Thursday, January 28, 2010

Hà Nội ơi! Tượng Vua Quang Trung hộc máu ồi !



Tại sao các ngươi phải sợ con cháu của Tôn Sĩ Nghị ???

Nguyễn Duy Thành

Tiếc quá! Chưa một lần chạm chân Hà Nội, nên phải dùng hai chữ “có lẽ” để tự bảo lòng: Chắc đẹp lắm! Và có phải, vì ngoài nét cổ rêu phong còn chứa đựng nhiều diễm tuyệt của một kinh thành với ngàn tuổi trời, mà khiến người Hà Nội đi xa phải nhớ rồi ước muốn quay về ..!

Hơn 55 năm trước, yên vui trên đất Sài Gòn nhưng chàng trai xứ bắc Anh Bằng đã than cùng trời mây qua phách nhịp:
    “... Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
    Ai đứng trông ai ven hồ, khua nước trong như ngày xưa ...”
Cũng cảm niệm đó, nửa thế kỷ sau chàng trai Phú Quang ngây ngất ngày về:
    “... Tôi bồi hồi chạm nắng Cửa Ô
    Như ngày xưa mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ ...”
Rất có thể còn nhiều điều nữa làm cho người ta phải yêu Hà Nội!

Nhưng bao nét yêu kiều đó..hình như ... đã xa xưa ... đã vụt bay ...! Bởi đâu đó trong thi-văn bây giờ đang bàng bạc những lời thống khổ, trách cứ ... Có khi là sự gọi kêu người đời đừng để sự xa hoa phù phiếm phủ lấp sự hùng anh của đất thành Hà Nội.

Người ta than là phải!!!

Vì xa xăm gì đâu, chỉ mới hơn 2 đời người! Cũng vào những ngày tháng này, gần Tết của 221 năm trước. Năm đó là Kỷ Dậu 1789, dù chiến trận phía Nam chưa bình định được. Nhưng hay tin đạo quân hùng mạnh phương Bắc do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy tràn qua xâm lược nước ta. Xét rằng mối họa xâm lăng là nhãn tiền phải diệt. Nguyễn Huệ lên ngôi và quyết định Bắc Tiến.

Sử lược nước Việt có khá nhiều giai thoại ngợi ca về đấng anh hùng áo vải này. Nhưng nếu chịu khó tham khảo các trận chiến do Nguyễn Huệ chỉ huy, thì quả thật ông mới là một quân sự kiêm chính trị gia đáng để đời sau khâm phục và học hỏi. Có một chuyện nhỏ trong cơ trí của người chỉ huy mà ít sách vở nhắc đến khi nói về vị Tiền nhân lỗi lạc này. Chuyện là, vào ngày 25 tháng 11 năm ấy, ngay trong lễ đăng quang Hoàng Đế với niên hiệu Quang Trung, nhưng Ngài e ngại rằng quân sĩ sẽ nao lòng trong kế hoạch Bắc tiến vì không khí đang vào dịp Tết. Vì thế, Vua Quang Trung sai lính đem đến một cái Mâm có phủ vải điều mà trên đó đựng đầy đồng tiền. Trước mặt ba quân tướng sĩ, Ngài nói:

- Hỡi ! Ba quân hãy cùng ta quan sát. Nếu cả 200 đồng tiền này đều nằm sấp, thì đó là điềm trời báo chúng ta đại thắng. Nhược bằng, có đồng nằm ngửa thì đó là đại sự của chúng ta có điều trắc trở.

Nói xong, Vua cung kính lạy tạ đất trời rồi đưa Mâm tiền lên cao và hất đổ xuống đất. Quân sĩ reo mừng khi thấy toàn bộ số tiền đều nằm sấp, và chí khí giết giặc tăng cao vì binh sĩ tin rằng lần Bắc tiến đuổi diệt quân Thanh sẽ đại thắng.

Kỳ thực! Trước đó Vua Quang Trung đã cho người đúc sẵn 200 đồng tiền đều là mặt sấp.

Và Ngọc Hồi, Đống Đa thuộc đất Hà Nội hôm nay ghi lại dấu chân vó ngựa của Quang Trung đi đến đâu thì chiến thắng đến đó. Sớm hơn lời hẹn với ba quân là mồng 7 sẽ vào Thăng Long, nhưng chỉ tới mồng 5 thì quân Tây Sơn đã uống rượu khải hoàn. Đạo quân nhà Thanh hơn 20 vạn bị đánh tan tành, danh tướng Tôn Sĩ Nghị chỉ còn 50 binh chốt chạy trốn về Tàu. Đại thắng này không chỉ làm nức lòng người nước Việt, mà sử sách của giặc phương Bắc vẫn ghi lại một vết son của Vua Quang Trung về lòng đối nhân xử thế với kẻ thù. Đó là việc khi thu dọn chiến trường, Ngài cho quân lính lượm nhặt xương cốt quân Thanh tử trận chất thành gò đống, rồi lập đàn cúng tế biểu thị sự thương xót người Trung Hoa chết xa nhà, mà trong bản soạn do Quan văn Vũ Văn Tân biên thảo có đoạn tế, ca rằng:
    “... Nay ta
    Sai thu nhặt xương cốt chôn vùi
    Bảo lập đàn bên sông cúng tế
    Lòng ta thương chẳng kể người Phương Bắc
    Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô
    Hồn các ngươi không vơ vẩn ở trời nam, hãy lên đường mà quay về nơi hương chí.
    Nên kính ngưỡng ta đây là chủ, chan chứa lòng thành.
    Nhưng mong sao đáp lại đạo trời. Dạt dào lẽ sống ...”
Chí khí và ving quang mà cổ nhân kỷ niệm với đất Hà Nội là thế đó!

Nhưng càng chiêm nghiệm sử ký năm xưa để luận bàn thời thế hôm nay. Ngẫm nghĩ sự đời..sao mà tiếc ..! Tiếc rằng, năm xưa Vua Quang Trung sao hiền từ quá! Sao Ngài không quất ngựa truy sát thêm vài dặm, rồi chém phứt đi cái đầu Tôn Sĩ Nghị để trừ cái di họa xâm lăng, mà hôm nay ngay trên đất Hà Nội nhưng một tên giặc Tàu cũng họ Tôn- Đại sứ Trung Cộng Tôn Quốc Tường bố láo dọa nạt một câu: “Đấu Tranh Sẽ Thất Bại”.

Một tháng rồi trôi qua, giới cầm quyền Hà Nội êm re ... sau câu nói ấy, và hình như người dân Thủ Đô ngàn năm văn vật vẫn “tự nhiên như người Hà Nội”.

Ôi! “Quân dân ta anh hùng”, có thật không “bác hồ” ơi???

Nghĩ mà rầu, mà rụng râu! Giá như cái câu nói đó xảy ra tại Iran hay một số quốc gia nhỏ bé khác hơn Việt Nam, thì chắc rằng cái tòa Đại sứ Trung Cộng sẽ chìm trong biển lửa, và ông đại sứ cùng ngoại giao đoàn phải u đầu bể trán trước khi cuốn gói về nước. Hoặc nói đâu xa, chỉ cần nhìn qua quốc gia Thái Lan, một giáo viên Tây phương có ý xúc phạm đến vị Vua trong giờ lên lớp, lập tức sẽ bị xử án mấy năm tù. Vì sao người ta nghiêm ngặt đến thế! Có phải đó là văn hóa, là tự tôn dân tộc mà người Thái gìn giữ được?

Còn lãnh đạo Hà Nội thì sao???

Nói như mấy bà cụ đất Hà Thành là “Bố tiên sư nhà nó ...”, giới cầm quyền sợ hãi đã đành lại còn đem những người dám tuyên bố “Trường Sa-Hoàng Sa là của Việt Nam” ra kết án tù đày. Chẳng biết có ai ở Hà Nội đến dinh Thủ tướng để hỏi rằng. Ông ta đang vận động khối Asia để chống lại Trung Cộng về vấn đề biển đảo, nhưng chính ông Thủ tướng lại bỏ tù người dân nước mình khi lên tiếng về vấn đề đó, thật trớ trêu với ngược đời, ơi ông thủ tướng!

Nghĩ về Hà Nội mà buồn!

Hơn 200 năm trước, Vua Quang Trung là Nguyễn Huệ rượt đuổi tướng Tàu Tôn Sĩ Nghị chạy ... có cờ ..!

Hơn 200 năm sau, lãnh đạo Việt Nam cũng là họ Nguyễn Tấn Dũng - Nguyễn Minh Triết, và tên giặc Tàu bây giờ cũng là họ Tôn ... đấy chứ!
    Sao các Ngươi lại sợ cái đám con cháu Tôn Sĩ Nghị ???
    Hãy đem tên Đại Sứ kia ra mà xử để khai lễ: Ngàn Năm Thăng Long.
    Ơi người Hà Nội!
Nguyễn Duy Thành


No comments:

Post a Comment