Saturday, April 18, 2009

Thấy Gì Qua Đoạn Phim Thuyền Nhân Trên Đài CBS Chiếu Vào Cuối Tháng 6 Năm 1979? - Nguyễn Thị Mầu Tím

Nguyễn Thị Mầu Tím


(1) Gia đình vượt biển đi tìm tự do (2) Mẹ khóc cho các con và đất nước


(3) Tuổi thơ VN sau hàng kẽm gai (4) Cuộc sống dân nghèo dưới chế độ CS



http://www.cbsnews.com/video/watch/?id=4462053http://www.cbsnews.com/video/watch/?id=4462053

Trưa này được xem một đoạn phim chuyển đến từ một người bạn. Sững người và bất ngờ với các hình ảnh trên film, những hình ảnh mà đã gợi đến cho tôi một cái gì mà tôi không nghĩ là sẽ có bao giờ muốn thấy lại. Tôi bất chợt òa khóc theo những âm thanh ồn ào phát ra từ màn ảnh nhỏ. Đoạn phim này là một clip video của đài truyền hình CBS, thâu vào cuối tháng 6 năm 1979 về các “thuyền nhân Việt Nam hay boat people, ” cho thấy cảnh một con tầu nhỏ đầy người là người, các thuyền nhân đứng chen chúc, rướn mình, đu người trên thân tầu, vẫy tay reo hò mừng rỡ khi thấy người và bến bờ, khiến cho con tầu nhỏ đã lắc lư lại càng lắc lư thêm khi tiến gần vào bờ biển Malaysia.

Hình ảnh con tầu vừa tấp gần, những người trên tầu lao xuống nước. Những phụ nữ và trẻ em yếu sức được những thuyền nhân vượt biển đến trước, chạy ra đón, dìu, đưa vào trong bờ trông thật là cảm động. Trong số những người giúp dìu các thuyền nhân vào bờ, đã có ký giả Ed Bradleys của đài truyền hình CBS. Nhóm người vượt biển đầy may mắn này, những người mà được thế giới gọi chung tên “Boat People,” tuy nhiên đã không thấy tiều tụy lắm như một số những người vượt biển khác. Có lẽ nhóm người này họ may mắn không phải trải qua những ngày tháng dài quằn quại trên biển cả như một số những thuyền nhân khác.

Nói chung tuy nhiên, dù may mắn hay kém may mắn, những “Boat people" Việt Nam này đều đã có cho mình một quyết định can đảm giữa cái sống và cái chết. Bởi vì trước khi rời Việt Nam đi tìm tự do, những người vượt biển đều không biết những gì sẽ xẩy đến cho họ: hoặc là họ sẽ phải chết trên biển cả vì đói khát và sóng dữ; hoặc là họ và gia đình sẽ bị hải tặc Thái Lan chém giết, chặt đầu chặt tay, để cướp nữ trang; hoặc bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp, vân vân, nhưng họ vẫn quyết định ra đi bởi vì bên cạnh những sự nguy hiểm thấy trước, họ vẫn có một tia hy vọng nhỏ, là nếu thoát được những hiểm nguy và sống sót, họ và gia đình có thể sẽ có một tương lai an bình, hạnh phúc trên một đất nước tự do dân chủ, có nhân bản, có tình người. Còn hơn là họ phải sống dưới một chế độ cộng sản đầy những sự giả dối “Nhân Dân Làm Chủ, Nhà Nước Quản Lý, Đảng là Công Bộc” nhưng trong thực tế nhân dân chỉ là những đàn cừu được chăn dắt bởi đảng và nhà nước CSVN. Cuộc sống dưới chế độ là những ngày tháng lăn xả trong sự lọc lừa, hung bạo, tàn nhẫn, đạp lên nhau mà sống. Các cán bộ đảng viên đa số thì tham nhũng, háo sắc. Thông tin chỉ là để phục vụ cho giai cấp thống trị cho nên luôn luôn bưng bít sự thật. Tin tức thì chỉ được tuyên truyền một chiều, hầu ngu dân dễ trị. Giáo dục thì vừa tạo ra những thế hệ bù nhìn, bạc nhược, vừa hình thành ra một guồng máy tay sai đắc lực. Dưới chế độ Cộng sản Việt Nam đó, người dân khắp nơi đã phải cay đắng thốt lên câu là nếu có điều kiện thì “cái cột đèn cũng phải ra đi.”

Chỉ có mươi phút nhưng đoạn băng của đài CBS đã lôi tôi trở về một quá khứ những tưởng đã quên hay không muốn nhớ vì những ký ức kinh hoàng. Đoạn phim đã khiến cho tôi vô cùng xúc động. Bao hình ảnh cũ ùa về. Nước mắt lăn tuôn. Từ đáy lòng tiếng òa bật vỡ. Tôi thấy lại hình ảnh của tôi được khiêng xuống nằm trong một khoanh nhỏ dưới góc hầm tầu, rã rời, thiêm thiếp, môi sưng vều, mặt nhợt nhạt vì đói, vì khát, vì sức nóng gay hắt, dữ đội của không gian đại dương. Tôi lại thấy tôi mất sức, nằm bất động trên bong tầu, không còn thấy đói khát mà chỉ tha thiết nhớ về quá khứ, không còn sợ chết mà chỉ thấy ăn năn về những hành động vô tình nếu có, đã gây ra sự buồn tâm cho mẹ, cho gia đình anh chị em, và bạn bè thân hữu …. Nhìn những mảnh ván, những vật dụng cá nhân, những con búp bê nổi trên mặt nước, tôi hiểu được trước sau rồi sự chết cũng sẽ tới. Những con chim bay lượn trên cao, có lẽ chúng đang chờ một xác người lại được thả xuống biển thủy táng. Trong tiếng rì rào của gió biển, tôi bất chợt bật oà tiếng gọi ... Mẹ ơi… và trong khoảng khắc nhớ đến mẹ thật nhiều, hiểu được những hy sinh cao cả của mẹ tôi đối với anh em chúng tôi. Ôi những bà mẹ VN, thật là đáng kính.
    Mẹ bóc cho con chiếc bánh chưng
    Con ăn no dạ kẻo đói lòng
    Mai đây cách biệt đường muôn lối
    Thương nhớ chỉ còn trong giấc mơ
Đã 34 năm trôi qua, chế độ CSVN cho đến ngày hôm nay với người Việt Nam vẫn là một chế độ phi nhân phi nghĩa. Từ khi cướp được miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước, lãnh đạo cộng sản miền Bắc đã không đem đến một điều gì tốt đẹp cho dân tộc. Sự thay đổi nếu có thì chỉ với những cán bộ đảng viên hay người dân từ các vùng do cộng sản cai trị vốn sống nghèo khổ, lại được tuyên truyền là người dân miền Nam dưới chế độ Mỹ Ngụy cũng đã phải ăn cơm bằng gáo dừa, phụ nữ thì bị hà hiếp, thanh niên thì bị bắt đi chiến trường phục vụ cho tham vọng đế quốc Mỹ, nhà cửa miền Nam điêu tàn dột nát, nhưng chừng thấy ra không phải là như thế. Và họ tuy nhiên, một cách thản nhiên, đã quên đi những lừa gạt của các lãnh đạo CS, để mà, những gì lấy được, cướp được, từ những người dân miền Nam thua trận thì cũng cứ lấy. Để rồi đến ngày hôm nay, bản thân họ và gia đình họ lại bị chính chế độ tham nhũng hiện hành bóc lột và cướp đoạt.

Đó là về dân, còn về lãnh đạo CSVN thì ngoài những sự lường gạt người dân miền Bắc để khiến bao thanh niên thanh nữ phải oan uổng hy sinh cho một cuộc chiến đấu vô nghĩa, sự thành công của đảng CS và nhà nước CSVN là để phục vụ cho một thế giới đại đồng cộng sản và giai cấp lãnh đạo chứ không phải cho dân tộc. Nói đến chế độ CSVN hiện hành, người Việt nghĩ ngay đến một thể chế tham nhũng, biến thái, độc tài, dâng đất, dâng biển cho ngoại bang. Chế độ đó đã tiêu diệt các tinh hoa, văn hóa nước nhà cùng lúc thâu nhận những cái xấu của người. Trong khoảng trên dưới một thập niên gọi là đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam tràn ngập phong cách sinh hoạt đồi trụy, sa đọa phi nhân, của những xã hội tư bản Tây phương vật chất lâu đời nhất, bóp nghẹt mọi cơ hội đi lên của dân tộc.

34 năm đi qua, đau đớn, nổi trôi cùng vận nước. Tóc nay đã bạc. Nhưng mừng thay thế hệ tiếp nối hải ngoại đã được nhìn thấy. Cộng đồng người Việt hải ngoại đã có những dấu hiệu phát triển vững mạnh, đã học hỏi từ bài học quá khứ và cùng hướng về phía trước trong tinh thần quật cường độc lập, sẵn sàng góp tay trong mục tiêu chấm dứt chế độ Cộng sản biến thái, tự do dân chủ nước nhà. Còn trong nước, biết đến bao giờ người Việt mới thật sự thấy được vấn đề, mới can đảm đứng lên đòi lại phẩm giá con người Việt Nam đã bị chà đạp từ khi chế độ CS lên nắm quyền? Đến bao giờ VN mới thật sự chấm dứt được các thảm nạn mua bán tình dục tuổi thơ và phụ nữ VN cũng như xuất cảng tuổi trẻ VN ra ngoại quốc làm tôi tớ cho người, để chính phủ thâu thuế trên mồ hôi nước mắt của dân?

Nguyễn Thị Mầu Tím
Tháng Tư Đen, ngày 16 tháng 4 năm 2009


No comments:

Post a Comment