Saturday, April 11, 2009

Hoàng Sa, 35 năm sau - Lương Văn Phước

Lương Văn Phước

Khai hỏa

Ngày 19 tháng giêng năm 1974, hồi 10 giờ 24 phút sáng, Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ 10 bắn một viên đạn đại bác 76 ly theo lệnh của HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc. Tiếng súng từ HQ 10 là lệnh khai hỏa, và bốn chiến hạm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa đồng loạt nổ súng vào bốn chiến hạm Trung Cộng, trận hải chiến Hoàng Sa bắt đầu. Không có vẻ gì là bị bật ngờ, các tàu Trung Cộng cũng đã bắn trả dữ dội vào các tàu ta.

Trung Cộng không bất ngờ vì đã bắn trước.

Chúng tôi nói là Trung Cộng không bị bất ngờ, bởi vì chính họ đã đến Hoàng Sa gây hấn, và đã nổ súng trước trên đảo vào toán Ngưới Nhái, lúc đó vào khoảng 9 giờ sáng cùng ngày, làm HQ Trung Úy Lê Văn Đơn, Trung Sĩ NN Đinh Hữu Từ, Hạ Sĩ NN Đỗ Văn Long, Hạ Sĩ NN Nguyễn Văn Tiến tử thương, Khi chúng đã gây thương vong cho ta, thì dĩ nhiên chúng đã phải nghĩ đến việc bị ta trả đũa. Trong trận Hoàng Sa, địch bắn trước trên bờ, và ta đã phản công trên biển.

Tương quan lực lượng

HQ VNCH đã khai hỏa trận hải chiến dù biết rất rõ là lực lượng ta chỉ có vậy, chỉ có những đơn vị hiện có mặt tại chiến trường. Các chiến hạm tiếp viện thì còn ở rất xa không thể đến Hoàng Sa kịp thời. Các phi đoàn F5 và A37 của KQVN tuy túc trực ở Đà Nẵng, nhưng những loại phi cơ này không thể bay tới Hoàng Sa. Kế hoạch dùng dương vận hạm (LST) làm bãi đáp cho trực thăng cũng không được thực hiện. Tóm lại HQVN không có không trợ, cũng như không có sự yểm trợ nào khác tại Hoàng Sa.
Lực lượng trừ bị Trung Cộng gồm nhiều phi cơ MIG đủ loại và nhiều chiến hạm phóng hỏa tiễn, đặc biệt là Khinh tốc đỉnh Komar với vận tốc cực nhanh, trang bị hỏa tiễn có thể bắn trúng mục tiêu cách xa vài chục cây số.

Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ 5

Trận đấu pháo giữa bốn chiến hạm HQ VNCH và bốn chiến hạm Trung Cộng kết thúc vào khoảng 11 giở, sau 36 phút giao chiến. Ba mươi sáu phút trong cơn mưa đại pháo, quả là một thời khoảng dài đằng đẵng.

Sau 36 phút đó, 3 chiến hạm của TC bị loại khỏi vòng chiến.

Về phía ta, HQ 10 chìm, HQ 16 bị thiệt hại nặng, HQ 4 bị thiệt hại nhẹ.

Riêng HQ 5, chiến hạm đã chiến đấu thật hữu hiệu trong cuộc giao tranh. Trong 15 phút đầu, chưa kể các súng 40 ly, 20 ly, chỉ riêng khẩu đại bác 127 ly đã bắn được trên 100 quả. Vào lúc này, HQ 10 đang chìm, HQ 16 đang lâm vào tình trạng nguy ngập, trên HQ 4, đại bác 76 ly tự động lai bị trở ngại và có nhịp bắn quá chậm, nên các chiến hạm Trung Công dốc toàn lực tấn công HQ 5. Pháo tháp 127 ly trúng đạn, làm chết trưởng khẩu, nhiều pháo thủ bị thương, hệ thống vận hành thủy lực bị tê liệt. Rồi hệ thống giải nhiệt của súng 40 ly đôi bị hư hỏng, rồi súng 40 ly đơn ở sân sau bị trúng dạn. Trong khi dó vỏ tàu bị lủng một lỗ lớn dài 3ft rộng 5 ft. Văn phòng cơ khí bị trúng đan 100 ly, vài đám cháy xảy ra trên chiến hạm. Hầm đạn 127 ly phải dược làm ngập nước để tránh bị phát nổ. Trung tâm truyền tin cũng bị trúng đạn 100 ly khiến HQ 5 mất liên lạc với các đơn vị bạn

Nhờ sự bình tỉnh và hiểu biết tường tận vế kiến trúc chiến hạm của Cơ Khí Trưởng HQ Thiếu Tá Trần Đắc Nguyền; nhờ sư lanh lẹ, kinh nghiệm và tận tụy của toàn thể nhân viên Cơ Khí, Điện Khí và Phòng Tai mà những thiệt hại đã được cưú chữa kịp thời, không lan rộng thành những nguy cơ trầm trọng, và sau đó, HQ 5 đã phục hồi khả năng tác chiến nhanh chóng. Nhân viên Vô Tuyến và Điện Tử cũng đã cấp thời thiết trí hệ thống ăng ten tạm để chiến hạm có thể liên lạc trở lại với các đon vị bạn và Bộ Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải.

Sau khi truyền tin được tái lập, HQ 4 và HQ 5 được lệnh trở lại Hoàng Sa để cứu vớt các toán đào thoát và để tiếp tục giao chiến, và nếu cùng kiệt, sẽ ủi bãi để dùng thân xác làm chứng tích cho chủ quyền lãnh thổ. Cả hai chiến hạm lập tức quay trở lại vùng Hoàng Sa, nhân viên trên HQ 5 vẫn bình tĩnh chu toàn nhiệm vụ của mình tại nhiệm sở. Nhưng độ nửa giờ sau, lệnh này được hủy bỏ, chúng tôi nghĩ rằng phải do một chức quyến cao cấp hơn BTL Hải Quân. Hạm Trưởng cho HQ 5 giải tán nhiệm sở tác chiến lúc 15:00, và cùng HQ 4 trở về Đà Nẵng. Vế nhân mạng, 3 chiến sĩ của HQ 5 đã hy sinh trong trận hải chiến: HQ Trung Úy Nguyễn Văn Đồng, xuất thân Khóa 25 VBQG Đà Lạt, là Trưởng Ngành Trọng Pháo, là trưởng khẩu 127 ly; Trung Sĩ I TP Phạm Ngọc Quang, phụ tá ngành TP; và Thượng Sĩ I Điện Tử Nguyễn Phú Hảo, phụ tá ngành Điện Tử.

Chúng tôi xin dâng nén hương lòng lên anh linh của 3 đồng đội đã hy sinh tại Hoàng Sa và hương linh của HQ Đại Tá Hà Văn Ngạc đã từ trần tại Hoa Kỳ vào ngày 12 tháng 2 năm 1999.

Chúng tôi cũng xin gửi lời chào kính mến đến Hạm Trưởng, Hạm Phó và toàn thể quý chiến hữu thủy thủ đoàn Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ 5.

Tại sao chúng ta phải giành lại Hoàng Sa và Trường Sa?

Những tử sĩ đã anh dũng đền nợ nước, chúng tôi những người còn sống đến ngày hôm nay, luôn luôn canh cánh bên lòng một mối trăn trở mình đã không hoàn thành sứ mạng. Ba mươi lăm năm đã qua, nếu quốc gia Việt Nam hùng mạnh, lãnh thổ, lãnh hải được bảo vệ vẹn toàn, nếu đồng bào trong nước được sống an vui trong một xã hội mà quyền làm người được tôn trọng, trong tự do, trong một nền dân chủ thượng tôn pháp luật, thì chúng tôi cũng an lòng tự mình phai mờ theo năm tháng.

Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Dựa vào công hàm bán nước của Phạm Văn Đòng ngày 14 tháng 9 năm 1958, bá quyền Trung Cộng đã dùng mọi phương thức để khẳng định rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng. Có thể nào dân tộc Việt Nam làm ngơ chấp nhận, hay hỏi một cách khác, tại sao chúng ta nhất định phải bảo vệ và dành lại Hoàng Sa và Trường Sa. Thông thường, những câu trả lời thường nhắc tới vị trí chiến lược của hai quần đảo này trên Biển Đông, tới tài nguyên thiên nhiên nằm dưới thềm lục địa, nhưng trên hết, cũng như đối với Ải Nam Quan, chúng ta phải dành lại Ải Nam Quan vì đó là biểu tượng thiêng liêng cho cuộc đấu tranh dành tự chủ độc lập của dân tộc, chúng ta phải dành lại Hoàng Sa, Trường Sa vì quân xâm lăng sẽ không dừng lại ở đó nếu chúng ta khiếp nhược đầu hảng. Sự nhịn nhục cam chịu của Âu Châu trong thời kỳ tiền đệ nhị thế chiến, đã thêm dầu vào ngọn lửa cuồng vọng của Hitler; sự đầu hàng triều cống của cộng sản Việt Nam đang làm cho Trung Cộng thêm hung hãn.

Dã tâm xâm lăng của TC

Quả thực như vậy, gần đây Trung Cộng đã không cần che đậy dã tâm chiếm đoạt lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam và bành trường thế lực trên Biển Đông. Họ đã và đang tấn công trên mọi phương diện bao gồm hành chánh, quân sự, ngoại giao và kinh tế:

Trung Cộng đã bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào một đơn vị hành chánh của Trung Quốc, gọi là Huyện Tam Sa. Đây là lời tuyên bố thật rõ ràng với chính quyền Hà Nội: Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Cộng.

Trung Cộng đã dựa vào chuyện rước đuốc Thế Vận Hội, để đưa một đoàn quân cò quạt nghênh ngang vào Thành Phố Sài Gòn đúng vào ngày 29 tháng tư. Rõ ràng là Trung Cộng muốn nhắc nhở cho Cộng Sản Viêt Nam nhớ rằng chính nhờ sự giúp đỡ, viện trợ của Trung Cộng mà CSVN mới chiếm được miền Nam. Bây giờ, muốn được tồn tại, CSVN cũng lại phải nhờ đến Trung Cộng. Ơn nghĩa phải nhớ, nợ nần phải trả, số phận của CSVN đang ở trong tay Trung Cộng.

Trung Cộng đã và đang áp lực các hãng dầu lớn, như hãng British Petroleum của Anh, hãng Exxon Mobile của Mỹ, hay một chiếc tàu tìm mỏ dầu của Na Uy, làm việc cho một hãng của Nga phải từ bỏ việc hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác dầu hỏa ở Biển Đông. Trung Cộng đang lớn tiếng chứng tỏ với quốc tế rằng chủ quyền của họ bao trùm Hoàng Sa, Trường Sa,và phần lớn Biển Đông.
Trung Cộng càng hung hăng, thì CSVN càng khiếp nhược, như khi bị ép buộc phải đón tiếp chiến hạm Trịnh Hòa vào Đà Nẵng, chúng đã chỉ thị cho các cơ quan truyền thông của chúng chỉ được “tuyên truyền chừng mực, không ồn ào”, và phải dùng cái tên xa lạ Zheng He, tránh cái tên Trịnh Hòa, hầu tránh sự chú ý của người dân trong nước.

Còn nữa, ông Lê Công Phụng, đại sứ của Hà Nội tại Hoa Kỳ, nguyên là trưởng ban đàm phán về biên giới với Bắc Kinh, đã tuyên bố “Sống bên cạnh nước lớn thì phải biết cách sống. Đây là kinh nghiệm của ông cha sống bên cạnh xứ láng giềng lớn, thì mình phải học theo các cụ”. Tôi không hiểu ông Lê Công Phụng nói đến ông cha nào, chắc là Hồ Chí Minh, hay Phạm Văn Đồng, người đã ký công hàm dâng biển dâng đảo. Còn tổ tiên của dân tộc Việt Nam:

Lý Thường Kiệt đã đánh đuổi quân nhà Tống
Ngô Quyền đã dẹp tan quân Nam Hán
Trần Hưng Đạo ba lần đại phá quân Nguyên
Bình Định Vương Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh
Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh.

Các thế hệ tiếp nối, từ triều đình quân tướng đến thân hào nhân sĩ thứ dân, đều đã quật cường nêu cao ngọn cờ tự chủ.

Hơn nửa, bây giờ đâu phải là thời Trung Cổ, bây giờ thông tin nhanh chóng, loài người đã biết tôn trọng lẽ phải và sự công bằng. Những chính phủ lên cầm quyền một cách hợp pháp, theo các nguyên tắc dân chủ, đều đối xử với nhau tương kính, binh đẳng. Chẳng qua, CSVN nhờ Trung Cộng mà chiếm được quyền lãnh đạo, dựa vào Trung Cộng để tiếp tục nắm giữ địa vị, đàn áp những nhà dân chủ, bòn rút tài nguyên quốc gia, mới phải khiếp nhược trước Trung Cộng. Vì thế, …

Chúng ta không mong gì đảng CSVN bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ. Công việc này là trách nhiệm chung của dân tộc Việt Nam, ở trong hay ngoài nước.

Đồng bào trong nước đã đứng lên. Nhà báo Điếu Cày và sinh viên học sinh Sài Gòn đã đứng lên. Cô Phạm Thanh Nghiên ỏ Hà Nội đã tố cáo Phạm Văn Đồng và bức công hàm dâng biển, dâng đảo cho Trung Cộng 50 năm về trước, và cô đã bị giam. Thày giáo Vũ Hùng ở Hà Tây cũng đã bị bắt vì tham gia các hoạt động chống bá quyền Trung Cộng.

Đồng bào trong nước, tay không tất sắt, đang dũng cảm nói lên tiếng nói của lương tâm. Cho nên, sống tự do an lành nơi hải ngoại, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm được để yểm trợ các nhà tranh đấu trong nước.
Ít nhất, chúng ta phải làm ba điều:

1. Thứ nhất, và rất quan trọng: Chúng ta phải để cho giới trẻ gánh vác cuộc tranh đấu nầy. Chúng ta phải tín cẩn và tin tưởng nơi người trẻ tuổi. Mặt trận chính của người Việt hải ngoại trong cuộc chiến này là báo chí, luật pháp và ngoại giao. Những thế hệ Việt Nam được gầy dựng trong nền giáo dục ở hải ngoại có thừa khả năng để hoạt động trong những lãnh vực này. Với người tuổi trẻ, chúng ta phải vạch rõ nguồn gốc của vấn đề, chúng ta phải thuyết phục họ đứng về chính nghĩa, chúng ta thúc đẩy họ hành động và tạo cơ hôi cho họ phát triển tài năng. Trong ý nghĩ này, chúng tôi rất vui mừng nhận thấy trong hội trường có nhièu khuôn mặt trẻ, có đại diện của Tổng Hội Sinh Viên New England, có đại diện của Đoàn Thanh Thiếu Niên Hướng Việt Thành Phố Worcester. Những người trẻ tuổi nầy đang nối tiếp chúng ta làm tròn sứ mạng.

2. Thứ hai, chúng ta phải liên tục phản kháng, thưa kiện việc xâm lăng của Trung Cộng với những cơ chế luật pháp và dư luận quốc tế. Đừng để việc Trung Cộng chiếm giữ đất đai, hải đảo của ta trở thành chuyện đã rồi. Danh từ luật pháp là Quyền Thủ Đắc - Adverse Possession. Chi tiêt chuyên môn chúng tôi xin nhờ đến các luật gia, ở đây chỉ xin nêu lên rằng trong quốc tế công pháp cũng có môt nguyên tắc tương tự như nguyên tắc giải quyết sự tranh dành đất đai của hai người hàng xóm, nghĩa là, nếu ngưới láng giềng cùa ta lấn đất, mà ta không tranh cãi, thưa kiện, xây dựng cái gì đó để chứng tỏ quyền sở hữu trong vòng một thời gian nhất định, thì ta sẽ mất mảnh đất đó.

3. Thứ ba, chúng ta phải tích cực yểm trợ các nhà đấu tranh trong nước, đang tranh đấu cho dân chủ, tự do, nhân quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ trong nước. Sự yểm trợ của chúng ta phải thiết thực và cụ thể. Chúng ta kêu gọi các tổ chức quốc tế, các chính quyền dân chủ bảo vệ sự an nguy của họ, chúng ta tiếp tay, tiếp sức phổ biến tư tưởng và họat động đấu tranh của họ đến mọi người dân trong nước, chúng ta phải đóng góp tiến bạc và vật dụng để họ có phương tiện hành động.
Ngoài ra, hiện tại giới trè ở Michigan phát động chiến dịch Tháng Tư Đen. Họ kêu gọi chúng ta không về VN, không gửi tiền về VN trong tháng tư năm 2009. Mục tiêu là để đòi hỏi CSVN phải trả tự do cho những tù nhân lương tâm, như LM Nguễn Văn Lý, LS Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, và nhiều người nữa. Chúng tôi kính mong quý vị hổ trợ mạnh mẽ và hưởng ứng chiến dịch này.

Khi nào giành lại được Hoàng Sa – Trường Sa.

Chúng tôi vững tin rằng một ngày không xa nữa, nhân dân Việt Nam sẽ lật đổ bạo quyền CSVN để hồi phục dân chủ, tự do, nhân quyền về trên quê hương. Ngày đó, quốc gia Việt Nam sẽ được đại diện bởi một chính quyền thực sự dân chủ, được sự ủng hộ của đa số dân chúng và được sự kính nể của cộng đồng quốc tế. Quốc Gia Việt Nam sẽ hưng thịnh, với quân đội hùng mạnh. Ngày đó dân tộc Việt Nam tự do sẽ ngồi ngang hàng với Trung Cộng để đòi lại Ải Nam Quan và 700 km2 đất đai dọc theo biên giới Hoa-Việt; sẽ đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa và 10,000 km2 trên Biển Đông.

Chúng tôi không phải là một nhà hùng biện chuyên nghiệp, chúng tôi chỉ là một quân nhân, hầu hết đời lính chiến đấu trong sông ngoài biển, nay dàn trải tấm lòng mình qua những lời mộc mạc chân tình, nếu có điều gì sơ xuất xin quý vị rộng lương tha thứ. Chúng tôi xin kính chúc quý đọc giả khỏe mạnh, muôn điều như ý, vạn sự lành trong năm mới.

17-01-2009
Lương Văn Phước
(Phát biểu trong lễ Tưởng Niệm 35 Năm Hải Chiến Hoàng Sa tại Boston 1-17-09)



No comments:

Post a Comment