Wednesday, January 27, 2010

Các anh có hãnh diện không? - Huy Phương

Huy Phương

Trong bài “Ðêm Của Những Cánh Bướm Việt Ở Malaysia” tuần trước trên Nhật Báo NV, ký giả Ðông Bàn đã vô tình nhắc lại câu nói của giới taxi Kuala Lumpur , rằng “con gái Việt Nam đẹp lắm”. Khốn nạn thay câu nói này cũng đã phát ra từ cửa miệng một ông chủ tịch nước, Nguyễn Minh Triết trước đây. Thủy, một “cánh bướm đêm” tại Beach Club đã cay đắng hỏi lại những người ký giả cùng quê hương với cô: “Người ta nói vậy, các anh có hãnh diện không?”

Câu hỏi này đáng cho chúng ta chảy nước mắt. Lẽ cố nhiên câu trả lời là trăm nghìn lần không! Nhưng có một bọn người hãnh diện với câu rao mời trên, đó là những cái mặt mo như Nguyễn Minh Triết. Mặt mo vì không biết đến nỗi đau xót của thân phận đàn bà, là chị, là em, là đồng bào ruột thịt của chúng ta, vì vô phúc, phải sống dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam , “đem thân cho thiên hạ mua cười” từ xứ sở này đến quốc gia khác. Chúng tôi đánh giá nhân cách của một “con đĩ” hơn các ông chính khách của đảng Cộng Sản nhiều, vì họ còn biết liêm sỉ, còn biết thế nào là tủi nhục cho mình và cho đất nước hơn các ông.

Chuyện khổ đau của phụ nữ Việt Nam và cũng là điều ô nhục của cả dân tộc từ lâu nay đã được các cơ quan truyền thông hải ngoại kể cả trong nước thông tin đầy đủ, tuy vậy nhà cầm quyền Cộng Sản trong nước vẫn ngủ yên ù lì như những con gấu Mùa Ðông, không hề biết đến xót xa, khổ đau của đồng loại. Nói ra thì cũng chuyện thường tình, mà không nói ra, phải nuốt điều uất nghẹn vào lòng cũng là điều không chịu được.

Chỉ trong năm 2000, có khoảng nửa triệu phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bán qua Trung Hoa, Macao, Ðại Hàn, Cao Miên, Thái Lan và nhiều nước khác. Năm 2003 phụ nữ Việt Nam bị đăng bán đấu giá trên Ebay Taiwan Website với giá bắt đầu là $5,400. Riêng trong năm 2005, theo bản tin của cơ quan UNICEF và Bộ Tư Pháp Việt Nam cho biết có 400,000 phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bán ra ngoại quốc (10% của tổng số nạn nhân khắp thế giới). Cũng trong năm này, nhiều thiếu nữ Việt Nam bị đem ra trưng bày như món hàng sale, ngồi trong những tủ kính để khách qua lại lựa chọn ở Trade Fair ở Singapore.

Chỉ tính riêng con số phụ nữ Việt lấy chồng Ðài Loan là bao nhiêu? Theo thống kê chính thức Hà Nội, tính đến cuối năm 2003, có hơn 65,000 phụ nữ Việt Nam được cấp giấp phép (!) nhập cảnh vào Ðài Loan để “làm dâu ...”, nhưng theo đại diện của chính phủ Ðài Loan ở Sàigòn trong thời gian đó, thì “Hiện nay có khoảng 77,000 cô dâu Việt Nam tại Ðài Loan. Dự tính trong khoảng hai năm nữa con số cô dâu Việt Nam tại Ðài Loan sẽ lên tới khoảng 100,000 người”. Chỉ riêng tại Cần Thơ mỗi năm có khoảng 2,500 phụ nữ lấy chồng Ðài Loan, đó là con số thống kê từ năm 2000 đến 2004, được chính Hội Phụ Nữ Cần Thơ nêu ra. Con số ấy tính đến năm 2010 là bao nhiêu?

Ðàn ông ngoại quốc có thể bỏ tiền mua phụ nữ Việt Nam đem về nước làm người giúp việc không công kiêm nô lệ tình dục, hay cả hai. Tại các cơ sở môi giới, đàn bà đôi khi cầm bảng số đi trình diễn, hay cởi trần truồng cho người mua chọn lựa. Trên danh nghĩa là đi lấy chồng ngoại nhưng khi cô dâu đã theo chồng ra ngoại quốc, họ đã trở thành nô lệ bị giam giữ, không có quyền đi lại vì không có giấy tờ tùy thân, họ cũng có thể làm vợ cho cả gia đình hay bị mua đi bán lại như một món hàng để tiếp tục sa chân vào những ổ mãi dâm. Ðau đớn hơn là số trẻ em Việt Nam hiện nay đang ở trong các động điếm tại Phnom Penh, Kampuchea trong 15 ngàn gái mãi dâm, 52% là thiếu nữ và trẻ em Việt Nam.

Theo nguồn tin địa phương Prague, Tiệp Khắc được hãng thông tấn Việt Nam thuật lại chỉ trong vòng thời gian 15 tháng, các tổ chức mãi dâm đã đưa khoảng 50 cô gái Việt vào nước này. Các cô gái này phải trả từ $5,000 để được đưa lậu từ việt Nam sang với các hứa hẹn là giúp họ tìm được việc làm tại Ðông Âu. Họ có biết trước là sẽ bị đưa vào hang động của các tổ chức mãi dâm hay không, hay dù biết trước, thì đó cũng là lối thoát tốt đẹp nhất mà họ đã chọn.

Cảnh tượng hàng trăm cô gái xếp hàng cho bọn đàn ông Ðại Hàn, Ðài Loan đến xem mắt, lựa chọn đã là chuyện thường tình ở Saigon, đâu có gì mới lạ, không gây khó chịu hay làm ai động lòng xúc cảm. Cả một hệ thống làm tiền trên thân xác còm cõi của những cô gái đáng thương này, từ ma cô, công an, cảnh sát, nhân viên phường khóm cho đến các tổ chức làm giấy tờ xuất cảnh, khám bệnh, chích ngừa ... Ðây là một dịch vụ béo bở lâu nay được thả nổi, không được nhà cầm quyền kiểm soát hoặc được địa phương làm ngơ để chia chác, thủ lợi, nên Việt Nam loan báo, lần đầu tiên sẽ thành lập một công ty “tư vấn hôn nhân quốc tế” tại Saigon nhằm “bảo vệ quyền lợi của phụ nữ”, nghĩa là nhà nước VC sẽ điều hành chính thức việc bán phụ nữ ra nước ngoài ở đợ hay làm đĩ.

Tại Việt Nam, nạn mãi dâm bị coi là bất hợp pháp nhưng trên thực tế, tình trạng gái chơi, gái gọi dưới nhiều hình thức, công khai hay giấu kín đã lan tràn, phổ biến. Từ các thành phố lớn cho đến những vùng nông thôn, rừng núi, bãi biển xa xôi ở đâu cũng có nạn mãi dâm.

Cuối năm 2002, nhà cầm quyền Việt Nam nói là Việt Nam có 14 ngàn gái mại dâm, nhưng con số do giới truyền thông ước tính lại là 37 ngàn người. Con số này, nhà cầm quyền lấy ở đâu, phải chăng là trên những con số do địa phương báo cáo lấy lệ hay con số đã đưa vào trại “phục hồi nhân phẩm”? Trong đất nước Việt Nam từ Nam chí Bắc, đâu là không có đĩ điếm, đâu là không có các dịch vụ “ôm”. Phụ nữ Việt Nam hẳn là món hàng rẻ nhất thế giới? Con gái Việt Nam đẹp lắm! Nhưng con gái Việt Nam cũng rẻ lắm - “Người ta nói vậy, các anh có hãnh diện không?”

Con gái Việt Nam quả tình là đẹp, chẳng đẹp sao dám đem phô bày dưới nhãn hiệu “Duyên Dáng Việt Nam” đi trình diễn khắp nơi, không đẹp sao dám tổ chức hoa hậu toàn cầu, hoa hậu quốc gia, hoa hậu Biển, hoa hậu Núi mà người bỏ cả vài nghìn đô la để mua vé vào xem? Con gái Việt Nam đẹp lắm, không đẹp sao đàn ông tứ xứ đểu đổ xô đến Việt Nam để mua dâm hay đem về làm vợ?

Sao số phận đàn bà con gái Việt Nam lại ra nông nỗi này? Tại sao đến nay lại có hiện tượng cả một phong trào con gái Việt Nam coi rẻ nhân phẩm mình, đổ xô chạy theo đồng tiền, ra đi lấy chồng xứ lạ hay tự nguyện bán thân ngay ở trong nước. Ca sĩ, người mẫu, hoa hậu, sinh viên đại học đều có thể là gái bao, gái gọi. Vì sao trước khi Cộng Sản vào miền Nam con gái lấy Mỹ, lấy Phi, lấy Tây... đều bị xã hội lên án và coi rẻ. Còn bây giờ con gái lấy Ðài Loan, Ðại Hàn đều hãnh diện, tự hào. Người ta nêu ra những nguyên nhân kinh tế: gia đình khó khăn (78.94%), thất nghiệp (65.5%), cần tiền để giải quyết những nhu cầu trước mắt (62.56%), và do tâm lý hãnh diện được lấy chồng ngoại quốc (47.1%).

Tôi mạn phép xin nhắc lại, lời một đứa bé Việt Nam ăn xin ca cẩm, mà tôi đã viết trên trang này: “Ngoại ơi ngoại! Ngoại cho con 5,000 đồng, con cầu nguyện Bà cho con gái ngoại lấy được chồng Ðài Loan! Ngoại ơi ngoại! Ngoại cho con 5,000 đồng, con...”

Chỉ có một xã hội nền đạo đức suy đồi mới xẩy ra những thảm họa như thế.

- “Con gái Việt Nam đẹp lắm! Người ta nói vậy, các anh có hãnh diện không?”

Qua cuộc đời bất hạnh, khốn nạn của những người con gái Việt Nam sinh lầm trong chế độ, phải bán thân đi mười phương, câu hỏi này đáng ném vào mặt bọn lãnh tụ hôm nay. Câu hỏi khiến cho những người còn chút liêm sỉ phải đau lòng, nhưng bọn chúng thì không?

Tôi xin lập lại: “Chúng tôi đánh giá nhân cách của một ‘con đĩ’ hơn các ông chính khách của đảng Cộng Sản nhiều, vì họ còn biết liêm sỉ, còn biết thế nào là tủi nhục cho mình và cho đất nước hơn các ông”.

Huy Phương
ooOoo
    Đêm, của những cánh bướm Việt ở Malaysia

Đông Bàn

“Giá tiền thì tùy mấy anh muốn ‘tâm sự’ lâu hay mau. Tâm sự một tiếng đồng hồ, tụi em tính 400 RM; tâm sự nguyên đêm, tụi em tính 700 RM.” Cô gái tên Thủy nói thẳng với chúng tôi.

“Bọn anh không muốn tâm sự ‘một giờ,” cũng không muốn ‘nguyên đêm,” chỉ muốn mời mấy em đi ăn tối, nói chuyện cho vui thôi.” Chúng tôi trả lời.

“Vậy, anh trả bao nhiêu?” Thủy hỏi.

“200 RM được không?” Chúng tôi ướm giá.

Thủy quay lại hỏi ý kiến hai người bạn. Cả hai gật đầu. Thế là tất cả chúng tôi, sáu người, kéo nhau ra khỏi Beach Club, đi bộ đến một quán pizza gần đó.

Ðêm, trung tâm Kuala Lumpur, nhộn nhịp khác thường. Ðêm trong tuần cuối năm 2009 ấy, theo thời giá, một RM, đơn vị tiền tệ Malaysia, có giá khoảng bằng 30 xu Mỹ.

Giá tiền 700RM cô gái đưa ra lúc đầu cho một đêm, khi chưa mặc cả, xấp xỉ 210 đô la.

Hai ngày trước đó, khi đón taxi từ phi trường về khách sạn Citrus, nằm ở khu trung tâm Kuala Lumpur, người tài xế bản xứ hỏi chúng tôi có muốn gặp "Vietnamese ladies" không. Chưa kịp trả lời, tay tài xế nói thẳng: "Toàn là mấy cô Việt Nam. Rẻ lắm!".

Beach Club nằm trên đại lộ Jalan P.Ramlee, ngay trung tâm thủ đô Malaysia, và được xem là “một trong những hộp đêm nổi tiếng bậc nhất” quốc gia này.

Chúng tôi, một người đến từ California; một nha sĩ, tên Chu Văn Cương, đến từ Houston, và một dược sĩ, tên Phạm Lê Hoàng Nam, đến từ Úc Châu, đón một chiếc taxi. Cả ba chẳng biết phải đi đâu. Ðến cái tên của cái club cũng không biết. Bèn hỏi người tài xế: “Chỗ nào có Vietnamese ladies?” Người tài xế đáp ngay: “À, Beach Club. Beach club, toàn con gái Việt Nam.”

Ðến cửa quán, chúng tôi hỏi người bán vé: “Ở đây có người Việt Nam làm việc không?” Người gác cổng khoát tay vào bên trong, trả lời bằng tiếng Anh: “Tất cả đều là con gái Việt Nam!”.

Bước chân vào Beach Club, thấy rõ ràng sự phân chia của hai thế giới sắc tộc. Ðàn ông thì toàn là người có nước da nâu sậm hoặc đen, râu tua tủa, to như những người khổng lồ; phụ nữ thì toàn các cô gái trẻ, nhỏ thó, mắt lạnh lùng quan sát từng người khách bước vào.

Người ta nói, dân Á Châu “trông ai cũng giống nhau.” Nhưng người Á Châu, nhìn người nước mình, thế nào cũng nhận ra đó là người nước mình. Chúng tôi nhìn quanh, “có cái gì đó quen quen nơi khuôn mặt các cô gái.”

Chúng tôi chợt nhận ra, “nét quen quen” ấy chính là “nét Việt Nam” trên khuôn mặt các cô gái trẻ.

Không hẳn toàn bộ các cô gái làm việc tại Beach Club đều là người Việt Nam. Nhưng, chúng tôi ước lượng, có không dưới 90% là “người nước mình.” Sau này, chúng tôi sẽ biết, họ đến từ mọi miền đất nước. Ba cô gái mà chúng tôi mời đi ăn tối, đại diện cho cả ba miền: Hà đến từ Hải Phòng; Kim đến từ Ðồng Tháp; và Thủy gốc người Nha Trang.

Chúng tôi bước vào Beach Club, loay hoay mãi mới có một chỗ ngồi. Ngồi đợi, khá lâu, chẳng thấy ai đến hỏi thăm. “Không biết mình trông có quê mùa không mà ai cũng chê?” Tôi tự hỏi. Rồi đây, khi đi riêng với các cô Thủy, Hà, Kim, tôi mới hiểu lý do tại sao chúng tôi không được đón tiếp niềm nở ở cái hộp đêm “quốc tế” này.

Thấy chúng tôi ngơ ngác nhìn xung quanh, một cô lên tiếng trước, cụt lủn: “Hello.” Chúng tôi đáp lại: “Hello. Em người Việt Nam?” Cô gái khựng lại, ngập ngừng, quay sang một cô khác: “Ðụng hàng rồi!”.

Rồi cô quay lại chúng tôi, xưng tên Thủy, và ngỏ ý muốn tiếp chúng tôi. Thủy đề nghị để cô tìm thêm hai cô bạn nữa, cùng ngồi. Chúng tôi có thêm Hà và Kim.

Chúng tôi “ngã giá,” 200 RM mỗi người để được mời các cô đi ăn tối và nói chuyện khoảng 30 phút. Cả sáu người bước ra khỏi quán trong cái nhìn tò mò của tất cả các cô gái còn lại. Thủy quay lại, nói với cùng đồng nghiệp: “Chồng tụi em đây!”.

Trong số ba người bạn mới quen, Thủy là người bộc trực, mạnh mẽ, và ăn nói liếng thoắng nhất. Nhưng, càng tiếp xúc, chúng tôi càng nhận ra, ẩn giấu phía sau sự tự tin ấy là một tâm hồn yếu đuối, đầy mặc cảm và dễ tan vỡ. Một ai đó nhắc đến chữ “hạnh phúc,” nét mặt Thủy đanh lại. Cô khoát tay: “Trên đời này, cái gì cũng có, trừ hạnh phúc.”

Mặc dầu hết sức cẩn trọng khi tiếp chuyện với chúng tôi, đặc biệt đối với các câu hỏi về đời tư, Thủy buột miệng sau khi khẳng định “trên đời này cái gì cũng có, trừ hạnh phúc”. “Gia đình em tan vỡ cách đây vài tháng, và em bước chân vào nghề này cũng mới vài tháng. Ba em vừa mới mất, gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, rồi em sang đây, đi làm.”

Các cô, chia thành nhóm nhỏ vài người, hùn tiền, nhờ người bản xứ đứng tên và thuê một căn phòng nhỏ trong các chung cư. “Ðêm đi làm đến gần sáng mới về. Ngày thì ngủ vùi, ngủ suốt. Ðói bụng thì cơm hàng cháo chợ. Rồi đêm xuống lại ra đây làm việc.” Thủy cho biết. “Mấy anh đừng thấy tụi em ăn mặc đẹp đẽ như vầy mà tưởng tụi em vui ...”

Thỉnh thoảng, cô lại tỏ vẻ khó chịu khi chúng tôi hỏi các câu hỏi về đời tư, “Tụi mình nói chuyện gì khác đi. Ðừng hỏi chuyện gia đình.” Ngồi chung bàn, các cô Hà và Kim cũng tế nhị né tránh các câu hỏi đời tư. Không một ai muốn một ai khác tình cờ biết được gốc gác của mình. Và đó cũng là lý do tại sao chúng tôi phải chờ mãi ở Beach Club mới có người đến hỏi thăm. Hình như các cô, cũng như chúng tôi, nhìn thấy ở ba người thanh niên bước vào quán “nét Việt Nam, quen quen!”.

“Tụi em không muốn tiếp người Việt Nam. Nhưng không hiểu sao lại đi với mấy anh ...” Thủy nói.

Ngồi ở hai góc bàn là các cặp Nam-Hà và Cương-Kim. Cả bốn người cũng nói rất nhỏ, về gia cảnh của nhau.

Tất cả đều có điểm chung, là đằng sau những gương mặt còn rất trẻ ấy, bên trong những bộ đồ rất đẹp đang mặc trên người, là những câu chuyện đầy bất hạnh. Vừa đổ vỡ, vừa bế tắc, các cô sang đây mà lòng cứ nhớ về nhà, với câu hỏi như lời khẳng định, “Ai mà không muốn ở nhà, phải không anh?”.

Hà, tế nhị, nhưng cương quyết, từ chối trả lời mọi câu hỏi về đời tư. Tất cả những gì chúng tôi biết về cô, là cô đã từng có người yêu. Nhưng, “một sự đỗ vỡ ghê gớm lắm đã xảy ra.” Rồi cô quyết định sang Malaysia “làm việc.”

Qua những gì Hà nói, chúng tôi diễn dịch, cuộc sống của cô tại đây là chuỗi ngày vô cảm; không vui, không buồn, không ham muốn bất cứ điều gì, bất chấp mọi chuyện. Suốt ngày cứ ở trong nhà, cũng chẳng buồn nói chuyện với người cùng phòng, lặng lẽ như một chiếc bóng.

Chiếc bóng ấy, sẽ chờ ngày lùi dần, khi màn đêm buông xuống, lặng lẽ bước ra đường với bộ đồ thật đẹp. Nhưng, “đừng thấy tụi em ăn mặc đẹp đẽ như vầy mà tưởng tụi em vui ...”.

Kim, cô gái ngồi chung với Cương, xởi lởi hơn. Cô kể, khi lên tám tuổi, nhà có đám giỗ, cha cô nói ra chợ mua ít trái cây về cúng. Ông ra chợ, và chẳng bao giờ trở về. “Ba em bỏ em và gia đình từ khi em lên tám tuổi.”

Kim “đi làm” như thế này cũng vài tháng nay. Cô cho biết, từ Việt Nam, đi đến các nước trong khối ASEAN không cần phải có visa nếu cư ngụ dưới một tháng. “Bọn em đến đây, cố gắng làm việc trong một tháng. Sau đó về Việt Nam nghỉ ngơi, rồi lại sang một nước khác. Cứ như thế, xoay tua ...”.

Kim đã từng đến Singapore, có người yêu Singapore. Cô nói, rằng sẽ không bao giờ lấy chồng Việt Nam. “Ðàn ông Việt Nam không lo cho gia đình.” Cô khẳng định như vậy, sau khi kể cho chúng tôi câu chuyện về cha cô. Ông ấy nói, “đi mua trái cây về làm đám giỗ, và không bao giờ trở về nữa.”

Chúng tôi rời Beach Club lúc một giờ sáng. Phải năn nỉ lắm, các cô mới nhận số tiền 200 RM mỗi người, như đã thỏa thuận. Thủy thì ngần ngừ, rồi cầm lấy tiền. Kim thì nhất định không nhận: “Hay để bữa khác.” Còn Hà, chúng tôi phải vào tận bên trong quán. Nói mãi, cô mới cầm tiền.

Các cô trao cho chúng tôi số điện thoại, và cả email, hẹn “có dịp thì cứ liên lạc.”

Xe taxi đưa chúng tôi trở lại khách sạn. Và cũng trên chuyến taxi này, chúng tôi biết cuộc sống của các cô khó khăn ra sao. Người tài xế cho biết: “Beach Club này rất nổi tiếng. Trước đây, toàn con gái Thái Lan làm việc. Sau đó, mấy cô Philippines vào chiếm lĩnh. Vài năm gần đây, đến lượt mấy cô Việt Nam.”

Người tài xế nói, một cô Việt Nam vào, mang theo 4, 5 người bạn. Cứ như thế, bây giờ nói đến Beach Club là nói đến con gái Việt Nam. Khách thì toàn là người nước ngoài, họ đến đây, vì “con gái Việt Nam đẹp thật.”

Ðẹp để làm gì? Ăn mặc thật sang trọng, để làm gì? Khi mà mỗi lần bước lên taxi “đi tâm sự với khách,” là mỗi lần các cô phải đối mặt với nguy hiểm?

“Có đến hai tầng nguy hiểm,” Người tài xế nói. Có nhiều lần, chính các cô gọi cho anh sau khi “tiếp khách.” Có nhiều khách làng chơi hung bạo. Xong việc, họ không chịu trả tiền, lại đánh và cướp cả điện thoại của mấy cô Việt Nam. “Chính tôi cũng đã nhiều lần chở mấy em từ chỗ khách trở về Club này.”

Không ai muốn, hay dám, gọi cảnh sát để nhờ can thiệp. Và chính cảnh sát Malaysia cũng là nguồn nguy hiểm khác cho các cô gái Việt Nam.

Người tài xế taxi kể, “Ði taxi từ đây đến điểm hẹn cũng là thời gian nơm nớp lo sợ.” Bất cứ lúc nào, cảnh sát cũng có thể xuất hiện, chặn taxi và đòi kiểm tra giấy tờ các cô gái. Cảnh sát biết chắc chắn các cô làm nghề gì, và họ biết chắc chắn, đây là lúc có thể... kiếm tiền.

“Có cô nói với cảnh sát, rằng người đàn ông trong xe là bạn, nhưng cảnh sát hỏi lại, bạn gì mà người thì cầm hộ chiếu Việt Nam, người thì cầm hộ chiếu không phải Việt Nam?” Rồi cảnh sát nói rằng họ “nghi” các cô cầm giấy tờ giả, cần phải đưa về đồn cảnh sát, ngày mai gọi Tòa Ðại Sứ Việt Nam để xác minh.

“Không cô nào chịu về đồn cảnh sát. Họ biết họ không còn lựa chọn nào khác.”

Và đây là lúc cảnh sát Malaysia nháy mắt ra hiệu cho giới tài xế. Các tay tài xế taxi sẽ đóng vai trò trung gian, ra giá, mặc cả, thâu tiền cho cảnh sát, để được nhận hoa hồng, cũng từ cảnh sát.

Tiền, phải trao ngay. Không có tiền, phải ra ngân hàng, phải ra máy ATM. Không có ngân hàng, không có ATM, phải gọi bạn bè. “Phải làm tất cả những gì có thể, để có ngay tiền, trả cho cảnh sát.”

“Một lần như vậy, cảnh sát đòi 300 RM, và cho lại taxi 50 RM.”

Chúng tôi chia tay Hà, Thủy, Kim trong một khuya cuối năm Dương Lịch 2009. Một người trong nhóm nhắc lại lời của giới taxi, rằng “con gái Việt Nam đẹp lắm.” Thủy hỏi lại, “Người ta nói vậy, các anh có hãnh diện không?”

Cả ba chúng tôi đều yên lặng, không trả lời, cũng không nói với các cô rằng, trên đường từ phi trường về khách sạn, người ta đã nói, “Con gái Việt Nam rẻ lắm!”

Đông Bàn (Viết từ Malaysia)


No comments:

Post a Comment