Monday, January 11, 2010

HÃY ĐỨNG LÊN NGƯỜI GIÁO DÂN CÔNG GIÁO VIỆT NAM

XIN NGƯỜI CÔNG GIÁO HÃY ĐỨNG LÊN LÀM LỊCH SỬ

Đông Lan

Triết Lý An Vi là một nền Triết Nhân Sinh nên tư duy của Ngài đâu thể thờ ơ với đại cuộc. Bên giường bệnh yếu đau, Ngài viết sách, viết tin thư gửi học trò trong giòng nước mắt khóc cho vận nước. Là một người học trò nhỏ của Thầy, dù biết Thầy mình còn là một Linh Mục, nhưng tôi chưa bao giờ nhìn được Thầy mình trong bộ áo dòng. Thầy xuất hiện trước mắt tôi là áo trắng nhà Nho, đơn sơ, khuy áo cài tay trái, dấu Tả Nhậm của dòng Việt tộc như Thầy thường ca tụng.

Lần đầu tiên tôi đọc đuợc những dòng chữ của Ngài khi viết về Đạo của Ngài chỉ trong vài trang sách ngắn ngủi trong gần 8000 trang sách viết cho dân tộc.
    AI LÀM CHO NGƯỜI HOÀ THUẬN ẤY LÀ PHÚC THẬT.
Hòa Thuận là một Nhân Đức Căn Bản Nhất cho các tín hữu Ky Tô, là đức tiên phong, là nền tảng của Đạo. Riêng với hiện tình Dân Tộc Việt, mặc dù bao chia rẽ, hào quang anh hùng liệt nữ năm ngàn năm sáng ngời tâm thức mỗi người dân Việt mến yêu.Dù cho bạn ở bên này hay bên kia bờ đại dương, dù ở vòng vây nào của lợi danh hay đảng phái, phe nhóm, dù ở góc tối nào nhất của cái vỏ ốc, miệng giếng, ngõ cụt của cá nhân, tập đoàn … ta vẫn chung nhau một tấm gương soi, chia chung niềm tự hào rất Việt:
    Nực cười châu chấu đá xe,
    Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.
Cho nên, cứ mỗi lần nước có họa diệt vong, cái điểm linh diệu ấy lại trỗi lên trong đáy lòng , mà kêu gọi nhau hãy nương nhau mà thực hiện chân lý Hoà của tiền nhân, để cứu nguy cho vận nước.

Cũng trong tinh thần ấy, Cố Triết Gia Kim Định, đã đặt nặng vai trò của người Ky Tô hữu, trong sứ mạng làm Hòa Thuận lòng người- Điểm căn bản của Đạo – trong tinh thần thực hiện đoàn kết với các tôn giáo bạn để Thống Nhất Dân Tộc:

“Riêng với Việt Nam thì đó là vấn đề sinh tử, tức vấn đề lập lại nền thống nhất dân tộc là điều tiên quyết cho việc cứu quốc, kiến quốc”.

Những thời gian ban đầu của Đạo không bình thường êm ái, vì Đạo là Đạo của Phương Tây, của Kẻ Mạnh đang trên đường thống trị. Dấu Chân Hội Nhập cũng là bước đường thương khó Việt.

Những đau buồn trong quá khứ cũng trôi qua, vì thời gian là liều thuốc tẩy đau thương.

Người giáo dân hôm nay trong mục đích mới đã khẳng định gánh vác cả hai vai Đạo và Đời, tức một vai Thiên Chúa, một vai Tổ Quốc.

Nhưng còn hạt nhân nối kết các niềm tin ấy, vai trò các vị tu sĩ không thể thiếu. Lệnh cấm không làm chính trị có lẽ chưa được thông diễn . Chính trị lập đảng nắm chính quyền, thì có thể cấm, vì tu sĩ không thể. Nhưng còn lo giúp nước giúp dân không màng địa vị, không mưu cầu tư lợi, chỉ vì nghĩa lớn mà làm, thì chỉ là lo “chính sự”, như Đức Giáo Hoàng cũng vẫn làm cho nước Ba Lan của Ngài vậy. Làm “chính sự” chính là việc làm “Mến Chúa, Yêu Người” của Đạo mà thôi. Vì khi người trong một nước cùng cảm thương , hỗ trợ cho nhau thì mới thực hiện phương trình ”Mến Chúa = Yêu Người” một cách thật sự thiết thực. Do đó, khi Tu sĩ mà làm hạt nhân, men YêuThương mới dậy bột, bánh Mình Thánh mới Thiêng Liêng, mới không thiếu sót thực hành lời Chúa dậy.

Dù tôn giáo Thiên Chúa chỉ mới 7% dân số trên toàn quốc, nhưng người ra hải ngoại có lẽ đông hơn. Nhất là thành phần nắm truyền thông lại đa số là Thiên Chúa giáo, và tổ chức chặt chẽ, với trên hai trăm giáo sĩ làm việc toàn thời gian, riêng tại Mỹ.Tôn giáo này có thể có sức hoạt động mạnh, nếu “Vai Tổ Quốc” được các vị tu sĩ gánh vác chung với giáo dân. Nền Văn Hoá Nhân Bản của nứơc nhà có cơ sở tâm linh vững chắc, niềm tin Tâm Linh sẽ khiến khuynh hướng Tôn Giáo Phục Vụ Tổ Quốc thành sức mạnh vô song. Lý tưởng Dân Tộc sẽ nghiễm nhiên đưa Tôn Giáo Về Với Dân Tộc một cách Vinh Quang nhất.

Chừng đó, nếu có một câu hỏi của Lịch Sử Việt dành cho Thiên Chúa Giáo: “Đạo Thiên Chúa đã đóng góp gì cho di sản Văn Hoá Việt Nam?

Thì câu trả lời làm hãnh diện cho những người có Đạo, sẽ là: “Giáo dân đóng góp Đức TẬN HIẾN, ĐỨC HY SINH, TÍCH CỰC và TẬP THỂ để CỨU NGUY DÂN TỘC”.

Chúa đã dạy: ”Nước ta không thuộc trần gian này”. Do đó trên trần gian này ta phải lo việc của dân ta, của nước ta. Vai Tổ Quốc phải mang, đó là chuyện thiêng liêng, xin người Thiên Chúa Giáo HÃY ĐỨNG LÊN LÀM LỊCH SỬ .

Thêm nữa, Cố Triết Gia Kim Định còn ngỏ lời kêu gọi chúng ta hãy đoàn kết tôn giáo để thống nhất dân tộc. Chính trong những năm dài đau yếu trên giường bệnh, Ngài không ngừng suy tư, đặt vận nước lên trên tất cả, mong muốn các bậc hiền nhân, nghĩa sĩ, cùng nhau vượt lên mọi khác biệt tôn giá , để trở về thực hiện bổn phận làm người Việt, làm con người với Tổ Quốc của mình trước đã.

Ngài ca tụng Đạo Tứ Ân của Phật Giáo Hoà Hảo. Tứ Ân là: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo, Ân Đồng Bào Nhân Loại. Cho nên người có tôn giáo này cũng đặt Vai Tổ Quốc làm trọng, nếu ta tìm thì sẽ thấy rất nhiều điểm chung để cùng đoàn kết với nhau lo cho dân cho nước. Các tôn giáo khác cũng thế. Tình Tự Dân Tộc sẽ chiến thắng các chia rẽ tôn giáo, vì nghĩ cho cùng, tổ quốc phải là điểm tựa chung thì mới có sức mạnh của cả dân tộc để làm cho lịch sử chuyển mình.

Chính quyền nào rồi cũng qua. Chỉ có Dân Tộc là còn mãi. Chế độ nào cũng chỉ là của một thiểu số , nhưng Tổ Quốc không phải của riêng ai. Gánh giang sơn, gánh Tổ Quốc là của chung, ta cùng bảo vệ, trách nhiệm, để không hổ thẹn với xương máu tiền nhân, anh hùng liệt nữ đã hy sinh cho non sông còn tồn tại đến bây giờ. Những lớp sóng phế hưng như dòng kinh dịch biến chuyển lưu ly, văn hoá là cái gì còn lại. Nền Văn Hoá Nhân Bản Tâm Linh của Minh Triết Việt là Đoá Hoa An Vi, năm ngàn năm vừa nở lại một lần, dẫu mang theo hồn vong quốc.

Triết Gia Kim Định đã ra đi trong đau thương ngậm ngùi còn vương vấn HỒN NƯỚC với LỄ GIA TIÊN.

Những tâm tư của Ngài gửi đến chúng ta một Thông Điệp Trở Về Với Đạo Làm Người của Tổ Tiên, để thịt không còn rơi, máu không còn đổ trong anh chị em một nhà một Mẹ Việt Nam. Mà nếu có phải đổ chăng, hãy xin đổ xuống cho Chính Nghiã Dân Tộc, để tưới thắm Cây Việt , cho mùa Hoa Nhân Sinh tưng bừng muôn màu cờ sắc áo tôn giáo liên kết đại đồng của Kỷ Nguyên Hoà Bình và Hạnh Phúc.

Đông Lan
07/01/2010
(Viết theo tài liệu Cẩm Nang Triết Việt của Kim Định)


No comments:

Post a Comment