Wednesday, January 13, 2010

Cao Quang Ánh và ván bài Việt - Mỹ - Nguyễn Duy Thành

Nguyễn Duy Thành

Không nhẹ nhàng êm ái như chuyến hải du của Trung Tá Lê Bá Hùng, mà lần viếng thăm Việt Nam của Dân Biểu Cao Quang Ánh đã tạo ra một phản ứng dữ dội trên diễn đàn truyền thông, bênh vực có, chống đối cũng nhiều, và tỏ thái độ khách quan cũng không thiếu. Vậy, người Việt Nam nói chung, đặc biệt người tỵ nạn Cộng sản nói riêng nên có cách nhìn như thế nào và hành động ra sao? Để gìn giữ được lý tưởng Cộng hòa, đồng thời khuyến khích lớp người trang lứa như Cao Quang Ánh, Lê Bá Hùng và còn nhiều bạn trẻ nữa sẽ tiếp tục thành danh trong xã hội tự do dân chủ, để chính họ nhận được sự bảo trợ ưu ái của quốc gia sở tại, mà đem thể chế Cộng hòa thay cho chế độ Cộng sản đang độc quyền tại quê nhà.

Điều này thật khó với 30 năm về trước. Nhưng hôm nay đây, thế sự quốc gia đã khác tất cả như con tạo xoay vần. Vận hội mới đã đến với Việt Nam mà luồng sinh lực để dân chủ hóa quốc gia, không ai khác chính là tuổi trẻ ở quốc nội Việt Nam, kết hợp cùng lớp trẻ đang tham quân nhiếp chính trong dòng sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ, và một số quốc gia tự do trên thế giới.

Để am tường và triệt hiểu về vấn đề trên thì nên có cái nhìn khái quát về chặng đường 35 năm qua, nhất là công cuộc đấu tranh. Luận về vấn đề này thì không có khái niệm nào ngắn gọn hơn, sâu sắc hơn và ý nghĩa bằng lời của Người đã có công soạn thảo, và thành lập nên Chế độ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa! Đó là:

"... Các lý thuyết đưa ra làm lý thuyết tranh đấu để chống lại chủ nghĩa Cộng sản đã có nhiều. Và hiện nay vẫn còn có người đang đi tìm một lý thuyết khác nữa với tác dụng nói trên. Giá trị tư tưởng các lý thuyết rất khác nhau nhưng tất cả đều bất lực trong vai trò mong mỏi: Giúp cho chủ trương Quốc gia chiến thắng chủ trương Cộng sản. Chẳng những thế, tất cả các lý thuyết đều mang đến một kết quả bất ngờ và trái ngược. Mỗi lý thuyết có một số người tin tưởng, nhất quyết trung thành với lý thuyết của nhóm mình và thành thật hay miễn cưỡng bảo vệ lý thuyết đó. Thành ra khối người theo quốc gia chia năm xẻ bảy làm cho sung lực chống lại kẻ địch còn yếu hơn là lúc không có lý thuyết.

Thật là không có gì làm cho người Cộng sản sướng bằng tình trạng đó, và họ chỉ ước mong khối Quốc gia tạo ra thêm nhiều lý thuyết tương tự.. .. .."

Đó chính là lời của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đã viết trong: Chính Đề Việt Nam, khi ông nhận xét chung về tình hình chính trị của Miền Nam Việt Nam, để rồi đưa ra sách lược chống cộng. Tuy Cố vấn Ngô Đình Nhu đã hóa người thiên cổ, nhưng nếu đem suy nghĩ của ông từ 50 năm trước để nhận xét về hiện trạng của cộng đồng đấu tranh cho tự do dân chủ, dù ở quốc nội hay hải ngoại thì có lẽ không khác xa gì mấy! Tuy nhiên, do một số đặc tính khách quan trong đời sống và địa lý của người tỵ nạn gặp phải, cũng như sự quản thúc đàn áp mà các nhóm đấu tranh tại quốc nội phải chịu, tất cả sự khó khăn này đã dẫn đến tình trạng không thống nhất trong quan niệm hay khuynh hướng, và đưa tới sự không đồng bộ trong đấu tranh.

Nhưng các khiếm khuyết đó không có nghĩa là sự bế tắc vĩnh viễn mà người đấu tranh không thể không khai thông được! Vì vậy, kiếm tìm một sinh lộ tự do cho công cuộc dân chủ hóa quốc gia, thì trước tiên người đấu tranh phải nhìn xa trông rộng, phải thông đạt cả lý lẫn tình, và có khi phải tách rời những lý thuyết hay đường hướng xưa cũ để tìm một phương hướng đấu tranh mới, nhằm phù hợp với bình diện chính trị quốc tế đang tác động vào cuộc diện chính trị Việt Nam.

Trong tinh thần đó, dựa trên nguyên trạng của tình hình chính trị Việt Nam, xin gởi đến công luận phần phân tích và bình luận. Từ đây, bạn đọc sẽ có một nhận định khách quan về vai trò của tuổi trẻ nói chung, hay nói riêng qua các chuyến công cán Việt du của giới chức Hoa Kỳ, trong đó có sự tham dự của các nhân vật như Cao quang Ánh- Lê Bá Hùng, và tin rằng trong tương lai sẽ còn nhiều người nữa! Và liệu rằng họ có vai trò và khả năng gì để đóng góp cho công cuộc dân chủ hóa thể chế chính trị, cũng như kiến quốc Việt Nam???

1. Hiện Tình Giới Cầm Quyền Hà Nội Và Mối Bang Giao Theo Thế Chân Vạc: Việt-Mỹ-Trung

Rất khách quan để nhận định rằng, chưa bao giờ giới đương quyền Hà Nội gặp phải những khó khăn không giải quyết được như hiện nay, mà nguyên nhân sâu xa dẫn dắt đến tình trạng này là mối quan hệ không tương quan trên nhiều mặt, giữa hai quốc gia Trung Quốc và Việt Nam. Hiện nay nhà cầm quyền Hà Nội đã nhận ra sự bị lấn át, hiếp đáp, và tình trạng sợ hãi cúi đầu lệ thuộc chính là ngòi nổ sẽ làm tan rã chế độ, cũng như sự an toàn tính mạng và tài sản của giới lãnh đạo, mà sự bùng nổ đó có thể khởi phát bất cứ lúc nào từ phía bất mãn của người dân. Do đó:

Về Đối Nội: Giới đương quyền cố gắng đưa ra những sắc luật nghiêm ngặt nhằm ngăn cấm sự tiếp cận, hạn chế sự trao đổi những thông tin bất lợi cho chế độ, đồng thời tăng cường những biện pháp răn đe, cô lập các nhà bất đồng chính kiến, cũng như thẳng tay cưỡng đoạt tịch thu những tài sản của các tôn giáo, nơi mà nhà cầm quyền Hà Nội cho là địa điểm kết tụ đông người, khó bề kiểm soát. Tất cả những sắc luật đó có vẻ tạo ra sự yên tâm cho giới lãnh đạo, nhưng thực chất chỉ khiến cho người dân bất bình hơn vì nhận ra sự ngày càng độc đoán của chế độ.

Về Đối Ngoại: Nhà cầm quyền Hà Nội cũng đã nắm vững được nguyên tắc chính trị, bằng cách khai thác mâu thuẫn quốc tế để tìm cơ hội sống còn cho chế độ, mà lẽ ra việc đối ngoại bang giao này nên tiến hành từ trước năm 2000. Vì thế, các nỗ lực vận động hiện nay dường như đã quá trễ trong mục đích kéo dài thể chế!

Có nhiều lập luận cho rằng, giới cầm quyền Hà Nội đang ở vào thời kỳ đầu vị trí Chủ tịch khối Asia, từ cương vị này Hà Nội có thể vận động các quốc gia cùng khu vực nhằm tạo nên thế liên hoàn để chống lại sự bành trướng của Trung Cộng, nhất là khu vực Biển Đảo. Lập luận này nghe qua rất hữu lý nhưng hoàn toàn không có một chỉ dấu hữu lực nào! Bởi rằng, thử xem từng quốc gia trong khối này! Liệu nước nào có quân đội nhiều nhất, mạnh nhất, kinh nghiệm chiến tranh nhiều nhất hơn Việt Nam? Vậy cái lý thông thường mà ai cũng có thể hiểu là: Mạnh mẽ và thiện chiến như Việt Nam mà không dám đánh Trung Cộng, thì tại sao họ phải giúp ..? Hay luận một cách khác cho thực tế hơn là địa hình các quốc gia này chẳng kề sát gì với Trung Cộng, nên họ không dại gì xen vào chuyện nội bộ Việt Nam để ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa quốc gia của họ và Trung Cộng. Cho nên chỉ số khả tin hy vọng về khối Asia hoàn toàn không có! Nếu có, thì cũng không thấy động lực nào mạnh nhất để bắt buộc Trung Cộng ngồi vào bàn đàm phán đa phương, một giải pháp mà nước mạnh này đã nhiều lần gởi tín hiệu từ chối về vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Song hành với ngoại giao trong khu vực, giới lãnh đạo Hà Nội cũng đã tất bật đi đông về tây để xã giao và mua vũ khí. Nhưng cho dẫu đem về bao nhiêu máy bay trực thăng của Pháp, hay tàu ngầm tối tân của Nga, nhưng liệu giới cầm quyền Hà Nội có dám ra lệnh cho Quân đội ấn nút hay bóp cò để chống lại Trung Cộng khi có biến động chiến tranh?

Để có cái nhìn tổng thể cho hàng loạt sự kiện mang tính giao tế nói trên. Có thể mạnh dạn đưa ra kết luận rằng. Giới lãnh đạo Hà Nội tuy có nắm rõ hình thái biến chuyển của chính trị thế giới, để vận hành đường lối, chủ trương sao cho thích hợp với cục diện hiện tình! Nhưng họ đã không nắm rõ được cái nguyên tắc gần như bất di trong Ngoại giao. Là khi một quốc gia có sung lực về kinh tế, tài nguyên, và hùng mạnh về quân lực thì công cán ngoại giao bao giờ cũng được đẩy mạnh và kết quả mỹ mãn, và thường thì các quốc gia này đều có một thể chế tự do dân chủ. Ví dụ như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan. Nhưng các nét căn bản nói trên đối với Việt Nam không có một nền tảng nào!. Do đó, hàng loạt chuyến đi ngoại giao vừa rồi của các nguyên thủ Việt Nam là đi theo kiểu Nguyễn Minh Triết đã nói, là đi cho mình cũng ngang hàng với người ta, hay hiểu nôm na theo theo câu nói của anh lái xe đò là đi cho lỗ dầu lỗ xăng. Vì thật sự, nếu ông Triết được Tây Ban Nha mời qua viếng thăm, vậy thì tại sao ông ta bị quốc gia chủ nhà này chất vấn về vấn đề nhân quyền???. Cho nên việc xin đi thăm hay được mời thăm hoàn toàn khác nhau cho bối cảnh túng thì biến của nội bộ đảng CSVN hiện nay!

Như vậy chứng tỏ rằng để bảo vệ quốc gia thì chí người sẽ quan trọng hơn vũ khí! Điểm dựa căn bản này giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng đã đánh mất từ lâu. Trong cuộc chiến ý thức hệ trước đây, họ từng rêu rao về sức mạnh tạo nên chiến thắng là nhờ chiến tranh nhân dân. Nhưng cách đây gần 2 năm, ý thức và tinh thần dân tộc này đã bị chính giới đương quyền đàn áp dập tắt, mà nạn nhân không ai lạ chính là Nhà báo Điếu Cày bị giam tù, cùng một số người treo giăng khẩu hiệu chống Trung Cộng tại Hà Nội bị kết án vừa qua. Gần đây giới cầm quyền cố gắng dùng những phương pháp tuyên vận, mang vẽ chiêu hiền đãi sĩ qua các hình thức như Đại Hội Việt Kiều, hay Hội Thảo Quốc Tế Biển Đông, mà nhiều người cho rằng đó là Hội Nghị Diên Hồng. Nhưng trớ trêu thay! Người ta đã quên đi những bài học lịch sử vỡ lòng. Là ngày xưa các Vua hiền Thần trung hiệu triệu được quần hùng chống lại ngoại xâm, là vì các đấng tiền nhân này yêu nước. Nhưng ngày nay 15 ông vua trong bộ chính trị đang bán nước, thì ai mà tin tưởng đường hướng của họ!

Vậy điểm tựa duy nhất còn lại của đảng cộng sản Việt Nam là ở hơn 3 triệu đảng viên, nhưng thế yếu này rất dễ dàng nhận ra như bài toán 2 với 2 là 4. Bởi, những đảng viên được xem là lão thành kỳ cựu tuyệt đối trung với đảng, hiếu với dân thì bây giờ họ đang xấp xỉ vào độ tuổi 60-70, ai ở thành phố thì Bia với Rượu đã làm họ quên đi cách thức tác xạ của khẩu AK là thế nào? Còn ai ở nông thôn thì không đủ sức để đuổi gà cho vợ! Vậy, chỉ còn số lượng đảng viên kết nạp sau năm 1975, nhưng cái cương khí bám thắt lưng địch mà đánh , liệu có ở những thành phần này không? Khi mà đời sống của họ đang cao sang trong dinh thự, và sự thu nhập lợi tức hằng ngày quá dễ dãi qua hành động tham ô hối mại, thì liệu họ có chịu đặt chữ đảng lên trên tính mạng cao sang thực thụ của họ?

Dựa trên thực tế để phân tích từ nội bộ đến ngoại cảnh của tình hình chính trị Việt Nam. Có thể nhận định: Là phía đảng cộng sản Việt Nam đang lâm vào tình trạng rất khó để kéo dài chế độ, nếu họ ngoan cố không tìm đường hướng để dân chủ hóa. Nhưng bao giờ cũng vậy, dù một nguyên thủ quốc gia nào cạn trí đến đâu! Thì họ vẫn tìm cho mình một lối thoát thân vừa an toàn tính mạng, vừa bảo đảm tài sản có khi là danh dự, trường hợp các lãnh đạo Việt Nam cũng không ngoại trừ! Bởi xu hướng chính trị thế giới, nhất là mối quan hệ theo thế chân Vạc: Việt-Trung-Mỹ đang đặt giới cầm quyền Hà Nội vào sự chọn lựa cho chính bản thân của họ. Là chọn một số phận vĩnh viễn đen tối như các nhà cộng sản độc tài của Đông  trước đây, hay một sự êm dịu im lặng vĩnh cửu như Musharraf của Pakistan??? Và ai là người vận động họ đi vào con đường thoát hiểm này? Hay, giới lãnh đạo Việt Nam chấp nhận đánh ván bài sinh tử mà từ lâu họ biết rằng ván bài này sẽ kết thúc ngai vị của họ?

2. Tìm Đường Thoát Chết Trong: VÁN BÀI ĐỊNH CHẾ!

Vấn đề quan trọng mà giới cầm quyền Việt Nam đang thất thế và lo ngại nhất, chính là chuyện Biển Đảo. Vì lãnh đạo Hà Nội thừa hiểu rằng, đây là điểm sơ hở của giới lãnh đạo rất dễ tạo cơ hội để các thành phần đấu tranh đứng lên, Nếu lực lượng nhỏ thì họ có thể đàn áp được, nhưng khi cuộc đấu tranh giữ nước bùng nổ lớn thì chế độ sẽ sụp đổ, và tính mạng của họ sẽ không an toàn dưới bất cứ một dạng đấu tranh nào, kể cả đảo chánh từ quân đội.

Vì biết thế, nên lãnh đạo Hà Nội đã nhiều lần dùng kế Hoãn Binh bằng cách hứa hẹn với công chúng là lập trình hồ sơ giải quyết theo công ước quốc tế, hay đàm phán song phương với Trung Cộng. .vv..vv..Nhưng tất cả đều là lý thuyết mộng mỵ mơ hồ. Lâu nay đã có nhiều phương pháp đưa ra công luận truyền thông, về vấn đề Biển- Đảo là giải quyết theo công ước Quốc tế. Mọi giải pháp nghe rất hữu lý hợp tình theo nguyên tắc. Nhưng rất tiếc, không ai đặt ra câu hỏi rằng:

- Liên Hiệp quốc là ai? Nếu Liên Hiệp Quốc mạnh hơn Hoa Kỳ và Trung Cộng, và làm việc hữu lực đúng chức năng của tổ chức này, thì tại sao Trung Cộng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974??? Và CSVN xé bỏ Hiệp Định Paris năm 1973 để cưỡng chiếm Miền Nam năm 1975???

Hai sự kiện quan trọng này không liên quan đến vấn đề quốc tế sao?

Sự trả lời cho các câu hỏi nói trên tự nó sẽ đả phá các sách lược hoãn binh của Hà Nội, cũng như mọi lý thuyết khác. Nêu ra vài sự kiện trên nghe rất thất vọng, nhưng cốt là để giới đương quyền Hà Nội chớ nên kỳ vọng hão huyền! Để nhanh chóng đi tìm một giải pháp thiết thực hơn, nhằm bảo vệ lãnh hải cũng như chủ quyền độc lập của quốc gia, mà giải pháp đó không phải là không có nếu họ không tham quyền cố vị độc đảng.

Cũng từ vấn đề Biển-Đảo là thế yếu của CSVN để suy ra, thì có nhiều lập luận trình bày rằng. Hoa Kỳ trở lại Châu Á để cân bằng lực lượng với Trung Cộng tại Biển Đông. Nói như thế thì các vị lãnh đạo Hà Nội vuốt râu ngồi nhậu được rồi, vì đã có Mỹ làm thuê! Nhưng trong chiến lược quân sự và chính trị thì làm gì mà có chuyện ăn mày gặp chiếu rách hay Mèo mù gặp Cá rán! Cho nên, đúng nghĩa để hiểu của hai chữ cân bằng, là mỗi khi chính phủ Hoa Kỳ đã ra lệnh cho Chiến hạm tuần tiểu thường xuyên, mà ít ra ngư dân Việt Nam yên tâm lao động trên ngư trường khi có tàu Trung Cộng. Nhưng không, vài ba chiến hạm cập bến Đà Nẵng- Sài Gòn, đặc biệt là chuyến thăm của Trung Tá Lê Bá Hùng. Tất cả đều đó cũng không ngoài việc người Mỹ vừa chọc thèm, vừa nhắc nhở giới lãnh đạo Việt Nam về một sự cần thiết mà họ cần phải có! Và dĩ nhiên, hơn ai hết giới lãnh đạo Việt Nam tự hiểu rõ là họ bày ra hàng loạt trò ngoại giao mang tính dương đông kích tây, để đánh lạc hướng các nhà quan sát Trung Cộng. Nhưng điểm chính diện ngoại giao tối cần thiết là nhắm vào Hoa Kỳ. Vì giới quốc phòng Việt Nam rất hiểu nước Mỹ tuy kinh tế đang xuống dốc, nhưng Mỹ đang có 2 thứ đồ chơi mà Trung Cộng phải khiếp sợ,! Đó là lực lượng Không quân và Hải Quân mà vài chục năm sau Trung Cộng mới sánh kịp.

Nhưng cộng sản Việt Nam làm cách nào để có 2 thứ đồ chơi này mà họ đều biết rằng, đây là 2 con bài mà Hoa Kỳ cũng muốn họ nên bắt cho bằng được???

Đây là lúc các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ sẵn sàng trải Chiếu hoa mời giới cầm quyền Hà Nội cùng chơi: Ván Bài Định Chế, mà điều kiện cuộc chơi là: Hà Nội bắt bài thì sống, không bắt thì chết!. Vậy để xem vốn liếng của 2 bên như thế nào? Hơn thua, được mất về ai? Hãy cùng nhau phân tích, mà trước hết:

Phía Việt Nam: Dựa trên thực tế như đã phân tích ở trên, về khả năng để bảo vệ đảng cộng sản Việt Nam, tức guồng máy chế độ chứ không nói đến tầm mức bảo vệ quốc gia thì quá yếu, ngoài hình thức đàn áp. Nhưng giới lãnh đạo Hà Nội đầy đủ kinh nghiệm để thông hiểu rằng, đàn áp là mẹ đẻ sinh ra bạo động, và bạo động thì phần thắng bao giờ cũng thuộc về người đấu tranh, nhất là mục đích các cuộc đấu tranh giữ nước, từ đó chế độ sẽ bị cô lập và tan rã. Nói như vậy thì lãnh đạo Việt Nam không có vốn liếng hay tài cán gì, để ngoại giao với một chính phủ luôn luôn đặt quyền lợi của Hoa Kỳ lên trên hết!

Phía Hoa Kỳ: Không cần quan hệ mật thiết với Việt Nam, nhưng họ vẫn đủ mọi sức mạnh để tìm nguồn lợi tại Biển Đông. Nhưng điểm cần quan tâm mà truyền thông đang tranh luận. Là liệu Hoa Kỳ chấp nhận bán những vũ khí sát thương, hay hỗ trợ chiến cụ hạng nặng cho Việt Nam để bảo vệ lãnh hải, theo như yêu cầu cấp thiết của lãnh đạo Hà Nội nhằm giải quyết trong tình trạng cùng đường bí lối? Để thấy điểm này thì thử hỏi xem 3000 nhân mạng của Hoa Kỳ chết trong Tòa Tháp Đôi vì ai? Binladen buổi đầu do ai đào tạo ra, có phải là Mỹ không???

Hay, chính phủ Mỹ đang nhức đầu với Iran, mà nguyên nhân sơ khai bắt đầu từ chương trình nguyên tử hòa bình, có phải do Mỹ giúp đỡ không???

Các bài học xương máu đó các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã quên sao, mà nay lại giúp vũ khí cho cộng sản Việt Nam, một đàn em suốt ngày hoan hô Trung Cộng vạn tuế, điều đó khác nào giúp Cọp thêm cánh cho chính đối thủ của Hoa Kỳ.

Như thế, sự chênh lệch vốn liếng của cuộc chơi quá lớn!

Nhưng, thế giới cũng từng công nhận bản chất chính trị của Hoa Kỳ là sòng phẳng, thì trong trường hợp này cũng vậy đối với giới lãnh đạo Hà Nội. Là họ không cần ký thác, bán đất bán biển cho Hoa Kỳ như đã từng làm trước đây với Trung Cộng, mà Hà Nội muốn bắt 2 con bài nói trên, tức là nhận được sự bảo trợ của Hoa Kỳï thì trước tiên phải chấp nhận một điều kiện là: Dân chủ hóa thể chế chính trị để đi đến đa nguyên đa đảng, hay giải thể đảng cộng sản Việt Nam

Nếu lãnh đạo Việt Nam không chấp nhận và tiếp tục thần phục rồi mất nước vào tay Trung Cộng, phong trào đấu tranh giữ nước nổi lên, chế độ sụp đổ thì tính mạng giới cầm quyền sẽ ra sao? Hoặc có khi cơ hội thoát hiểm đang mở ra nhưng không thích uống rượu mời mà phải uống rượu phạt mà lãnh đạo Hà Nội phải đối diện trong hoàn cảnh cô thế này! Và rõ ràng nếu chấp nhận điều kiện đó thì giới lãnh đạo sẽ được an thân, trong sự sắp xếp như đã từng xảy ra tại Pakistan với trường hợp Tổng Thống Pervez Musharraf. Đây là bài học lớn nhất cho lãnh đạo đương quyền Việt Nam, vì nếu không có sự thỏa thuận sắp đặt của Hoa Kỳ thì Musharraf không tan xương nát thịt, bởi hận thù giáo phái và đối thủ chính trị sao?

Và dĩ nhiên một chính phủ dân cử sẽ hình thành, mà các yếu nhân lãnh đạo quốc gia Việt Nam sẽ không thiếu dũng khí như Nguyễn Cao Kỳ, hay tham nhũng độc tài như Nguyễn Tấn Dũng. Mà với kinh nghiệm qua sự tham chiến của Hoa Kỳ trong cuộc chiến ý thức hệ trước đây, thì việc tìm sự đồng thuận trên cùng một hệ ý thức sẽ là điều căn bản, để Hoa Kỳ giúp đỡ xây dựng một Việt Nam theo thể chế tự do dân chủ. Và cũng từ mô hình kiểu mẫu này, Hoa Kỳ dễ dàng thuyết phục 2 quốc gia cứng đầu là Bắc Hàn và Miến Điện. Từ đó tạo ra thế vòng cung ngay trước mặt Trung Cộng trong chiến lược lâu dài của siêu cường này tại Châu Á-Thái Bình Dương.

- Lịch Sử Tái Diễn???

Tất cả phần phân tích và bình luận mà bạn vừa đọc xong, chỉ là suy luận từ thực tế của tình hình chính trị Việt Nam để cấu tạo nên bài viết. Nhưng xét cho cùng, mọi diễn biến của mỗi quốc gia cũng được các nhà hoạch định chính sách, bắt đầu từ hiện thực để cấu trúc nên chiến lược và chủ trương. Tuy nhiên, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tránh nạn Hán Hóa từ phương Bắc, thì giải pháp nào tiết kiệm được xương máu và nhanh nhất để giải thể chế độ cộng sản Việt Nam. Nếu hữu lực thì là điều nên nghĩ tới!

Kính chúc bạn đọc năm 2010 đầy niềm tin và hy vọng.

Nguyễn Duy Thành


No comments:

Post a Comment