Sunday, November 22, 2009

Công Bố Tài Liệu Của Tổng Đài 911 Về Vụ Cảnh Sát San Jose Bắn Chết Daniel Phạm Một Người Việt Bị Bệnh Tâm Thần

Nguyễn Minh Tâm
dịch theo Mercury News ngày 16/11/09

TRƯỚC ÁP LỰC CỦA CÔNG CHÚNG VÀ CỘNG ĐỒNG THIỂU SỐ, hôm thứ Sáu tuần này, sở cảnh sát San Jose phải công bố nguyên văn tài liệu thu băng của tổng đài cấp cứu 911 về việc thân nhân của anh Daniel Phạm gọi vào nhờ cảnh sát can thiệp. Tài liệu này đã được Sở Cảnh Sát dấu kín, từ chối không cung cấp cho Bồi Thẩm Đoàn trong buổi điều trần tại toà án trước đây.

Tài liệu ghi âm được chuyển sang văn viết dài gần 200 trang. Lần đầu tiên tài liệu đó cho thấy hai cảnh sát viên biệt phái đến xử lý vụ lộn xộn ở nhà anh Phạm đã được nhân viên tổng đài 911 báo cho biết rằng trước đây cảnh sát đã từng đến điạ chỉ trên để đối phó với một người bị bệnh tâm thần. Ngay sau khi xảy ra vụ bắn chết ông Daniel Phạm vào ngày 10 tháng Năm, giới chức cảnh sát nhất định nói rằng hai cảnh sát viên không hề biết anh Daniel Phạm là một người bị bệnh tâm thần.

Tài liệu vừa được công bố cũng cho thấy cảnh sát đối phó với một hoàn cảnh hết sức nguy hiểm, trong đó, anh Daniel Phạm đã cắt cổ người em trai, tự cắt cổ mình, sau đó, vung dao doạ đâm cảnh sát, khiến cho hai cảnh sát viên lâm vào thế phải dưạ hàng rào sân sau nhà để né tránh. Các cảnh sát viên đã bắn nạn nhân 12 phát. Sở Cảnh Sát nhấn mạnh rằng trong tình huống nguy kịch như vậy, việc bắn chết ông Phạm là điều không thể tránh được, kể cả trường hợp biết ông Phạm bị bệnh tâm thần.

Trong buổi họp báo hôm thứ Sáu, Trung Úy Cảnh Sát Rikki Goede, Trưởng Toán Điều Tra Những Vụ Giết Người nói rằng: “Các cảnh sát viên bắn chết ông Phạm để tự vệ, nhằm bảo toàn tánh mạng cho họ”.

Nhưng Luật Sư Richard Konda, thuộc Hội Luật Gia Á Châu, Asian Law Alliance nóí rằng: “Tôi hoàn toàn không đồng ý với lập luận đó của cảnh sát” bởi vì cảnh sát đã biết rõ bệnh trạng của ông Phạm, không thể làm gì để thay đổi căn bệnh được. Luật sư Konda lý luận: “Nếu biết một người nào bị vướng mắc bệnh tâm thần, chúng ta phải tìm cách đối xử khác đi. Người điên đâu còn lý trí sáng suốt để phản ứng như người bình thường.”.

Nhật báo Mercury News và cộng đồng thiểu số tìm cách buộc cảnh sát phải công bố cuốn băng thu âm của tổng đài 911 về vụ Daniel Phạm ngay sau khi tai nạn xảy ra. Nhưng Sở Cảnh Sát nói rằng họ không công bố cuốn băng bởi vì đó là tài liệu công chứng theo luật của tiểu bang California. Việc công bố tài liệu có thể gây phương hại cho việc điều tra, và vi phạm quyền riêng tư của những cá nhân liên quan đến nội vụ.

Cha của Daniel Phạm là một trong những người yêu cầu cảnh sát hãy công bố cuốn băng thu âm cho mọi người biết, bởi vì theo ông, cảnh sát biết rõ con trai của ông bị bệnh tâm thần, họ nên hành sử cách khác khi muốn can thiệp việc làm cuả con ông. Một số người trong cộng đồng đặt câu hỏi là không hiểu cảnh sát có cần phải bắn chết Daniel Phạm hay không. Trong buổi điều trần trước toà, Đại Bồi Thẩm Đoàn đã miễn truy tố hai cảnh sát Matthew Blackerby và Brian Jeffrey hồi tháng Mười, và hồi đầu tháng 11. Sau đó, một Ủy Ban của Hội Đồng Thành Phố lại bỏ phiếu yêu cầu hãy công bố thông tin trong cuốn băng của tổng đài 911.

Các báo cáo của cảnh sát được công bố hôm thứ Sáu trên website của thành phố trình bầy cho thấy một cảnh tượng dễ sợ, có máu đổ. Cảnh đó chứng minh cho thấy hai cảnh sát viên đã bị dồn vào sân sau nhà của họ Phạm, họ bị dồn vào thế kẹt phải bắn hạ nghi can, bởi vì một cảnh sát viên hiểu lầm rằng đồng bạn của ông đang bị nguy hiểm đến tính mạng.

Cảnh sát đầu tiên đến hiện trường vào khoảng 11 giờ 40 sáng tại căn nhà trên đường Branbury Way. Người nhận điện thoại ở tổng đài nói chuyện với một phụ nữ trẻ tuổi. Cô này đang ở trong một phòng ngủ khóa cửa lại, và một nguời hàng xóm đang đứng bên ngoài với người em trai bị thương. Họ nghe nói có chuyện xào xáo trong gia đình, và nghi can ở tình trạng “không kiềm chế đuợc' vì đương sự đang “say thuốc” (high on drugs), và đương sự đã tấn công một người khác bằng dao.

Khi nhân viên tổng đài nói chuyện với cô gái gọi số 911- cô này là bạn gái của cậu Brian Phạm, em trai của Daniel Phạm. Cô tổng đài hỏi cô gái rằng kẻ tấn công có bị rối loạn tâm thần hay không? Cô ta trả lời: “Tôi không biết. Tôi nghĩ hắn ta điên.” .

Nhân viên tổng đài 911 báo cáo với cảnh sát như sau: “Nghi can trong vụ này là Son Phạm. Son Phạm là một thanh niên người Việt ở tuổi trên 20. Người báo cáo nội vụ (RP: Reporting Party.) đang nói thì thầm trong điện thoại, bảo rằng nghi can đang bước ra khỏi phòng ngủ. Trong căn nhà này cũng có một người bị bệnh điên loạn (mã số 5150 có nghĩa là kẻ bị rối loạn tâm trí) – có liên quan đến Daniel Phạm – không rõ đó chính là người mà thân nhân đang báo cáo hay không?

Ghi chú: RP nghĩa là Reporting Party, tức người gọi điện thoại báo cáo. Sơn là tên Việt của Daniel Phạm, và 5150 là mật mã để chỉ người bị rối loạn tâm thần.

Về sau, một trong những người con của ông cha họ Phạm nói với điều tra viên rằng trước đây cảnh sát đã được cầu cúu đến nhà can thiệp hai lần vào năm 2007 vì thái độ khủng hoảng và rối loạn của Daniel.

Sự kiện đầu tiên hai cảnh sát viên trông thấy trong ngày là người em của Daniel Phạm, cậu Brian bị vết chém ở cổ, máu chảy đầm đìa..

Một điểm hết sức quan trọng là trong tài liệu công bố hôm thứ Sáu, có sự mâu thuẫn với sự khẳng định của phe phê bình hành động của cảnh sát. Một vài người trong gia đình họ Phạm khai rõ rằng họ đã nói với hai cảnh sát viên khi cảnh sát vừa mới tới là người thanh niên 27 tuổi Daniel Phạm là một người bị bệnh tâm thần, xin đừng bắn hắn ta.

Trong lúc đó, báo cáo của cảnh sát lại nói rằng người em của Daniel Phạm chỉ nói với cảnh sát rằng anh ta bị “say thuốc”, chứ không nói là anh ta bị bệnh tâm thần, điên loạn.

Anh ta khai rằng: “Cậu ta nói với cảnh sát người anh của cậu ta bị say thuốc(high on drugs), và anh âý đang cầm một con dao. Cậu ấy không biết rõ Daniel có bị say thuốc hay không, nhưng cậu nói với cảnh sát như vậy vì đó là lý do hay nhất cậu ấy có thể nghĩ ra để che chở cho người anh trai không bị cảnh sát bắn, và cậu nghĩ rằng chỉ cần báo với cảnh sát là anh của cậu đang say thuốc, và lại có con dao trong tay, như thế là cảnh sát sẽ hiểu.” .

Về sau, cậu ta khai với cảnh sát rằng cậu đang làm việc trên computer, người anh của cậu đi đến sau lưng, bẻ cổ cậu ta về phía sau lưng, rồi chém vào cổ cậu bằng dao.

Hai cảnh sát nhìn qua hàng rào cao 6 feet, có dây kẽm gai bảo vệ, họ trông thấy Daniel Phạm đang đứng trong sân sau của căn nhà. Cổ họng của anh ta cũng có máu chảy đầm đìa, rõ rệt vết thương do chính anh ta tự cứa cổ mình. Trên tay của anh ta còn cầm con dao dài khoảng 11 inches, còn tay kia thì cầm điếu thuốc lá đang cháy.

Hắn ta nhìn chòng chọc vào hai cảnh sát. Cảnh Sát Viên Blackerby thuật lại rằng trông anh Daniel Phạm lúc đó giống như một con tê giác ở thế sẵn sàng tấn công địch thủ.” .

Hai cảnh sát viên nhiều lần đòi Daniel Phạm phải bỏ con dao xuống. Daniel Phạm không nói gì cả. Sự thực thì theo lời cảnh sát viên anh Daniel Phạm không hề nói một tiếng nào kể từ lúc cảnh sát tới cho đến lúc anh ta bị bắn chết.

Hai cảnh sát viên bèn nghĩ ra một kế hoạch. Họ tách xa nhau ra, Blackerby di chuyển đi chỗ khác, dọc theo bờ rào. Jeffrey tìm cách chia trí Daniel Phạm bằng cách dụ anh ta đi về phía cảnh sát viên Jeffrey.

Vào lúc đó, Blackerby lấy súng Taser ra bắn vào Daniel Phạm. Một trong hai viên đạn Taser bắn trúng chân của Daniel Phạm. Viên đạn không làm Daniel ngã xuống. Daniel Phạm bèn tiến về phía Blackerby với con dao dơ cao lên khỏi đầu.

Sợ bạn mình gặp nguy hiểm, và tuy không trông thấy bạn vì vướng bóng cây, và hàng rào cản tầm nhìn, Jeffrey tìm cách leo qua hàng rào để nhảy vào sân sau nhà.

Đến bây giờ thì Daniel Phạm tiến về phía Jeffrey.

Blackerby nhảy vội vào sân sau nhà, anh ta lo ngại cho tính mạng của Jeffrey. Anh khai với điều tra viên như vậy.

Né tránh sợ bị Daniel Phạm đâm, hai cảnh sát viên lúc này ở vị trí sóng đôi, đâu lưng vào nhau. Daniel Phạm dơ con dao lên khỏi đầu, báo cáo ghi lại rằng Daniel định tấn công hai cảnh sát viên.

Lúc còn cách hàng rào khoảng 3 feet, cả hai cảnh sát viên cùng bắn ra một lượt. Họ bắn ra 14 viên đạn tổng cộng. Tất cả có 12 viên trúng người Daniel Phạm. Cậu ta ngã xuống – trên tay vẫn còn cầm con dao – Daniel cố gượng đứng dậy khi cảnh sáy hét lên yêu cầu anh ta buông vũ khí xuống.

Sau đó, Daniel Phạm ngã gục xuống. Một cảnh sát viên dùng cái xẻng để bứng con dao ra khỏi tay của Daniel.

Ít lâu sau, một cảnh sát viên đến hiện trường, đem theo loại súng đặc biệt bắn bằng đạn cao su, không làm chết người.

Kế đến, trong lúc cảnh sát viên, và nhân viên cứu thương tìm cách cứu Daniel Phạm, anh ta chết vào lúc 11 giờ 51 phút buổi sáng.

Sau khi nghe lại cuốn băng của tổng đài 911, đọc bản phúc trình của nhân viên khám nghiệm tử thi, và báo cáo của cảnh sát, ông Vinh Phạm 58 tuổi, làm nghề bán hàng sắt ở chợ trời Flea Market San Jose, nói rằng ông không thể hiểu được tại sao cảnh sát lại bắn chết đứa con trai của ông, một người bị bệnh tâm thần, điên loạn.

Ông nói: “Tôi đau lòng lắm. Tôi cảm thấy chúng tôi không được đối xử bằng công lý.”.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo Mercury News ngày 16/11/09

No comments:

Post a Comment