Đỗ Thái Nhiên
Ngày 24/07/2009, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN đã ban hành quyết định số 97. Quyết định này ngăn cấm tư nhân, tức là người dân, không được phép phổ biến trước công chúng những ý kiến nghiên cứu khoa học có nội dung ngược lại với đường lối và chính sách của nhà nước. Quyết định 97 có đoạn viết nguyên văn như sau: “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước, cần phải gửi ý kiến phản biện đó cho các cơ quan đảng và nhà nước có thẩm quyền, chứ không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ.”
Đặc biệt điều (2), khoản (2) của quyết định 97 còn ghi rõ: “Chỉ hoạt động trong lãnh vực được ban hành kèm theo quyết định này”. Kèm theo quyết định này có nghĩa là các ngành khoa học sau đây bị cấm nghiên cứu: Luật học, chính trị học, truyền thông và thông tin. Nói rõ hơn: giới trí thức, tức là quần chúng, bị cấm viết phản biện trong các ngành vừa nêu, ngay cả trườnh hợp bài phản biện chỉ gửi cho cơ quan nhà nước, không phổ biến trước công chúng.
Nhằm biện minh cho quyết định 97, ông Nguyễn Quân, thứ trưởng bộ Khoa Học Công Nghệ đã giải thích trên Vietnamnet rằng: “… trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn thử thách, chúng ta đang cần có đồng thuận cao của xã hội đối với các quyết sách của đảng và nhà nước, cần có sự ổn định để tiếp tục phát triển, thì việc công bố các kết quả nghiên cứu phản biện liên quan đến đường lối chủ trương, chính sách điều hành kinh tế xã hội phải hết sức thận trọng.”
Rõ ràng là nhân danh “xã hội phức tạp”, trong khi chẳng có xã hội nào là không phức tạp, CSVN đưa ra chủ trương tạo đồng thuận và ổn định cho xã hội bằng phương pháp bịt miệng giới thường dân nghiên cứu khoa học công nghệ.
Ngày 14/09/2009 Viện Nghiên Cứu Phát Triển (Gọi tắt là IDS) do tiến sĩ Nguyễn Quang A làm viện trưởng đã họp phiên khoáng đại. Từ phiên họp khoáng đại này, IDS tuyên bổ tự giải thể nhằm phản đối quyêt định 97.
Ngày 14/10/2009 nhà cầm quyền Hà Nội ra thông cáo gồm ba trọng điểm:
1. Quyết định 97 là cần thiết và hợp pháp.
2. Giao cho UBND thành phố Hà Nội “xử lý” sự vịêc IDS tự giải thể.
3. Xử lý những phát biểu thiếu xây dựng của một vài cá nhân trong IDS
Nhìn chung lại, quyết định 97 và các hành động trừng phạt nằm đàng sau hai chữ “xử lý” có mục đích đe dọa những người dân nào toan tính chống chế độ Hà Nội. Hành động chống đối này được ngụy trang dưới hình thức dùng các công trình nghiên cứu khoa học để phản biện, có nghĩa là nói ngược lại với đường lối và chính sách của CSVN. Câu hỏi được đặt ra là: những đe dọa vừa kể có thực sự làm tiêu tan mọi ý chí chống đối hay không? Giáo sư Sử học Phan Huy Lê đã nhẹ nhàng trả lời câu hỏi kia như sau:
Ngày 14/10/2009, báo Khoa Hoc Và Đời Sống, trực thuộc hệ thống truyền thông CSVN đã phổ biến một bài viết có tựa đề “Trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám”, tác giả là GS Phan Huy Lê. Nhằm tránh những trừng phạt gay gắt từ quyết định 97, GS Phan Huy Lê chỉ xin “Trả lại sự thật”, thay vì “phản biện”. Thế nào là sự thật?
Tháng 10 năm 1945 kho xăng Thị Nghè bị cháy. Cháy do tai nạn hay do ai đó phá hoại, tin tức sơ khởi không nói rõ. Ngay lúc bấy giờ, ông Trần Huy Liêụ, một giáo sư sử học của Hà Nội, vội vàng bịa ra câu chuyện: Cậu bé Lê Văn Tám 10 tuổi đã tự tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt cháy kho xăng Thị Nghè. Lập tức, tin về “ngọn đuốc” Lê Văn Tám được báo chí và đài phát thanh, kể cả đài BBC Luân Đôn rầm rộ phổ biến. Từ đó Lê Văn Tám trổ thành nhân vật có thật.
Tại miền Bắc Việt Nam trước 1975 và Miền Nam Việt Nam sau 1975, câu chuyện anh hùng Lê Văn Tám được truyền tụng rộng rãi. Lê Văn Tám có mặt trong sách giáo khoa. Lê Văn Tám được dùng để đặt tên đường phố, Lê Văn Tám đứng lẩm liệt trên tượng đài, trong công viên. Lê Văn Tám là thần tương của mọi giai tầng Việt Nam.
Trong bài viết “Trả Lại Sự Thật Hình Tượng Lê Văn Tám” GS Phan Huy Lê cho biết: năm 1960, ông Trần Huy Liệu có lần đã giải thích với GS Phan Huy Lê rằng: “Dựng chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám tức là nghĩ đến cách mạng Tháng Tám. Lúc bấy giờ, GS trần Huy Liệu đang giữ chức bộ trưởng Bộ Thông Tin Tuyên Truyền trong chính phủ lâm thời, nên GS nói rõ là muốn tạo dựng nên một biểu tượng anh hùng để tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.”
Nhận định về tính chất hư thực của câu chuyện Lê Văn Tám, GS Phan Huy Lê cho rằng: “ Cậu bé Lê Văn Tám sau khi tẩm xăng vào người và tự châm lửa đốt, vẫn còn khả năng chạy từ ngoài vào kho xăng với khoảng đường 50 mét. Tôi đã hỏi một số bác sĩ, và họ cho rằng sức nóng của lửa xăng, một em bé không thể chạy xa như vậy”.
Với các sự kiện nêu trên, “anh hùng” Lê Văn Tám hiển nhiên là câu chuyện bịa đặt. Nói đúng hơn, đây là một hồ sơ bí mật dùng vào việc dối gạt dư luận trong nhiều thập niên qua. Đề cập đến hồ sơ mật, CSVN có nhiều ngàn hồ sơ mật. Mỗi hồ sơ mật sau khi bị giải mật sẽ là một hủ mắm thối hoặc một tội ác ma quái trong lịch sử loài người. Sau đây là vài câu hỏi dẫn đường vào kho tội ác kia:
Trần Dân Tiên là ai ?
Hồ Chí Minh có bao nhiêu căn cước, bao nhiêu vợ, bao nhiêu con ?
Ngày sanh, ngày tử của Hồ Chí Minh, thực sự là ngày nào?
Đâu là nguyên văn chúc thư của Hồ Chí Minh?
Công việc ướp xác Hồ Chí Minh trong những thập niên qua tốn kém tất cả là bao nhiêu? Tiền ướp xác lấy từ đâu? Cơ quan hành chánh nào, văn kiện pháp lý nào có liên hệ tới dịch vụ ướp xác kia?
CSVN nợ Tàu bao nhiêu tiền? Tổng số nợ được xác định bằng phương pháp nào? Thể thức trả nợ ra sao? Trả trong bao lâu? Văn kiện pháp lý nào cho phép CSVN, một đảng hoạt động không giấy phép, lấy thuế của dân, tài nguyên của quốc gia để trả “nợ ân oán giang hồ” cho Tàu? Nợ của một đảng không giấy phép chỉ có thể là nợ ân oán giang hồ.
Tại sao sau 1975 CSVN phải theo Nga, đánh Tàu?
Nội dung mật ước 1999 và 2000 giữa Tàu và CSVN bao gồm những gì?
Những câu hỏi có nội dung đòi hỏi CSVN giải mật bí mật lịch sử dài bất tận. Nghịch lý lớn lao nhất nằm ở sự thể rằng: Đất nước là của toàn dân, thế nhưng những vấn đề trọng đại gắn bó chặt chẽ với vận mệnh của đất nước đều bị chế độ Hà Nội, một chế độ không do dân bầu, mang cất vào kho riêng của đảng CSVN dưới danh nghĩa là bí mật quốc phòng. Chừng nào kho bí mật bị phá tung, chừng đó chế độ Hà Nội sẽ cáo chung. Đó là lý do giải thích tại sao CSVN phải hối hả bảo vệ bí mật bằng những biện pháp quái dị kiểu: Buộc báo chí phải đi bên lề phải. Tịch thu máy vi tính của những người bị tình nghi có tư tưởng chống độc tài, những bloggers chống Tàu. Giới hạn tối đa quyền sử dụng máy vi tính của người dân. Cấm tư nhân làm báo dưới mọi hình thức. Cấm người dân mặc áo thun có ghi hang chữ Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cấm giới trí thức phổ biến những phản biện đối với đường lối và chính sách của CSVN…
Thay vì phản biện chính trị, GS Phan Huy Lê chỉ dùng “nhu cầu nói thật” thông qua câu chuyện Lê Văn Tám để nhẹ nhàng qua mặt quyết định 97. Hành động của GS Phan Huy Lê là một thông điệp nói rõ ra: Con người, đặc biệt là người Việt Nam có một nghìn lẽ một kiểu diễn đạt tư tưởng. Dùng luật pháp vá víu kiểu quyết định 97 để ngăn chận lời lẽ chống đối của người Việt Nam yêu dân chủ và công bằng chẳng khác nào dùng rơm rạ để vá lại những rò rỉ trên một con đê èo ọp đang run rẩy trước cơn thịnh nộ của nước lũ. Giải pháp hữu lý nhất cho hiện tình Việt Nam là giải pháp rằng con đê CSVN không thể tiếp tục tồn tại trong vá víu. Nó phải bị thay thế bằng một con đê mới. Con đê mới kia sẽ được thiết kế từ những kiến thức vửng vàng về khoa học chính trị và khoa học luật pháp của thể chế tự do dân chủ.
Đỗ Thái Nhiên
Wednesday, November 4, 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment