Wednesday, November 4, 2009

30 Năm Nữa Việt Cộng Cò Sợ ... Không - Đặng Quang Chính

Đặng Quang Chính

30 năm rồi người Việt sợ ai nhất? Sợ Việt Cộng. Họ chạy từ Bắc vào Nam năm 1954. Rồi sau đó, họ chạy ra nước ngoài năm 1975. 30 năm nữa, người Việt còn sợ không? Trước khi trả lời, chúng ta xem qua một số sự kiện lịch sử.

Sau Công Nguyên hơn 10 năm, hai Bà Trưng nổi lên chống giặc Tàu. Thua trận, hai bà tự vẫn chết. Mã Viện, tướng nhà Hán, dựng cột đồng, khắc hàng chữ: ”Cột đồng gãy, Giao Châu diệt”, ý muốn nói, cột đồng đó gãy thì dân Việt ta thời ấy sẽ bị diệt vong. Người Việt đi qua, lấy đá chất vào chân cột, lâu ngày xoá đi dấu vết của cây cột đó.

Tiếc rằng, thời gian sau, từ họ Triệu đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn ngàn năm, nước ta bị Tàu đô hộ.

Cuộc chiến 20 năm (1954-1975) đã tạo cho người dân Việt một tâm lý lo sợ thường trực. Ngoài Bắc, chính quyền CS dùng cách cai trị kiềm kẹp và sắt máu, làm cho người dân lo sợ. Họ lo sợ cho cả đến cái ăn cũng phải dấu diếm (ăn thịt gà phải dấu lông không dám đế cho người hàng xóm thấy). Trong Nam, trước 1975, tại những vùng mà lính VNCH không kiểm soát được, khi người dân bị chính quyền "cách mạng" gán tội ”Việt gian”, chắc chắn sẽ được mời đi "làm việc" vào ban đêm...và sau đó, bị chặt đầu, mổ bụng ..hoặc đập đầu, chôn sống.

Sau năm 1975, khi chính quyền miền Bắc đã thâu tóm cả hai miền, họ không lấy cây kim sợi chỉ của dân. Họ lấy nhà bằng cách đưa dân đi vùng kinh tế mới. Họ đoạt tài sản người dân bằng chiến dịch ”đánh tư sản mại bản”. Họ kiểm soát người dân bằng cách thắt bao tử, theo lối ”ngăn sông cấm chợ”. Những người chống lại đường lối của họ, chẳng hạn, như Trần Văn Bá, từ Pháp xâm nhập về VN, bị bắt, bị chúng xử tử!.

Hơn 30 năm qua (1975-2005), dân chúng sợ chính quyền còn hơn người dân ngày xưa sợ cọp. Sợ mà không biết cách nào để trừ khử, họ đành phải rời đất nước, chạy ra sinh sống ở xứ người. Ai không đi được, đành nhẫn nhục sống cho qua ngày tháng. Gần đây, có Linh Mục Nguyễn Văn Lý, chống lại chính quyền, nhưng thấy tâm lý người dân quá sợ CS nên ông đã dùng câu nói sau như một khẩu hiệu: ”Ðừng sợ những gì CS làm, mà hãy làm những gì CS sợ”. Một người khác trong nhóm Linh Mục Lý, phân tách hai chữ: ”Nhát” và ”sợ”, cũng không ngoài mục đích khuyến khích mọi người mạnh dạn chống lại những sai trái của chính quyền.

Dân Việt, những người sợ CS, chạy ra nước ngoài, còn tiếp tục sợ dài dài.

Trước đây, chúng tôi có bài viết: ”Rủ nhau cùng về”, nội dung khuyến khích những người đã về VN (dù bất cứ lý do gì) nên dành một ngày nào đó trong năm (30.04 hay Tết Nguyên Đán) để tưởng niệm những thân nhân hay đồng bào của mình đã chết trong cuộc chiến 20 năm trước đây.

Kết quả nhận được là:

1. Người viết bị chụp mũ là thân Cộng. Những người trong nhóm này lấy những chữ, những đoạn (có thể không hợp ý của họ) rồi "xé" ra ... rồi thêm hành thêm tỏi.
2. E sợ sẽ bị công an "làm thịt". Họ không nói theo kiểu của nhóm trên, nhưng có ý cho rằng, tác giả bài viết "Rủ nhau cùng về" giở trò chim mồi.
3. Nghi ngờ tính khả thi của sự viêc.

Tóm lại, dù ý kiến đóng góp rơi vào một trong 3 điểm nêu trên, tất cả đều ít nhiều nói lên tâm lý sợ sệt, khi nghĩ đến chuyện phải làm việc đó. Thân nhân mình đã chết trong cuộc chiến, theo họ, nếu làm tưởng niệm, chỉ nên làm âm thầm, đừng làm công khai; vì nếu làm bằng cách tập trung nhiều người, mà nhà nước lại gắn cho nhóm chữ "diễn biến hòa bình" thì nguy to!.... Sợ lắm!!...

Dân đen sợ nhà nước ...
Nhà nước sợ anh láng giềng Trung Cộng.

Anh bạn tôi, hiện đang làm công việc giáo dục ở VN, thuật lại một chuyện mà chính anh đã chứng kiến. Một trường trong thành phố Sài gòn, nhận được sự trợ giúp của chính quyền Đài Loan, nên định làm một buổi lễ khánh thành khá long trọng. Khi chính quyền nhận được chỉ thị sao đó của tòa Lãnh Sự Trung Quốc, trường kia đành phải dẹp ngang buổi lễ dự trù.

Nhà nước sợ anh láng giềng Trung Cộng.

Do đó, khi thanh niên, sinh viên biểu tình về vụ Hoàng Sa, Trường Sa, nhóm biểu tình đã bị lực lượng công an ngăn chận. Họ ngăn chận tại chỗ và dùng nhiều cách khác để chận đứng sự biểu tình tại các trường học.

Như vậy, cái SỢ này đã trở thành hệ thống. Tay sai sợ đàn anh, rồi tay sai làm cho con dân của mình phải sợ chính quyền tay sai, để họ trở thành những Thái thú của người Tàu trong thời đại mới. Theo kiểu này, e rằng, nước ta có thể sẽ quay về thời kỳ từ họ Triệu đến trước thời nhà Ngô, bị nước Tàu đô hộ cả ngàn năm. Lúc đó, người Việt ở hải ngoại chắc cũng đành chịu bó tay; giống như hiện nay, người Tàu ở nước ngoài, khi được hỏi có phải họ là người Trung Quốc không, họ nói họ là người Đài Loan. Lúc đó, khi Trung quốc đặt tên cho Việt Nam là Quảng Nam chẳng hạn (họ đã có Quảng Đông và Quảng Châu rồi)... có lẽ người Việt ở nước ngoài sẽ nói mình là người của "Việt Nam xưa".

Cách diễn đạt như trên, nếu đúng trong thực tế, thì tình hình chính trị của nước nhà sẽ không mấy khả quan. Ai còn tâm lý sợ chính quyền CS … sẽ tiếp tục nuôi trong người sự sợ hãi đó. Tâm lý sợ hãi này, nếu có ”di truyền” lại cho con cháu, thì người Việt vẫn còn tiếp tục có nỗi sợ hãi dài dài. Tuy nhiên, nếu biết cách giải trừ, sự sợ hãi sẽ bị triệt tiêu. Như đứa trẻ đi trong đêm tối, nếu cả nhóm 5 (7) đứa cùng đi, cùng hát vang trời, chúng sẽ bớt, hay không còn sợ bóng tối, sợ ma. Khi toàn dân đoàn kết, quyết tâm thực hiện một công việc chung, trụ đồng của Mã Viện sẽ bị xóa mất dấu vết. Ngày nay, nếu dân Việt thật sự đoàn kết, Tàu Cộng sẽ không dám ngang nhiên đặt trụ phân chia ranh giới của chúng đến tận Côn đảo của nước ta. Hiện tại, sự đoàn kết như thế chưa thể có được. Người Việt ở nước ngoài, về VN (1) vào hai ngày như nói trên, rồi tất cả làm lễ tưởng niệm thân nhân của mình, những người đã chết trong cuộc chiến 20 năm vừa qua. Cứ thử làm vậy rồi sẽ thấy việc gì xảy ra. Chắc chắn chính quyền CS sợ sự tập trung đông người theo cách đó. Hoá ra, chúng ta sợ Việt Cộng, mà thật ra, chúng cũng sợ người Việt ở nước ngoài; nếu chúng ta có quyết tâm cùng làm một việc như thế - hay bất cứ việc nào khác -(2) Buồn cười thay!! … hai bên chỉ vì SỢ nhau mà chưa thể đoàn kết. Nhưng trước hết, để mọi người Việt ở nước ngoài có thể có cùng quyết tâm, chúng ta hãy loại trừ những trang Web làm tay sai của bọn cầm quyền trong nước. Chính những trang Web đó đã tạo sự mất đoàn kết trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Do đó, dù 30 năm hay lâu hơn thế nữa, ngày nào cuộc chiến giữa cái thiện và ác vẫn còn, ngày ấy những trang Web đấu tranh cho cái thiện vẫn còn tồn tại.

Đặng Quang Chính
Oslo 03.09.2009

*****
Ghi chú:

(1) Mỗi năm, người Việt ở nước ngoài về lại VN khoảng 100.000 người. Không biết con số này phải đươc điều chỉnh chưa.
(2) Ðoàn kết thì ai cũng nói được; nhất là đảng CS Việt Nam. Nhưng, đoàn kết theo cách của đảng ta là mọi người phải đi theo tấm bảng chỉ đường của những “đỉnh cao trí tuệ”. Và cái "đỉnh cao" này, sau 30 năm, không làm được một góc nhỏ, so với Nhật Bản (1945-1975) mà cứ tự hào, hênh hoanh, tuyên truyền rầm rộ.

No comments:

Post a Comment