Tuesday, November 10, 2009

Trọng Ðạt: Biến Ðộng Miền Trung - Trọng Đạt

Trọng Đạt

Trọng Đạt

Chúng tôi xin sơ lược tình hình biến động giai đọan 1966 dựa vào cuốn “1966 Việc Từng Ngày” của ông Ðoàn Thêm.

Cuối tháng 3 -1966 tại Ðà Nẵng có nhiều vụ biểu tình, đóng cửa tiệm, tình hình Huế cũng rất sôi nổi trong khi Ủy ban Lãnh đạo Quốc Gia quyết định triệu tập Hội đồng Tư vấn soạn thảo Hiến Pháp và tổ chức bầu cử cuối năm 1966 thay vì cuối năm 1967 như dự định. Ông Nguyễn cao Kỳ Chủ tịch Uỷ ban hành pháp trung ương cho biết miền Trung có nhiều vụ lộn xộn đình công bãi thị, kho gạo ngoài Huế sắp cạn, trong khi ấy tại Viện Hoá Ðạo Sài Gòn có hai trăm Phật tử biểu tình đi từ Viện tới công trường Diên Hồng trương biển ngữ chống chính phủ. Thượng toạ Thích Tâm Châu kêu gọi Phật tử bình tĩnh chờ chính phủ thoả mãn các nguyện vọng, tại Huế có tới hai chục ngàn người đi tuần hành.

Phật Giáo lại biểu tình khắp nơi đòi chính phủ phải thực thi dân chủ, tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội, đầu tháng 4-1966 tình hình miền Trung ngày càng trở nên nghiêm trọng. Nguyễn Cao Kỳ cho biết bác sĩ Nguyễn văn Mẫn, thị trưởng Ðà Nẵng thuê người đi biểu tình chống chính phủ, đe dọa dân chúng, hô hào đình công bãi thị. . ông Kỳ coi như Ðà Nẵng bị Việt Cộng chiếm, sẽ hành quân tái chiếm và xử tử thị trưởng Mẫn. Chính phủ cho biết Việt Cộng muốn bài Mỹ để cô lập Việt nam Cộng Hòa. Ðài phát thanh Ðà Lạt bị nhóm biểu tình đốt, ngoài ra tại Ðà Nẵng, Ban Mê Thuột, Nha Trang cũng có nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu Chủ tịch Uỷ ban Lãnh đạo Quốc gia kêu gọi chấm dứt hỗn loạn, đóng cửa các trường học.

Quân đội đã lấy lại Nha Trang, mặc dù Viện Hoá Ðạo kêu gọi bình tĩnh nhưng hàng ngàn người quá khích đã biểu tình đốt xe, xung đột với cảnh sát. Trung tướng Tôn Thất Ðính được cử thay thế Thiếu tướng Nguyễn Văn Chuẩn làm Tư lệnh vùng Một và đại biểu chính phủ Huế. Phó tổng thống Mỹ Humphrey có tuyên bố bi quan về tình hình Việt nam, ông nói:

“Có ông Trời mới lật được thế cờ ở Việt Nam, đất nước có quá nhiều sự rắc rối”.

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ nói TT Trí Quang thao túng chính trường Việt Nam, mục đích không rõ rệt. Phật giáo lập Ủy ban tranh đấu chống chính phủ nhưng bắt đầu chia làm hai phe ôn hoà và quá khích, Thượng toạ Tâm Châu ôn hoà bị phe quá khích dọa ám sát.

Cuộc tranh đấu của Phật Giáo quá khích và các vụ bạo động tại miền Trung bị các nhóm sinh viên đoàn kết, các đoàn thể Công giáo, Việt Nam Quốc dân đảng …. lên án. Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố cương quyết đàn áp biểu tình bạo động, cử Ðại tá Nguyễn Ngọc Loan làm Tổng giám đốc cảnh sát công an thay Ðại tá Phạm văn Liễu và kiêm nhiệm Giám đốc nha an ninh quân đội. Ông Thích Tâm Châu tuyên bố nếu tháng 9 không có bầu quốc hội Phật giáo sẽ biểu tình, Bắc Việt và Mỹ nên rút quân khỏi Việt Nam.

Các cuộc biểu tình và các vụ bạo động ở miền Trung đã kéo dài được hơn một tháng, lực lượng tranh thủ dân chủ tại Ðà Lạt chiếm khu chợ Hoà Bình, quân trấn chiếm lại trụ sở của lực lượng tại Hợp tác xã rau. Giữa tháng 5 Nguyễn Cao Kỳ làm mạnh, cho 5 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến ra Ðà Nẵng bằng máy bay chiếm đài phát thanh chạm súng với lực lượng tranh đấu. Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao được cử thay Tôn thất Ðính làm Tư lệnh quân đoàn Một, ông Nguyễn Chánh Thi bị gọi ra trình diện trước ngày 20-5-1966. Trong khi ấy tại Sài Gòn các Ðại đức,Thượng toạ tuyệt thực phản đối chính phủ đem quân ra Ðà Nẵng.

Quân chính phủ và phe tranh đấu đã chạm súng có chết người và bị thương trước chùa Vũ Hội, Ðà Nẵng. Thượng tọa Trí Quang ở Huế đòi quân chính phủ phải rút khỏi Ðà Nẵng, Nguyễn Cao Kỳ phải từ chức ngay, hai bên lại nổ súng tại khu chùa Phổ Ðà, một số chết và bị thương. Ðến ngày 23-5 nhóm nổi dậy ở chùa Tỉnh Hội Ðà nẵng buông súng hàng, khoảng một trăm người trở về quân đội, hơn một ngàn súng bị tịch thu trong chùa, ba chục xác chết hôi thối. Phía chính phủ có 20 người chết hằng trăm bị thương, bác sĩ Mẫn bị bắt đưa về Sài Gòn, tại Ðà Nẵng có tất cả 76 người thiệt mạng trong cuộc dẹp loạn.

Chính phủ Nguyễn Cao Kỳ làm mạnh hơn trước, Thiếu tá Tôn Thất Tường, Ðại tá Ðàm Quang Yêu cầm đầu vụ Ðà Nẵng bị bắt đưa về Sài Gòn. Ðà Nẵng coi như đã yên chính phủ còn phải lo đối phó với tình hình tại Huế. Cuối tháng 5-1966 tại Sài Gòn nhóm tranh đấu biểu tình liên miên bị giải tán bằng lựu đạn cay. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo không có chính nghĩa đã bị chính phủ đàn áp bằng vũ lực trong khi nội bộ Phật giáo bắt đầu chia rẽ suy yếu. Ngày 5-6-1966 Thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm họp báo cho biết Huế được tái lập trật tự, ba ngàn quân chính phủ có xe tăng đang trên đường ra Huế, thầy Trí Quang bèn hô hào Phật tử mang bàn thờ xuống đường để ngăn cản lối vào thành phố. Thượng tọa Tâm Châu đã về nước kêu gọi Thiệu Kỳ từ chức nhưng chống bạo động, TT Trí Quang tuyệt thực phải vào nhà thương. Nguyễn Ngọc Loan đích thân chỉ huy cảnh sát dã chiến dẹp bàn thờ và biểu tình.

Nói chung cuộc biểu tình, biến loạn chống chính phủ đã bị dẹp tan trong thời gian ngắn vì không được đa số dân chúng ủng hộ, người ta chán ngấy cảnh biểu tình tuyệt thực kéo dài hết năm này qua năm khác. Cuộc biến động đã bị các đoàn thể tôn giáo, chính trị, đảng phái, sinh viên … lên án vì đã tạo ra tình trạng rối loạn tại hậu phương có lợi cho Cộng Sản. Khoảng gần một năm sau, các sĩ quan cao cấp tham gia biến động đã bị đưa ra toà chịu biện pháp kỷ luật.

Cuộc biến động sau đó bị chìm vào quên lãng vì thực ra nó không có tầm vóc lớn hay nói khác đi tầm vóc Quốc gia mà chỉ là những cuộc biểu tình, ly khai của một số đơn vị miền Trung nhất là Ðà Nẵng, Huế. Sở dĩ chúng tôi nói là không có tầm vóc Quốc gia vì nó không phát triển mạnh tại Trung ương tức Thủ đô Sài Gòn hồi đó, những cuộc biểu tình của Phật giáo chống chính phủ năm 1963 và năm 1964 để lật đổ các chính phủ Ngô đình Diệm và Trần Văn Hương mới có thể coi là có tầm vóc quốc gia .

Thời gian sau, chiến tranh ngày càng mở rộng hầu như báo chí, đài phát thanh không thấy ai bàn tới biến cố này, có thể họ không coi đó là một vấn đề to tát. Gần đây chúng tôi có được đọc bài Biến động Miền Trung của cựu Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi cho rằng phong trào tranh đấu của Phật giáo hồi đó là để đòi chính phủ quân nhân thực hiện bầu cử để miền Nam có một chính quyền dân cử, nhưng dù nói bằng danh từ hoa mỹ nào thì cuộc biến động miền Trung hồi 1966 đã phá rối trị an, có lợi cho Cộng Sản.

Thế rồi 40 năm đã trôi qua nay cuộc biến động đã được làm sống lại trong cuốn hồi ký Biến Ðộng Miền Trung (BÐMT) của cựu Thiếu tá cảnh sát Liên Thành (LT), mới đầu chúng tôi thấy khoảng năm 2005, 2006 tuần báo Sài Gòn nhỏ có đăng một số bài trích trong cuốn sách chưa xuất bản này, một thời gia sau Liên Thành cho in thành sách và ra mắt sách tại một số nơi. Cuốn sách được nhiều người hưởng ứng mua ủng hộ và càng ngày càng được phổ biến. Một điều hơi lạ một đề tài xưa như trái đất, không hấp dẫn gì cho lắm, nó không có tầm vóc quốc gia đã bị thời gian chôn vùi từ trên 40 năm qua nay tự nhiên lại “nổi đình đám” khắp nơi, ngày càng dữ dội rất là “hot” nóng, ngày càng được ra mắt sách tại nhiều nơi tại Mỹ cũng như tại Úc, ngày càng được bàn thảo tranh cãi khắp nơi tại hải ngoại, trên các diễn đàn điện tử, người ta tranh cãi nhau dữ dội, thậm chí xỉ vả, chửi bới lẫn nhau vì bất đồng ý kiến.

Nhiều người khen ông Liên Thành can đảm nói lên những sự thật lịch sử đã được dấu kín bay lâu nay. Dần dần có nhiều người phản ứng chỉ trích trên báo chí về sự sai lạc của các dữ kiện trong cuốn sách, một số nhân chứng cho là ông Liên Thành không nói đúng sự thật. Sau đó có một vài sĩ quan cao cấp trong ngành cảnh sát cũng lên tiếng trên báo Sài Gòn Nhỏ chỉ trích những điểm sai trong cuốn sách. Chúng tôi có hỏi ý kiến một cựu sĩ quan cảnh sát có chức vụ và cấp bậc khá lớn trước 1975, ông này theo Công giáo đã lắc đầu tỏ vẻ không tán thành việc làm của Liên Thành và cho rằng nó sẽ gây xáo trộn trong cộng đồng hải ngoại. Ở đây chúng tôi không bàn về nội dung cuốn sách đúng, sai, hay, dở mà chỉ nêu một số ảnh hưởng không tốt do nó gây ra trong cộng đồng. Có điều đáng nói là ông Liên Thành đã không được giới cảnh sát Quốc gia ủng hộ, bằng cứ là trong các cuộc ra mắt sách của ông không nghe nói Cảnh sát tổ chức ra mắt hay có đại diện tới dự.

Nguyễn Phúc Liên Thành

Ông Liên Thành sinh năm 1942, học lực tú tài, năm 1966 là sĩ quan cấp thiếu uý biệt phái sang làm phó ty Cảnh Sát Thừa Thiên, ông không tốt nghiệp học viện Cảnh Sát quốc gia như nhiều trưởng ty khác, năm 1975 LT giữ cấp bậc Thiếu tá chức vụ cảnh sát trưởng Thừa Thiên. Như vậy năm 1966 ông LT chỉ là một sĩ quan cấp bậc chức vụ nhỏ, học lực trung bình, 24 tuổi, những sự kiện ông kể lại trong sách không thể coi là có tầm vóc Quốc gia được mà chỉ coi như là những biến cố địa phương của một tỉnh lẻ xa xôi. Mặc dù cấp bậc, chức vụ nhỏ, biến cố tại Huế nơi ông làm việc không phải là vấn đề to tát nhưng cuốn sách của ông đã được thổi phồng quá đáng, người ta có cảm tưởng như chức vụ của ông ngang hàng Tổng giám đốc hoặc chỉ huy trưởng Cảnh sát trung ương tại Sài Gòn vì ông kể lại toàn những chuyện to tát, động trời.

BÐMT không thể coi là có tầm vóc bí mật Quốc gia vì nó chỉ kể lại những biến động tại một tỉnh lẻ trong một địa phương nhỏ mà thôi, nếu nói là tầm vóc lớn chúng ta phải kể Hồ Sơ Mật Dinh Ðộc Lập hoặc Khi Ðồng Minh Tháo Chạy của Giáo Sư Nguyễn Tiến Hưng vì nó liên quan đến những việc Quốc gia đại sự , những điều tác giả NTH tiết lộ là những bí mật Quốc gia có liên quan đến giới chức cao cấp trong chính quyền Việt Mỹ và vận mệnh miền Nam trước 1975, tuy nhiên ngay như hai cuốn sách này cũng không được quảng bá rầm rộ như cuốn BÐMT.

Nói về ảnh hưởng của cuốn BÐMT thì ta khó mà chối cãi được, năm ngoái năm kia, trong khi dân oan khiếu kiện tại Sài Gòn, Hà Nội ầm ĩ, đồng bào Công giáo Thái Hà đòi đất, giáo dân đòi toà khâm sứ Hà Nội đang nóng hổi thì Biến Ðộng Miền Trung cũng nổi đình đám ầm ĩ tại Hải ngoại át hẳn vụ toà Khâm sứ và vụ Thái Hà của Giáo dân trong nước, có một nhà báo đã nói cuốn sách này có thể khiến người ta quên đi vụ Thái Hà, Toà Khâm Sứ. Hư thực ra sao chưa rõ nhưng chúng ta phải công nhận nó đã gây xáo trộn khá nhiều trong cộng đồng hải ngoại. Cho tới nay Biến Ðộng Miền Trung vẫn được tiếp tục ra mắt sách, tiếp tục được quảng cáo, lăng sê ầm ĩ .

Trên nhiều diễn đàn ngày càng có thêm những viết bài chỉ trích, than phiền về cuốn BÐMT của LT, cách đây vài tháng trên DCV.online một bài góp ý vơi LT được đưa lên diễn đàn này, ngay sau đó có hàng mấy chục rồi gần một trăm người góp ý, họ đem tác giả bài viết ra đấu tố y hệt như cải cách ruộng đất năm 1955 ngoài Bắc . Những người bênh vực ủng hộ LT chửi rủa, tru tréo, mạt sát tác giả bài viết và sau đó những người ủng hộ tác giả phản pháo lại dữ dội, họ làm như muốn ăn tươi nuốt sống nhau . Ðiều đáng sợ là trong đó vấn đề tôn giáo đã được hai bên đem ra làm đối tượng tranh cãi, bên này chỉ trích nói xấu tôn giáo bên kia, chia rẽ tôn giáo đã thực sự thành vấn đề. Như chúng ta đã biết Cộng Sản thường len lỏi vào cộng đồng để đâm bị thóc chọc bị gạo, CS lợi dụng tối đa sự chia rẽ của người Việt Quốc gia để tạo phân hoá nghi kỵ. BÐMT được đề cập có khi hàng tuần, hàng tháng trên các diễn đàn, được tranh cãi, chỉ trích chửi bới nhau giữa các độc giả hay tranh cãi, dĩ nhiên trong đó CS giả vờ đóng vai độc giả để chửi bới bên kia, đâm bị thóc chọc bị gạo chia rẽ cả hai bên.

Việc ông Liên Thành đem chuyện xưa viết hồi ký không có gì là sai trái, đó là quyền tự do cá nhân của ông, nếu như ông có quảng cáo tối đa tác phẩm BÐMT của ông để bán lấy nhiều tiền hay để đánh bong, khoe khoang cho cá nhân ông thì cũng là quyền của ông. Nhưng vấn đề chúng tôi muốn nói ở đây là tác phẩm của ông nay gây quá nhiều tranh cãi, chia rẽ nặng nề trong cộng đồng Hải ngoại, dù là vô tình hay cố ý nó cũng không có lợi cho chúng ta trong lúc này. Ông LT là người Quốc gia chắc cũng biết rằng xáo trộn chia rẽ là có lợi cho CS, họ chỉ trông đợi có thế như vậy dù việc gây xáo trộn do vô tình hay cố ý chúng ta cũng đều nên tránh né.

Tôi thiết nghĩ tác phẩm của ông nay đã tới tay nhiều người đọc, ông đã bán được khá nhiều sách, ông đã từ một người vô danh tiểu tốt không ai biết tới trở thành nhân vật nổi tiếng và như thế chúng tôi nghĩ cũng là được quá rồi. Có lẽ ông nên thôi ra mắt sách, thôi lên các diễn đàn trả lời người đọc vì gần đây ông ra mắt sách tại Bắc Cali mới khiến cho một người lên tiếng phản bác cuốn sách của ông trên diễn đàn gây lên nhiều tranh cãi chia rẽ như họ đã làm trên các trang diễn đàn khác. Có lẽ là người Quốc gia ông nên nghĩ tới quyền lợi của cộng đồng để phục vụ công cuộc tranh đấu chung của người Việt hải ngoại hơn là đi tranh luận đỏ mặt, tía tai về những chuyện ruồi bu, cũ rích.

Ông LT là nhân chứng lịch sử nhưng không có nghĩa tất cả những điều ông kể lại đều được người ta tin hết, người đọc họ cũng không ngây thơ như vậy đâu.

Trong cuộc phỏng vấn của ông Lâm Lễ Trinh, ông Cao Văn Viên đã kết luận.

“Xin đừng xem những lời của tôi là lịch sử. Mỗi người giải thích sự thật theo lối riêng, như trong phim ‘Rashomon’. Một trăm nhân chứng, một trăm sự thật. Ðịnh kiến làm cho lịch sử sai lệch. Tôi chỉ tâm tình với lòng thành. Hãy để cho hậu thế lượng định và phán xét”
(Lâm Lễ Trinh, Về Nguồn, trang 276.)

Trong phim Rashomon (Nhật, 1951), cái chết của một hiệp sĩ trong rừng đã được năm người nhân chứng khai khác nhau, không biết đâu là sự thực. Ngay như giữa hai ông cựu tướng Cao Văn Viên và Ngô Quang Trưởng khi kể lại tình hình tháng 3-1975 cũng đã có sự khác biệt rõ rệt. Ông Trưởng nói ngày 13-3-1975 ông được triệu về Sài Gòn, tại dinh Ðộc Lập chỉ có một mình ông vào gặp Tổng thống và Thủ tướng và Tổng thống Thiệu buộc ông phải rút bỏ Quân đoàn I ngay hôm 13-3-1975. Ông Cao Văn Viên lại nói buổi họp ngày 13-3 có Tổng thống, Thủ tướng , Trung Tướng Ðặng Văn Quang, ông Cao Văn Viên và hai vị Tư lệnh quân khu III và QK I, ông Thiệu chưa cho lệnh rút quân bất cứ nới nào lúc đó ( 13-3-75).

Chúng tôi nghĩ có lẽ ông Liên Thành nên khiêm tốn như ông Cao Văn Viên, ông không nên quả quyết một cách chắc chắn những sự kiện do mình đã làm nhân chứng, vả lại trong bài CIA Và Các Ông Tướng ông Trần bình Nam có nói.

“Một điều cần nói là không có một tài liệu nào, nhất là tài liệu liên quan đến hoạt động tình báo là hoàn toàn trung thực. Giải mật một tài liệu tự nó cũng có thể là một phần của một chương trình tình báo khác”

Chúng tôi nghĩ có lẽ ông LT nên bớt chỉ trích tố giác người này người nọ vì nó không có lợi cho cá nhân ông, thí dụ như trên Ðàn Chim Việt trong bài nói về Rút bỏ Quân đoàn Một và bài nói về Biến động miền Trung đã có hai nhân chứng là cựu quân nhân rút chạy tại Huế góp ý nói rằng ông Liên Thành tháng 3-1975 đã bỏ một lô đàn em ở Thuận An chạy tháo thân trước và họ đã chỉ trích nặng nề hành động này.

Cộng sản đã được hưởng lợi rất nhiều ở tình hình biến động miền trung năm 1966, nay chúng ta không thể để cho họ lợi dụng Biến Ðộng Miền Trung một lần thứ hai. Cộng đồng người Việt Hải ngoại nay đang có rất nhiều việc trước mắt cần làm như: yểm trợ các nhà đấu tranh dân chủ trong nước, hỗ trợ các tôn giáo tranh đấu cho quyền tự do tín ngưỡng, giúp đỡ thương phế binh VNCH tại Việt Nam, ngăn chận sự xâm nhập của CS nằm vùng vào cộng đồng, biểu tình chống Trung Quốc lấn đất, lấn biển …. ngoài ra chúng ta cần phải đánh giặc chia rẽ.

Trước mắt chúng ta là hằng hà sa số những việc có ý nghĩa cần phải làm cho nhân dân, cho đất nước, việc tranh cãi chửi bới nhau về những chuyện ruồi bu, kiến đậu, xưa như trái đất hơn 40 năm về trước chỉ thêm tốn nước bọt một cách vô ích, nó đã không cần thiết lại có hại cho tình đoàn kết của cộng đồng.

Trọng Ðạt

No comments:

Post a Comment