Friday, April 16, 2010

Phê bình LM Nguyễn Văn Lý - Ngô Văn Hiếu

Ngô Văn Hiếu

Đọc bài phỏng vấn LM Nguyễn Văn Lý trên đài BBC ngày 16/3/2010, một ngày sau khi ông được tạm thả về nhà trị bịnh, chúng tôi thấy cần phải góp ý xây dựng.

Trước hết, quyền tự do ngôn luận của LM Lý, dù sai, phải được tôn trọng; ông đang đau yếu và thiếu thông tin. Người ta có thể vội thấy các quan điểm này có chút tích cực như cần có lãnh đạo tài đức, chủ thuyết ưu việt, dân chủ ổn định, và tổ chức kiện toàn.

Tuy vậy, những quan điểm này cần được hỏi lại cho sáng tỏ. Là quan điểm cá nhân hay của các tổ chức chính trị của ông? Ông có bị đe dọa hay tâm trí bất thường? Có phù hợp với chủ trương trước đây của ông? Phê bình ông là xây dựng hay phá hoại?

Có vài điều ta không đủ tin tức để trả lời. Nhưng chúng ta phải tin rằng phê bình chính trị là cần thiết cho việc đấu tranh chính trị. Nếu vì nể nang khỏa lấp điều sai của ông, ta khó mong cộng sản vạch ra các sai lầm của lãnh đạo họ.

Phân tích ý kiến

Linh mục Lý nói: “... công việc hiện nay phải được hướng dẫn bởi một lãnh tụ tài đức vẹn toàn”.

Theo tôi, việc xây dựng tự do dân chủ là đại cuộc của toàn dân, không thể dựa vào "sự hướng dẫn của một lãnh tụ tài đức vẹn toàn" như thời xưa được. Hơn nữa, khó có thể có người vẹn toàn; trong lịch sử, chưa có ai đáng xem mẫu mực như vậy. Cho nên, thật là lạc hậu khi cố công "xây dựng lãnh tụ" và "ỷ lại vào lãnh tụ".

Ông trả lời lời BBC rằng: “Phải có một học thuyết đủ sức thay thế chủ nghĩa Marx - Lenin, có đường hướng sát thực tế để … làm cho Việt Nam ổn định hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines”.

Việc ông không nêu ra tên chủ thuyết nào hàm nghĩa là các học thuyết đã có, kể cả "tự do dân chủ", không đủ sức thay thế Mac-Le. Nhưng, sự thật là chủ trương tự do dân chủ đã thắng lợi ở Nga và Đông Âu; và dân ta nên vững tin vào chủ trương này để xây dựng một nền tự do dân chủ thật sự.

Linh mục Lý nói: “Nếu thay đổi mà mất ổn định, tình hình xấu hơn cả Thái Lan, Indonesia, Philippines, thì thà cứ để yên cho Đảng Cộng sản lãnh đạo”.

Vì dân chủ, dân Phi lật đổ TT Marcos năm 1986, dân Thái xuống đường chống quân phiệt năm 1992, và dân Nam Dương hạ bệ TT Suharto năm 1998. Hiện nay, dân 3 nước này đã phát triển xã hội dân sự như đảng phái đối lập, bầu cử dân chủ, báo chí độc lập, và biểu tình tự do. Thỉnh thoảng có nổ bom ở Bali (Nam Dương, 2002) hay ám sát ở Maguindanao (Phi, 11/09) là do khủng bố, không là phó sản của dân chủ. Các xáo trộn xã hội giữa phe áo vàng và áo đỏ ở Bangkok gần đây cũng là nỗ lực hoàn thiện nền dân chủ ở Thái.

CSVN có thể cho rằng các nước nêu trên là "bất ổn" khi thấy dân biểu tình, làm báo chỉ trích nhà nước và lập đảng để tranh quyền; nhưng dân ở các nước đó đang hưởng tự do dân chủ, nỗ lực "ổn định” quốc gia và đòi chính quyền tôn trọng họ.

Thật ra, căn nguyên bất ổn thường do “chính sách vừa ăn cướp vừa la làng” của đảng CSVN. Khi bị hà hiếp, dân chúng khiếu kiện hay biểu tình; thay vì bồi thường, tránh tái phạm và trừng trị kẻ lạm quyền thì họ lại đàn áp dân, gán tội gây rối, biến nạn nhân thành tội phạm. Vậy, muốn ổn định thật sự, phải có chính thể dân chủ.

Linh mục Lý: “Muốn để Việt Nam huy hoàng hơn, thăng tiến hơn, đạo đức hơn, có nền tảng vững chắc hơn thì tổ chức ấy phải hội đủ nhiều điều kiện lắm”.

Làm sao ta có thể nhất thời kiện toàn tổ chức chính trị khi nước ta đang bị thống trị kiểu “đập tan từ trứng nước các mầm mống phản động”? Muốn được vậy, dân ta phải vừa đấu tranh vừa kiện toàn tổ chức; nếu ngược lại tiến trình này, đó là “đặt cái cày trước con trâu”.

Bốn điều sai lầm

Qua các phân tích trên, LM Lý đã có bốn điều sai lầm căn bản như ỷ lại vào lãnh tụ tài đức vẹn toàn, viễn vông đi tìm một chủ thuyết ưu việt, nhầm lẫn giữa dân chủ và hỗn loạn, và thiếu thực tế khi muốn tổ chức kiện toàn giữa hiện tình đất nước.

Các quan điểm nêu trên có thể bị CSVN dùng làm luận điệu biện bạch để kéo dài nền độc tài đảng trị như sau. Ví dụ họ nói Hồ Chí Minh là một lãnh tụ tài đức vẹn toàn”, đã chết mà "vẫn sống mãi trong sự nghiệp” của dân ta. Hay chủ nghĩa Mac-Lê là ưu việt vì từng chống Pháp (1954), Mỹ (1975), Khmer Đỏ (1979), Trung Quốc (1979), đưa Việt Nam vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Đó là chưa kể cảnh máu lửa ở Nam Tư (Kosovo, 1999), Nam Dương (Jarkata, 1998), Nam Hàn (Kwangju, 1980) được dùng làm con ngáo ộp dọa dân về viễn cảnh "tự do dân chủ hỗn loạn".

Họ cũng có thể nói "Đảng CSVN có nhiều điều kiện như đảng viên đông, tổ chức chặt chẽ, và giàu kinh nghiệm."

Điều đáng nói là các quan niệm này cũng ít nhiều phù hợp với suy nghĩ của nhiều người, kể cả trong giới tự do dân chủ.

Chúng ta nên biết rằng sức mạnh chính là ý thức thấu đáo và tin tưởng sắt đá vào giá trị lý tưởng tự do dân chủ. Đại cuộc đấu tranh không thể dựa vào người lãnh đạo tài đức, mà phải dựa vào chủ trương và sách lược. Ban lãnh đạo chỉ là người chấp hành và chịu tránh nhiệm trước tập thể.

Tóm lại, chúng ta không được nhầm lẫn tự do dân chủ với sự hỗn loạn do dân biểu tình ôn hòa bị đàn áp. Và, cũng không thể xem xã hội ổn định thật sự vì có cường quyền kềm kẹp. Một khi nghĩ rằng thà bị cộng sản độc tài còn hơn là có dân chủ mà hỗn loạn như Thái, Phi và Nam Dương nghĩa là chưa thực sự có niềm tin vào sự ưu việt của dân chủ tự do, và như vậy làm hạn chế khả năng đấu tranh cho tự do dân chủ!

Ngô Văn Hiếu
Source: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100413_phebinh_lmnguyenvanly.shtml

No comments:

Post a Comment