Sunday, November 29, 2009

“VÌ LÝ DO SỨC KHỎE” - Lm Nguyễn Hữu Lễ

Lm Nguyễn Hữu Lễ

Lm Nguyễn Hữu Lễ

Trong thời gian gần đây, tin Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt xin từ chức Tổng Giám mục Hà Nội “vì lý do sức khỏe” được nhiều người bàn tán và câu chuyện còn đang diễn tiến chưa ai có thể biết được đoạn kết sẽ ra sao. Nói cách khác Đức Tổng Giám mục (TGM) Ngô Quang Kiệt sẽ còn ở lại tiếp tục chăn dắt đàn chiên trong Tổng Giáo phận Hà Nội hay sẽ ra đi. Có nhiều người đã lên tiếng bày tỏ ý kiến, đặt vấn đề, phê phán sự kiện này công khai trên các diễn đàn, trên báo chí, cũng như riêng tư với bạn bè. Vì chưa phải là nguồn tin chính thức nên tôi viết bài này với sự dè dặt thường lệ bằng lời mở đầu: “Nếu tin trên đúng sự thật”.

Năm chữ “vì lý do sức khỏe” được hiểu cách đơn giản là một người không còn đủ khả năng về tinh thần hay thể lý để tiếp tục đãm nhận chức vụ mình đang nắm giữ. Trong thực tế, một câu chỉ có năm chữ “vì lý do sức khỏe” lại có nghĩa dài vô tận. Ngoài nghĩa đen nói trên, nó còn được coi là “năm chữ vàng” dùng để nói về một người rời khỏi chức vụ với lý do không cần phải giải thích, hoặc không thuận tiện để nói ra thì “5 chữ vàng” kia được dùng thay thế. Hối lộ tham nhũng bị sa thải và nhốt tù cũng “vì lý do sức khỏe”. Trong đảng cách chức thanh trừng nhau, triệt hạ nhau cũng “vì lý do sức khỏe”. Loại bỏ được một đối thủ có uy tín làm chướng ngại vật cũng “vì lý do sức khỏe”. Đối thủ bị sát hại đang nằm trong lòng đất lạnh cũng “vì lý do sức khỏe”. Các giáo sĩ bị tai tiếng phải rút lui hay bị chuyển đi nơi khác cũng “vì lý do sức khỏe” … và còn thiên hình vạn trạng trường hợp “vì lý do sức khỏe” khác nữa.

Trong khi đó tin TGM Ngô Quang Kiệt làm đơn xin từ chức Tổng Giám Mục Hà Nội cũng vì “lý do sức khỏe”! Điều này đã làm cho nhiều người ngạc nhiên, trong đó có người viết bài này. Khách quan mà nhận xét, tôi không thấy TGM Ngô Quang Kiệt có “trouble” gì về sức khỏe, cả về tinh thần lẫn thể chất. Tuy nhiên tôi có chút e ngại là không biết gần đây Ngài có bị cúm heo hay không, nhưng nếu có thì Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội đã thông báo để giáo dân cầu nguyện cho Ngài. Như vậy phải hiểu làm sao? Cuối cùng tôi hiểu ra rằng, TGM Ngô Quang Kiệt nếu có làm đơn xin từ chức không phải vì Ngài bị yếu kém về sức khoẻ mà ngược lại vì Ngài quá khoẻ trong tinh thần. Đó là lý do Ngài phải xin từ chức.

TGM Ngô Quang Kiệt

Hiện nay, trong hàng giáo phẩm của Giáo hội Công giáo Việt Nam, TGM Ngô Quang Kiệt là người được giáo dân và đồng bào trong và ngoài nước quý mến và kính trọng nhất. Người ta quý mến và kính trọng Ngài không những vì đức độ và tính tình hoà nhã của một vị Tổng Giám Mục tuổi trẻ tài cao, mà còn vì tinh thần kiên cường bất khuất của một vị chủ chăn nêu tấm gương can đảm làm chứng nhân cho SỰ THẬT cho đàn chiên noi theo.

Những ai đã theo dõi những trường hợp TGM Ngô Quang Kiệt đã đương đầu một cách khôn ngoan và kiên cường với các viên chức Việt cộng trong những lần “làm việc” mới thấy rõ được tầm vóc của vị Tổng Giám mục trẻ tuổi này.

Những ai nhìn thấy cảnh TGM Ngô Quang Kiệt, tay cầm cây gậy chủ chăn, dẫn đầu đàn chiên đang bước theo chân Ngài, miệng họ hô to đòi chế độ Việt cộng phải trả lại tài sản của Giáo hội bị chế độ tướt đoạt. Đoàn người bước đi một cách hiên ngang trước mắt bầy lang sói vươn dài nanh vuốt đang nhe răng gầm gừ, mới thấy rỏ được hình ảnh vị chăn chiên nhân lành nhưng kiên cường bảo vệ đàn chiên và sẵn sàng liều mạng sống mình vì đàn chiên.

Có thể nói TGM Ngô Quang Kiệt là người Chúa sai đến trong giai đoạn lịch sử này của Giáo hội Việt Nam để làm chứng nhân cho SỰ THẬT, tranh đấu cho SỰ THẬT và sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả, kể cả tù đày vì SỰ THẬT. Vai trò của Ngài trong giai đoạn này cũng để bổ túc và tạo nên một thế quân bình cho sự phát triển trong Giáo Hội dưới chế độ vô thần cộng sản.

Phát triển bộ mặt của Giáo Hội


Sau khi trên quê hương Việt Nam im tiếng súng, Giáo hội Công giáo Việt Nam có nhu cầu khôi phục lại các cơ sở tôn giáo, một số bị chiến tranh tàn phá, số khác bị nhà nước cướp bóc sau ngày đánh chiếm được miền Nam. Việc xây dựng lại nhà thờ và các cơ sở tôn giáo gặp nhiều khó khăn trong những năm đầu, nhưng từ khi chế độ Việt cộng mở cửa cho phép người dân xuất ngoại, các giáo sĩ và tu sĩ bắt đầu ra hải ngoại vận động tài chánh mang về, từ đó phong trào khôi phục lại các cơ sở tôn giáo thuận lợi hơn. Trong một thời gian ngắn, nhiều nhà thờ và cơ sở tôn giáo được xây lên, không những có thể thay vào số đã bị chế độ Việt cộng cướp đoạt, mà còn mọc lên thêm nhiều cơ sở mới.

Có những chức sắc cao cấp và một số linh mục, tu sĩ đã chịu khó bôn ba hải ngoại kiếm tiền về xây dựng Giáo Hội quê nhà. Các vị đó có công đóng góp cho sự phát triển bộ mặt của Giáo hội ngay trong lòng chế độ cộng sản vô thần. Ngày nay sự phát triển của Giáo hội Việt Nam rất khởi sắc trong chiều hướng “tốt đạo đẹp đời” với những sinh hoạt tôn giáo đầy màu sắc trong những ngôi thánh đường khang trang, những trung tâm hành hương bề thế. Có thể nói, chưa có thời nào Giáo hội Công giáo Việt Nam có bộ mặt đẹp và tươi mát như dưới chế độ vô thần cộng sản, một chế độ độc tài với bản chất lưu manh lừa đảo và đặt căn bản trên sự gian dối.

Người ngoại quốc nhìn vào sẽ trầm trồ khen ngợi sức sống của Giáo hội Công giáo Việt nam. Người Công giáo tất nhiên phải hài lòng và hãnh diện về sự phát triển của Giáo hội mình. Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy có cái gì lấn cấn trong lòng và điều này làm tôi không yên tâm. Càng có dịp đi lại nhiều, tiếp xúc và lắng nghe nhiều, sự bất an này trong lòng tôi càng dâng cao, tôi phải nói lên, mặc dù biết rằng những gì tôi nói đây có thể không vừa lỗ tai một số người. Tôi không hiểu được trong khi những người Công giáo Việt Nam vui mừng hớn hở trước sự thăng hoa của tôn giáo mình thì những đồng bào ngoài Công giáo sẽ nghĩ gì về Giáo hội Công giáo? Nên nhớ rằng người Công giáo chỉ chiếm trên dưới 10% dân số, vậy đại đa số đồng bào còn lại mà phần đông là những người bị chế độ áp bức và nghèo khổ, có cái nhìn như thế nào về bộ mặt đẹp của Giáo hội Công giáo Việt nam? Đặc biệt là tín đồ thuộc các tôn giáo khác có cái nhìn như thế nào đối với những người Công giáo? Đừng quên rằng chế độ Việt cộng là bậc thầy trong việc dàn dựng và kích bác gây chia rẽ, nhất là chia rẽ giữa các tôn giáo để chúng hưởng lợi. Có lẽ đã đến lúc mỗi người Công giáo phải thành thật với lòng mình để trả lời câu hỏi này: Giáo hội Công giáo Việt Nam có hoà mình với số phận Dân tộc bị chế độ áp bức, có đồng hành với Dân tộc trong cuộc chiến loại bỏ chế độ gian tà, để Dân tộc Việt Nam được vươn lên với cộng đồng nhân loại không?

Ngoài ra tôi cũng có phần lo âu về các cơ sở của Giáo hội đã và đang được phát triển nhiều nơi. Không biết rồi đây chế độ Việt cộng có giở lại thói lưu manh cố hữu ra lệnh “xung công” hết các tài sản của các tôn giáo như chúng đã ăn cướp trắng trợn vào năm 1975 không? Có gì có thể bảo đảm là chúng không giở lại trò lưu manh cũ. Hiện nay nhiều giáo phận và dòng tu còn đang nhì nhằng “xin lại” cơ sở, đất đai và tài sản bị chế độ tịch thu từ 1975. Điển hình là Đức Giám mục Nguyễn Văn Nhơn ở Đà Lạt, Đức Giám mục Nguyễn Văn Tân ở Vĩnh Long đang giằng co với kẻ cướp về cơ sở Giáo Hoàng Học Viện ở Đà Lạt, về Đại chủng viện cùng với nhà dòng Thánh Phaolô ở Vĩnh Long . Có những nơi người dân đã bày tỏ thái độ phản kháng cách công khai và quyết liệt như vụ Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội, vụ Thái Hà, vụ Tam Tòa…nhưng rồi kết quả vẫn là “con kiến đi kiện củ khoai!”

Phát triển tinh thần của dân Chúa

Hình thể nước Việt nam có thể sánh như một cái quang gánh, với hai cái thúng ở hai đầu và đòn gánh là dãy Trường Sơn. Giáo Hội Công giáo cũng dựa theo hình thể đó và thiết lập 3 Tổng Giáo Phận vào năm 1960. Tổng Giáo Phận Hà Nội ở miền Bắc, Tổng Giáo Phận Huế ở miền Trung và Tổng Giáo Phận Sài Gòn tại miền Nam .

Một điều đáng buồn và rất nhục nhã cho dân chúng miền Nam là sau khi Việt cộng đánh cướp được miền Nam năm 1975, chúng đã ngang nhiên cướp đi tên Sài Gòn thân yêu của dân tộc và đổi thành cái tên quái đản là Thành Phố Hồ Chí Minh vào ngày 2 tháng 7 năm 1976. Mấy tháng sau đó, vào ngày 23 tháng 11 năm 1976, tới phiên tên Tổng Giáo Phận Sài Gòn cũng biến mất để thay vào đó bằng cái tên dị hợm dài ngoằn ngoèo và sặc mùi chính trị, vừa nghe qua đã thấy lợm giọng đó là cái tên “Tổng-Giáo-Phận-Thành -Phố-Hồ-Chí-Minh”. Sự việc này gây bất mãn cho nhiều người. Ngày 23 tháng 11 năm 2005 có một Thư Thỉnh Nguyện, kèm theo nhiều chục ngàn chữ ký gởi Toà Thánh xin phục hồi lại tên Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Chi tiết về cuộc vận động này còn lưu trữ trong: http://www.tonggiao phansaigon. org.

Trong 3 Tổng Giáo Phận thì Hà Nội và Sài Gòn ở vị thế địa dư quan trọng hơn Huế, và Tổng Giáo Phận Sài Gòn là nơi có nhiều điều đáng nói nhất. Sau khi Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình qua đời ngày 1 tháng 7 năm 1995, Toà Thánh bổ nhiệm Đức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi thay thế, nhưng nhà cầm quyền Việt cộng không công nhận nên Đức Cha Nghi phải ra đi. Từ đó Tổng Giáo Phận Sài Gòn bị trống ngôi trong 3 năm, cho tới ngày 1 tháng 3 năm 1998, Toà Thánh chọn được một Giám mục phó chưa ai biết tên tuổi của Giáo phận Mỹ Tho là giáo phận nhỏ nhất ở miền Nam, đó là Đức Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, đặt vào vị trí Tổng Giám Mục của cái gọi là “Tổng-Giáo-Phận-Thành-Phố- Hồ-Chí-Minh.” Ngày 21 tháng 10 năm 2003 TGM Phạm Minh Mẫn được ban tước vị Hồng y. Hiện nay Hồng y Phạm Minh Mẫn đang còn phụ trách Tổng Giáo Phận và bên cạnh Ngài lúc nào cũng có Linh mục Tổng Đại Diện Huỳnh Công Minh sống chung một mái nhà để giúp đỡ. Với khả năng đặc biệt trong việc vận động tài chánh ở hải ngoại, Hồng Y Phạm Minh Mẫn là vị chủ chăn có công đóng góp lớn lao nhất cho sự phát triển bộ mặt của Giáo Hội Việt Nam .

Về phía Tổng Giáo Phận Hà Nội, sau khi Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng về hưu, Toà Thánh bổ nhiệm Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên là Giám mục Lạng Sơn, về làm Tổng Giám Mục Hà Nội vào ngày 19 tháng 3 năm 2005. Vị Tổng Giám Mục trẻ trung mới 53 tuổi đời, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười tươi, đã mang làn gió mới vào Tổng Giáo Phận Hà Nội vì các vị tiền nhiệm của Ngài trước đây đều già nua và hay yếu bệnh.

Những ai theo dõi về sứ mệnh mục vụ của TGM Ngô Quang Kiệt đều thấy rằng Ngài là một vị chủ chăn rất nhiệt tình trong việc chăm sóc đàn chiên và xây dựng sự phát triển của Giáo Hội. Nhưng khác với Hồng y Phạm Minh Mẫn ở miền Nam và nhiều Giám mục khác, vị chủ chăn của Tổng Giáo Phận Hà Nội không chú ý nhiều đến sự phát triển bộ mặt của Giáo Hội, nhưng chú tâm vào phát triển về đời sống tinh thần cho giáo dân. Ngài hiểu được nguyện vọng thiết tha của đồng bào công giáo trong việc tranh đấu cho công bằng và SỰ THẬT và Ngài đã can đảm hoà chung nguyện vọng và tiếng nói của mình với những người thấp cổ bé miệng đang gào thét đòi công lý trong một chế độ gian manh và những kẻ cầm quyền không hề biết công lý là gì và không bao giờ dám đối diện với SỰ THẬT.

Có lẽ TGM Ngô Quang Kiệt, sau những năm là Giám mục Lạng Sơn, một giáo phận hoang tàn cả về cơ sở vật chất lẫn về nhân sự sau mấy chục năm dưới chế độ cộng sản, Ngài đã hiểu được rằng, sức sống thực sự của Giáo hội không phải nằm trong các nhà thờ bằng gạch đá, trong các cơ sở tôn giáo khang trang, mà nằm trong tinh thần và đức tin của dân Chúa. Bằng chứng cụ thể là các cơ sở của Giáo hội miền Bắc đã bị tàn phá gần như bình địa, nhưng tinh thần và đức tin của người công giáo vẫn mạnh mẽ kiên cường. Rất nhiều nhà thờ và cơ sở của Giáo Hội ở miền Bắc bị tịch thu làm vựa lúa, làm chuồng gia súc, làm hợp tác xã. Có những ngôi nhà thờ đẹp đẽ trước kia bây giờ “chẳng còn hòn đá nào chồng lên hòn đá nào”! Về nhân sự thì các giám mục bị quản chế, các linh mục, tu sĩ và các vị trong hội đồng giáo xứ bị bắt bớ cầm tù, các chủng viện bị giải tán, các dòng tu bị đóng cửa, việc làm lễ bị cấm đoán. Nói tóm lại cộng sản vô thần đã phá sạch bộ mặt của giáo hội miền Bắc, nhưng họ không thể nào tiêu diệt được đức tin trong lòng con cái Chúa.

Đức tin như hạt giống bị vùi sâu trong đất, khi có mưa xuống là sẽ mọc lên, cho dù là mọc lên giữa đống tro tàn. Đức tin chỉ có thể phát triển và sinh hoa trái trong môi trường SỰ THẬT, hạt giống đức tin không thể nẩy mầm được trong một dung dịch pha trộn sự gian dối và giả hình. Trong sự hiểu biết đó TGM Ngô Quang Kiệt đã sống và hành động để trở nên biểu tượng của niềm tin và là chứng chân của SỰ THẬT trước mặt đàn chiên của mình. Tôi tin rằng cách nói “tốt đời đẹp đạo” mà một số chức sắc công giáo thường rêu rao như là một lối sống đạo hợp thời dưới chế độ cộng sản, không có trong tự điển mục vụ của TGM Ngô Quang Kiệt và chắc chắn là chẳng bao giờ Ngài có được loại “huân chương cao quý!” mà Chủ Tịch Nước đã ưu ái ban cho Giám mục Nguyễn Văn Sang và một vài chức sắc của Giáo hội.

Cái gai trong mắt

Với thái độ kiên cường bất khuất trong vai trò chứng nhân cho SỰ THẬT đó, TGM Ngô Quang Kiệt đã trở thành cái gai trước mắt chế độ Việt cộng. Ngài cũng trở thành một cung đàn lạc điệu giữa các đồng nghiệp. Những kẻ cầm quyền cộng sản không cần che giấu quyết tâm muốn “bứng” TGM Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội. Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội đã nói công khai kết án TGM là xách động giáo dân và muốn “ông Kiệt” đi nơi khác! Ai cũng hiểu rằng một khi họ đã nói như thế, họ sẽ tìm hết mọi cách, đi hết mọi ngã, vận động hết mọi thế lực để thực hiện cho bằng được ý định này. Có thể đây là nguyên nhân chính để TGM Ngô Quang Kiệt phải làm đơn xin từ chức “vì lý do sức quá khỏe” của Ngài.

Một lý do khác là gần đây có nguồn tin nói rằng Toà Thánh Vatican có thể thiết lập bang giao với chế độ Việt cộng trong một thời gian không xa. Căn cứ vào các hiện tượng có tính cách dọn đường như việc đi lại khá thường xuyên giữa các giới chức cao cấp Việt Nam và phái đoàn Toà Thánh. Đặc biệt là trong dịp các Giám mục Việt Nam qua Rôma để chầu Giáo hoàng theo quy định (Ad limina) vừa rồi, Đức cha Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, bày tỏ ước mong có sự bang giao giữa Vatican và chế độ Việt cộng. Nếu thực sự có toan tính này thì vai trò của TGM Ngô Quang Kiệt tại Hà Nội sẽ là một trở ngại. Theo chỗ tôi được biết, việc Toà Thánh bang giao với chế độ Việt cộng là một vấn đề đang được rất nhiều người Việt Nam quan tâm.

Kết luận

Trong quá khứ đã có bài học cho thấy, dưới chế độ Việt cộng gian manh, những ai dám can đảm nói lên SỰ THẬT đều phải ra đi bằng nhiều hình thức khác nhau. Trường hợp điển hình là Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền vì dám nói SỰ THẬT đã phải “ra đi vĩnh viễn” vào năm 1988. Những người khác như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Luật sư Lê Thị Công Nhân, Luật sư Nguyễn Văn Đài vì dám nói lên SỰ THẬT đã phải ra đi để vào tù. Có thể còn nhiều người khác cũng vì làm chứng cho SỰ THẬT mà đã bị ra đi về bên kia thế giới một cách âm thầm không ai hay biết. Trong tâm trí tôi, họ là những anh hùng của thời đại.

Có nhiều người bày tỏ nổi lo âu, sợ rằng TGM Ngô Quang Kiệt sẽ bị ra đi. Tôi cho rằng dù TGM Ngô Quang Kiệt có ra đi thì Ngài cũng đã hoàn thành sứ mệnh là chứng nhân cho SỰ THẬT. Ngài đi vào vị trí đẹp trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam và đi thẳng vào tâm hồn những người yêu chuộng SỰ THẬT. Tên tuổi ngài được ghi bằng nét son. Vấn đề không phải là TGM Ngô Quang Kiệt ở hay đi, điều quan trọng là những gì sẻ xảy ra sau khi TGM Ngô Quang Kiệt ra đi khỏi Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Đầu Mùa Vọng năm 2009
Linh mục Nguyễn Hữu Lễ

No comments:

Post a Comment