giáo lừa gạt? Thay vào tinh thần Hiệp thông bằng tinh thần ích kỷ vụ lợi, vinh thân phì da?

Sự bổ nhiệm đây là ý Chúa, hay đây là sự âm mưu thâm hiểm của những kẻ làm tay sai cho kẻ dữ? Ý Chúa thể hiện, hay đây là dã tâm ác ý của kẻ gian Việt Cộng được thi hành?

Bất ngờ! Vì không ngờ, thế lực đen trong lòng giáo hội Công giáo vẫn còn tồn đọng. Nay, vì tinh thần Phong trào Hiệp thông của Đức TGM Kiệt, phong trào đòi hỏi Công lý và Hòa bình, lại một lần nữa, bàn tay ma qủy tiếp tay cho qủy ác Cộng sản, lại có dịp ra tay, tác oai tác quái.

Vì quá sợ Việt Cộng phải tìm „vật“ tế thần chăng sao? Và Đức TGM Ngô Quang Kiệt là chiên tế thần cho Cộng sản. Ngài đã bị phản bội. Ai phản bội Ngài? Muốn lấy lòng Cộng sản, cần „dâng đầu“ của TGM Kiệt cho nhà nước lưu manh, như xưa Herodias, vợ của người em ruột là Philippus, xin đầu của thánh Gioan tiền hô, dâng cho vua Herodes Antipas để làm thái hoàng hậu? (Marcô 6, 17-29). Vậy thử hỏi: Ai trong hàng ngũ Giáo Hội Việt nam xin „đầu“ đức TGM Kiệt „dâng“ cho Việt Cộng? Và ai là Herodias?

Con người có nhiều cái đau khổ. Nhưng cái khổ mà bị chính người bạn thân phản bội, thì sự đau khổ tâm hồn sẽ khó lành khỏi, mà còn mất ăn mất ngủ. Cái khổ thêm nữa, là bị oan ức, mà phải nhịn không nói ra. Làm tốt mà lại bị phản bội.

Khi Đức Giêsu bị phản bội, Ngài quá đau khổ mà phải than phán rằng, khốn cho ngươi! Thà ngươi đừng sinh ra thì hơn. Đấy, là Đấng toàn năng, còn phải thốt ra những lời nguyền rủa như thế, phương chi là con người. Đó là nổi khổ tâm, sự đau xót mỉa mai của những người bị chính anh em bạn hữu phản bội, „xin đầu“ để hưởng vinh. Còn đâu nữa tinh thần Hiệp thông đoàn kết trong tình con cái của Chúa một nhà? Có khác gì kẻ hèn hạ, sống trên sự đau khổ xương máu của người anh em.

Chẳng lẽ, những ai dấn thân hy sinh cho lẽ phải, phải bị trừng phạt. Còn những ai tiếp tay làm điều ác, thì được phần thưởng? Cộng sản chủ trương gía trị quái đảm ma quái này. Nhưng giáo hội thánh thiện?! Chẳng nhẽ, Giáo hội cũng chủ trương học thuyết giá trị phi nhân bản này sao? Tại sao làm chứng nhân cho sự thật, nói lẽ phải lại bị trừng phạt? Chỉ có ma qủy mới có dã tâm đó.

Sự thuyên chuyển Đức TGM Kiệt, qua thông báo ngày 22/04/2010 gây ra biến cố lớn cho Giáo hội Việt Nam. Có lẽ, đây cũng là ý muốn Thiên Chúa chăng? Nhưng, cũng có thể nhờ những biến cố này, mà chúng ta dễ nhận biết được ai là kẻ thù và ai là người anh em mình. Ai là kẻ gieo cỏ lùng và ai là „lúa tốt“. Ai là kẻ phản bội tiếp tay cho sự gian ác. Ai là tòng phạm và ai là những Chiến Sĩ Hòa bình chân chính đích thực.

Tuy nhiên, rồi ra, chúng ta cũng có thể đặt ra câu hỏi, ai là nạn nhân trong việc bổ nhiệm này? Tin vào sự quan phòng của Chúa? Đâu là thánh ý Chúa?

Đứng trước „Biến cố Đức TGM Ngô Quang Kiệt“, chúng tôi nhớ về sự kiện Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Cách đây 35 năm, vào ngày 25/04/1975, Đức giáo Hoàng Phaolô VI, ký tông thư bổ nhiệm Đức Cha Phanxicô Xavê Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám Mục phó TGM Sàigòn, với quyền kế vị hiệu toà Vadesitana.

Ngày 12/05/1975, trước sự hiện diện của Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Henri Lemaitre và Đức TGM Nguyễn Văn Bình, Ngài tuyên thệ nhậm chức tại Tòa TGM Sài Gòn. Nhóm linh mục cấp tiến kéo đồng bọn đến biểu tình và nằm vạ phản đối tại tòa TGM và căng biểu ngữ: „Đả đảo việc Henri Lemaitre áp đặt Nguyễn Văn Thuận làm phó TGM Sàigòn“. Để khỏi làm phiền Đức Tổng Bình, Ngài phải nay đây mai đó, tránh sự phá hoại của nhóm cấp tiến.

„Theo tập tài liệu của Hà Thiên Thu, nhóm Linh mục này gồm có: Nguyễn Quang Lãm, Vương Đình Bích, Thanh Lãng, Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Nguyễn Văn Trinh, Phan Khác Từ, và Hoàng Kim. [3]

Ngày 27/06/1975, lúc 14 giờ Ngài được giấy của Ủy ban quân quản Sài gòn Gia định mời lên dinh Độc lập. Tháp tùng Ngài có cha Trần Du và cha Nguyễn Quang Thạnh (Nha Trang). Họ cũng mời nhóm Linh mục cấp tiến gồm: Lm Thanh Lãng (Đinh Xuân Nguyên), Lm Nguyễn Huy Lịch O.P, dàn dựng hoạt cảnh đấu tố Đức cha Nguyễn Văn Thuận. Lúc 19 giờ cùng ngày, „Chánh án“ Cao Đăng Chiếm tuyên bố „bứng“ ngài ra khỏi tòa TGM Sài gòn.

Nhưng thay vì buộc Ngài trở về Phan Thiết, thì vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8/75) Ban Quân Quản Tp. Sàigòn đã bắt và giam Ngài luôn cho mãi đến ngày 23/11/1988, nghĩa là sau hơn 13 năm tù đày mới được trả tự do.

Thế mới biết! Đâu là ý Chúa hay đâu là ý nhóm „Linh mục cấp tiến“? Ngay cả việc đại diện tòa thánh, có mặt tại nơi, nhóm Linh Mục cấp tiến cũng không chấp thuận. Thế thì làm gì mà có việc, tay sai Cộng sản, muốn bang giao với Tòa thánh?!

Nhóm „Công giáo tiến bộ“ ở Sài gòn, gồm những Linh Mục hiện diện ra mặt: Lm Thanh Lãng, Lm Phan Khác Từ, Lm Huỳnh Công Minh, đã nhiều lần tổ chức những cuộc biểu tình bạo động.

Không lập bang giao với Tòa thánh, nhóm tay sai linh mục quốc doanh mới có dịp „ra tay“ chứ! Họ chẳng muốn hình thành „Giáo hội tự trị“, do chính họ, những phần tử làm tay sai cho sự ác, điều khiển. Nếu bang giao với Tòa Thánh, thì chẳng nhẽ chính những thành phần „nhóm quốc doanh này“ tự chặt cụt tay mình sao?

Kết luận:

Qua sự kiện TGM Ngô Quang Kiệt, ngày 22/04/2010, chúng ta có vài nhận định sau: Trong lòng giáo Hội Công Giáo Việt nam, vẫn còn những thế lực đen, làm tay sai cho chế độ gian ác. Những phần tử này, sẵn sàng „dâng đầu“ người anh em để tìm hưởng lộc. Họ là những phần tử khá hiểm độc.

Biểu tượng nguồn Hy vọng dường như đang bị đánh phá, để thay thế vào đó, xây dựng hình ảnh làm tay sai tòng phạm, phục tùng thế lực tà thần ma qủy. Thế lực đen này, đã và đang len lỏi vào lòng Giáo Hội và đang tha hồ ra tay ác quái.

Việt Nam, đang hình thành „giáo hội tự trị“, do những thành phần thân Cộng lãnh đạo.

Linh mục trẻ 37 tuổi, Jerzy Popieluszko, phó xứ ở Stanislas, vào trung tuần háng 6 năm nay (2010), sẽ được phong Chân phước Á thánh tử đạo. Ngài tử đạo vì đức tin, vì tự do, vì nhân quyền và vì ái quốc. Ngài là gương anh dũng can đảm đấu tranh cho Công lý và sự thật, không những riêng cho nước Ba lan, mà cho cho Giáo Hội hoàn vũ nữa, và đặc biệt cho Giáo Hội Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Vậy, xóa bỏ biểu tượng đấu tranh cho công Lý, dấn thân cho sự thật, giáo Hội Việt nam và đất nước Việt nam sẽ đi về đâu? Nếu không tôn trọng và trân qúi những giá trị chân chính xứng đáng này, thì chúng ta đi tìm giá trị nào? Nếu những giá trị lành mạnh tốt lành không được bảo vệ và phấn đấu, thì e rằng giáo hội Việt Nam khó mà làm chứng nhân cho Hy vọng, Công Lý và tình bác ái đầy lòng nhân từ được.

Hình ảnh mục tử nhân lành cam đảm sẽ tiêu tan. Vậy, rao giảng tin mừng sẽ là gì? Chẳng nhẽ rao giảng sự giả dối, hèn nhát, phản bội, phục tùng sự ác chăng?

Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý anh chị em tín hữu, hãy tự trung thành cương trì dấn thân cho Công lý, cho sự thật và cho lẽ phải, bất chấp hàng rào ngăn cản, rồi Chúa sẽ ban sức mạnh và sự khôn ngoan thêm!? Hãy nói thật làm thật và luôn biết cậy trông vào Thiên Chúa và đừng sợ ai! Cây ngay không sợ chết đứng!

Đất nước Việt Nam có được TGM Ngô Quang Kiệt, cũng là dấu hiệu, dân tộc sẽ không thể và cũng sẽ không bao giờ bị diệt vong. Vậy, phải yểm trợ và bảo vệ những tiếng nói Công lý chánh trực này!

Hãy tiếp tục làm chứng nhân cho sự thật và tự tin vững mạnh vào Thiên Chúa! Hãy luôn kiên trì đứng về lẽ phải và sự thật! Đứng về những khối người có lòng thiện ngay!

Công lý, niềm tin ở ai? Không lẽ Công lý đã bị vùi dập bởi chính người anh em con cái của Chúa? Giu-đa, kẻ phản bội, người là ai? Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra. Rồi thời gian sẽ trả lời!

Lời trăng trối của cha Jerzy Popieluszko sau đây đáng cho chúng ta ghi nhớ và suy nghĩ: „Bổn phận người Công giáo là đứng về phía Chân Lý, dù phải trả giá đắt!“

Lm Gioan Baotixita Đinh Xuân Minh
(Đức Quốc, thứ ba, ngày 27/24/2010, lễ kính thánh Phêrô Canisinus)

[1] Ðức Cha Nguyễn Văn Nhơn năm nay 72 tuổi, sinh ngày 1 tháng 4 năm 1938 tại Ðà Lạt, thụ phong linh mục ngày 21 tháng 12 năm 1967 và được chọn làm Giám Mục Phó giáo phận Ðà Lạt cách đây 19 năm (3-12-1991) và gần 3 năm sau, ngày 23 tháng 3 năm 1994 ngài kế nhiệm Ðức Cha Bartolomeo Nguyễn Sơn Lâm trong nhiệm vụ Giám mục chính tòa Ðà Lạt. Ðức Cha Nhơn kế nhiệm Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa trong nhiệm vụ Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam.

[2] Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt năm nay 58 tuổi (sinh ngày 4 tháng 9 năm 1952), nguyên thuộc giáo phận Long Xuyên, thụ phong linh mục năm 1991, và được chọn làm Giám Mục Lạng Sơn và Cao Bằng năm 1999. 6 năm sau đó ngài thăng Tổng Giám Mục chính tòa giáo phận Hà Nội ngày 19 tháng 2 năm 2005.

Theo niên giám năm 2010 của Tòa Thánh, Tổng giáo phận Hà Nội có gần 335 ngàn tín hữu Công Giáo với 143 giáo xứ và hơn 90 linh mục triều và dòng (SD 22-4-2010).

[3] Nguyễn AnTôn: Công giáo Miền Nam Việt Nam sau 30-4-1975, nhà xuất bản Dân Chúa, Gretna, LA 1988, trang 225.



No comments:

Post a Comment