Thursday, January 14, 2010

Không thể là chuyện tranh chấp và không thể không lên tiếng - Song Hà

Song Hà

Chúng tôi đọc trên trang web của Hội Đồng Giám mục Việt Nam bài viết của Ban Biên tập nhan đề:
    “HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: LÊN TIẾNG HAY KHÔNG LÊN TIẾNG”

    Khi xảy ra vụ việc Đồng Chiêm cũng như các vụ việc Toà Khâm Sứ (Hà Nội), Tam Toà (Vinh) hay Loan Lý (Huế), Trang tin điện tử của HĐGMVN nhận được nhiều thư góp ý và một thắc mắc thường được nêu lên là: tại sao HĐGM không lên tiếng? Trong bối cảnh trên và trong tinh thần hiệp thông của Năm Thánh 2010, thiết tưởng một vài suy nghĩ cần được chia sẻ để soi sáng cho nhau trong đời sống của Hội Thánh.

    Liên quan đến từng vụ việc cụ thể tại từng địa phương, hơn ai hết, vị giám mục sở tại vừa là người có trách nhiệm chăm sóc một phần Dân Thiên Chúa tại đây (x. GM số 11) vừa là người nắm rõ tình hình và bối cảnh của vấn đề, chính ngài là người đưa ra quyết định cụ thể để giải quyết. HĐGM không lên tiếng về từng vụ việc. Nói như thế không có nghĩa là HĐGM không quan tâm gì đến đời sống của Dân Chúa tại địa phương, và hoàn toàn im lặng trước những vấn đề liên quan đến đời sống của anh chị em tín hữu. HĐGM không lên tiếng về từng vụ việc nhưng HĐGM lên tiếng ở một tầm mức khác, bằng cách đưa ra những định hướng mang tính chủ đạo để mỗi địa phương áp dụng định hướng ấy vào hoàn cảnh cụ thể của mình. Ở đây, chúng tôi muốn quy chiếu vào bài “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” [1] để thấy được những định hướng căn bản này.

    Trước hết, HĐGMVN lên tiếng nhằm mục đích góp phần xây dựng xã hội. Khi nhắc đến những vụ tranh chấp liên quan đến đất tôn giáo, HĐGM đặt những vụ tranh chấp này trong bối cảnh chung của toàn xã hội. Thật vậy, trong những năm gần đây, tranh chấp và khiếu kiện về đất đai là chuyện xảy ra hằng ngày trên mọi miền đất nước. Rất nhiều vụ tham nhũng liên quan đến đất đai bị phanh phui trên báo chí. Như thế, đây là vấn nạn chung của toàn xã hội chứ không của riêng giới công giáo. Có chăng vì giới công giáo là một tập thể lớn, và nhiều phương tiện truyền thông trong cũng như ngoài nước loan tin về những vụ tranh chấp đất đai liên quan đến giới công giáo, nên dễ tạo cảm tưởng chỉ có giới công giáo mới có chuyện tranh chấp đất đai. Hiểu như thế là nhìn nhận vấn đề chưa đúng với thực tế; hơn nữa có thể tạo ngộ nhận rằng đây không phải là vấn đề xã hội mà là vấn đề chính trị, dù được trình bày theo hướng bênh vực Nhà Nước hay chống lại Nhà Nước Việt Nam. Vì thế, khi HĐGM trình bày bối cảnh chung của xã hội hiện nay, các ngài cho thấy việc tranh chấp đất đai là vấn đề xã hội chứ không mang màu sắc chính trị, và khi lên tiếng về vấn đề này, các ngài muốn góp phần xây dựng xã hội cho tốt đẹp hơn.

    Xây dựng xã hội tốt đẹp hơn là cùng nhau xây dựng một xã hội vì con người, một xã hội thực sự lấy dân làm gốc. Để giải quyết những vụ khiếu kiện về đất đai, cũng như bao Chính quyền khác trên toàn thế giới, Chính quyền Việt Nam phải dựa vào Luật và những Nghị định về đất đai để giải quyết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều người dân bất mãn về cách giải quyết của Chính quyền, đồng thời tình trạng “ăn đất” tiếp tục diễn ra dựa trên chính lề luật của Nhà Nước. Chính vì thế, câu hỏi căn bản được đặt ra là: Luật và những nghị định đó được xây dựng trên nền tảng nào? Luật lệ được đặt ra là để phục vụ con người và đời sống con người trong xã hội, sao cho ngày càng hài hoà và tốt đẹp hơn. Con người ở đây là mọi người dân chứ không chỉ là một nhóm hay một thiểu số nào đó được đặc quyền đặc lợi. Muốn xây dựng một xã hội vì con người, muốn ban hành những lề luật nhằm phục vụ con người, thì những lề luật đó phải được xây dựng trên nền tảng là những quyền căn bản của con người, những quyền căn bản được cả thế giới nhìn nhận và cả Việt Nam cũng nhìn nhận, ít là trên nguyên tắc. Chẳng nhẽ một đất nước tự hào mình dân chủ gấp trăm lần các đất nước khác, mà ngay cả những quyền căn bản nhất của con người cũng không được tôn trọng sao?

    Hiểu như thế mới thấy được tại sao HĐGM đưa ra đề nghị sửa đổi Luật về đất đai [2] và yêu cầu việc sửa đổi này cần quan tâm đến quyền sở hữu của công dân, là một trong những quyền căn bản của con người, được khẳng định trong Hiến chương Liên hiệp quốc và được Việt Nam thừa nhận. Khi đưa ra đề nghị này, HĐGM thành tâm muốn góp phần xây dựng một xã hội vì con người, vì chỉ như thế mới có thể giải quyết tận gốc việc tranh chấp và khiếu kiện đất đai đang nở rộ khắp nơi, đồng thời lành mạnh hoá đất nước bằng cách xoá bỏ cơ hội của những người lợi dụng chức quyền để đàn áp người dân và kiếm tìm tư lợi.

    Để thực sự xây dựng một xã hội vì con người, cần phải xây dựng xã hội theo định hướng phát triển toàn diện. Phát triển con người toàn diện là phát triển cả về thể lý, tri thức lẫn đạo đức và tinh thần. Phát triển xã hội toàn diện là phát triển về cả kinh tế lẫn văn hoá và tinh thần. Một đất nước tự hào về lịch sử bốn ngàn năm sẽ không dễ dàng phá huỷ những di tích có chiều dài lịch sử. Một dân tộc kiêu hãnh về bốn ngàn năm văn hiến sẽ không thể dễ dàng xoá bỏ các di tích tôn giáo và cơ sở thờ tự, vì lẽ tôn giáo đã góp phần giữ hồn của đất nước. Một xã hội với bốn ngàn năm văn hoá sẽ không chấp nhận dung túng cho cách giải quyết các vấn đề xã hội bằng sức mạnh của cơ bắp. Một loạt những khẳng định như thế được đặt ra để muốn nhấn mạnh sự phát triển toàn diện. Và cũng khi ấy mới hiểu được tại sao khi bàn đến việc tranh chấp đất đai, HĐGMVN lại nói đến những chuyện văn hoá như tránh sử dụng bạo lực trong lời nói cũng như trong hành động, việc truyền thông phải tôn trọng sự thật và phẩm giá của con người; đồng thời, cổ võ việc đối thoại chân thành [3] trong sự tương kính lẫn nhau. Bởi lẽ đó là cái làm nên nhân cách văn hoá của con người, làm nên nét văn hoá đáng kính của một dân tộc.

    Với những suy nghĩ này, có thể khẳng định HĐGMVN đã lên tiếng và sẽ còn lên tiếng, không nhằm giải quyết từng vụ việc ở mỗi địa phương, nhưng đưa ra những định hướng căn bản nhằm góp phần xây dựng xã hội, một xã hội vì con người và một xã hội phát triển toàn diện.

      Ban biên tập WHĐ
    --------------------------------
    [1] Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay
    [2] x. Quan điểm, II, 1
    [3] x. Quan điểm, II, 2 và 3 (Quan điểm), công bố ngày 27-9-2008
Đọc qua những dòng này, chúng tôi không hiểu đây là quan điểm của BBT hay của chính Hội Đồng GMVN?

Nếu chỉ là quan điểm của một nhóm người trong BBT tờ báo này thì miễn bàn, vì mỗi người có một quan điểm, cách hành động và cách biện hộ cho những hành động và thái độ của mình.

Chuyện tranh chấp đất đai, tài sản của từng giáo xứ, giáo phận … đã xảy ra quá nhiều, nhưng HĐGM im lặng không có ý kiến mà chỉ có một bản “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”. Thái độ này được nhiều người chú ý như một sự vô trách nhiệm của những người lãnh đạo, mà người lãnh đạo là người chịu hoàn toàn các trách nhiệm những vụ việc liên quan đến cộng đồng mình phụ trách. Ngay cả nhà nước CSVN mới đây cũng đã có quy chế về “trách nhiệm của người đứng đầu”.

Nhưng dù sao, sự “hững hờ” này còn có nhiều người tìm cách giải thích: HĐGM đang có những tư tưởng lớn và chỉ giải quyết những việc lớn, vài chuyện tranh chấp tài sản đất đai chỉ là chuyện “lặt vặt”. Dù những chuyện lặt vặt đó là cả Tòa Khâm sứ, là Tam Tòa, là cả Giáo Hoàng học viện dù đó là giáo dân bị đàn áp, là linh mục bị đánh ngay trong năm linh mục, là nhà thờ, tượng Đức Mẹ bị bao vây, bị cho đi tù. Những việc đó không liên quan đến HĐGMVN?

Bản Quan điểm nói trên được coi là “HĐGM lên tiếng ở một tầm mức khác, bằng cách đưa ra những định hướng mang tính chủ đạo để mỗi địa phương áp dụng định hướng ấy vào hoàn cảnh cụ thể của mình”. Có nghĩa là ông Bố trong gia đình chỉ lo việc lớn, còn những việc “lặt vặt” thì từng thành viên gia đình lo.

Xin kể một ví dụ như sau:

Có một gia đình sống chung với anh hàng xóm là “Trưởng số nhà” nhưng hung dữ, thường xuyên bị anh này dùng bạo lực để hà hiếp, đánh đập và cướp đoạt tài sản của mình. Nhưng vì thế yếu, với lại trong gia đình có những “quan điểm” khác nhau, người cho rằng nên “đối thoại” với anh hàng xóm đó kẻo nhỡ mình nói ra nó tẩn cho mình một trận thì nguy. Người cho rằng phải có tiếng nói của công lý, của pháp luật với anh hàng xóm xấu chơi này.

Trong khi gia đình đang tranh cãi, chưa có thống nhất cụ thể thì anh hàng xóm cứ ngang nhiên bịa ra hết “luật tổ dân phố” đến “luật số nhà” để lấn chiếm dần cơ ngơi của gia đình yếu thế, mục đích là để đến một lúc nào đó anh chàng này không còn đất sống phải “bán xới” sang chỗ khác.

Cứ thế, lần lượt từ cái mái hiên bị chiếm, đứa con ở gần kêu khóc, nhưng ông bố cứ im lặng để “đối thoại”, bà mẹ ở phòng xa hơn cũng coi như không biết gì. Mấy anh em còn nhỏ không biết kêu ai càng ngậm ngùi để mất dần phòng này đến phòng khác. Kể cả khi anh hàng xóm đến thăm ông bố, được đón tiếp vui vẻ, rồi đột nhiên chiếm luôn một chiếc giường trong phòng ông bố, hàng xóm hỏi, ông cũng chỉ trả lời qua quýt rằng tôi đang đòi lại, đang hy vọng… thế là xong.

Nhiều lần anh chị em trong nhà đã kêu đến ông bố, nhưng ông chỉ bảo: “Tao còn phải lo đại cuộc, lo cái lớn hơn là xây dựng khu phố kiểu mẫu, tổ dân phố văn hóa đoàn kết… nên không muốn nói to hoặc ầm ĩ” chỉ nói thế vì phải đặt hoàn cảnh gia đình ta vào “bối cảnh chung trong toàn ngõ phố”.

Phía anh Trưởng số nhà hung dữ, thì tuy đã chiếm được dần dần từng phòng của gia đình này, bằng biện pháp dùng “luật rừng” nhưng miệng lưỡi thì có những lời rất đẹp và hữu nghị với láng giềng xung quanh nào là “tôi quản lý” số nhà này, đây là tài sản chung… Tài sản đất đai của gia đình hàng xóm nghèo đã dần dần về tay nhà mình nhưng họ vẫn ấm ức và không phục. Hắn khó chịu lắm, muốn làm một cuộc tổng chiếm đoạt đuổi cổ gia đình kia đi nhưng chưa lường được sự thể sẽ đến đâu. Bởi hắn thừa biết rằng nếu gia đình kia biết đoàn kết, cùng lên tiếng tố cáo việc cướp đoạt của hắn trước làng xóm, thì hắn sẽ bị cả phố lên án và hắn không còn giữ được thói hung hăng của mình.

Hắn nghiên cứu, suy nghĩ và tìm cách.

Bỗng một buổi sáng sớm, lúc 2 giờ sáng, hắn đưa một đoàn những tên bặm trợn, hung dữ đến bao vây nhà kia, không phải để chiếm tài sản, mà chỉ để đập tan cái bàn thờ tổ tiên ông bà nhà đó, xé hình ảnh ông bà vứt vào sọt rác, đập tan cái lư hương, đập nát cái ban thờ. Con cái trong nhà ra giữ, kiên quyết tố cáo và đấu tranh với hắn để giữ lại, hắn đánh cho đứa thì tóe máu đầu, đứa thì giữ vỡ mặt, đứa thì đi viện, tiếng kêu khóc ầm ĩ, hàng xóm tố cáo hành động của tên Trưởng số nhà rất mạnh mẽ, đồng loạt. Nhưng ông bố thì… im lặng.

Đến khi đó, ông bố gia đình kia có nói được rằng: Đó là chuyện riêng của mỗi đứa con, còn tao là bố, là chủ nhà thì chỉ nói lên “Quan điểm” và chỉ “làm những việc to lớn” nữa không?

Có lẽ đến lúc đó, tất cả những đứa con phải kêu lên rằng: “Bố ơi, gia đình ta có còn là một gia đình nữa không? Bố có còn là ông bố trong gia đình nữa không”?

Gác qua những vụ việc trước, đến vụ việc tại Đồng Chiêm, thì người ta chờ đợi, vì sao?

Trước hết, sự việc Đồng Chiêm đâu phải là vụ tranh chấp đất đai hay tài sản như BBT trang web HĐGMVN đã nói đến?

Giáo xứ Đồng Chiêm, một xứ đạo nghèo, riêng cái tên Đồng Chiêm đã nói lên sự đói nghèo ở mảnh đất ngập lụt này. Giáo dân đàn ông ở đây phải đi làm ăn xa xôi để nuôi sống gia đình. Việc đi làm ăn xa xôi, cô đơn và nhiều vất vả đã mang về giáo xứ này nhiều căn bệnh nguy hiểm. Có lẽ không nơi nào, một giáo xứ nhỏ, lại có nhiều người nhiễm HIV như ở đây.

Ở đó không có tài sản để tranh chấp với ai, nhà nước và giáo xứ không có tranh chấp nào với Núi Thờ là nghĩa trang của giáo xứ cả hơn trăm năm nay. Ở đó cũng không có công trình quốc phòng, quân sự hay bất cứ dự án nào của quốc gia để ảnh hưởng.

Mà nghĩa trang thì có Thánh Giá, Thánh Giá cũ đã hỏng thì thay Thánh Giá mới.

Thánh giá này đã từng được dựng công khai chính quyền đều biết, nhưng đã không có ai ý kiến gì. Đến một lúc nào đó thì đưa cảnh sát, quân đội, chó nghiệp vụ đến phá bằng được theo lệnh chính quyền.

Thánh Giá là gì, ý nghĩa của Thánh giá như thế nào, chắc HĐGMVN là nơi hiểu rõ nhất và là nơi còn cần phổ biến cho giáo dân hiểu hơn nữa. Giáo dân chỉ hiểu rằng: Thánh giá là biểu tượng cao quý nhất, thiêng liêng nhất của người Kitô và Giáo hội Công giáo, nếu không có Thánh Giá, có nghĩa là Giáo hội Công giáo không còn tồn tại. Đơn giản thế thôi.

Tại sao chính quyền phải triệt phá cây Thánh Giá này một cách triệt để và quyết liệt như vậy? Câu chuyện đơn giản ở trên trả lời câu hỏi này: Thánh Giá là cái bàn thờ trong gia đình, phải triệt phá.

Đọc những lời trong bài viết trên, chúng tôi lại nhớ đến câu nói của Đại sứ Tàu tại VN Tôn Quốc Tường: “hai bên cần xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước”. Trong khi đất đai, lãnh thổ mất dần vào tay Tàu Cộng, nhân dân VN bị đánh đập ngay trên lãnh thổ của mình và mưu đồ của nhà cầm quyền Tàu Cộng với đất nước VN thì đã không còn là sự đe dọa mà đã hết sức rõ ràng. Ông Đại sứ này còn khuyên VN hãy “chờ điều kiện chín muồi” rồi giải quyết. Ai cũng biết rằng khi mà “điều kiện chín muồi” là khi toàn dân VN lấy tiếng Tàu làm quốc ngữ.

Thưa BBT trang web HĐGMVN, trong một gia đình, bàn thờ tổ tiên bị đập phá mà ông bố vẫn không lên tiếng, thì đừng nói chuyện “quan điểm” hay “đường hướng” hoặc bất cứ sự lý giải nào. Bởi mọi điều giải thích đều vô nghĩa và gia đình đó thực tế không còn tồn tại.

Ngày 14/1/2010

Song Hà
ooOoo

    QUAN ĐIỂM CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY
    LTS: Vào lúc 16g30 ngày thứ bảy, 27-9-2008, Văn phòng Thư ký của Hội đồng Giám mục Việt Nam chính thức công bố quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện tại. Chúng tôi xin chia sẻ cùng bạn đọc.

    Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt Nam cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chúng tôi, các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Giáo Hội không có chức năng làm chính trị, nhưng cũng không đứng bên lề xã hội. Do đó, là những người lãnh đạo trong Giáo Hội, chúng tôi có trách nhiệm rao giảng giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, nhằm thăng tiến con người và đời sống xã hội cách toàn diện. Sau khi cầu nguyện và trao đổi với nhau, chúng tôi muốn bày tỏ quan điểm của mình về một số vấn đề quan trọng trong hoàn cảnh hiện nay.

    I. TÌNH HÌNH

    1. Tình trạng khiếu kiện đất đai kéo dài và chưa được giải quyết thoả đáng là vấn đề thời sự, trong đó có đất đai của các tôn giáo nói chung và Giáo hội Công giáo nói riêng, cụ thể như vụ việc Toà Khâm Sứ cũ (số 42 Nhà Chung) và Giáo xứ Thái Hà (số 178 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội). Chắc chắn có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng ở đây chúng tôi muốn lưu ý đặc biệt đến điều này: luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Thêm vào đó, nạn tham nhũng và hối lộ càng làm cho tình hình tệ hại hơn. Thiết nghĩ không thể có một giải quyết tận gốc nếu không quan tâm đến những yếu tố này.

    2. Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ. Quả thật, chưa bao giờ các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như ngày nay, nhờ đó con người được gia tăng hiểu biết và phát triển tình liên đới. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chỉ thực sự mang lại lợi ích cho con người và cộng đồng xã hội khi phục vụ sự thật và phản ánh thực tại cách trung thực. Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này.

    3. Cũng trong tiến trình giải quyết những xung đột nêu trên và nhiều vụ việc khác, một số người có khuynh hướng sử dụng bạo lực, và như thế, tạo thêm bất công trong xã hội. Điều này đang có chiều hướng gia tăng, không những trong các vấn đề lớn của xã hội mà ngay cả trong đời sống gia đình cũng như tại học đường. Bạo hành và bạo lực bắt nguồn từ chính tâm hồn con người, nơi đó cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối không ngừng diễn ra. Nếu không được hướng dẫn và tập luyện, con người sẽ dễ dàng chiều theo những tham vọng ích kỷ của mình, và cái ác sẽ lan tràn trong đời sống xã hội. Do đó, việc giáo dục đạo đức và huấn luyện lương tâm phải là trách nhiệm hàng đầu của toàn xã hội, và cần đến sự tham gia tích cực của người dân cũng như các tổ chức xã hội.

    II. QUAN ĐIỂM

    Đứng trước tình hình trên, chúng tôi có những đề nghị cụ thể như sau:

    1. Trước hết, nếu luật về đất đai còn nhiều bất cập thì nên sửa đổi cho hoàn chỉnh. Việc sửa đổi này cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: "Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán" (số 17). Vì thế, chúng tôi cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đòi hỏi này lại càng khẩn thiết hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nhịp sống chung của thế giới. Đây sẽ là tiền đề cho việc giải quyết tận gốc những vụ khiếu kiện về đất đai và tài sản của người dân, đồng thời góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển vững bền của đất nước.

    2. Kế đến, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những thông tin bị bóp méo hoặc cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Toà Khâm Sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì cần phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

    3. Cuối cùng, truyền thống văn hoá và đạo đức của dân Việt vốn nhấn mạnh đến tình tương thân tương ái và sự hài hoà trong xã hội. Tuy nhiên khi giải quyết những tranh chấp gần đây, đáng tiếc là đã có những hành vi sử dụng bạo lực, làm mất đi tương quan hài hoà trong cuộc sống. Vì thế, chúng tôi tha thiết ước mong mọi người hãy chấm dứt mọi hình thức bạo lực, trong hành động cũng như trong ngôn từ. Cũng không nên nhìn những tranh chấp này theo quan điểm chính trị và hình sự. Một giải pháp thoả đáng chỉ có thể đạt được nhờ đối thoại thẳng thắn, cởi mở và chân thành, trong hoà bình và tôn trọng lẫn nhau.

    Phát xuất từ ước mong góp phần tích cực vào việc phát triển đất nước cách ổn định và vững bền, những suy nghĩ này mong được gửi đến tất cả anh chị em đồng đạo cũng như mọi người thành tâm thiện chí. Chúng tôi xác tín rằng khi tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước trên nền tảng công bằng, sự thật và tình yêu, thì quê hương Việt Nam sẽ ngày càng giàu đẹp, mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người, và góp phần kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.

    Làm tại Toà Giám mục Xuân Lộc, ngày 25.09.2008

    TM. HĐGM Việt Nam
    Chủ tịch

    Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
    http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=3&Act=Detail&ID=215&CateID=116

No comments:

Post a Comment