Wednesday, April 29, 2009

Tuổi trẻ Việt Nam - Lê Nguyễn Huy Trần


Lê Nguyễn Huy Trần

Nhiều người cứ trách rằng thế hệ trẻ Việt Nam thời nay có lối sống buông thả về đạo đức, tư cách, và nhân phẩm. Tôi không phủ định cách nhận xét ấy vì chính bản thân tôi cũng thấy buồn khi những phong tục tập quán và giá trị con Rồng cháu Tiên được xem là niềm tự hào dân tộc ngày càng bị mai một dần, thay vào đó là một nền văn hóa thực dụng.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn đưa ra một số nguyên nhân và luận điểm dẫn đến vấn nạn thiếu ý thức của thanh thiếu niên Việt Nam trong nước qua cái nhìn hạn hẹp của chính tôi. Tâm nguyện của tôi qua bài viết này không phải để bào chữa cho cái nhìn lãnh đạm của tuổi trẻ về hiện tình đất nước mà là mong tìm thấy sự đồng cảm từ các bậc cha ông lão thành, đồng thời có thể giúp các bản trẻ thấu hiểu được sự việc để biết mình cần phải làm gì cho đất nước ngày hôm nay.

Quan hệ nhà nước – xã hội – gia đình đóng một vai trò quan trọng đến cách suy nghĩ và nhận thức của giới trẻ. Một đất nước văn minh sẽ khai thông được tư tuởng và sức sáng tạo trong con người. Nhưng ngược lại, nếu các bạn trẻ được giáo dục và đào tạo dưới một bộ máy “độc quyền, độc Đảng” như Việt Nam hiện nay thì quả thực rất khó có thể tự giác học hỏi những điều mới lạ và hữu hiệu để góp phần xây dựng Tổ quốc. Một chính quyền bạo lực với các ban lãnh đạo thi nhau tham nhũng, đàn áp người dân vô tội, không cho họ lấy một cơ hội “hé răng” than trách nửa lời. Một nhà nước thối nát tận gốc rễ: tự do ngôn luận không có, tự do báo chí không tồn tại, phi dân chủ, vô tôn giáo, và mất nhân quyền. Một xã hội bất công bao gồm các tầng lớp được phân hóa rõ rệt khi có người thì “giàu nứt vách đổ tưởng”, còn người nghèo tận cùng thì chỉ biết nằm chờ chết.

Vậy làm sao gọi là nước “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa” và rồi đặt hết trách nhiệm lên vai của thanh thiếu niên Việt Nam cho một đất nước phát triển trong khi lớp trẻ này sinh ra sau ngày nhà nước bại hoại ấy được thành lập. Bây giờ con người đang sống trong thế kỷ hai mươi mốt – thời đại mà nền kinh tế của một nước là yếu tố chính quyết định sức mạnh và sự phồn vinh của nước ấy đối với những nước khác trên thế giới. Cho nên nhu cầu của con người cũng vì thế mà tăng lên. Ai ai cũng muốn có một cuộc sống đầy đủ về mọi mặt: vật chất lẫn tinh thần, và luôn mang trong người những tham vọng đạt chức danh ông này hay bà nọ để đời.

Thế hệ trẻ Việt Nam đang sống trong thị trường thời mở cửa thì càng bị lôi cuốn với ý nghĩ: một người thật sự thành công chỉ khi nào có địa vị vững vàng trong xã hội. Họ chỉ nhìn vào hình ảnh những người đi trước đã bất chấp mọi thủ đoạn hèn hạ để tiến thân mà không hề hay biết rằng chính họ đang biến bản thân mình trở thành những con người thiếu đạo nghĩa khi nối gót theo các vị tiền bối ấy. Về mối liên hệ với gia đình, giới trẻ cũng không tìm được tiếng nói đồng thuận từ người thân vì khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng bị nới rộng.

Hầu hết các bậc phụ huynh cứ mãi lăn lộn kiếm tiền ngoài xã hội mà quên mất nhiệm vụ cao cả của một người cha, người mẹ. Điều tôi muốn nói ở đây là họ vẫn dành tình thương cho con cái, luôn mong muốn con mình trở thành một người có ích cho xã hội; thế nhưng, do cuộc sống bận rộn hay vì những ngăn cách khác, họ lại thiếu quan tâm đến ý thích, ước mơ cũng như thiếu chia sẻ về thắc mắc của con cái. Đó là một thiếu sót lớn ở cái xã hội mất luân lý này. Chỉ có cha mẹ mới là tác nhân đắc lực trực tiếp giúp trẻ hoàn thiện tam cương, ngũ thường, tam tòng, tứ đức. Nếu như thế hệ 8X, 9X chỉ biết đến trường để bị đầu độc tư tưởng “Bác Hồ là vị cha già dân tộc” hay “Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng” ngay từ thuở nhỏ thì làm sao dễ dàng xóa bỏ được những vết mực dơ đã gieo vào nhiều đầu óc non nớt như trang giấy trắng tinh kia.

Có ai chỉ cho họ dám lên tiếng chống đối Đảng khi thấy đường lối của Đảng là sai? Có ai nói cho họ nghe những sự thật trong quá khứ mà Đảng và nhà nước đã cố tình giấu nhẹm hơn ba thập niên qua? Có ai dạy cho họ phải biết bảo vệ những người dân lành đang bị áp bức bởi công an là kẻ đại diện cho pháp luật? Có ai khuyên nhủ họ cần nhận biết và cảnh tỉnh vận mệnh đất nước đang “ngàn cân treo sợi tóc”? Các bạn trẻ không thể tự tìm hiểu những điều cần phải biết trong khi thông tin truyền thông đại chúng bị gò bó trong khuôn khổ Đảng nói dân nghe. Dù có một số ít hiểu rõ hiện trạng đất nước thì họ cũng không dám để lộ ra tư tưởng mà theo Đảng gọi là “phản động” cho người khác thấy bởi họ sợ liên luỵ đến gia đình và người thân. Họ không can đảm trao đổi cách nghĩ của mình về các vấn đề xã hội “nhạy cảm” với bạn bè đồng trang lứa vì nó như một đề tài xa lạ trong cuộc sống hằng ngày của sinh viên.

Hôm trước, tôi có dịp trò chuyện với một vài người bạn trong nước để hiểu xem các bạn ấy có nhận định gì về tình hình xã hội hiện nay trên đất nước Việt Nam. Có người cho rằng dân Việt Nam nhìn chung là “thụ động và sống lệ thuộc”. Ai cũng chỉ biết “vâng lời” theo nề nếp Đảng Cộng Sản đặt ra để được yên thân. Vì thế nếu có kẻ tìm cách bức ra khỏi lối sống ấy thì được xem là “sâu” tuy “sâu chưa chắc đã hại”. Tôi thấy nếu đã gọi là sâu bọ thì cần phải được loại bỏ nhưng có đáng không khi những người đó không muốn tương lai bị lệ thuộc theo cách sắp xếp của nhà cầm quyền Cộng Sản.

Người khác thì nghĩ “ai cũng làm việc vì bản thân” và khó thay đổi được thực trạng này thì làm sao ý thức đoàn kết dân tộc được đề cao. Vài người còn lại không mấy quan tâm đến hiện tình đau thương của đất nước, con người Việt Nam mà chỉ chú ý “nền kinh tế vừa lạm phát, vừa đình trệ” có ảnh hưởng thế nào đến công ăn việc làm. Qua mấy cuộc nói chuyện ngắn ngủi ấy, tôi cảm thấy rằng xã hội Việt Nam đang nuôi dưỡng thanh thiếu niên trở thành những người công dân chấp nhận sống dưới bóng đen Cộng Sản bởi họ tuyệt đối tin vào luồng thông tin phi thực tế của bộ chính trị đảng hay tiếp nhận các phim ảnh thiếu tính giáo dục được đưa từ ngoài vào. Khi đất nước Việt Nam mở cửa và hội nhập với những nước khác thì cũng chính là lúc tệ nạn xã hội gia tăng. Ngoài học hỏi những điểm tốt từ các nước bạn, giới trẻ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng xấu như bạo lực trong học đường, bất mãn và phản kháng thầy cô, quan hệ bạn bè cởi mở đến mức khó chấp nhận, v.v…

Bên cạnh đó, cách mạng công nghệ kỹ thuật cũng được áp dụng rộng rãi nhưng thiếu kiểm soát làm nhiều bạn trẻ bỏ quá nhiều thời gian vào việc truy cập bậy bạ trên internet hay mê muội game online đến nỗi vô tình quên đi cuộc sống thực tại, quên đi việc học hành, quên đi nghĩa vụ một người chủ tương lai của đất nước. Mấy năm trước nhà nước cho thi hành chính sách xoá nạn mù chữ và tôi không thất vọng khi thấy số lượng sinh viên Đại học tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ khoảng hai trăm ngàn sinh viên học Đại học vào năm 1990, nhưng đến năm 2005 thì con số đã chiếm đến hơn một triệu tư. Thế nhưng nhà nước lại không tích cực giải quyết nạn thất nghiệp lan tràn trên khắp mọi miền nên nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với bằng cấp của mình.

Nếu tuổi trẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn tự lập như một người lớn thực thụ mà không kiếm nổi một bữa “cơm lành, canh ngọt” thì thử hỏi sức lực đâu mà nghĩ đến vận nguy nước nhà. Họ sẽ chán nản và phó mặc cho số phận đưa đẩy. Cuộc đời lại lắm trớ trêu khi nhiều kẻ vô học được gắn mác “con ông cháu cha” lại phè phởn với những cuộc ăn chơi trác táng, lại ngạo nghễ trên nỗi đau nhân loại. Đấy là những thành phần làm ô uế một tập thể chung khiến mọi người có cái nhìn thiếu thiện cảm về tuổi trẻ Việt Nam. Nhiều người cho rằng tôi đang bênh vực cho thế hệ thanh thiếu niên theo luận điệu cố hữu mà ai cũng biết. Vậy có ai thực sự thông cảm với những gì thế hệ “mắt không thấy, tai không nghe” này phải gánh chịu từ bao biến cố ngày xưa?

Tôi hi vọng người lớn hãy yêu thương và dìu dắt chúng tôi, vạch ra những sai sót và thiếu bản chất sự thật chứ đừng vội trách chúng tôi không xứng đáng là lực lượng thay đổi tương lai đất nước. Nếu giới trẻ được sự hướng dẫn tận tình của những bậc trưởng bối thì tôi tin rằng các bạn ấy sẽ tích cực tiếp thu những lời dạy bổ ích đó.

Tôi đã từng nằm trong hoàn cảnh tù túng dưới bộ máy chính quyền ĐCSVN nên tôi cảm nhận được nỗi bức xúc và sự nặng nề của nhiều người phải cam chịu sống im lặng từng ngày. Thật lòng tôi rất muốn gởi tâm tình của một người con yêu nước đến các bạn trẻ Việt Nam, những người chưa thấy rõ bộ mặt đê hèn và trơ tráo của Đảng ta. Tôi biết nhiều bạn trẻ cũng đang cố gắng chèo lái con thuyền của mình trên đại dương đầy sóng gió cạnh tranh, đầy khó khăn cản trở để hướng đến một chân trời mới. Ai cũng có khát vọng và ấp ủ những hoài bão riêng. Lúc còn ngồi trên chiếc ghế nhà trường, nếu các bạn chỉ biết quyết tâm học thật giỏi mà không màng đến thế sự thì cũng giống như tôi trước kia vậy.

Đến khi bước chân vào đời, các bạn bắt đầu nhận ra sự chèn ép bất công trong lòng xã hội. Có khi nào các bạn tự hỏi những điều oái oăm ấy là do đâu? Các bạn sẽ không tìm được câu trả lời thích đáng nếu các bạn chưa bao giờ biết đến hàng ngàn nỗi đau chua xót xảy ra với đồng bào Việt Nam trong thời gian gần đây. Tôi ghê tởm cái cách nhồi sọ tinh vi thuyết Chủ Nghĩa Cộng Sản và cách che giấu ma mãnh của Đảng đã làm các bạn không thể hiểu rõ thực trạng màn trời chiếu đất của nước nhà trong lúc này. Các bạn không học về biến cố thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế (1968) được xem là nỗi kinh hoàng truyền kiếp bởi vụ giết người hàng loạt, chôn sống tập thể của quân đội Bắc Việt còn tàn độc hơn thời Hít-le. Các bạn không được nghe kể về sự xâm lăng của Trung Cộng khi đánh chiếm đảo Hoàng Sa năm 1974 hay chiến tranh biên giới Việt – Trung vào năm 1979 đã hi sinh biết bao nhiêu chiến sĩ hải quân. Các bạn không được biết chuyện nhà cầm quyền Hà Nội toan phá bỏ những mộ bia của các thuyền nhân năm xưa đi vượt biên tỵ nạn trên đảo Pulau Galang, Nam Dương hay ở một số nơi khác chỉ vì họ muốn che đậy tội lỗi đối với những linh hồn không được siêu thoát sau cuộc chiến.

Các bạn không thấy được chính quyền Cộng Sản thẳng tay đàn áp và bỏ tù những nhà đấu tranh dân chủ như LM Nguyễn Văn Lý, LS Nguyễn Văn Đài, LS Lê Thị Công Nhân, v.v… chỉ vì họ dám đứng lên tranh đấu đòi nhân quyền. Các bạn không ngờ đến việc ĐCSVN đang chứa chấp bọn bá quyền xâm lược Tàu dưới chiêu bài hợp tác khai thác quặng nhôm với Trung Quốc trên vùng Tây Nguyên. Đã có rất nhiều bài viết phân tích về mối nguy hại nghiêm trọng cho môi trường nếu kế hoạch bauxite này được đưa vào hoạt động. Nó không đơn giản chỉ tác hại về kinh tế mà còn cả phương diện xã hội, đời sống, và chính trị khi sự diệt vong của một đất nước đang ở mức báo động. Nhiều dư luận đã lên tiếng phản đối dự án ngu ngốc này của ĐCS nhưng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn phớt lờ tất cả để tiếp tục nối giáo cho giặc. Thật ra, các nhà lãnh đạo nước CHXHCNVN chỉ là bọn bù nhìn đang bị quản thúc dưới tay đàn anh Trung Cộng. Các bạn là những người sáng suốt phải nhìn thấu được điều này và cần biết nên làm gì để hoàn thành sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc.

Đảng cầm quyền Việt Nam đang bóp chết mọi hi vọng và ước mơ của thế hệ chúng ta khi dập tắt những cuộc HSSV biểu tình chống sự xâm lấn của giặc Tàu. Thành phần buôn dân bán nước này cần phải được triệt hạ trước khi chúng dâng hiến toàn bộ giang sơn Việt Nam cho bọn bành trướng Trung Cộng. Tình thế nguy ngập của nước nhà không cho phép tuổi trẻ Việt Nam ngồi yên chịu đựng cái nhục quốc thể. Bây giờ là thời điểm để mỗi người chúng ta góp một bàn tay đấu tranh cho quê hương thoát khỏi ách nô lệ ngoại bang. Bọn xâm lược Tàu Cộng đã không cho chúng ta quyền tự trị trên mảnh đất Việt Nam thân yêu. Vì thế chúng ta không thể dễ dàng khuất phục cho bọn chúng cai trị dân tộc Việt Nam ta – một dân tộc ngàn đời hiển danh quật cường.

Các bạn đừng phí phạm thời gian cho các cuộc tụ tập vui chơi vô bổ mà hãy dành giây phút vàng bạc đó để tìm hiểu sự thật về tất cả tội ác của chế độ Cộng Sản đã gây ra, về những uẩn khúc lịch sử đang chờ các bạn làm sáng tỏ. Hãy mạnh dạn nói lên những suy nghĩ và ước nguyện của các bạn cho một tương lai nước Việt giàu mạnh. Hãy chia sẽ những tâm tư và trăn trở của các bạn với những bạn trẻ khác để ý thức dân tộc được nâng cao. Hãy chấm dứt sự si mê ngu muội mà Đảng CSVN đang cố tình nhồi nhét vào não bộ các bạn. Chúng ta biết tìm tòi và học hỏi để hướng đến chân – thiện – mỹ chứ không nên chịu sự sai khiến của đám lãnh đạo nhà nước ngu si và bảo thủ. Các bạn không thể tự chủ trên một đất nước không có dân chủ.

Các bạn không thể tồn tại trong một xã hội không có công bằng. Đất nước Việt Nam đang cần các bạn. Một mình tôi không thể làm gì, một nhóm người lẻ tẻ cũng không đủ khả năng giải cứu non sông, nhưng cùng với toàn dân Việt Nam trên khắp năm châu bốn bể, chúng ta sẽ xây dựng lại một quê hương tự do, ấm no và thanh bình.

Hỡi tuổi trẻ Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau đứng dậy!

Lê Nguyễn Huy Trần


No comments:

Post a Comment