Friday, April 2, 2010

35 năm sau Hành trình tìm TỰ DO



Đất nước có một thời như thế.

Một thời, hàng triệu người Việt Nam đã phải bỏ lại sau lưng những gì mình trân quý nhất để ra đi. Đi về đâu? Đi về phía biển. Tìm gì? Tìm tự do. Một thời, những bài ca không còn được phép hát lên thay cho lời tỏ tình của những kẻ mới yêu nhau. Một thời, những bài thơ không còn được khắc lên hàng phượng đỏ trong sân trường làm chứng tích cho mối tình học trò đầy kỷ niệm. Một thời những căn nhà thân yêu đã bị thay đổi chủ và những trường học, những con đường thân quen đã bị đổi thay tên.

Trong những cuộc hải hành tìm tự do đầy nước mắt của những năm sau 1975, bao nhiêu người đã ở lại trong lòng biển, đã chết trong các trại tỵ nạn, đã chết trong bàn tay hải tặc? Một trăm ngàn, hai trăm ngàn hay năm trăm ngàn như Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc công bố?

Không. Những con số đó chỉ là những phỏng đoán để điền vào khoảng trống cần thiết của một bản thống kê.

Làm sao ai biết được số phận của những em bé chết ngộp khi còn trong bụng mẹ?

Làm sao ai đếm được những xác người bất hạnh đang cố thoi thóp những hơi thở cuối cùng trong bụng kình ngư?

Không, sẽ không bao giờ ai biết. Con số thật đã vĩnh viễn nằm im trong lòng biển cả như nỗi đau câm nín của đồng bào và dân tộc Việt Nam.

Ba mươi lăm năm sau, trên quê hương Việt Nam, có những bà mẹ già nua trong chuỗi ngày tàn vẫn còn nuôi chút hy vọng rằng người phát thư buổi sáng sẽ trao cho mẹ lá thư đầu của đứa con ra đi.

Ba mươi lăm năm sau, có những người vợ nằm nghe tiếng lá rơi mà ngỡ như tiếng chân chồng mình trở về bên căn nhà cũ.

Nhưng từ vực sâu nước mắt đó, từ hố thẳm gian nan đó, những người may mắn sống sót đã tiếp tục hành trình. Khát vọng tự do cao hơn ngọn thủy triều cuồng nộ, ý chí vươn lên mạnh hơn giông bão Thái Bình Dương. Họ đã tranh đấu và thành công trong nhiều lãnh vực. Ba mươi lăm năm, những thuyền nhân tí hon trên những chiếc ghe bằng gỗ mong manh ngày xưa bây giờ đã trưởng thành. Các em đã thành những kỹ sư, bác sĩ tài ba, những khoa học gia lỗi lạc trong nhiều ngành. Em bé ngồi chờ mẹ, người sẽ không bao giờ trở về bên bờ biển Palawan, chắc ngày nay đã lớn. Em bé được chấp thuận định cư trong đợt thanh lọc cuối cùng ở trại tỵ nạn Panat Nikhom, sau khi chị mình tự tử để phản đối cưỡng bách hồi hương, giờ đã nên người.

Ba mươi lăm năm. Thời gian trôi trên giòng sông đời bất tận. Những mái tóc xanh nay đã bạc, những khổ đau chồng chất đã vơi đi, những thương nhớ đợi chờ cũng đã nguôi ngoai. Nhưng ký ức thì không. Những giọt nước mắt của mẹ giữa biển khơi ngày nào đã hóa thành ngọc bích. Những lời dặn dò của cha trong giờ hấp hối là những lời vàng.

Hành trình tìm tự do của hàng triệu người Việt Nam với tất cả đau thương và chịu đựng là báu vật tinh thần của các thế hệ Việt Nam hôm nay, và là di sản văn hóa Việt Nam cho mãi mãi về sau.

(Trích trong thư kêu gọi tham gia chương trình Hành Trình Tìm Tự Do của Hội Quảng Đà Dallas,Texas, Hoa Kỳ)

—————————————————————————————–




No comments:

Post a Comment