Saturday, November 21, 2009

HỘI NGHỊ NGƯỜI VIỆT NÀO, CỦA AI ? - Phạm Trần

Lệ Thu, Hương Lan, Phi Nhung và Jimmy Nguyễn Tham Gia Nhạc Hội Mừng Đoàn Kết

Phạm Trần

Chính quyền của Nhà nước Cộng sản Việt Nam rất om xòm về Hội nghị Người Việt Nam Ở Nước Ngoài (NVNONN) lần thứ nhất được tổ chức ở Hà Nội trong 3 ngày 21, 22 và 23 tháng 11 (2009). Nhưng mấy chữ “Người Việt Nam Ở Nước Ngoài” đại diện cho ai trong số trên 3 triệu con người mang dòng máu Việt đang sống bên ngòai Việt Nam?

Để trả lời cho thắc mắc này, mọi người hãy theo dõi lời giải trình của Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngọai giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN dành cho Báo chí trong nước ngày 18/11.

Nguyễn Thanh Sơn

Sơn nói: “Sau khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và chúng ta đã khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, là động lực quan trọng đối với đất nước, hội nghị này mang ý nghĩa rất đặc biệt.

Sau hơn 60 năm xây dựng đất nước, qua hai cuộc kháng chiến gian khổ ác liệt mà bà con kiều bào luôn kề vai sát cánh với nhân dân trong nước, chúng ta đã thống nhất được giang sơn về một mối nhưng chưa tổ chức được một hội nghị mang tính chất đại diện cho kiều bào toàn thế giới để có thể về với đất nước, với dân tộc trong nhịp sống chung, trong một ngày hội để nhân dân trong nước cũng như ngoài nước được cùng nhau nói lên tâm tư nguyện vọng mong muốn xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp.

Hội nghị lần này thể hiện tính chất đại đoàn kết dân tộc; thể hiện sự quan tâm hết sức to lớn, sâu sắc của Đảng và Chính phủ khi đã có một loạt chính sách đối với bà con ở bên ngoài.

Hội nghị còn thể hiện nguyện vọng của đông đảo kiều bào về một diễn đàn để cùng bàn làm sao cho dân giàu nước mạnh, xây dựng một cộng đồng đoàn kết.” (Thông tấn Xã Việt Nam, 18-11-2009)

Trước hết, không cần phải có Nghị quyết 36, ra đời ngày 26/3/2004 nhìn nhận, người Việt Nam, dù ở bất kỳ chân trời góc biển nào và có quốc tịch nào chăng nữa cũng vẫn là một phần tử của đại gia đình dân tộc Việt Nam. Sự khẳng định của đảng CSVN chẳng qua chỉ nhằm cào lấy tất cả mọi người Việt sống ở nước ngòai để tự cho mình có trách nhiệm bảo vệ để mưu cầu sự lệ thuộc của người Việt sống bên ngòai Việt Nam và buộc họ phải có bổn phận đối với đất nước.

Thứ hai, khi Sơn nói rằng “qua hai cuộc kháng chiến gian khổ ác liệt mà bà con kiều bào luôn kề vai sát cánh với nhân dân trong nước” thì hiển nhiên những “kiều bào” này phải là những người đi theo hay ủng hộ chính sách chiến tranh và xâm lăng miền Nam Việt Nam đảng Cộng sản Việt Nam.

Lệ Thu

Do đó, thứ “hội nghị mang tính chất đại diện cho kiều bào ... để có thể về với đất nước, với dân tộc ... cùng nhau nói lên tâm tư nguyện vọng muốn xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp” cũng chỉ là của riêng lớp người đã chấp nhận chế độ Cộng sản nên mới muốn đất nước “giàu đẹp” theo như ý nhà nước lấy Chủ nghĩa phá sản Mác-Lênin làm nền tảng để xây dựng đất nước như nội dung của “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” đã viết năm 1991.

Thứ ba, Sơn cũng nói với Báo chí rằng “Hội nghị lần này thể hiện tính chất đại đoàn kết dân tộc ... thể hiện nguyện vọng của đông đảo kiều bào về một diễn đàn để cùng bàn làm sao cho dân giàu nước mạnh, xây dựng một cộng đồng đoàn kết” thì không nên hiểu đảng và nhà nước CSVN đã sẵn sàng muốn đòan kết với tất cả mọi người Việt Nam, nhất là đối với những người thuộc thành phần mà Sơn gọi là “một bộ phận không nhỏ ra đi bởi hận thù sau chiến tranh.”

Khi nói đến lý do bỏ đất nước ra đi từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 của người miền Nam, hay từ năm 1978 đối với những người Việt gốc Hoa ở miền Bắc bị đuổi về Tầu trước khi xẩy ra chiến tranh biên giới với Trung Hoa vào tháng 2 năm 1979 thì câu nói xuyên tạc và chụp mũ “ra đi bởi hận thù” của Sơn có phản ảnh chủ trương đại đòan kết dân tộc của Hội nghị NVNONN không ?

Những người bỏ nước ra đi từ miền Nam trước và sau ngày 30-4-1975 đã “hận thù” ai mà phải ra đi, hay họ đã phải chạy trốn sự tàn bạo và chính sách trả thù, kỳ thị của những kẻ may mắn chiến thắng trong chiến tranh?

Hãy nghe Sơn lý giải về tình trạng hãy còn một số đông người Việt Nam ở nước ngòai chưa muốn hợp tác với đảng CSVN: “Tất cả những ai yêu nước đều trở về đất nước, còn những người chưa về dự hội nghị này mà còn có ý kiến khác về hội nghị thì là người ta chưa hiểu hoặc cố tình không hiểu. Và những người cố tình không hiểu sẽ được các đại biểu về dự hội nghị lần này hướng dẫn, thông tin lại để bà con hiểu thêm.

Jimmy Nguyễn

Chúng ta có chân lý, nên sẽ chứng minh được cho những người cố tình chưa hiểu dần dần thấy được sự thật là chúng ta đang phát triển, vị thế của đất nước đang ngày càng phát triển trên trường quốc tế, và người ta sẽ thấy được tình cảm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân trong nước với bà con bên ngoài như thế nào.

Đó thực sự là tình cảm người thân dành cho người thân, ruột thịt dành cho ruột thịt, bà con là máu mủ của chúng ta, chúng ta luôn dành cho bà con những tình cảm từ tấm lòng, từ trái tim của mỗi người dân trong nước.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng có một đặc thù là có một bộ phận không nhỏ ra đi bởi hận thù sau chiến tranh, hội nghị này là bằng chứng để cho những người chưa hiểu, còn tư tưởng hận thù thấy rõ chính sách đại đoàn kết dân tộc.

Chúng ta khép lại quá khứ để nhìn vào tương lai. Đất nước thống nhất nhưng bà con chưa đoàn kết là chưa trọn vẹn.”

Nghe Sơn nói có vẻ chân thật và thành khẩn dẻo mép đấy, nhưng đâu phải không trở về là không yêu nước? Yêu nước cũng có trăm bề, ngàn nẻo. Yêu nước không phải là phải yêu cái Xã hội Chủ nghĩa lỗi thời, lạc hậu và chậm tiến, phá sản của người Cộng sản Việt Nam.

Vô số người Việt Nam ở nước ngoài không muốn về giúp nước vì đảng CSVN chưa sẵn sàng “quên đi quá khứ, xóa bỏ hận thù”. Thêm vào đó lại chủ trương độc quyền cai trị, chà đạp nhân quyền và hạn chế tối đa tất cả các quyền tự do, dù đã được Hiến pháp cam kết.

Hơn nữa, đảng CSVN vẫn chưa biết tôn trọng quyền đối lập nên không ngại chụp mũ những ai chống chính sách cai trị độc tài của đảng Cộng sản là chống lại Tổ quốc, chống lại đồng bào. Người Cộng sản cũng đã công khai chống “đa nguyên chính trị , đa đảng đối lập”.

Do đó khi Sơn nói “Chúng ta khép lại quá khứ để nhìn vào tương lai” không có nghĩa là đảng CSVN muốn có “hòa giải” mà chỉ muốn “hòa hợp” theo những điều kiện của mình.

Hãy đọc thái độ thù nghịch trong một đọan của Nghị quyết 36: “Một bộ phận đồng bào do chưa có dịp về thăm đất nước để tận mắt thấy được những thành tựu của công cuộc đổi mới hoặc do thành kiến, mặc cảm, nên chưa hiểu đúng về tình hình đất nước. Một số ít người đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức chống phá đất nước, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam.”

Có cần phải về Việt Nam mới biết đảng CSVN thiếu thành thật và đàn áp nhân dân ra sao không? Những bài học vi phạm quyền con người, hạn chế các quyền tự do, khống chế, bôi nhọ, chụp mũ những tiếng nói vì lương tâm đòi dân chủ, đòi tự do tín ngưỡng, hành đạo, đòi công bằng, cơm ăn, áo mặc và đòi được bình đẳng, học hành, chống quan liêu, tham nhũng, chống bóc lột, cướp đất, thất nghiệp, chống tội ác xã hội của người dân không cần phải nhìn thấy tận mắt, hay nghe tận tai mới có bằng chứng.

Chẳng hạn như thái độ “đem con bỏ chợ” trong dịch vụ xuất khẩu công nhân ra nước ngòai lao động để thu lợi, nhưng đến khi họ bị chủ nhân đàn áp, xúc phạm thân thể, nhục mạ nhân phẩm của phụ nữ thì Bộ Ngọai giao Việt Nam làm ngơ. Hay hàng trăm trường hợp của những Phụ nữ sa cơ phải lấy chống nước ngoài bị hắt hủi, bị buôn qua, bán lại mà Đại diện ngoại giao của Việt Nam ở các nước sở tại như Đài Loan, Nam Hàn, Tân Gia Ba hay tận Trung Đông đã ngoảnh mặt làm ngơ thì có cần phải đem phơi ra giữa Chợ Đồng Xuân cho mọi người thấy không?

Hương Lan

AI ĐƯỢC MỜI - AI HÁT?

Vì vậy, khi tổ chức Hội nghị NVNONN thì những nạn nhân này có quyền lên tiếng không, hay đảng CSVN chỉ đem về nước những người hội đủ các tiêu chuẩn có lợi cho đảng để nắm bắt và sử dụng được như:

- “Lãnh đạo và những người hoạt động trong các hội đòan hướng về đất nước: hội người Việt Nam, hội doanh nghiệp, hữu nghị, câu lạc bộ, các tổ chức từ thiện, nhân đạo NGO (Non-Government Organizations, Phi Chính phủ), giới, ngành nghề.

- Trí thức, chuyên gia, doanh nhân kiều bào làm ăn thành đạt, Thanh niên, sinh viên, tài năng trẻ.

- Cá nhân tiêu biểu hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, thể dục thể thao, xã hội, tôn giáo.

-Những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.

Những nhân vật mới nổi hoạt động trong chính quyền địa phương; những nhân vật cao cấp trong chế độ cũ có tinh thần dân tộc, muốn tham gia Hội nghị trong tinh thần xây dựng và hòa hợp dân tộc.”

Ngoài ra họ cũng sẽ mời dự số tiêu biểu những người Việt Nam đã hồi hương như trường hợp Giáo sự Âm nhạc Trần Văn Khê, hay có thể có cả Nhạc sỹ Phạm Duy là người đã được cấp giầy Hộ khẩu cư trú hợp pháp.

Hội nghị 3 ngày ở Hà Nội sẽ có khỏang 900 người Việt từ nước ngoài và lối 500 người trong nước đại diện cho Đảng, Chính phủ, các Bộ, Mặt trận Tổ quốc và địa phương được tham gia thảo luận 4 vấn đề:

1. Xây dựng cộng đồng NVNONN đoàn kết vững mạnh, thành đạt và hướng về đất nước;
2. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc trong cộng đồng NVNONN;
3. Chuyên gia, trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước;
4. Doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Phi Nhung

Xen kẽ các ngày họp là phần Văn nghệ theo chủ đề “Việt Nam Quê Hương Tôi”, ngòai mục đích giúp vui còn có “mục đích quyên góp giúp đỡ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua “Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam” và “Quỹ Hỗ trợ, vận động cộng đồng” (Thông tấn xã Việt Nam, 17/11/2009).

Theo lời Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban NVNONN loan báo cùng tham gia chương trình có các ca sĩ kiều bào như Lệ Thu, Hương Lan, Phi Nhung và Jimmi Nguyễn. Phía trong nước sẽ có mặt Quang Thọ, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trọng Tấn, Lan Anh, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Tùng Dương, nhóm Cỏ Lạ, nhóm Mặt trời mới và Ban nhạc Sao Mai.

Chương trình ca nhạc này sẽ do nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh dàn dựng cùng với Nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo (Pháp), nhạc trưởng Lê Phi Phi (Macedonia), nghệ sĩ đàn Piano Tôn Nữ Nguyệt Minh về từ Đức.

Nhưng liệu Hội nghị om xòm này có đem lại kết qủa gì không thì chưa biết, nhưng rõ ràng là sẽ không đạt được mục tiêu tối hậu của nó là “đoàn kết dân tộc”. Bởi vì, nếu không là tất cả thì đa số trong 900 người Việt từ nước ngòai về phải đồng ý với mục tiêu của đảng CSVN nên đương nhiên họ không còn đứng chung hàng ngũ với số người còn lại của ngót 3 triệu người Việt đối lập với Hội nghị này.

Đó là nghịch cảnh của vở kịch “Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước” của đảng Cộng sản Việt Nam.

Phạm Trần
(11/09)

No comments:

Post a Comment